Chối bỏ con thơ vì vợ mang căn bệnh tử thần
Dưới cái nắng chói chang của miền đất Tây Ninh, chúng tôi tìm đến nơi ở của mẹ con cô giáo Võ Thị Mến ở ấp Ninh Lộc, xã Ninh Sơn, Thị xã Tây Ninh. Trong nhà căn nhà mục nát và chắp vá, đập vào mắt chúng tôi một hình ảnh nát lòng – một đứa trẻ chưa tròn 5 tuổi đang đút từng thìa cơm cho người mẹ nằm thoi thóp trên chiếc võng cũ. Thấy khách đến, đứa bé mặc bộ đồ lấm lem vội khoanh tay lễ phép cúi chào rồi quay lại tiếp tục đút cơm cho mẹ.
Bé Trường đút cơm cho mẹ một cách thuần thục khi em chỉ mới gần 5 tuổi |
Không khí tĩnh lặng buổi trưa bị phá tan bởi tiếng khóc nghẹn ngào của cô Mến khi vô tình chúng tôi hỏi đến cha bé Trường.
Do hoàn cảnh nghèo khó nên mãi đến năm 40 tuổi cô giáo Mến mới tìm cho mình được hạnh phúc với một người đàn ông góa vợ. Một năm sau (năm 2004), bé Mai Xuân Trường chào đời. Thằng bé kháu khỉnh và giống cha như đúc. Lúc ấy cô cứ tưởng số phận đã mỉm cười với mình.
Nhưng thật éo le, niềm hạnh phúc đó không kéo dài được lâu. Khi bé Trường được hơn 2 tuổi cũng là lúc cô Mến phát hiện mình mang căn bệnh hiểm nghèo.
Năm 2006, cô Mến thấy ngực mình đau buốt, chạy chữa khắp nơi nhưng cũng không tìm ra bệnh. Đến khi xuống bệnh viện ở TPHCM mới rụng rời, cô bị ung thư ngực đã di căn. Cũng lúc ấy, cô chịu thêm một niềm đau còn lớn hơn, người chồng lẳng lặng bỏ đi không một lời từ biệt.
Vừa cho mẹ ăn, bé Trường vừa bóp tay cho mẹ |
Mẹ ốm. Cha bỏ đi. Bé Trường thua thiệt đủ đường. Một năm nay, khi căn bệnh của mẹ trở nên trầm trọng, không thể đi lại, thì tất cả công việc trong nhà đều đến tay chú bé này. Ngày qua ngày, Trường dần quen với công việc nhà và trở thành trụ cột của gia đình khi chưa tròn 5 tuổi.
Chúng tôi hỏi Trường thường làm gì giúp mẹ, bé nhanh nhảu trả lời: “Con biết vo gạo, nấu cơm, nhiều thứ lắm”. Người nhỏ xíu, mỗi lần bắc cơm chú bé phải trèo lên chiếc ghế rồi mới với tay tới chỗ cắm điện. “Thấy con nhỏ tiếp xúc với điện nguy hiểm nhưng cũng đành nhìn con làm vì người không thể ngồi dậy được”, cô Mến thở dài.
Cậu bé 5 tuổi này mấy năm nay đều tự chăm lo cho bản thân mình: tự tắm rửa, tự ăn, tự chơi, tự học. Nhìn chúng bạn được ba mẹ đón đưa, được chơi đủ trò trong trưa nắng, thèm lắm nhưng cu cậu không dám đi chơi xa, chỉ quấn quanh bên mẹ, “ở nhà còn xoa dầu, bóp tay cho mẹ đỡ đau”.
Cô Mến với những tấm bằng chứng nhận lao động giỏi những năm còn đi dạy
|
“Thầy thuốc nhỏ” này còn thuộc nằm lòng những bài thuốc dân gian sắc cho mẹ. Chưa ý thức được mức độ hiểm nghèo của căn bệnh mà mẹ đang mang, Trường chỉ nghĩ “có thuốc cho mẹ uống là khỏi bệnh” nên hằng ngày, khi dì rảnh, Trường lại nhờ dì dắt đi tìm lá thuốc.
“Tội cháu nhất là những khi Tết hoặc Trung thu, nhìn những đứa trẻ khác được bố mẹ chở đi chơi, mua quà. Con mình chỉ biết nhìn theo các bạn…”, cô Mến nghẹn lời. Những lúc như vậy, Trường chỉ ôm mẹ mà nói: “Con không cần quà đâu. Mẹ dành tiền trị hết bệnh, mẹ đừng chết nghe mẹ!”.
Dấu chấm hết cho một có giáo có tâm với nghề
Mười tám năm đứng trên bục giảng, biết bao thế hệ học trò qua lớp của cô.
Suốt 18 năm đi dạy, cô Mến luôn được xếp loại lao động giỏi. Nếu cô dạy thêm 2 năm nữa thì có lẽ nay đã nhận được giấy chứng nhận Nhà giáo ưu tú với 20 năm cống hiến rồi. Ấy vậy mà từ khi nghỉ dạy đến nay đã một năm, cô Mến vẫn chưa nhận được giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm.
Khẽ nén tiếng rên trong những cơn đau giằng xé trong xương trong thịt, cô Mến nghẹn ngào kể lại: Bệnh phát càng nặng, cơn đau dồn dập, chi phí thuốc men tốn kém vô cùng. Cả tháng lương giáo viên không đủ chi cho một lần xuống thành phố trị bệnh. Khối u di căn gây lở loét nên cô đành phải nghỉ dạy.
Bữa cơm của mẹ con bé Trường chỉ có canh và nước tương |
Cắn răng chịu đựng khi cơn đau hành hạ, không kiếm đâu ra tiền chữa trị, cô bấm bụng bán nền nhà nhỏ là chỗ trú mưa nắng của hai mẹ con, được tổng cộng 32 triệu. Nhưng số tiền này cũng nhanh chóng đội nón ra đi theo những đơn thuốc.
Tiền không, nhà cửa không, hai mẹ con dắt díu nhau về tá túc tại nhà người chị thứ hai vốn cũng không gì khá giả hơn.
Trong căn nhà chắp vá, chỗ lành ít hơn chỗ thủng, cô Mến khóc suốt trong buổi trò chuyện cùng chúng tôi. “Nỗi khổ cực, đau đớn của tôi chỉ biết kêu trời cho thấu, nhưng tôi “đi” không đặng, vì bé Trường còn bé quá”…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gởi về: Cô Võ Thị Mến 271/3, ấp Ninh Lộc, Ninh Sơn, TX Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh Điện thọai: 01264902397 |
Chúng tôi ra về trong nỗi day dứt “chết không đặng” của cô giáo Mến và bước chân lon ton gọi với theo của cu Trường “Lần sau xuống, cô chú… cho con… một hình siêu nhân nghen!”
Chút vòi vĩnh rụt rè của “người đàn ông trụ cột” 5 tuổi như lưỡi dao khứa vào lòng chúng tôi.
Đằng sau sự can đảm của “người đàn ông trụ cột” kia, vẫn là tâm hồn của một đứa trẻ…
Theo Dân Trí