Trang chủ Vấn đề hôm nay Nghề Y hiện nay– Một cái nhìn nhân bản về người bác...

Nghề Y hiện nay– Một cái nhìn nhân bản về người bác sĩ

170
0

Có hai ngành thường nhận được sự kính trọng trong xã hội: người dạy học luôn được gọi là “thầy”, người chữa bệnh được gọi là “bác sĩ”, đặt một cách trân trọng trước tên riêng của mỗi người.

>> Y đức đã chạm đáy

>> Nhìn từ vụ Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác phi tang

Ngày xưa, người bác sĩ trong bệnh viện còn được các sinh viên, đồng nghiệp cấp dưới gọi bằng “thầy”. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của xã hội và đồng nghiệp trong ngành đối với người bác sĩ. Để học y khoa, bác sĩ ở Việt nam phải học 6 năm, trong khi sinh viên các ngành khác chỉ học 4 năm. Nếu tính cả thời gian thực hành, trực gác ở bệnh viện thì thời gian học của một sinh viên y khoa gần gấp đôi sinh viên các trường khác. Sinh viên y khoa ngay từ khi đi học đã phải tiếp xúc với môi trường độc hại của ngành y như nguồn lây bệnh, hóa chất, bệnh phẩm…. Bên cạnh đó, sinh viên y khoa còn phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, căng thẳng, đau đớn, mất mát, chết chóc…Sự trui rèn và khổ luyện đó và sự tôn trọng của xã hội đã làm nên vị thế của người bác sĩ. Người bác sĩ phải tự mình điều chỉnh các mối quan hệ, cách cư xử, tiếp xúc với mọi người để phù hợp với vị trí của mình trong xã hội. Như vậy, vị thế và hình ảnh của người bác sĩ được hình thành từ nhiều yếu tố: (1) tiềm năng và nỗ lực bản thân, (2) quá trình đào tạo và (3) sự phản hồi từ xã hội và người bệnh.

Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều về “y đức” và sự suy thoái của cái gọi là “y đức” như là một vấn đề nhức nhối, nan giải của ngành y. Vậy y đức là gì. Có phải y đức nghĩa là “lương y như từ mẫu” như mọi người thường nói? Hay y đức là đạo đức của người làm nghề y. Thật ra thì người làm nghề nào cũng cần có đạo đức. Ngay cả nghề vá xe, nếu không có đạo đức thì hậu quả cũng khôn lường (đinh tặc!) Còn rất nhiều ngành nghề khác mà đạo đức của con người cũng rất quan trọng và sự sút kém đạo đức còn có thể để lại những hậu quả tai hại và lâu dài hơn cả ngành y. Sự xuống cấp về đạo đức hiện nay, là một vấn đề chung của xã hội, chứ không phải đơn thuần là của ngành y. Như vậy thì tại sao “y đức” lại được nói và bàn đến nhiều thế? Có lẽ là vì sức khỏe là mối quan tâm trực tiếp và trước mắt của hầu hết mọi người.

Xin không bàn thêm về “y đức” nữa. Tôi muốn nêu một số ý kiến về sự “xuống cấp” của vị thế và hình ảnh của người bác sĩ trong xã hội ngày nay.

Nếu muốn tìm hiểu nguyên nhân này, chúng ta cần đi ngược lại để phân tích sự thay đổi của các yếu tố chính góp phần vào sự hình thành nên vị thế và hình ảnh của người bác sĩ trong xã hội như đã nêu ở trên, bao gồm (1) tiềm năng và nỗ lực bản thân, (2) quá trình đào tạo và (3) sự phản hồi từ xã hội và người bệnh.

Theo lời kể của những người thầy đi trước, các trường y ở Việt nam trước đây thường chỉ đào tạo mỗi năm trung bình trên dưới 100 bác sĩ với cơ sở vật chất khá đầy đủ. Sự chọn lọc sinh viên y khoa là khá gắt gao. Sinh viên được tuyển chọn phải là những học sinh xuất sắc, có nền tảng tốt về giáo dục và văn hóa. Các giáo sư, thầy cô là những người nhiều kinh nghiệm và nhiều người trong số họ được xem là trí thức lớn trong xã hội. Môi trường y khoa và bệnh viện là môi trường mà vị thế của người sinh viên y khoa và người bác sĩ được đánh giá rất cao. Khi ra trường, người bác sĩ thường có những vị trí làm việc ổn định ở bệnh viện, thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung. Với một nền tảng học vấn, văn hóa tốt và được đào tạo và làm việc trong một môi trường học tập và xã hội như thế, nhiều thế hệ bác sĩ xuất sắc đã ra đời và góp phần củng cố thêm vị thế của người bác sĩ trong xã hội.

Các trường y ở Việt nam bây giờ tuyển sinh ồ ạt, mỗi năm có thể lên đến hơn 500 sinh viên y khoa vào học để trở thành bác sĩ. Việt nam hiện nay có nhiều trường y thuộc loại lớn nhất thế giới, nếu xét về số sinh viên y khoa vào trường hàng năm. Vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu về bác sĩ cho xã hội, chúng ta mở rộng nhiều mức độ tuyển sinh và hình thức đào tạo: chuyên tu, tại chức, cử tuyển, giảm điểm, hạ điểm, ưu tiên… Và như vậy chất lượng đầu vào của sinh viên y khoa bị xuống cấp trầm trọng. Trình độ của các sinh viên có sự chênh lệch rất lớn.

Với số lượng và chất lượng đầu vào như vậy thì chất lượng đào tạo hẳn cũng phải xuống cấp theo. Thầy không đủ về số lượng, chất lượng người thầy cũng là vấn đề, thời gian thầy cô dành cho sinh viên cũng ít. Hàng ngày, sinh viên y khoa còn chứng kiến cảnh người thầy của mình phải bôn ba, chạy vạy để mưu sinh. Điều kiện thực hành sinh viên cũng xuống cấp. Số sinh viên thực tập quá đông, do đó đôi khi sinh viên y khoa trở thành “ám ảnh” đối với các bệnh viện thực hành và bệnh nhân. Từ đó hình ảnh của người sinh viên y khoa cũng dần dần xuống cấp. Bên cạnh đó, các tiêu cực trong xã hội và trong bản thân ngành y cũng ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và sự tôn trọng của sinh viên đối với nghề y mà mình theo đuổi. Đến khi ra trường, nhiều bác sĩ tân khoa không có đủ kiến thức, trình độ, bản lĩnh để đối mặt với nghề y và không ít hoài bão về một nghề cao quí cũng bị thui chột.

Sau 6 năm đèn sách, tiêu tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc của gia đình, cha mẹ, các bác sĩ ra trường lại phải loay hoay đi xin việc. Để xin được việc làm ở một bệnh viện mong muốn, thường phải “chạy chọt”, “gửi gắm” nhiều nơi. Lương khởi điểm của bác sĩ hầu hết đều rất thấp. Gia đình bác sĩ thường phải tiếp tục “bù lỗ” cho khoản đầu tư cho con học làm bác sĩ. Bác sĩ ra trường bắt đầu một công việc căng thẳng, trách nhiệm cao, kỳ vọng của bệnh nhân và xã hội quá nhiều.

Thử suy nghĩ, hai học sinh tốt nghiệp trung học có năng lực và tiềm năng xuất sắc như nhau. Một trở thành sinh viên y khoa, một đi học về một ngành nghề “thời thượng” khác. Một người học trong 4 năm, trong khi học, với quĩ thời gian rộng rãi, đã có thể tìm việc để vừa học vừa làm. Nếu có năng lực, kết quả học tốt và có một số kinh nghiệm trong thời gian là sinh viên, thì ra trường có thể kiếm ngay được một việc làm tốt. Với một nền kinh tế phát triển, năng động và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như Việt nam, một người giỏi có thể có một vị trí và thu nhập tốt trong vòng 3-5 năm sau khi tốt nghiệp. Người này thường chỉ đi làm đến chiều là có thể về nhà, không phải làm việc cuối tuần, trực gác. Nhờ đó, có thể có nhiều thời gian cho gia đình và nuôi dạy con cái. Ngoài ra, với quĩ thời gian này, người này còn có thể học tập cho việc phát triển nghề nghiệp, giải trí hay tìm cơ hội để đầu tư thêm về tài chính cho gia đình. Trong khi đó, sau 6 năm ra trường, một bác sĩ phải mất ít nhất từ 5-10 năm để có thể giỏi về chuyên môn và được bệnh nhân tin cậy. Mỗi ngày phải làm việc ở bệnh viện, chế độ trực gác, chiều tối và thời gian nghỉ phải tranh thủ làm thêm ở phòng mạch, chạy vạy để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, phải thường xuyên đối phó với nguy cơ sai sót, tai biến, kiện tụng… Theo tôi không ai muốn mình có một cuộc sống bất thường như vậy. Bạn bè tôi là bác sĩ thường bảo với nhau là làm bác sĩ ở Việt nam sao cực quá!

Con người, không ai không có sai sót. Sai sót trong ngành y là không thể tránh khỏi. Tất cả các kỹ thuật điều trị, ngay cả khi thực hiện đúng vẫn có một tỉ lệ biến chứng, tai biến, không lường trước được. Thật ra, người làm việc ở bất cứ lãnh vực nào, ngành nào cũng đều có thể sai sót. Nhưng một sai sót hay biến chứng trong ngành y có thể dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Hầu như không có bác sĩ nào muốn cố ý làm sai hay muốn bệnh nhân của mình bị biến chứng. Họ luôn được dạy và cố gắng học hành để làm đúng và điều trị cho người bệnh.

Không may là trong hoàn cảnh chung là vị thế là hình ảnh của người bác sĩ đang đi xuống trong con mắt của nhiều người trong xã hội, thì đa số các sai sót, biến chứng lại được nhiều phương thông tin đại chúng khai thác triệt để vì nhiều mục đích… Thậm chí một số bệnh nhân công khai dựa vào những điều này để “làm tiền” bác sĩ. Thật nguy hiểm là khi chưa hiểu rõ sự thật, thì hầu hết dư luận đều rất dễ đi đến thống nhất là lỗi ở bác sĩ. Những việc này vô tình dẫn đến là người bác sĩ và người bệnh mất dần niềm tin lẫn nhau. Không ít bệnh nhân hiện nay đến gặp bác sĩ để chữa bệnh với một tâm trạng hoài nghi!

Sắp tới đây, nghe nói là bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ phục vụ ở vùng xa trong thời gian 2 năm trước khi có thể có được một việc làm ở một bệnh viện ở thành phố. Hình như rất ít ngành nghề nào ở Việt nam có qui định này. Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ một người chọn ngành y để học tập và tiếp tục làm việc trong ngành y suốt cuộc đời, trong bối cảnh xã hội hiện nay, đã là một sự hi sinh lớn cho nghề nghiệp rồi. Nhiều bác sĩ ra trường đã phải bỏ dỡ sự nghiệp vì không chịu được qui luật quá khắt khe của nghề y như hiện nay, hoặc trước áp lực của cuộc sống họ không đủ can đảm để tiếp tục theo đuổi nghề y để đến một lúc chợt nhận ra là hình như mình không còn “y đức”!

Không phủ nhận là chúng ta vẫn có đó những cá nhân xuất sắc của ngành y dù trong điều kiện khó khăn, vẫn còn những người tài năng, bản lĩnh, đang hy sinh và tận tụy với nghề y. Nhưng đó là một số ít, thậm chí là quá hiếm hoi trong nhiều ngàn bác sĩ ra trường mỗi năm ở Việt nam.

Rõ ràng, nếu bình tĩnh và nhìn lại chúng ta dễ dàng thấy rằng tất cả những yếu tố để giúp hình thành đạo đức, tài năng, vị thế và hình ảnh người bác sĩ mà xã hội mong đợi và kì vọng đã và đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng và hình như chưa có điểm dừng. Vậy thì chúng ta cần làm gì để vực dậy một nghề y cao quí, một bản lĩnh nghề nghiệp và vị thế cho người bác sĩ để đáp ứng với sự phát triển và kỳ vọng của xã hội? Phải chăng chỉ là những khẩu hiệu, lời kêu gọi, qui định, luật lệ hoặc là đơn giản là bổ sung một số tiết học về y đức trong trường y?!

BS.H.M.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here