Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nghệ thuật nâng đỡ tâm hồn

Nghệ thuật nâng đỡ tâm hồn

194
0


NGHỆ THUẬT NÂNG ĐỖ TÂM HỒN


Hỏi & Đáp: Thiền sư Thích Nhất Hạnh


Chia sẻ “Phật giáo và nghệ thuật”


Ngày 19-6, Hòa thượng Thích Trí Quảng và chư tôn đức Thường trực BTS THPG TP.HCM đã tổ chức buổi tiếp đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai đến vấn an chư tôn đức. Nhân dịp này, Thiền sư đã chia sẻ cùng giới văn nghệ sĩ và Phật tử với chủ đề “Phật giáo và nghệ thuật”. Hội trường chùa Ấn Quang tuy quá tải nhưng vẫn giữ được không khí thân mật, đầm ấm, mọi người được hướng dẫn ngồi theo tư thế hoa sen, vững chãi, hít thở nhẹ nhàng thoải mái… Các đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất: NSƯT Thành Lộc, Phước Sang, Châu Thổ, Việt Linh, Chi Bảo, Huỳnh Phúc Điền, Bảo Phúc, Hằng Vang, Quang Đại, Ngân Huệ, siêu mẫu Bình Minh, Phương Thanh, Kim Thư, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Hồng Vân… đến giao lưu vào đặt nhiều câu hỏi. Sau buổi nói chuyện, Thiền sư đã hướng dẫn các văn nghệ sĩ tham gia thực hành thiền một vòng quanh chùa, đã tạo nên không khí hết sức gần gũi và đạo vị.


Mở đầu buổi chia sẻ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai đã có 10 phút trình bày thiền ca tạo không khí tĩnh lặng, thiền vị để các văn nghệ sĩ và Phật tử lắng lòng với những cảm xúc nhẹ nhàng, thảnh thơi trong chánh niệm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chia sẻ với mọi người về giải pháp để đem lại cuộc sống hạnh phúc trong đời sống hiện đại. Theo Thiền sư, đời sống hạnh phúc khi chúng ta có được tình yêu thương lòng từ bi, sự bình an, vững chãi và sự thanh thản.


Đối với nhiều người sống trong hoàn cảnh xã hội phức tạp thì tâm không an, nhiều sự xáo trộn như vậy sẽ có nhiều đau khổ, phương pháp giúp chúng ta giải tỏa được bức xúc, dồn nén, đau khổ… đó là làm chủ trái tim, tìm lại hạnh phúc qua thiền định. Trong đó 16 phép quán hơi thở mà Đức Phật đã chỉ dạy sẽ giúp chúng ta tìm lại thân và tâm. Buông thư tất cả dồn nén, bức xúc, lo lắng, sự sợ hãi… trong lòng.


Phải biết nhận diện qua năng lượng ý thức hay là chánh niệm, biết mỉm cười và buông thư hết mọi khổ đau. Mỗi ngày nên tập thở có ý thức, nó có công dụng đem thân trở về với tâm, có thể tiếp xúc được sự mầu nhiệm là ta có mặt trong giây phút hiện tại. Khi đó, ta cảm nhận được những gì đã xảy ra trong giây phút hiện tại. Khi thở theo chánh niệm, ta buông bỏ hết quá khứ, buông bỏ hết tương lai và chỉ có ở giây phút này thôi, giây phút của hiện tại. Sự đồng nhẩt thân tâm qua hơi thở và nụ cười để xả bỏ những cảm xúc nóng giận, buông bỏ sự sợ hãi… để tìm lại sự bình thản cho tâm và thân. Khi đó ta tìm lại hạnh phúc, tuệ giác và tình thương.


Đối với các nhà sản xuất các nghệ sĩ, diễn viên… cũng cần nhận diện được cảm xúc trong thân, tâm để buông bỏ hết khổ đau, phiền muộn, lo lắng… Muốn được như thế thì chúng ta phải: tập đi, tập đứng, tập ngồi, tập thở, tập cười… Qua đó ta có thể tìm được tuệ giác nghệ thuật để hóa giải khổ đau tìm được năn lượng bình an, sự thảnh thơi và tư duy sáng tạo, thăng hoa của người nghệ sĩ trong đời sống. Vì vậy thông điệp của Đức Phật là chúng phải đi qua, phải trải nghiệm, nhận diện những gì đang xảy ra… để tìm thấy chứng và thực nghiệm yêu thương. Từ đó tìm giải pháp và biết an trú trong hiện tại, thiết lập niềm tin ở hiện tại để sống và sáng tạo, thăng hoa trong từng thể loại nghệ thuật. Người nghệ sĩ khi nuôi trồng hạt giống yêu thương, tăng trưởng lòng từ sẽ là người dễ dàng đi đến hạnh phúc trong từng phút giây hiện tại.


Nuôi dưỡng yêu thương để tránh hệ lụy


Nghệ sĩ cải lương Ngân Huệ: Thưa Thiền sư, giới trẻ Việt Nam ngày nay rất thích nhạc trẻ, cải lương là một môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, gần gũi với Phật giáo, nhưng lại rất ít khán giả. Theo Thiền sư làm gì để vực dậy sân khấu cải lương nhằm phục hưng lại văn hóa truyền thống dân tộc, kéo khán giả về phía mình?


Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Cách đây 20 năm tôi có làm việc với nghệ sĩ cải lương Chí Tâm, anh viết bài vọng cổ “Hành tinh xanh” nói về nạn ô nhiễm trái đất. Đó là đề tài mới, ngôn ngữ mới. Bài này được giới trẻ, giới trí thức lúc đó rất yêu thích. Cải lương thường dùng cách nói “đời bể khổ”, quá bi lụy, không giải thích được tại sao lại khổ, không còn thích hợp. Những khổ đau ấy trong đạo Phật là “Khổ đế”. Đạo Phật có năm giới của người quy y (không giết, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất nghiện), đưa năm giới cấm vào nội dung tác phẩm để nhắc nhở, khuyên nhủ con người tránh xa những cái xấu thực hành việc giữ giới để có hạnh phúc. Một vở tuồng nên có đủ Khổ đế và giải quyết bằng Đạo đế. Khi nói về nỗi đau chính cuộc đời của hình ảnh của họ qua ngôn ngữ của thời đại họ thì không thể không nghe, không thể không xem được.


Diễn viên Chi Bảo: Diễn viên là người thường xuyên sống nhiều với cảm xúc và vai diễn. Có những vai diễn đem lại cảm xúc giận hờn và căm thù, tâm tính như những hạt giống xấu khó loại bỏ dù đã thoát vai nhưng chắc chắn nó sẽ còn diễn ra liên tục trong tâm thức. Đó có phải là cái giá phải trả của người nghệ sĩ không?


Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Mỗi người chúng ta đều có hạt giống trí tuệ và hạt giống từ bi nếu ta có hoàn cành để nuôi dưỡng tình thương và tuệ giác thì sẽ giải quyết hết mọi hệ lụy. Khi ta gặp hoàn cảnh khó khăn, bức xúc, ta không phản ứng bằng hành động bình thường mà ta phản ứng bằng trí tuệ. Những ai có trí tuệ lớn, hiểu biết nhiều về nguyên nhân đau khổ thì rất ít đau khổ. Ai có sự từ bi lớn để thương yêu được cả những người vi không hiểu biết mà tạo ác dù là với mình thì không bao giờ đau khổ. Ai có trí tuệ và nuôi dưỡng tình thương thì sẽ tránh khỏi mọi đau khổ. Giới nghệ sĩ nên thường gặp gỡ nhau nhiều hơn trong tinh thần sống hiểu biết và từ bi của đạo Phật để hạn chế những cảm xúc như những hạt giống xấu.


Nhạc sĩ Hằng Vang: Một số nhạc phẩm viết về Phật giáo, có những ca từ ngôn từ đặc trưng của Phật giáo nhưng lại sai về nội dung, ý nghĩa?


Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tác phẩm dù lớn hay nhỏ đều hướng con người đến một cuộc sống biết thương yêu và tha thứ dù không có một từ ngữ nào về Phật giáo thì cũng đều là một tác phẩm Phật giáo, Mặc dù một tác phẩm có rất nhiều những danh từ Phật giáo nhưng là từ rỗng ngôn, chứa đựng sự hận thù, chia rẽ thì đó là tác phẩm phi Phật giáo. Chúng ta có rất nhiều ngôn từ, phương cách để sáng tác không hẳn dùng ngôn từ của giới Phật giáo để sáng tác về tác phẩm Phật giáo.


Bà Bích Thủy, GĐ hãng phim Sena: Thưa Thiền sư, năm ngoái chúng con có vinh dự được gặp Thiền sư tại Báo Giác Ngộ, được biết ông Modi đang làm phim dựa theo “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư. Không biết chúng con có thể thực hiện phim (truyền hình hoặc màn ảnh rộng) dựa theo tác phẩm này bằng tiếng Việt được không? Có một đạo diễn đã đề nghị chúng con thực hiện bộ phim về 16 hơi thở của Đức Phật, nếu thực hiện thì dựa vào tài liệu nào?


Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi tin chắc rằng có thể làm “Đường xưa mây trắng” bằng tiếng Việt. Tôi không ngờ các nghệ sĩ, các nhà sản xuất có ý định làm phim về đề tài hơi thở của Đức Phật và tôi rất hoan nghênh các nhà làm phim có ý định thực hiện bộ phim về đề tài này. Nếu muốn tìm tài liệu có thể xem lại bài giảng bài giảng bằng tiếng Anh của tôi ở Làng Mai (Pháp) hoặc một vài CD có ghi lời giảng của tôi về đề tài này.


Ca sĩ Hồng Vân: Hiện nay vẫn có quan điểm phong kiến, nghệ sĩ bị người đời xem là “xướng ca vô loài”, với Đạo Phật, người nghệ sĩ được nhìn nhận như thế nào?


Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đức Thế Tôn cũng là một nghệ sĩ trong cách thể hiện những bài kệ, bài pháp thoại của mình. Trong chùa, các tu sĩ tụng niệm kinh cũng là một hình thức ca hát nhạc kinh truyền tải đạo lý và là phương tiện hướng sự thiện tâm, nâng đỡ tâm hồn, chuyên chở tư tưởng.



  • Nguồn: Báo Giác Ngộ số 439

  • H.Diệu lược ghi – Cư sĩ Tịnh Tú vitính và chuyển bài

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here