Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Nghệ thuật chăn trâu

Nghệ thuật chăn trâu

122
0

Sau luỹ tre làng là bãi cát rộng mênh mông mọc đầy cỏ dại và những khu đồi trủng, là nơi lý tưởng cho lũ trẻ chúng tôi tha hồ thả trâu cả ngày mà không cần phải chăn giữ, để dành thời gian rong chơi vào những đồi sim, hái những quả sim chín mọng ngọt lịm ngon lành, thoải mái buông mình thả đôi bàn chân trần trên khe cát mà cảm nhận được sự mát rượi thấm dần đến toàn thân; và khi hoàng hôn buông xuống, ngồi trên lưng trâu thong thả về nhà, cùng hát nghêu ngao những bài đồng dao mà chúng tôi đã được học thuộc lòng.

“Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”

Hay:

“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công!
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”

Con trâu đã gắn liền với cuộc sống của gia đình tôi suốt cả một chặng đường dài. Từ những năm khi chưa hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, chưa có máy cày, máy tuốt lúa thì trâu là công cụ chủ đạo trong những mùa cày bừa và giẩm (đạp) lúa trong những vụ thu hoạch để lấy thóc hạt đem về.

Kỷ niệm thời chăn trâu của tôi là thế! Một buổi đi học, buổi còn lại phải đi chăn trâu. Có khi phải đi cắt cỏ cho trâu trong những lúc trâu đi cày, bừa. Thương trâu, mến trâu nhưng thực sự chúng tôi cũng vẫn chưa biết cách chăm sóc trâu sao cho tốt lắm. Rồi tôi lớn lên, có duyên đi xuất gia, từ giã lũ bạn thân thương một thời chăn trâu để đi theo con đường Phật đạo, xa luỹ tre làng sớm chiều rợp bóng in dáng đôi bờ, xa bãi cỏ bờ đê ngày hai buổi thả trâu gặm cỏ non mà tranh thủ đi bắt cua, bắt cá hay nướng sắn, nướng khoai ngoài đồng…

***

Mười mấy năm tu học, tôi dành hết thời gian cho việc học kinh, học luật để làm nền tảng cơ bản cho một chú tiểu vào chùa, những năm tôi theo học Trung cấp, rồi lên Học viện, nên hầu như trong tôi không còn thời giờ để nhớ thêm chuyện gì nữa. Kỷ niệm thời chăn trâu thân thương của tôi đã dần quên lãng, hình ảnh mấy đứa bạn chăn trâu giờ cũng chỉ nhớ lờ mờ, chẳng rõ họ đang làm gì và cuộc sống ra sao.

Hôm nay, ngồi đọc trong tạng kinh, tôi bổng gặp bài pháp thoại mà đức Thế Tôn dạy về nghệ thuật chăn trâu hay quá, ý nghĩa quá. Thế là những kỷ niệm một thời chăn trâu trong tôi lại hiện về rõ rệt. Hình ảnh những con trâu đang gặm cỏ non giữa cánh đồng xa vẫn còn đó; chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi cây sáo trúc vẫn còn đây, tất cả sao trở nên gần gũi thân thương đến chi lạ. Tôi ước gì thời ấy, khi còn chăn trâu mà được đọc bài pháp thoại này thì hay biết mấy. Chắc chắn tôi sẽ áp dụng cách chăm sóc này để đàn trâu của tôi ngày nào cũng no tròn béo tốt.

Tôi đọc thật kỷ không sót một chi tiết nào trong bài pháp thoại, nghe như đức Phật đang dạy cho chính mình: “Này các vị! Một em bé chăn trâu giỏi là một em bé dễ dàng nhận ra được trâu của mình, biết hình tượng của mỗi con, biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết chăm sóc những vết thương của trâu, biết đốt khói un trâu để trâu không bị muỗi đốt, biết tính đường đi an toàn cho trâu, biết thương yêu trâu, biết tính bến tốt cho trâu qua sông, biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, biết bảo trí những vùng thả trâu và biết để cho những con trâu lớn làm gương cho những con trâu nhỏ” (1).

Càng đọc, tôi càng thấy thích thú và cảm kính đức Phật đến lạ thường. Tôi đã từng học và học rất kỷ về lịch sử đức Phật Thích Ca ngay từ thời còn đi Phật tử do các anh chị huynh trưởng dạy, và ngay cả khi đi xuất gia tôi cũng đã được học bài này ở lớp sơ cấp Phật học. Ngài là Thái Tử sinh ra và lớn lên ở cung vàng điện ngọc chứ đâu phải Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân có trâu để chăn giữ. Ấy thế mà Ngài lại dạy về cách chăm sóc cho trâu rất rành mạch và quá chi tiết kỷ càng hơn cả những kỷ sư chăn nuôi chuyên nghành gia súc nữa.

Ước gì tôi có dịp tiếp cận với lời dạy này từ thời chăn trâu thi hay biết mấy… Tiếc rằng, ngày nay bải cỏ mà trước đây tôi thường chăn thả trâu đã không còn nữa, người ta đã cày xới, đắp thành hồ để nuôi tôm công nghiệp hoặc là trồng cây lấy gỗ. Ruộng đồng ngày nay cũng đã cơ giới hoá, hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau đã không còn mấy, thay vào đó là những chiếc máy cày lớn làm gấp mấy lần sức trâu và người. Cuộc sống người dân làng tôi giờ cũng đã đổi thay nhiều. Nhà ngói thay nhà tranh, xe đời mới chạy ra tới tận cánh đồng…

Giờ lũ nhỏ trong làng không còn trâu để chăn. Chúng nó không còn có niềm vui được ngồi trên lưng trâu mỗi khi chiều về để ngắm nhìn trời quang mây tạnh mà ngâm nga khúc hát đồng giao, hay thả hồn theo tiếng sáo; không còn có những niềm vui khi lũ trẻ chăn trâu tụm năm tụm bảy để chơi trò Ô ăn quan, Đánh gụ hay chơi Trốn tìm… Mà giờ chúng chỉ biết tốn tiền và thời gian để chơi Games hiện đại, lũ nó không còn thích những trò chơi truyền thống xưa, nên nó cũng bị cuốn theo dòng chảy của thời cuộc mà không có thì giờ để thảnh thơi hồn nhiên của tuổi trẻ.

Rồi tôi đọc tiếp, lời dạy của Ngài đã đưa tôi trở về với thực tại:

"-Này các khất sỹ! Một vị khất sỹ giỏi cũng phải làm tương tự như một em bé chăn trâu.
– Nếu em bé chăn trâu biết nhận ra được trâu của mình, thì người xuất gia cũng phải biết nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân của mình. Đó là đất, nước, gió và lữa (tứ đại) là sắc năng tạo và sắc sở tạo (2).
– Nếu em bé chăn trâu biết được hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình thì người xuất gia cũng phải thấy được những hành động nào của thân, miệng, ý là những hành động nào đáng làm và những hành động nào không đáng làm.
– Nếu một em bé chăn trâu biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết buông xã và gội rửa khỏi thân tâm những độc tố tham dục, sân hận và si mê…
– Nếu em bé chăn trâu biết chăm sóc các viết thương của trâu thì người xuất gia phải biết hộ trì sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không để cho sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp làm lung lạc được mình.
– Nếu em bé chăn trâu biết cách đốt khói um trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt thì người xuất gia cũng phải đem đạo lý giải thoát để dạy cho người xung quanh để họ tránh được những khổ đau dằn vặt trong thân, tâm họ.
– Nếu em bé chăn trâu biết tìm đường đi an toàn cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường danh lợi, tham dục làm chướng ngại chánh đạo giải thoát."

Việc chọn đường đi an toàn cho trâu là rất cần thiết. Vì nếu con đường đầy chông gai, sẽ làm trâu bị thương, và những vết thương có thể làm độc. Nếu em bé không biết cách chăm sóc vết thương thì trâu sẽ lên cơn sốt và có thể sẽ chết. Sự tu học cũng vậy, không tìm chánh đạo mà đi sẽ bị thương tích trong thân thể và tâm hồn. Những vết thương do các độc tố tham sân si sẽ làm cho ung thối có thể làm hư hổng cả sự nghiệp giác ngộ của mình. Rồi Ngài lại tiếp tục dạy:

– Nếu em bé chăn trâu biết thương yêu trâu thì người xuất gia cũng phải biết quý trọng những hỷ lạc do ly dục, ly các bất thiện pháp phát sanh.
– Nếu em bé chăn trâu biết tìm bến tốt để cho trâu qua sông thì người xuất gia cũng phải biết nương vào bốn diệu lý (3), bốn sự thật để biết bến bờ.
– Nếu em bé chăn trâu biết tìm cỏ non và nước uống cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết rằng bốn lãnh vực quán niệm (4) là mãnh đất tốt nhất để làm phát sinh giải thoát.
– Nếu em bé chăn trâu biết bảo trí những vùng thả trâu, không tàn hoại phá phách môi trường nuôi trâu thì người xuất gia cũng phải cẩn thận và đặt để trong việc tiếp xúc và thu nhận của cúng dường (5).
– Nếu em bé chăn trâu biết dùng những con trâu lớn đầu đàn làm gương cho những con trâu nhỏ thì người xuất gia cũng phải biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của những bậc thầy đi trước.

Mỗi vị xuất gia biết làm đúng theo mười một điều vừa nêu ở trên thì vị ấy có thể đạt đến quả vị an lạc giải thoát trong vòng một thời gian ngắn tu học.

Đọc hết lời dạy của đức Phật, tôi như người được đón nhận một vật báu lớn; gia sản lớn. Tôi không còn cảm thấy hối tiếc khi ngày xưa thời còn chăn trâu chưa được nge lời dạy này. Mà ngay bây giờ lời dạy ấy để dành cho tôi, cho tất cả những người xuất gia đang áp dụng để hành trì tu tập nhằm kiến tạo an lạc giải thoát cho mình và cho người. Lời dạy của Ngài thật thấm thía, chí tình, chí lý làm sao.

Chúng ta, tất cả những người tu hành đều đang chăn trâu_chăn dắt bản tâm của mình. Ta đang khởi hành theo lộ trình: tìm trâu (tầm ngưu), thấy dấu (kiến tích), thấy trâu (kiến ngưu), được trâu (đắc ngưu), chăn trâu (mục ngưu), cỡi trâu về nhà (kỵ ngưu quy gia), quên trâu còn người (vong ngưu tồn nhơn), người trâu đều quên (nhân ngưu câu vong), quay về nguồn cội (phản bổn hoàn nguyên) và thỏng tay vào chợ (nhập triền thuỳ thủ). Khởi đầu chúng ta đi tìm tâm, xưa nay ta vốn có tâm nhưng quên mất bản tâm bây giờ tìm lại; rồi thấy được tâm… Tìm được tâm rồi ta phải làm chủ và đào luyện sao cho tâm được thuần thục nhu nhuyến dễ sử dụng, tức là quá trình chuyển hoá thanh lọc tâm đến lúc thanh tịnh vô lậu hoàn toàn, thì đó mới là sự thành tựu hoàn mãn trong quá trình chăn giữ bản tâm của mình. Đào luyện tâm đến mức thuần thục, vô trú thì ta mới có thể thong dong đi vào cuộc đời đầy trần luỵ mà vẫn tự tại vô ngại, làm được nhiều việc lợi ích cho đời mà không vướng bận trần ai.

Quả thật đây là một nghệ thuật chăn trâu muôn thuở và thú vị hơn nhiều. Đức Phật là người chăn giữ trâu của mình đã hoàn mãn. Chúng ta cũng phải chăn giữ làm sao cho trâu của mình cũng được hoàn mãn như đức Phật. Giờ đây, tôi mới ý thức được rằng, cuộc chăn trâu này không phải chỉ dành riêng cho trẻ mục đồng mà là của tất cả mọi người đang nỗ lực tự mình đi ra khỏi sự kiềm toả của khổ đau vô thường sanh diệt; đi ra khỏi cuộc tìm kiếm mưu sinh giả huyễn tạm bợ, để trở về với ngôi nhà thân thương nơi uyên nguyên cội nguồn của lẽ sống, đó chính là “bản lai diện mục” bộ mặt thật xưa nay vốn hiện hữu trong tâm của tất cả mọi người.

T.Đ

Chú Thích:
1. Xem Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng tập 1, Nxb Lá Bối, tr 24.
2. Sắc năng tạo là tứ đại, sắc sở tạo là thân thể này do tứ đại tạo nên.
3. Tứ diệu đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
4. Tứ niệm xứ là: quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã.
5. Tránh tiếp xúc với những người đưa đến nhiều chướng duyên gây não hại cho sự tu tập của mình. Thu nhận của cúng dường thì phải như loài ông đi hút nhị hoa lấy mật mà không làm tổn hại hương sắc của hoa.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here