Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ngày lại ngày…

Ngày lại ngày…

184
0

 

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.
 
 Kalil Gibran (1883-1931), thi sĩ Liban

 

* Mở cửa nhìn ra…

Buổi sớm mai, mở cửa nhìn ra, hình như người nào cũng mở lòng, thoáng một nỗi vui lớn nhỏ, tối thiểu là một sự ngóng chờ gì đó chưa rõ mặt mày. Hình như người đang đi dưới đường là người ta mới bắt gặp đâu đây và có gật đầu chào mình, hay là người nhà của học trò mình…

Mở cửa nhìn ra, nhìn ra vườn, nhìn qua hàng xóm, nhìn ra đường, là chào một ngày mới bắt đầu, là khấp khởi phát hiện điều mới mẻ tươi vui hay là nâng tim óc mình dậy.

Ta mong đêm vừa qua đã dọn cho ngày. Tối thiểu là dọn bóng đen. Tốt hơn là dọn tàn dư của ngày qua gồm đủ thứ không bằng lòng hay không bằng mặt.

Tôi có một người bạn gái ở trời Tây là chủ nhân của một lâu đài. Lâu đài không đồ sộ lắm, nhưng cũng là một địa điểm tham quan của du khách vì vườn rộng như rừng, và bên trong rất nhiều đồ cổ và rất nhiều sách thu thập từ bốn năm thế kỷ. Chủ nhân đã đến hồi không mướn nổi người chăm sóc, nên phải tự thân lo liệu được chừng nào hay chừng ấy. Cô bảo:

Muốn mở cửa phải dậy thật sớm. Cứ sợ không kịp. Bởi lẽ đêm dài quá, bắt đầu sớm quá, cứ sợ dại bóng tối dập vùi, chẳng hiểu trời có sáng ra nữa không. Cho nên trời ló sáng là dậy ngay, điểm tâm qua quýt là em đi mở cửa. Mở cửa là mở mắt, là giải phóng tầm nhìn. Vậy thì việc gì không làm. Cửa sao nhiều quá, từ tầng trệt lên đến tầng một tầng hai. Cửa sổ nào cũng cao bằng cửa lớn. Phải ra sức mới được. Nhưng đồng thời phải nâng thật nhẹ tay (cứ sợ nó đổ xuống, hoặc long bản lề thì khổ), rồi đưa hai tay mở dạt cửa ra ép sát tường, sao cho khỏi vướng ánh mắt bên ngoài nhìn vào. Mở toàn bộ bao nhiêu cửa gần như hết cả buổi sáng! Rồi mở ra thì phải có đóng lại. Không đóng lại là bao nhiêu chim dơi ập vào nhà hoặc gió ban đêm chưa biết sao mà lường. Xẩn vẩn đã đến giờ đóng cửa. Đóng cửa cũng phải bắt đầu sớm vì đêm xuống nhanh. Cũng mất chừng ấy thì giờ để đóng. Hóa ra sống trong cái lâu đài này, nghe ra cao sang quý tộc, em chỉ toàn mở cửa đóng cửa. Chẳng cần biết hôm nay là ngày gì, khỏi tính toán hôm nay có ma nào viếng lâu đài hay không, việc của em là mở cửa. Mà cũng chẳng cần ai khiến, mở cửa là việc em cần phải làm, vì đó là một sinh thú của em bây giờ. Và đương nhiên có mở cửa là có đóng cửa. Và cũng chẳng cần ai khiến, có như vậy ngày mai em mới có dịp mở cửa!

Buổi sớm mai, mở cửa nhìn ra, hình như người nào cũng mở lòng, thoáng một nỗi vui lớn nhỏ, tối thiểu là một sự ngóng chờ gì đó chưa rõ mặt mày.

* Chuyện trò.

Hai bà gặp nhau chuyện trò. Hai bà chuyện trò năm này đến năm khác. Chuyện trò vào những giờ giấc cả hai đều không để ý, mà người ngoài nhìn vào cũng sẽ không ngờ.Chuyện trò trong bao lâu, hai người không quan tâm. Cái đó tùy theo… tùy theo…Mỗi người nói một câu, chen nhau, như thể đã ngầm quy định với nhau như vậy.Hoặc người này hỏi một câu, người kia trả lời một câu. Hỏi tiếp, trả lời tiếp. Cứ thế. Đến một lúc, không ai bảo ai, hai người đổi vai: người kia hỏi, người này trả lời.

Người ta bảo cái gì rồi cũng quen. Ngay như thể dục buổi sáng, thời gian đầu thấy nhọc nhằn, kéo dài dần hóa quen: một, hai… tám, chín… Nói chuyện như hai bà cũng như thể dục. Như chuyền bóng qua lại. Bóng chuyền nhanh đón nhanh, chuyền chậm đón chậm. Không cần biết là chuyện gì. Đến nay thì hình như bóng chuyền chậm quá: người này nói và nghỉ nói đã lâu vẫn không thấy người kia tiếp lời, thành thử nói tiếp. Riết nói chuyện không còn là nói chuyện. Hai người ngồi bên nhau và luân phiên độc thoại.

Độc thoại nghĩa là có người ngồi bên mà cũng như không có. Độc thoại là nói với mình, nhưng cũng có nói với người mà không cần được trả lời. Đã nói với mình thì không cần sắp xếp. Không cần ai tiếp lời ai. Độc thoại ngắn dài tùy theo… tùy theo… Im lặng ít nhiều…

* Viết.

Cũng là viết, nhưng sao có người viết thật khó khăn, như vắt óc không bằng, như thể là rặn đẻ (như phương thuật maieutique của Socrate), và ngược lại, cũng là đẻ, nhưng có người viết dễ dàng như gà đẻ. Đó chẳng qua mỗi người có một tiết nhịp riêng từ bên trong chuyền ra đầu ngọn bút.

Đó cũng có thể xem là sự khác biệt giữa người viết văn ngồi trong phòng, trong thời khắc im vắng, vừa trầm ngâm vừa viết chậm rãi và, ngược lại, người viết báo cần chạy theo đồng hồ. Nhưng thời đại ngày nay đã dần dà xóa nhòa ranh giới giữa người viết văn và người viết báo.

Viết, đối với tôi, bao giờ cũng khó. Biết bao nhiêu con người ta viết thao thao vẫn thành chương khúc, khi vút cao, khi trầm sâu. Chẳng phải là sở trường của tôi đó thôi. Nhưng tôi thích viết, và càng thích thú hụp lặn vào nỗi khó viết.

Vậy mà tôi đã có lần cười bảo một bạn văn rằng anh “viết táo bón”. Lẽ ra đồng bệnh tương lân mới phải, đàng này cười chịu tội và tự trào luôn thể.

Tôi khó viết đến đâu vẫn không bằng bạn Đỗ Long Vân, tác giả của những pho bình luận bất hủ “Vô Kỵ giữa chúng ta”, “Hồ Xuân Hương, nguồn nước ẩn”… Đối với anh này, viết cho xong một tờ thư gửi vợ là một thành công của anh ngày hôm ấy sau khi đã vo tròn sáu bảy tờ khác.

Giá nay tôi chẳng viết được gì cũng chả thiệt thòi gì cho ai, mà đối với mình lại có cái lợi bớt đi một tật bệnh.

Khổ nỗi, tôi vẫn thích viết. Người ta bảo: viết là một cách sống. Đó là hơi thở. Đó là óc, là lòng mình trải ra trên giấy. Là sự chuẩn bị cọ xát với đời, với người khác. Là một nhịp cầu, một cánh cửa mở ra, một lời tung chờ hứng, một bàn tay đưa ra sẽ thõng thượt hay sẽ nắm được một bàn tay anh em…

Quả tình viết không chỉ thuần là viết. Bằng không chỉ lai hoàn một tuồng sắp chữ hoặc, tệ hại hơn, chỉ là một lối tung hỏa mù để dễ bề thao túng ở hậu trường.

Viết là nói, là nghĩ, là làm. Đặt quan hệ với người, với đời. Tự hứa với mình, cam kết với đời. Viết, dù muốn dù không, là để lại. Nó sẽ trở thành ấn chứng, một hạt cát của lịch sử.

Nhưng người ta cũng có khi thận trọng cảnh giác rằng viết là gây ngộ nhận vì tim, óc và chữ viết ít khi là ba điểm thẳng một hàng. Vậy thì người viết, không nhiều thì ít, phải vật lộn với chữ viết và mong sao cuối cùng mình lọt ra đắc thắng dù có hào hển.

* Phận người.

Đầu những năm 1970, ở Đà Lạt có một tiệm ăn sang trọng, đường Hoàng Diệu, có tên là “L’eau Vive”. Đây là một tiệm ăn các món Tây và người phục vụ cũng toàn là Tây. Ngoại trừ chủ tiệm là một bà đầm lớn tuổi và có bằng cấp dạy học, các cô phục vụ đều trẻ, đẹp, và nhất là ăn mặc tân thời: áo bó sát, váy cao. Các cô, có luôn người da đen, thoăn thoắt, tươi cười, đon đả. Thức ăn ngon, rượu đủ nhãn. Tha hồ cho các ông ngả ngớn, bèo quẹt. Có cả một vườn hoa đẹp chung quanh. Thực khách tùy tiện bước ra vườn ngắm hoa rồi trở lại bàn. Đủ điều kiện để cho tiệm trở thành một nơi đắc khách. Mãi sau, tìm hiểu thêm, tôi mới vỡ lẽ ra rằng tất cả giai nhân ấy đều là … nữ tu! Ôi, “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, Chết đuối người trên cạn mà chơi!”Hóa ra có dòng tu yêu cầu khá ngặt nghèo: tu sĩ phải xông vào đời, trà trộn với người, tiếp cận cám dỗ. Sau một thời gian thử thách, nếu không gục ngã là tốt, là khéo tu!

Cõi nhân gian này đây là một trường thí nghiệm khổng lồ với đủ mùi đủ vị, đủ các mặt hàng, đủ các hạng người tiêu thụ. Người trần mắt thịt tha hồ bì bõm, lắm lúc cười ra nước mắt.

Nụ cười và nước mắt là những biểu hiện đời sống nội tâm mà thú vật không có. Đó là những đặc hưởng của con người, có ý nghĩa tâm lý và lại còn chứa chất một hàm ý tâm linh. Nụ cười còn là một hướng vọng, mở lòng hân hoan chờ đợi những điều âm thầm hứa hẹn. Và nước mắt không chỉ khoanh vào hiện tại. Trong chiều hướng ấy, dù nơi một người vô đạo, nụ cười và nước mắt đều biểu lộ thiên hướng của kẻ có đạo.

Ngày nay số người đi nhà thờ, đặc biệt ở phương Tây, sút giảm. Điều này chưa hẳn có nghĩa là tôn giáo đang trên con đường đi xuống, nhưng có nghĩa là khuôn khổ của nhà thờ không còn thích hợp với những kích thước mới khác của con người và con người đang đi tìm xây dựng những ngôi nhà thờ khác cho mình. Có thể tôn giáo suy giảm ảnh hưởng trong xã hội, tuy nhiên cái tính chất tôn giáo, màu sắc tôn giáo vẫn còn trong xã hội. Có cơ còn mạnh hơn trước. Bởi lẽ một khi xã hội không đủ lời giải đáp cho bao nhiêu nhu cầu, thắc mắc, vấn nạn về tinh thần, tâm linh … thì con người hướng đến một nẻo khác, tìm cách bám víu vào một cái phao cứu hộ, một chiếc bè tỵ nạn: trong trường hợp này không có gì mầu nhiệm cho bằng một quyền năng siêu nhiên, một lực lượng siêu hình, một đức tin vô hình, một đấng toàn năng. Đó có thể là điều không tưởng nhưng là một ý hướng về sự cứu rỗi.

Con người là một sinh vật có lý trí. Được như vậy nó mới là sinh vật thượng đẳng. Nhưng đừng quên nó là sinh vật hữu hạn. Socrate cũng không ngoại lệ. Và giới hạn ngày một sinh sôi. Đâu chỉ giới hạn “trăm năm”mà thôi, một cách tự nhiên, như sông ra biển, như bụi về đất. Còn là một sinh vật nhiễm thể, nhiễm bệnh, thường trực làm mồi cho ô nhiễm.

Con người, dù uy dũng đến đâu, trí tuệ đến đâu, chỉ là sinh vật nhỏ bé. Nhà tư tưởng Pascal dùng hình tượng “cây sậy”để chỉ con người, nhưng ông nói thêm là cây sậy “Có tư tưởng”. Hình tượng này hình như thuyết phục được mọi người, cho nên nổi tiếng, được truyền tụng. Đó là một hình tượng vừa trả con người về nguyên quán của nó nhưng lại vừa tôn vinh nó. Hình tượng thật ý vị và thấm thía. Vừa đủ để cho con người vươn vai vượt qua thân phận cát bụi của nó, vừa răn đe những đầu óc ngông cuồng. Ra giữa trùng khơi, trên một con tàu đồ sộ bao nhiêu cũng chỉ ngang bằng chiếc lá tre, con người mới nhận chân ra tấm thân bèo bọt của mình. Hoặc, bay lên giữa trời lồng lộng, con người chẳng hơn gì một chiếc diều trong gió.

Con người là một sinh vật dựng đứng, đặt mình giữa hai lực: lực kéo xuống của đất, và lực hút lên của trời. Phải cắm chân vào đất, đứng vững trên đôi chân của mình. Nhưng trí óc không ngừng vươn cao, tâm hồn không ngừng tỏa rộng. Những hoài bão, cầu nguyện, mơ ước, là những chiếc cánh chắp thêm cho con người. Có ai là người không mơ mộng, có ai là người chẳng hy vọng điều gì.

Đời sống có ý nghĩa ở chỗ “cầu được, ước thấy”. Chỉ cần “cầu ước”đủ làm nên giá trị, hương vị của đời sống, nói chi đến cái “được”, cái “thấy”vốn cút bắt con người.

Đời sống của con người, nếu không có phần tâm linh, sẽ sè sạt và, dù của cải phương tiện chất chồng như núi, chỉ còn tiến triển theo chiều đi ngang.

 Bửu Ý 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here