Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ngày đầu xuất gia

Ngày đầu xuất gia

132
0

 Sau hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe, Dì Tuyến, Tâm, Bình, Hạnh đặt chân lên xứ Huế, nơi từ lâu nổi tiếng đẹp và duyên dáng như thơ. 

Đẹp thật ! Nên thơ thật ! Nhưng Huế cũng có nét gì đó rất trầm tĩnh. Cảm nhận đầu tiên khi Tâm bước chân đến trước cổng Đại Nội, một di tích văn hóa thời nhà Nguyễn. Tâm thích thú ngắm những tán bằng lăng tím mượt mà, những chùm hoa phượng vỹ đỏ rực soi bóng bên dòng sông Hương. Có thể Huế đẹp hơn nhiều nhưng Tâm không đủ sức cảm nhận. Tuy nhiên, thời gian một ngày ở Huế, không cho phép Tâm đắm chìm trong không gian trầm tĩnh của mảnh đất Thần kinh này.

Với Tâm, mùa hạ ở Huế có một ấn tượng khó quên. Chiều hôm đó, ba chị em cùng dì Tuyến đến Ni viện Diệu Đức. Trên đường đi, từng hồi chuông mõ của những ngôi chùa gần cạnh nhau như hòa quyện vào hồn người một cảm giác lâng lâng khó tả. Đúng là:

“Tiếng chuông thức tỉnh người trong mộng,
 Giọng mõ xua tan nỗi lụy phiền…”

Nhưng Tâm thấy ấn tượng nhất là khi đến nhà khách của chùa, đúng lúc khóa kinh chiều vừa mãn. Trong không khí trầm hương lan tỏa, hình ảnh Ni chúng y hậu trang nghiêm từ trong chánh điện bước ra khiến lòng Tâm khởi lên một niềm hân hoan kính ngưỡng vô biên!

Hình ảnh đoan nghiêm, tĩnh lặng của Ni chúng, gợi cho Tâm nhớ đến bốn câu thơ:

“Chân bước nhẹ lên thềm hoa cửa Phật,
Lòng Từ-bi nao nức bỗng dâng trào.
Nhìn khói hương nghi ngút từ làn cao,
Thầm khấn nguyện chúng sinh đời bớt khổ.”

Tâm cũng thấy trở nên nhỏ bé trước oai lực trang nghiêm của Đại chúng.

– Chao ôi! Đông quá! – Tâm thầm nghĩ, rồi cung kính chắp tay trước ngực, cúi đầu chào từng vị một. Tâm chào hoài, chào mãi vẫn thấy không hết người.
Một Sư cô bước ra xoa đầu Tâm:

– Mỏi cổ chưa con? Sư cô tươi cười hỏi.

Tâm tròn xoe đôi mắt tỏ vẻ không hiểu. Sư cô giải thích:

– Con cúi lên cúi xuống chào nãy giờ đã mỏi chưa? – Sư cô vừa nói vừa chỉ ghế cho chị em Tâm ngồi – Khỏi phải chào nữa! Có người con phải chào trên ba lần rồi đó!

Tâm càng thêm ngơ ngác. Sư cô dạy:

– Quý cô đây con đã chào khi mãn thời kinh chiều. Bây giờ họ đi công phu con cũng chào, đi thắp nhang cũng chào, rồi đi hồi chung bảng con lại chào thêm lần nữa. Rứa không phải trên ba lần à?

Tâm thấy quê quê khi “ngộ” ra câu nói của Sư cô, và bật cười trước sự ngớ ngẩn của mình. Hèn chi quý cô đi ra, đi vào chánh điện cứ nhìn chị em Tâm cười cười. Nhưng họ giống nhau quá, làm sao phân biệt được ai với ai?

Nhớ có lần, khi Tâm đến chùa làng, quý Tăng, Ni về thăm rất đông. Quý Thầy thì không có gì khác biệt, còn quý Sư cô thì trùm khăn khác nhau. Tâm cho rằng: những cô trùm khăn tròn là đi tu lâu hơn những cô thả khăn ra ngoài. Sau này, khi trở thành tu sĩ, Tâm tự cười cho cái kiểu suy diễn lung tung đó.

Hôm sau, trời mưa, để cho sạch sẽ khi đi xe, dì Tuyến cùng ba chị em Tâm mặc mỗi người một bộ đồ bà ba màu đà. Ngồi trên xe, nhiều đôi mắt tò mò nhìn ba dì cháu. Tâm đoán, chắc họ đang nghĩ: “Bốn mạ con mụ nớ đi mô mà ăn mặc toàn đồ đà rứa hè!”. Tâm thấy hơi giận những người không quen này. Người gì đâu mà ngớ ngẩn, mặc đồ đà tất nhiên là đi chùa chứ còn đi đâu nữa!

Sau ý nghĩ đó, Tâm tự an ủi và thấy vui vui. Vì so ra, Tâm còn biết đôi chút về chùa chiền, chứ mấy người ni chắc là mù tịt.

Con đường mình đi không biết còn bao xa nữa mà mới được có một đoạn đường đã gặp quá nhiều “rắc rối”.

Chiếc xe khách như con ngựa sắt khổng lồ lao nhanh, nuốt chửng những con đường ngoằn ngoèo, bỏ lại sau lưng các làng quê, phố thị của các tỉnh miền Trung. Lúc này, ngồi trên xe nhìn cảnh vật dần dần lùi ra sau, Tâm thấy lòng bồi hồi khôn tả. Không biết rồi đây cuộc sống trong chùa có gì khó khăn hơn những điều mẹ nói không? Lời mẹ như văng vẳng bên tai:

– Đi tu khổ lắm con có chịu đựng được không? Ở chùa phải chịu rất nhiều thử thách, nếu không kham nhẫn thì không tu được đâu !

Lúc đó, Tâm ngây ngô hỏi:

– Vì sao lại khổ ? Và họ thử thách cái gì hả mẹ?

– Ở chùa thì mỗi người phải ở riêng một phòng (mẹ biết Tâm rất sợ ma), ngủ phải nằm nghiêng một bên, ăn ngày một bữa đúng ngọ, rồi thức khuya dậy sớm, suốt ngày phải siêng năng công phu bái sám, và tuyệt đối không được khóc.

Những cái khổ đó, Tâm đều không sợ, chỉ có “không được khóc” là đáng ngại nhất, bởi Tâm là chúa hay nhè mà.

Thế mà mai đây thôi, cuộc sống của Tâm sẽ thay đổi hoàn toàn, không như những ngày quanh quẩn bên mẹ cha, anh chị. Càng nghĩ, Tâm càng lo không biết rồi đây, mình có vượt qua được nỗi nhớ nhà hay không. Tự nhiên, Tâm chợt nhớ lại lời của một bài hát trong những lần đi sinh hoạt gia đình Phật tử:

“Đêm trăng bà kể chuyện,
Cuộc đời đức Bổn Sư,
Em nghe mà cảm động,
Vội vã liền nói ngay.
Vòng tay em thưa ba:
Con chừ muốn xuất gia,
Đáp đền ơn ba mạ,
Cùng anh chị, ông bà.
Ba cười to, ôi chao !
Bé tí muốn trèo cao,
Kén ăn như mèo Mướp,
Chịu gì nơi tương chao ?
Bà rằng: Cháu có căn,
Thôi đừng có ai ngăn.
Con vòng tay rất ngoan,
Con cảm ơn vô cùng.
Thưa bà cùng ba mẹ,
Con vào soạn hành trang.
Em ngẩn ngơ trước giường,
Món nào cũng dễ thương,
Búp Bê sao đẹp vậy ?
Thôi! cho cả vào rương.
Mẹ dẫn em đi ra,
Mà sao cứ cười hoài.
Bà đưa tay lau mắt,
Chao ôi! Là xót xa.
Đến chùa ai cũng trêu,
Bé tí bằng hạt tiêu,
Ôn xoa đầu khen nhỉ,
Xem gan được bao nhiêu ?
Rồi mẹ bỏ em về,
Em nhìn theo tái tê,
Vội vòng tay mếu máo,
Bạch Ôn: “Cho… con về !”

Ngày đầu xuất gia, cũng hồi hộp và ngơ ngác lắm

Tâm thì không thể như thế, bởi trong “hành trang” Tâm mang theo, mẹ đã chuẩn bị chu đáo. Tâm luôn hy vọng mình sẽ cố gắng nhiều, luôn giữ vững “hành trang” mà mẹ đã cẩn thận gom góp.

Tỉnh dậy sau một đêm lắc lư trên xe, gió từ đâu lùa vào làm cho Tâm run lên vì lạnh. Nhìn ra xung quanh, Tâm mới biết xe đang chuẩn bị lên một cái đèo rất cao, sương giăng phủ kín cả bầu trời. Tâm tinh nghịch kéo rộng cánh cửa để màn sương mỏng lạnh buốt tràn vào trong xe.

Tâm bỗng giật mình khi thấy hai cái ống vừa to vừa cao, ở dưới nhìn lên nó như dựng đứng tựa vào triền núi. Không kiềm chế được, Tâm quay sang hỏi dì Tuyến:

– Muốn qua đèo, xe phải chạy qua hai cái ống đó hả dì?

– Ừ ! Dì Tuyến cười cười đáp.

Tâm rùng mình, không dám nói hết suy nghĩ của mình, rồi ngập ngừng hỏi tiếp:

– Nhưng làm sao mà chạy ?

Ngầm đọc được ý nghĩ của Tâm, dì Tuyến mỉm cười trả lời:

– Ai muốn qua được đèo này phải chuyên tâm niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tin tưởng vào đức Vô úy của Bồ-tát Quán Thế Âm, Tâm niệm danh hiệu Ngài không nghỉ. Tuy nhiên, Tâm không quên dòm chừng coi thử khi nào xe mới qua khỏi hai cái ống đầy tai họa này. Nhưng dòm mãi, dòm mãi… cuối cùng, Tâm muốn hét lên sung sướng khi thấy chiếc xe không những không bị rơi khỏi hai cái ống, mà còn chạy qua phía dưới một cách an toàn.

Người ta thường nói, khi trong lòng ai đó đã có niềm vui, họ thường bỏ qua những lỗi nhỏ xung quanh. Có lẽ ý trên do Tâm nghĩ ra, vì lúc này, đang vui cái niềm vui thoát khỏi “đại nạn”, Tâm không thèm phàn nàn dì Tuyến mà chỉ tiếp tục ngắm cảnh. Sau này, Tâm mới biết hai cái ống đó là hai cái ống nước, và cái đèo mà Tâm đã thoát khỏi “nạn hụt” đó là đèo Xông Pha, cũng có người gọi nó với cái tên hết sức hấp dẫn là “đèo Ngoạn Mục”. Với Tâm, có lẽ cái tên “Ngoạn Mục” này là hợp hơn, vì từ khi lên đèo, Tâm luôn nghĩ nó mang đầy sự nguy hiểm, với những “pha” rất hấp dẫn, “ngoạn mục”.

Sau khi vượt qua bao lo lắng suốt đoạn đường hơn 1000 cây số, cuộc sống mới với những con người mới tràn đầy lòng Từ bi, Hỷ xả, đang mở rộng vòng tay mỉm cười đón Tâm như đón chào một cánh chim non tìm về Tổ ấm.

H.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here