Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Ngậm ngùi dấu xưa: Tra Am & sư Viên Thành

Ngậm ngùi dấu xưa: Tra Am & sư Viên Thành

226
0

Lúc đầu chùa Tra Am chỉ là một mái am tranh đơn sơ, phên tre được trét bằng đất sét, gian trước để thờ Phật, bên tả là nhà trai và nhà trù (bếp), bên hữu làm phòng khách phía sau là thư phòng và chổ nghĩ ngơi của sư Viên Thành.

Tiền đường chùa Tra Am

Sư Viên Thành là Tổ khai sơn và ngài đã lấy biệt hiệu của mình đặt tên cho chùa là Tra Am. Tra Am là do điễn tích của Trung Hoa, theo Nam Sử, Trương Phu thuở nhỏ tên là Tra, cha ông là Trương Thiệu tên tục là Lê. Vua Tống Văn Đế thường gọi đùa rằng "Tra sao bằng Lê được!", Trương Phu cười mà tâu rằng: "Lê là cây trăm quả, Tra đâu dám sánh bằng!" Đời sau dùng điển tích này chỉ người sau không bằng người xưa, ngụ ý khiêm nhường. Sư Viên Thành lấy biệt hiệu Tra Am này là tự cho mình không bằng được sư phụ. Trong di chúc để lại, Sư Viên Thành có nói một câu "Tự hận Tra bất như Lê dã" để tỏ lòng tôn kính sư phụ mình.

Điển tích hay là vậy, nhưng do tiếng Huế quen nói nặng, nói trại nên người Huế gọi chùa Tra Am trại ra thành chùa Trà Am và mãi cho đến ngày nay mà quên mất rằng đó là chùa Tra Am với cái điển tích, cái ý nghĩa mà vị tổ khai sơn đã tâm đắc đặt cho chùa. 

Hậu liêu

Theo lời kể của nhiều người cao tuổi, cảnh trí chùa Trà Am trước đây rất xinh đẹp, có cây cối, có khe suối, có núi đồi được sắp xếp tạo dáng nhẹ nhàng bay bổng, thanh thản, siêu thoát. Người ta cho rằng, cái khung cảnh tuyệt vời đó bắt nguồn từ cái tâm tỏ ngộ của chủ nhân ngôi chùa biết dung hợp cảnh vật thiên nhiên với lòng người làm một.

Thuở đó, để đi vào chùa Trà Am phải đi ngang qua một cái cầu làm bằng thân một cây thông to, có tay vịn chiếc cầu này vắt ngang một giòng khe nhỏ có tên là “Tẩy Bát Lưu” nghĩa là giòng khe để rữa bình bát. Phía trên khe “Tẩy Bát Lưu” chủ nhân Tra Am cho bắt một chiếc cầu và đặt tên là “Lược Ước Kiều” nói lên cái phương tiện đi đến với đạo, cái thâm ý của chủ nhân ngôi chùa là "Ta chỉ đưa người chứ không đưa xe ngựa" hãy vứt bỏ cái ngã tướng, cái chấp nê khi bước chân vào chốn thiền môn này.

Chánh điện

Từ cách đặt tên chùa tên khe, tên cầu cho thấy vị chủ nhân Tra Am xuất thân và học vấn rất cao. Ngài chính là công tử Công Tôn Hoài Trấp là cháu nội của Định Viễn Quận Vương con vua Gia Long, công tử sinh năm 1879, xuất gia năm 1895 lúc vừa tròn 17 tuồi, thọ giáo với Viên Giác Đại Sư tại chùa Ba La Mật, đạo hiệu là Viên Thành, pháp húy Trừng Thông, để chấp nhận công tử xuất gia làm đệ tử Viên Giác Đai sư đã bảo: "…thử nghĩ vài câu, nếu có cơ duyên, tôi sẽ giúp mệ xuất gia" sau khi lạy Phật công tử Hoài Trấp viết hai câu trình Viên Giác Đại sư như sau:

Nép bóng rèm thưa trông bóng thỏ
Thấy trăng tròn, tay vỗ ca xang.

Bàn thờ Sư Viên Thành

Được Viên Giác Đại sư chấp thuận cho xuất gia. một thời gian sau, Sư Viên Thành đậu thủ khoa Sa Di năm 1901 tại Phú Yên , trú trì chùa Ba La Mật từ năm 1901 cho đến năm 1923 và cũng trong năm này sư Viên Thành đã dựng lên chùa Tra Am, 5 năm sau sư viên tịch ở Tra Am lúc đó vừa 49 tuổi. Trước khi trở về với cát bụi sư đề lại mấy câu thơ 

Lão khứ, vân hà nhất tháp tân
Tha niên bì đãi tự tương thân
Nhàn lai ỷ trương khê biên lập

Hà xứ thanh sơn bất đãi nhàn.

Dịch:
Già rồi xây tháp giữa non mây,
Gửi gắm mai sau nắm xác gầy.
Chống gậy, lúc nhàn, bên suối đứng.
Núi xanh nào chẳng đón người đây

Bảo tháp Sư Viên Thành

Sư Viên Thành là một người uyên thâm giáo lý nhà Phật, nên dưới thời của sư, chùa Trà Am đã trở thành một Giảng Đường Phật học có uy tín ở kinh đô Huế, học tăng từ nhiều nơi về thọ giáo rất đông…

 Ngoài ra sư Viên Thành cũng còn là một thi nhân, thơ văn chân thật, thâm thúy và thoát tục. Thơ văn của Sư Viên Thành được hợp lại làm thành một tập gọi là “Lược Ước Tùng Sao”. Hòa thượng Thích trí Thủ cho ấn hành vào năm 1973. Trong lời tựa Hoà Thượng Trí Quang viết có đoạn: "sách nhỏ như cái cầu nhỏ. Nhưng chỉ nhỏ đối với người đi xe ngựa…không thể qua cầu Lược Ước mà vào Trà Am. Dẫu rằng cái cầu ấy chỉ chân không là qua được liền. Vào Trà Am dễ mà khó đến thế đó, huống chi vào Trà Am trong sách"

Cầu Lược Ước bắc qua Tẩy Bát khê

Mỗi lần vào thăm Tra Am, mỗi lần dâng hương đãnh lễ Giác linh Sư Viên Thành là một lần ngậm ngùi nhớ chuyện xưa, tích xưa. Bâng khuâng thăm lại dấu xứa, khe “Tẩy Bát Lưu” bây giờ đã thấy quá nhiều rác rê ô nhiễm, tìm chiếc cầu “Lược Ước” thì cầu đã hoá bê tông từ lâu, xe máy vào ra tấp nập mà tiếc cho mình không sinh phùng thời để có diễm phúc một lần đi chân không qua cầu như tâm nguyện của Sư Viên Thành: "Ta chỉ đưa người chứ không đưa xe ngựa".

Nguyên Nguyên
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here