Trang chủ Phật học Ngẫm lại mình khi học kinh Pháp Hoa

Ngẫm lại mình khi học kinh Pháp Hoa

138
0

Nhờ có căn lành từ nhiều kiếp, con được vào học ở ngôi trường Phật pháp. Năm nay chúng con được học kinh Pháp hoa. Như hạt giống gieo trồng trên đất khô, nay gặp mưa tưới tẩm, liền chóng nảy lộc, đâm chồi; tâm của con cũng vậy. 

Đến với Pháp hoa là tiếp cận con đường Nhất thừa, một đạo lộ mênh mông dẫn chúng sanh về giải thoát sau cùng.

Kinh Pháp hoa dạy, đức Phật vì thương chúng sanh nên phương tiện xuất hiện trên đời xuất gia tu hành lặn lội trong ba cõi, thành đạo nhập Niết-bàn, để cho chúng sanh thấy rằng đức Phật cũng là một người bằng xương bằng thịt như chúng ta. Ngài nhờ tu mà thành Phật, thì chúng ta nếu quyết chí tu thì cũng thành Phật được như Ngài. Chúng ta không được như Ngài bởi chúng ta còn nặng tham, sân, si, tự ti, mặc cảm, chấp thủ, chấp ngã. Chúng ta tự cho rằng mình u mê, dốt nát, mãi lo cho cuộc sống hằng ngày giành lấy bát cơm manh áo, tội lỗi đầy mình mà cứ nói chuyện Phật nghe xa vời quá. Thật đúng như hai câu thơ sau:

“Đường đời chật hẹp người chen lấn,

Lối đạo thênh thang khó kẻ tầm”.

Chúng ta mãi chen lấn trong đường đời chật hẹp bởi công danh phú quý tạm bợ, với những toan tính hơn thua được mất, khiến tâm hồn ta, cuộc đời ta khổ sở không một phút an ổn để nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực với “lối đạo thênh thang” trong cuộc đời. Chúng ta không biết nương vào đạo để tìm sự giải thoát cho tâm hồn. Lối đạo ấy có thể là cuộc sống “thiểu dục tri túc” (muốn ít, biết vừa đủ), có thể bằng sự quán chiếu tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả; hoặc hành lục độ ba-la-mật, như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đó là những lối đi đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc an lạc mà chúng ta có thể thấy rải rác trong các kinh điển hoặc tiểu thừa, hoặc đại thừa. 

Đặc biệt trong Thêm một điểm quan trọng nữa mà kinh Pháp hoa nêu bật lên tư tưởng vô cùng phóng khoáng, đó là thậm chí “đồng tử vui chơi nhóm cát thành tháp Phật, dùng cỏ cây làm bút mực, hay thậm chí dùng cả móng tay mà vẽ hình tượng của đức Phật”, v.v… thảy đều được xem như là những nhân duyên thù thắng để thành tựu quả vị giác ngộ. Đồng tử vui chơi nhóm cát làm tháp Phật là những việc làm vô tư của trẻ thơ mà cũng gieo trồng được chủng tánh Phật, cũng có ngày giác ngộ, huống là chúng ta ngày ngày tâm tâm niệm niệm việc làm thiện, ý nghĩa thiện, lời nói thiện mà biết hồi hướng về Phật quả thì một ngày nào đó chúng ta chắc chắn sẽ được thành Phật. Sở dĩ chúng ta chưa thực tu, tu bề ngoài nhiều năm mà tâm không tỏa sáng, bởi lẽ chúng ta chưa thực tu, tu bề ngoài (hình thức, phong trào) chứ chưa thực sự tu bề trong, chưa thật sự trau dưỡng nội tâm. Hoặc có lúc cũng tu nhưng rồi bị cơm áo gạo tiền chi phối. Niệm trước nghĩ nhớ Phật, niệm sau liền nghĩ đến “tiền”. Vẫn biết rằng trong cuộc sống cần phải có cơm gạo áo tiền, cơm ăn, áo mặc, nhưng một lúc nào đó chúng ta phải xem nó nhẹ bớt đi và sống biết đủ, (thiểu dục tri túc) để tâm bớt những đòi hỏi ham muốn, thì bớt được phiền não khổ đau. 

Trong một ngày đêm 24 giờ chúng ta thử tự kiểm điểm tâm ta, có được mấy giờ nghĩ đến Phật, và hết bao nhiêu giờ là tâm niệm của chúng sanh. Phải kiểm tra tâm thức mình như thế để loại bỏ dần tâm niệm xấu xa ngõ hầu thăng tiến trên đường giải thoát.

Kinh Pháp hoa có kể về câu chuyện của Bồ-tát Thường Bất Khinh là tiền thân của đức Phật. Khi còn đang hành Bồ-tát đạo, Ngài không tụng kinh, ngồi thiền mà chỉ làm việc duy nhất là cung kính tất cả mọi người, cho dù bị người đời xua đuổi mắng nhiếc: “ông vô trí tỳ-kheo này ở đâu đến đây tự nói ta chẳng dùng lời thọ ký hư dối như thế”, hoặc khi bị người dùng gậy đánh, hoặc ném ngói đá, Bồ-tát vẫn một lòng lễ lạy, rồi nói: “quý vị là người rất có giá trị, là những vị Phật sẽ thành, tôi thấy nơi quý vị có giá trị đó xin đừng tự ti mặc cảm”. Hoặc nói rằng “Ta chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật”. Chính nhờ công hạnh đó mà Bồ-tát thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Chắc chắn rằng Bồ-tát đã tự mình ngộ được Phật tri kiến nên mới chỉ cho chúng sanh Phật tánh sẵn có nơi chính họ. 

Trên bước đường tu ngoài việc chỉ đường và hướng dẫn của những bậc Thầy, tự mình cần phải nổ lực tu tập tự thân. Có hai thái độ cản trở chí tiến thủ làm cho chúng ta chùng bước và giẫm chân tại chỗ trên con đường tìm về cội tâm, đó là tự tôn và tự ti.

1. Thái độ tự tôn là độc tôn bản ngã là nhất là quý nhất. Ngã như cục xi măng đúc lại, nước Pháp không thấm vào được; do đó khó có thể giác ngộ được.

2. Thái độ tự ti mặc cảm, do đã sống lâu với bùn lầy vô minh, rồi nhận vô minh là tự tánh đen tối của mình, chúng sanh không nghĩ đến ngày mai tươi sáng. Do đó con đường tu chứng bị tắt nghẽn, thói quen ù lì, không dám tiến lên. Không biết rằng Phật tánh vốn sẵn có nơi mình, không cần phải tìm ở nơi nào khác. Điều quan trọng là cần phải gọt rửa bụi bẩn lâu ngày đeo bám vào tâm. Khi tâm hết nhiễm, thì Phật tánh tự hiển lộ, tức Phật sẽ thành, nay đã thành. Vì vọng tưởng thấp hèn ô nhiễm này mà chúng sanh (chúng ta) quên mất Phật tánh, quay lưng lại để cam phận với tủi nhục luân hồi, giống như gã cùng tử không dám nhìn cha và vì quá sợ hãi cho nên bị té xỉu trên đất.

Do vậy Bồ-tát Thường Bất Khinh lễ lạy thưa rằng: “Ngài sẽ thành Phật”, tức là khơi dậy Phật tánh bị bỏ quên lâu ngày của chúng ta. Mỗi lần khơi lại niềm tin là Bồ-tát gieo vào tâm thức chúng sanh một ý niệm hướng tới, một cơ hội để trưởng thành.

Chúng ta dù sống chết với tập khí tham, sân, si nhiều kiếp nhưng Phật tánh vẫn tiềm tàng như ánh đèn leo lắt, dù leo lắt nhưng không bao giờ tắt. Trong đêm dài thăm thẳm vô minh. Ngài cung kính cúi đầu: “Không dám khinh quý ngài, vì quý ngài sẽ thành Phật”. Điều này giúp cho ta một niềm tin bất thối chuyển vào tâm thức và vào chính khả năng của mỗi người: chúng sanh có tạo nghiệp, nhưng về mặt bản thể, thì bản giác vẫn thường chói sáng rực rỡ.

Những pháp âm vi diệu của Phật Đà vẫn còn bàng bạc trong Tam tạng giáo điển, những lời dạy xúc động và đạo hạnh của chư vị Giáo thọ sư đã đánh động tâm hồn con, thúc dục con tự vươn lên, tự khắc phục những yếu kém sai lầm.

Với ý chí cầu giải thoát và tinh thần hộ đạo giúp đời, là một Phật tử tại gia, con ước mong rằng mỗi một học viên của lớp chúng ta, với khả năng có thể, cùng nối tay nhau làm tỏa sáng ngọn đèn Chánh pháp đến khắp mọi nơi cả hiện tại và mãi mãi đến về sau trong tương lai, đúng với tinh thần mà kinh Pháp hoa đã dạy. Bởi lẽ, chúng ta hiểu rằng trong tất cả các nỗi khổ của đời, không nhận ra “tri kiến Phật” của chính mình là nỗi đau quặn thắt nhất.

M.C

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here