Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ngắm hoa anh đào nở – nhớ Trịnh Công Sơn

Ngắm hoa anh đào nở – nhớ Trịnh Công Sơn

143
0

Hoa anh đào là quốc hoa của người Nhật. Để bày tỏ tình hữu nghị Nhật – Mỹ, năm 1912, thủ đô Tokyo tặng nhân dân Mỹ 3.020 cây hoa anh đào. Ngày nay, hoa anh đào được trồng khắp nơi ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhưng tập trung nhất và ấn tượng nhất vẫn là quanh hồ Tidal Basin, dọc theo hai bờ sông Potomac, và quanh tượng đài George Washington.

Mùa đông, anh đào trụi lá trơ cành khẳng khiu trong tuyết trắng. Sang xuân, từ các mắt nhỏ nẩy từng nốt lộc li ti, rồi phát triển dần thành những chùm nụ hoa, sẵn sàng đợi mùa xuân vẫy gọi. Bắt đầu, chỉ vài bông hoa e dè, ngần ngại, rồi bỗng bừng nở trắng hồng bát ngát trời mây. Đây là một trong những nét biểu trưng của hoa anh đào: đã có hoa thì không có lá, đã nở thì nở hết mình, cùng nở cùng tàn; cũng như người võ sĩ đạo, cùng chiến đấu và cùng chết.

Hoa anh đào có nhiều loại, hoa anh đào khu vực hồ Tidal Basin chủ yếu là giống Somei Yoshino – hoa lớn, năm cánh, màu hồng nhạt, nhuỵ vàng, đẹp và quí phái. Đây là loại anh đào người Nhật rất chuộng, được trồng nhiều ở thủ đô Tokyo. Đã từng ngắm hoa anh đào trong ảnh, nay bỗng sững sờ bởi một trời hoa anh đào trước mặt. Hồ Tidal Basin liên thông với sông Potomac, nên nước hồ trong xanh soi bóng ngàn hoa anh đào. Dưới ánh mặt trời dịu ngọt đầu xuân, những cánh đào tinh khiết e ấp mỉm cười trong gió.

Hoa anh đào có ba màu: trắng, hồng, đỏ; chưa kể màu biến hoá giữa ba màu kia, khiến hoa luôn sinh động và quyến rũ. Cánh hoa mỏng manh, nhuỵ hoa thanh thanh, cuốn hoa mảnh và dài – đặc điểm ấy khiến hoa anh đào rất nhạy cảm. Thời gian tồn tại của hoa chỉ ngắn thôi, trong vòng một tuần, và tự kết thúc khi hãy còn hồng thắm trên cành… Khi cần rụng, chỉ một làn gió nhẹ thoảng, hoa rụng kín trời. Hoa anh đào rụng khiến mặt hồ Tidal Basin nở hoa, dọc theo các lối mòn

Tác giả và họa sĩ Đinh Cường

quanh hồ cũng đầy hoa. Trước sau trên dưới, rực rỡ sắc hoa anh đào. Khác với các loài hoa khác, hoa anh đào không rụng mà buông mình, không rơi mà chao liệng lả lướt, vẽ nên một trời mộng mơ…Nhưng tuyệt vời nhất vẫn là được ngắm hoa anh đào rơi dưới trăng. Một đời hoa, đó mới là khoảnh khắc đẹp nhất, gợi cảm nhất, lay động tận sâu thẳm tâm hồn, giúp ta ngộ ra lẽ thường hằng của tạo hoá, rằng không có gì tồn tại mãi mãi, rằng cái đẹp bao giờ cũng chóng tàn phai.

“Mai ta chết dưới cội đào. Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”… Và Trịnh Công Sơn nữa, như từng hẹn hò trước, anh mất đúng vào dịp mùa hoa anh đào nở (1/4). Hình như có mối liên hệ lạ lùng giữa hoa anh đào và những gì thuộc về cái đẹp. Phải chăng vì thế mà xưa nay, giai nhân cũng như danh tướng “Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”. Và phải chăng vì cái đẹp bao giờ cũng chóng tàn phai cho nên nó đẹp mãi trong tâm tưởng mọi người. Có những vì sao đã tắt hàng triệu triệu năm trước, nhưng hồi quang của nó vẫn còn lấp lánh khiến rạo rực con tim những người yêu nhau. Có những nghệ sĩ mà tinh hoa phát tiết của họ vẫn mãi còn lay động tâm hồn nhân loại ngàn đời… Và cứ thế, trôi theo dòng người, tôi đi, lòng dạt dào cảm khái.
  
Tôi ngờ rằng trong vô số du khách dập dìu ngắm hoa anh đào năm nay có cả Trịnh Công Sơn. Không phải vì Sơn mất dịp hoa anh đào nở, mà vì tại thủ đô nước cờ hoa này anh cũng có một chốn riêng để đi về – ngôi nhà hoạ sĩ Đinh Cường, bạn thân thiết của anh. Anh Cường chọn một góc trang trọng trong nhà dành cho bạn. Từ đây Sơn có thể nhìn ra khu rừng bát ngát hoa anh đào mùa xuân, thẳm xanh cỏ cây mùa hạ, âm thầm lá đổ mùa thu, cô liêu tuyết lạnh mùa đông. Trên giá vẽ, một bức tranh sơn dầu cỡ lớn anh Cường vẽ Trịnh Công Sơn; bạn bè ghé thăm, anh đều mời lưu lại bút tích. Ngày tôi đến, bên sau đã rậm rạp tên tuổi tao nhân mặc khách. Anh Cường nói khi nào làm xong nhà lưu niệm Sơn, anh sẽ tặng bức tranh này để ghi dấu bạn bè một thuở. Vói tay lấy ly rượu trên bàn thờ, anh Cường nghiêm trang nói: “Ly rưọu mới rót hôm qua mà nay đã cạn”. Tôi thầm nghĩ, có lẽ do bốc hơi, chứ nếu Sơn mà uống thì có bao giờ chỉ uống một ly… Trong lúc chúng tôi nâng cốc chúc mừng ngày tái ngộ, thì Tâm mãi mân mê cây đàn ở cuối phòng. Tâm là học trò cũ của tôi, đang định cư tại Maryland. Hồi ở Việt Nam, em tốt nghiệp khoa piano trường Quốc gia Âm nhạc. Tôi gợi ý “Tâm có hay chơi Trịnh Công Sơn không?”. Tâm nhẹ nhàng ngồi xuống, điệu nghệ đặt tay lên phím đàn. Một thứ giai điệu quen thuộc, sâu lắng, chan chứa, tràn ngập căn phòng, tràn ngập cõi lòng: Diễm xưa, Tình xa, Biển nhớ, Phôi pha… Tôi tưởng như chính Sơn đang ngồi trước cây đàn, trãi lòng cùng bè bạn, thì thầm với người, thao thức với thiên thu. Giữa cái cõi thế phù du này, đó là con người hiếm hoi không bao giờ phôi pha trong tâm tưởng mọi người.

Tôi rời Washington DC bốn ngày trước khi lễ hội hoa anh đào kết thúc. Tạm biệt thủ đô nước cờ hoa, tạm biệt anh Đinh Cường, cả tạm biệt Trịnh Công Sơn – vì tôi biết rằng thế nào anh cũng nán lại, tiếp tục uống rượu và tha thẩn dưới những cội hoa anh đào lộng lẫy mê say.

N.V.D

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here