Bà Lê Thị Kim Dung, Bác sĩ sản khoa đã rất dũng cảm tâm sự với báo chí rằng: “Nếu ai theo đạo Phật, nhìn thấy cảnh tôi làm việc hồi ấy sẽ chết khiếp”.
Bà hành nghề từ khi ra trường 1977, từng có một thời gian dài công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sang Ba Lan sinh sống rồi lại trở về Việt Nam. Nhìn lại hành trình nghề nghiệp của mình, bà tự nhận mình thuộc dạng “đao phủ”. Trong vòng 3 năm làm việc ở quận Hoàn Kiếm, bà đã tự tay làm 10.000 ca phá thai, còn những năm sau đó, không ai thống kê, nên bà cũng chẳng nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu ca nữa. Bà có cảm giác mình phải chịu họa, nhưng phải sống gần như vô cảm và đã làm thủ thuật như một cái máy…
Bà nói: “Khi lôi chúng ra khỏi cơ thể người mẹ, những hài nhi bị dìm nước trôi tuột ra đã chết thật đáng sợ; có những trường hợp, thai nhi còn kịp trút hơi thở đầu tiên, cũng là cuối cùng rồi mới lìa đời”.
(Bác sỹ Lê Thị Kim Dung chia sẻ những câu chuyện rợn người trong phòng phá thai – Ảnh: Vietnamnet)
Cũng có khi bà khuyên người đi bỏ thai nên suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định, và thỉnh thoảng ngăn được một vài ca, cũng cảm thấy nhẹ lòng.
Bà tâm sự: “Có nhiều bà mẹ phá thai nhỏ nói rằng, cái thai ấy chỉ là giọt máu, phá đi không có tội, nhưng đó chỉ là bao biện để thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Thực ra, một đứa trẻ tự mình hoàn thành chính nó trong bụng mẹ, người mẹ chỉ hỗ trợ cho nó lớn lên chứ không tác động gì nhiều. Khoảng 10 tuần thai nhi đã là một đứa trẻ hoàn chỉnh. Phá thai, dù sao cũng là giết người. Vậy mà có nhiều người đến với tôi 7, 8 lần, mặt cứ trơ trơ vô cảm…”.
Rồi bà phân tích: “Tôn giáo và giáo dục ở nước ta cũng không đủ mạnh để cản trở người phụ nữ có thai liên miên, dẫn đến chuyện không nuôi được con hoặc có con ngoài ý muốn. Thay vì coi việc phá thai hợp pháp là bình thường, tại sao ta không tìm các giải pháp để ngăn việc nạo phá thai không hoặc ít phải xảy ra?…”.
Cụ Nguyễn Du từng than trong Văn chiêu hồn: “Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra/ U ơ tiếng khóc thiết tha não nùng”.
Chỉ mới “lỗi giờ sinh” đã thương tâm như thế, huống chi là dùng kìm kẹp mà lôi kéo ra, có gì nhẫn tâm và đau xót hơn? Thật đắng lòng cho một quốc gia yêu hòa bình, khát khao sống hạnh phúc, nhưng tỷ lệ nạo phá thai lại đứng vào tốp đầu thế giới!… Vì đâu nên nỗi?
(Theo Facebook Thích Thanh Thắng)
Nếu nhìn vào con số, thì thực rất đáng trách, nhưng có tìm hiểu sự thực rồi, thì lại thấy rất đáng thương và đau lòng hơn nữa. Nếu thống kê thì phần lớn những người “giết con mình” sẽ toàn rơi vào các thành phần được gọi là “có học vấn” hay “trí thức”. Tôi có một cô bạn đã từng phá thai khi bị tác giả của bào thai đó chối bỏ và giờ đây đang có một cuộc sống khá là viên mãn với một người chồng biết thông cảm và không quan tâm gì đến quá khứ của cô. Nhưng bản thân cô chưa bao giờ hết ám ảnh về việc phá thai đó và cũng không dám nói thật với chồng về việc mình đã phá thai. Nếu giữ lại cái thai trong khi tác giả của nó chối bỏ thì chưa chắc cô ấy đã có cuộc sống tương đối viên mãn như hiện nay. Tuy nhiên, cái sự viên mãn ấy sẽ chẳng bao giờ có thể lấp đầy nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của cô ấy. Vậy nên, theo tôi, làm sao cho mọi người biết tu tập thì mới hoá giải được oan khí với oán khí này. Minh Tịnh |