Ngay từ buổi Thuận Hoá còn là vùng đất mới "lam sơn chướng khí", dân tình thưa thớt, tinh thần bất định, lại thiếu ánh sáng niềm tin, các vị tổ sư đã chấn tích quang lâm dựng am lập miếu góp phần mở mang bờ cõi lẫn khai sáng văn hoá làm chỗ dựa tinh thần cho dân. Trong bối cảnh ấy, sự phát triển của Phật giáo cũng chính là sự khai mở những nét đặc sắc văn hoá. Và là những người đi "khai hoang", các vị thiền sư đã dừng chân giữa bạc ngàn rừng núi tạo dựng lên một loạt những am tranh lừng danh thủa ấy mà bây giờ đã trở thành những danh lam thắng cảnh vào bậc nhất xứ Huế như chùa Quốc Ân do tổ sư Nguyên Thiều dựng năm 1684, chùa Từ Đàm do tổ Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn năm 1695, chùa Thiền Tôn do tổ sư Liễu Quán khai sơn 1708, chùa Báo Quốc, do tổ sư Giác Phong lập vào cuối thế kỷ 17, chùa Từ Lâm do tổ sư Từ Lâm khai sơn cuối thế kỷ 17, chùa Từ Hiếu do tổ sư Nhất Định khai sơn năm 1842…
Những ngôi chùa nầy tiền thân là những am tranh nằm ẩn mình trong núi rừng thâm u rất ít có dân cư. Nhiều sách vở ngày nay con lưu lại cho biết thuở ấy trong vùng nầy chỉ có những tiếng nói cười sang sảng của các thiền sư cùng với chim hót suối reo và tiếng gầm rú của thú rừng mà thôi. (Đây là một trong những lý do để chùa Huế có đất đai vườn tược rất rộng). Cảnh quan của những am tranh ngày xưa và những danh lam thắng cảnh chùa Huế ngày nay do vậy mà thường hài hoà giữa suối khe, sông núi hữu tình.
chùa Quốc Ân | chùa Thiền Tôn |
Ngoài yếu tố cảnh quan ra, việc dựng một am thất ngày xưa và ngôi chùa ngày nay phải chọn lựa thế đất, thế núi, thế sông…như thế nào cho phù hợp với cảnh quan phong thuỷ cũng là một yếu tố làm nên nét đặc sắc trong cấu trúc chùa Huế. Khởi nguyên, chư tổ dựng thiền trượng lập am tranh là thuận theo địa thế, tự nhiên mà chọn lựa thế đất tiền khê thuỷ, hậu sơn lâm để làm minh đường hậu chẩm và hai bên có tả thanh long hữu bạch hỗ yểm trợ tạo nên nét kiến trúc chùa Huế mà hoàn toàn không làm "tổn hại" đến cảnh quan xung quanh mà thậm chí còn tôn thêm nét trầm mặc, thiền vị.
Sau nầy, khi các vị kế thế trong điều kiện vững mạnh, dân tình ngày càng đông đúc hơn, nhu cầu về tín ngưỡng cao hơn những am tranh đó được nâng lên thành những ngôi chùa bằng gỗ với mô thức chung là nhà rường một gian hai chái (hoặc là ba gian hai chái) với hệ thống chùa-tăng đường-trai đường-hậu tổ liên hoàn với nhau tạo thành một thể thống nhất kiểu chữ khẩu rất đặc trưng. Và mặc dầu là đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ trong kiến trúc nhưng vẫn là một kiểu kiến trúc chùa hoàn toàn phụ thuộc vào cảnh quan xung quanh, do vậy chùa Huế thường thấp, khiêm tốn hài hoà với thiên nhiên.
Một góc vương chùa Báo Quốc | Một góc vườn chùa Từ Hiếu |
Trong thể thống nhất cấu trúc của một ngôi danh lam thắng cảnh Chùa Huế phải hội đủ ba yếu tố: cảnh quan, kiến trúc ngôi chùa và cấu tạo vườn chùa.
Việc "thiết kế" một khu vườn chùa như thế nào trong cảnh quan và kiến trúc của ngôi chùa cũng là một nét đặc trưng của chùa Huế. Ngay từ thuở còn trong hình thái của am thất với sự an cư đơn giản của chư tổ, vườn chùa chưa mang tính phổ quát mà chỉ mang thuần tính tạp mộc "tự nhiên nhi nhiên", với lại một mãnh vườn là một khu đất được "quy hoạch" để trồng một loại rau cải tương ứng, vừa tạo cảnh quan nhưng cũng vừa để độ nhật, một gốc mít, gốc khế…cũng phải chọn lựa vườn trên vườn dưới như thế nào để vừa làm nơi che mát nhưng cũng vừa để lấy trái và tạo dáng vẻ thiền vị trầm mặc cho ngôi chùa..
Vì vậy, trong vườn chùa thuở ấy được chư Tổ trồng rất nhiều rau, cải, cà, mướp, đậu, mè, mít, khế, vã, chuối…vừa để thực hiện pháp môn thiền "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" của tổ Bách Trượng để vừa cải thiện bữa ăn nhưng lại là một cách "làm vườn, chăm vườn, giữ vườn" ngày thêm duyên, thêm ý nghĩa…Do vậy vườn chùa rất quan trọng trong đời sống tu hành của nhà chùa. Toàn bộ cảnh chùa như một hòn non bộ thâm trầm mà sống động. Những con đường len lỏi giữa cây cối, khe suối, thấp thoáng một ngôi chùa mái ngói rêu phong giữa một khu vườn hoa lá xanh tươi rất thiền vị và gần gũi lạ lùng.
Một góc vườn chùa Từ Ân | Một góc vườn chùa Kim Tiên |
Sau nầy, các vị trụ trì kế thế, do nhu cầu của đời sống của chùa và nhu cầu phục vụ tâm linh tín ngưỡng cho người dân, nên việc xây dựng sửa chữa chỉnh trang lại chùa và vườn ngày càng "khang trang" hơn là tất yếu. Nhiều cây cỏ hiện đại, ngoại lai như La Hán, Tùng, cỏ Nhật, bonsai, hòn non bộ, đường đi bộ…xuất hiện nhiều trong vườn của rất nhiều chùa ở Huế. Cố gắng tạo hòn non bộ lại phá vỡ cảnh quan của "hòn non bộ vốn có" của ngôi chùa…làm cho vừa cứng, lại vừa xa lạ chứ không như vườn chùa xưa nữa-thật 100% mà thân mến gần gúi lạ lùng…
Ngày nay, phần lớn vườn chùa Huế được cải tạo theo "kiểng tính" chứ ít thấy chùa nào trồng hoa màu nữa. Đến nhiều ngôi chùa Huế ngày nay, nếu chúng ta có được một điểm nhìn thuận lợi, bao quát thì sẽ thấy ngay yếu tố "kiểng tính". Yếu tố "kiểng tính" này của chùa Huế ngày nay làm cho vườn chùa như bị "quy hoạch" theo một chủ ý của người chơi kiểng, rất dã tạo và cứng chứ không như xưa "lấy sơn thuỷ hữu tình của thiên nhiên làm đại cảnh lấy vườn chùa làm tiểu cảnh và hình ảnh ngôi chùa nhỏ bé thân quen gần gũi làm tiêu điểm". Có thể nói, trong mối quan hệ ấy, cảnh đẹp thiên nhiên do thiên nhiên tạo ra còn chùa và vườn là do Tâm-Trí của con người dựng nên nhưng phải HÒA làm một. Triết lý chữ HÒA rất được chú ý trong nghệ thuật xây chùa làm vườn, tạo cảnh…đây chính là một bài pháp vô ngôn về sự viên dung giữa tâm và cảnh của chư tổ và các vị tiền bối mà các thế hệ tiếp nối phải đặc biệt quan tâm, kế thừa.
T.N