Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nếp sống tâm linh cổ truyền: ngày sóc-ngày vọng

Nếp sống tâm linh cổ truyền: ngày sóc-ngày vọng

165
0

Khi di chuyển được nửa chu kỳ, trăng nằm phía dưới Địa Cầu, ngửa mặt đón nhận ánh sáng chói chang của Mặt Trời, rồi toả đến trần gian. Ngày này là Ngày Vọng. Trăng vàng mơn mởn tròn đầy giữa tháng, đã gây lòng vọng tưởng của nông dân.

* Ngày Sóc: đêm không trăng, sao vằng vặc mọc sớm. Theo quan niệm Cổ Sơ, mỗi người đều có một vì sao chiếu mạng ứng với năm tuổi, nên ngày đó có việc cúng sao cầu phúc. Ngày Sóc là ngày âm thịnh, ma quái hiện hình gieo rắc tai họa. Cảnh vật tối tăm, rắn rít tìm mồi, hổ báo rình rập đe dọa cuộc sống. Ngày mồng Một còn là ngày khởi đầu, mà sự hên xui trong ngày có thể ảnh hưởng dẳng dai cả tháng, tạo cho lòng người lo âu kiêng kỵ đủ thứ.

* Ngày Vọng: là ngày Rằm. Ban đêm trăng tròn sáng tỏ. Do lực hút nước của Mặt trăng, thuỷ triều lên xuống mạnh, dội sóng dâng cao, ầm ầm biển động, thuyền bè chòng chành nghiêng ngửa.

Lại nữa, đất nước ta là xứ nông nghiệp, cần nước ngọt tưới cây, trồng lúa, lại nằm sát ven bờ biển cả. Ngày Trăng tròn lực nước trào dâng, đẩy nước mặn vào sông ngòi, tràn ngập ruộng vườn, gây hư hại cây trồng. Người xưa cho là những đêm trăng sáng, yêu ma cũng hay hiện lên “đùa nước giỡn trăng”, sinh lòng cúng vái.

Ngày Sóc – Vọng lại có thể xảy ra Nhật thực và Nguyệt thực, khi Địa Cầu và Mặt Trăng quay vào vị trí thẳng hàng với Mặt Trời, tạo thế che lấp nhau.

Ngày Sóc, Mặt Trăng che bóng Mặt Trời, làm hắc ám một vùng trên Trái đất, gọi là “Nhật thực”. Ngày Vọng, Trăng lại lọt vào vùng bóng Địa Cầu, ánh sáng bị tắt, làm mờ tối không gian. Đó là “Nguyệt thực”.

Trên đất nước ta, Nhật thực và Nguyệt thực chỉ xảy ra mỗi năm vài ba lần, vào thời điểm đó, chướng khí phát sinh, làm hư hại sự sinh nở gia cầm. Dân chúng lo sợ, khua vang tiếng động, đánh thùng đập phên, dọa nạt ma quái, đốt hương xông trầm tẩy uế phòng ngừa.

Ngày Sóc, Ngày Vọng, theo tục Ấn Độ, các Thiên thần hạ giới dò xét công việc thiện – ác, phúc – hoạ trên trần gian. Thuyết này du nhập vào đất nước ta đồng thời với sự truyền bá của Phật giáo. Vào những ngày đó, đền chùa “khua trống động chuông”, làm lễ cầu an, ăn chay niệm Phật và bố thí công quả.

Dân tộc Việt Nam thành tục lệ “dân gian truyền thống”. Vào những ngày Sóc, ngày Vọng, hương chong đèn rạng, cúng vái âm linh, tưởng nhớ ông bà và hương khói những nơi tôn nghiêm, đình miếu./.

Nguyễn Văn Cường

Lời bình của ông Trần Thông (Giáo viên Văn-Triết )

Người có tinh thần khoa học, muốn tìm hiểu văn hóa Cổ Sơ, luôn luôn suy tư, tìm cách lý giải những hiện tượng, những dấu ấn của thời xa xưa còn được bảo lưu, để nhận rõ sự tương quan giữa xã hội trong nếp sống sơ khai với bước tiến tâm linh khoa học ngày nay. Chấp nhận mà không đắn đo thắc mắc, cũng như phủ nhận một cách hồ đồ các phong tục tập quán của dân tộc, đều là những thái độ không đứng đắn, thiếu nghiêm túc.

Do đó, bài “Ngày Sóc, Ngày Vọng” này rất cần thiết cho thế hệ hôm nay và cho cả mai sau thấy được sự cố gắng không ngừng của con người trên đường tìm hiểu Vũ trụ và Nhân sinh./.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here