Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Nắng và hoa trên mộ

Nắng và hoa trên mộ

197
0

Không biết có phải nhân loại trở nên thánh thiện hay không mà bỗng nhiên xin lỗi, thú tội, hối hận trở thành vấn đề thời sự. Hay có lẽ ai nấy đều theo gương Giáo Hoàng bên La Mã. Bên Mỹ, ông Clinton hối hận đến động lòng, xin lỗi xót xa, vì trót sảy chân chút phận đàn bà. Bên Argentine, nhà thờ lên tiếng xin tha tội vì đã im lặng đồng lõa trong suốt thời gian độc tài quân phiệt. Nhà thờ Brésil cũng vội vàng tuyên bố hối lỗi trước “Người da đỏ và người da đen”. Một vài bạn của ông Chirac giục ông hối hận trước dư luận vì bàn tay của ông có nhúng khá sâu vào những mánh mung kinh tài trong khi làm thị trưởng Paris. Trí thức Pháp tố cáo chính sách tra tấn dã man trước đây của quân đội Pháp ở Algérie và yêu cầu chính phủ Pháp chính thức hối hận. Massu, tướng chỉ huy, thành khẩn hối tiếc. Linh mục Alain Maillard de La Morandais, trước đây là sĩ quan trong quân đội Pháp, kêu gọi nhà thờ hãy hối hận về những “tội ác của tra tấn từ Đông Dương đến Algérie”. Phía tả, ông Robert Hue hối hận về quá khứ xít-ta-li-niên của đảng ông. Phía tòa án, một người Pháp hối lỗi trước tòa đã hiếp dâm một em bé Thái Lan 11 tuổi trong một chuyến “du lịch tình dục” và tuyên bố nhận bản án như một cơ hội để đền tội.

Thế thì câu chuyện của tôi hôm nay là thời sự rồi! Mà không chừng nó luôn luôn là thời sự, bởi vì nó chỉ hết thời sự khi nào con người hết tội. Còn lâu lắm! Tội cá nhân cũng vậy, mà tội tập thể cũng vậy. Bằng chứng là trong thời sự quốc tế, tội chiến tranh và tội diệt chủng đang réo gọi phạm nhân đền tội trước tòa.

Tôi không có tham vọng bàn chuyện thời sự đâu. Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện nhỏ. Và chỉ muốn nói rằng tuy câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 50 năm, bỗng nhiên nó cứ là thời sự. Nghĩa là vẫn mới. Tôi sẽ kể câu chuyện đó sau khi nói qua một ít lý thuyết về sự tha tội trong các tôn giáo Tây Phương. Tại sao như vậy? Tại vì câu chuyện có một chiều sâu lịch sử và tôn giáo cần phải biết. Sau đó, tôi sẽ nói đến thái độ của chúng ta đối với câu chuyện.

Như vậy, bài nói chuyện hôm nay sẽ gồm 3 phần:
– Phần thứ nhất là lý thuyết Tây Phương về tha tội;
– Phần thứ hai là câu chuyện tôi muốn kể về thú tội và tha tội;
– Phần thứ ba là suy nghĩ chung quanh câu chuyện đó và thái độ của Phật giáo.

I

Tha tội là gì? Triết lý và các tôn giáo phương Tây nghĩ về điều đó như thế nào? Tôi chỉ gợi lên ở đây hai ba câu hỏi thôi, liên quan đến câu chuyện mà tôi sẽ kể.

1. Trước hết, tha tội không phải là tìm cách để giải thích, biện minh mmột tội do người khác làm. Tiếng Pháp rõ hơn: pardon không phải là excuse. Trong tiếng Việt ta thường nghe nói: thông cảm. Làm bậy gì đó, rồi xoa đầu, xoa tay: xin anh, xin chị thông cảm. Là gì? Là xin hiểu cho tôi. Hiểu tại sao, trong hoàn cảnh nào, tôi đã phạm lỗi. Hiểu như thế, ít ra cũng nhẹ tội. May hơn nữa thì tha tội luôn. Tại sao? Tại vì có ý muốn tìm hiểu thì mất ý muốn trả thù. Trả thù thì chẳng cần tìm hiểu, thông cảm gì cả. Trả thù là cắt đứt lập tức con đường đưa đến tha lỗi. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: nếu tôi hiểu được, cắt nghĩa được, biện minh được một hành động phạm tội, thì tôi còn có thể nói được rằng tôi tha tội hay chăng? Tội đã được hiểu rồi, thì tha cái gì?

Nhiều nhà tư tưởng phương Tây khẳng định: như thế không phải là tha tội. Đã gọi là tha, thì chẳng cần tìm hiểu gì cả. Tội vẫn còn đấy, chẳng mất đi đâu. Vẫn nguyên vẹn như thế. Nhưng nó bị xóa do hành động không suy tính gì cả của người bị xúc phạm.

Tôi vừa nói: hành động không cần suy tính. Nghĩa là không cần tìm hiểu. Như vậy phải chăng có thể tha cả những tội tày trời, những tội không thể hiểu được, và do đó không thể tha thứ được? Câu hỏi này ám ảnh lịch sử Tây phương từ 1945 đến nay. Tại sao giữa một thế giới văn minh như thế mà một tội ác khủng khiếp như tội diệt chủng của nazi có thể xảy ra như vậy? Tại sao trí thức Âu Châu đã khôn glên tiếng báo động kịp thời? Tại sao dân chúng Đức ngả theo thuyết điên khùng quốc xã? Tại sao những con người tốt bỗng trở thành đồ tể nazi? Nếu cứ tìm hiểu như thế thì: một, tất cả mọi người đều có thể mang một ít trách nhiệm trong hiện tượng nazi; hai, có thể phát sinh khuynh hướng làm nhẹ tội nazi bằng cách đưa ra những giải thích có tính cách lịch sử, kinh tế, xã hội, tâm lý… về những biến chuyển của dân tộc Đức từ 1933. “Không ai tự ý muốn xấu,” Socrate đã nói như vậy. “Nul n’est méchant volontairement”. Không ai muốn tự ý trở thành phạm nhân. Phạm nhân chỉ là nạn nhân của mê muội, ngu dốt. Cứ tìm hiểu thì e sẽ gặp Socrate. Mà tội ác của nazi thì không thể biện minh được, không thể tha được.

Ngày nay, thỉnh thoảng có người biện hộ cho nazi. Mỗi lần như thế, toàn thể xã hội Âu châu phản ứng mãnh liệt: tội nazi không tha được. Thế thì vấn đề đặt ra là: làm sao nói được rằng tha tội là tha không suy tính? Tha tội là tha những tội không thể tha được? Tôi sẽ trở lại câu hỏi hóc búa này. Bây giờ thì tôi qua câu hỏi thứ hai.

2. Tha tội có phải là quên không?
Ai cũng nói: thời gian xóa đi tất cả. Tha tội phải chăng là bỏ qua đi cho rồi, quên phứt cho nhẹ đầu, bởi vì trước sau gì thời gian cũng xóa đi tất cả? Giữ mối thù trong lòng, nhìn mối thù chòng chọc không nhắm mắt, có khác gì người bắn cung nhắm đăm đăm vào cái đích mà không biết nó đang chuyển động không ngừng. Bắn như thế khác gì bắn vào khoảng không! Tất cả đều biến đổi: hoàn cảnh biến đổi, phạm nhân biến đổi, nạn nhân biến đổi, vậy thì ai thù ai? Cả hai chữ “ai” đều đổi cả rồi, chữ thù có còn y nguyên? Không chừng mang thù như thế sẽ đưa đến tâm trạng bất lực, ký ức bệnh hoạn. Quên thù đi để tì msự yên ổn, để làm hoà bình với chính mình, điều đó lắm khi cần thiết, về mặt cá nhân cũng như về mặt cộng đồng. Luật pháp nước nào cũng trù liệu những luật xóa tội, giảm tội, mà mục đích là đem lại hoà bìn hxã hội. Thế nhưng có những tội mà luật pháp buộc không được quên. Đây là những tội đang hấp nóng thời sự: tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại.

Vậy thì có khi phải quên, có khi phải nhớ. Người Do Thái tự dặn lòng và dặn nhân loại không được quên tội ác nazi. Họ nói: luật của thời gian là quên, nhưng luật của đạo đức là nhớ. Đạo đức siêu việt thực tại, siêu việt lịch sử. Nếu thực tại trái với đạo đức thì tôi phải chống lại thực tại chứ không phải luồn theo nó. Công lý, bình đẳng, nhân phẩm… là những nguyên tắc không lệ thuộc thời gian. Tội ác là tội ác, vẫn là tội ác, dù cho ký ức về nó có phai mời đi với năm tháng. Không phải vì tôi quên một xúc phạm mà xúc phạm đó mất tính cách xúc phạm. Không phải vì tôi quên mà tôi có thể nói rằng tôi quên như vậy là có lý.

 Bởi vì tha tội là nhớ mà tha. Quên tội rồi thì không thể nói tha được. Tha cái gì? Quên, là tiêu cực. Nhớ, là tích cực. Tha tội là một hành động tích cực: nạn nhân nhớ rành rành tội ác đã phạm nhưng quyết định gạt nó qua một bên, siêu việt nó. Bởi vậy, ghi tạc vào ký ức, là sự ràng buộc, chung thủy với quá khứ. Quên quá khứ, quên lịch sử thì ta đâu còn biết mình là ai. Thời gian là ký ức vì thời gian là tranh đấu trường kỳ để chống lại sự quên. Đối với Do Thái, đó là không quên những đau khổ đã chịu đựng. Bởi vì đau khổ là lịch sử Do Thái. Họ nói: họ đã sống suốt hai ngàn năm trong những nước mà những người cai trị mạo danh Thiên chúa giáo ngự trị trên tinh thần, trên thể xác. Họ nhắc: dưới danh nghĩa “Thượng Đế của tình thương”, những nhà tư tưởng lớn nhất của họ đã bị đốt thiêu với sách vở. Họ nhắc nữa: Do Thái bị nhục mạ, khinh bỉ trong chính sự lý giải giáo lý của Thiên chúa. Tất cả những điều đó đã ghi tạc vào linh hồn của họ sự cần thiết phải nhớ. Tội ác của nazi cũng vậy. Quên, thì họ không còn là Do Thái nữa. Vậy thì, nếu một ngày kia họ tha tội cho nazi thì bởi vì tội đó đang rướm máu mà họ tha.

 Đó là thái độ của các tác giả Do thái về ký ức và sự quên. Các tác giả Thiên chúa nghĩ thế nào?

 Trước hết, họ nhắc lại câu nói của Giê Su khi bị đóng đinh trên cây thập tự. “Lạy Cha, họ không biết hành động họ đang làm”. Một câu nói hàm chứa tinh thần tha lổi. quả vậy, tha tội là thái độ của giáo lý Thiên chúa. Thượng Đế của Do Thái và Thiên chúa là một, và Thượng Đế đó có hai mặt, vừa là Thượng Đế của thịnh nộ tượng trưng cho công lý, vừa là Thượng Đế của tình thương. Trong vấn đề tha tội, như vấn đề nazi đang nói, các tác giả Do Thái nhấn mạnh trên công lý, các tác giả Thiên chúa nhấn mạnh trên tình thương. “Lạy Cha, họ không biết hành động họ đang làm” là câu nói của tình thương.

 Thế nhưng phải hiểu thêm điều tối quan trọng này nữa. Thái độ của Thiên chúa giáo là tha tội, nhưng sự tha tội phải được hiểu thông qua Thượng Đế. Tại vì tha tội là ân huệ của Thượng Đế. Giữa người và người không có tha tội. Chỉ có Thượng Đế là tha tội. Nói rằng con người tha tội là tha tội thông qua Thượng Đế. Thượng Đế là Thượng Đế của tình thương, và chính bởi vì tôi biết Thượng Đế luôn luôn thương tôi mà tha tội cho tôi, cho nên tôi mới tha tội cho kẻ khác được. Tôi nhận ân huệ của Thượng Đế và tôi trao ân huệ đó cho người khác dưới dạng tha lỗi. Paul Ricoeur gói ghém lý thuyết đó bằng một luật mà ông gọi là luật “tràn đầy thặng dư” (loi de surabondance). Ở đâu mà tội lỗi tràn đầy, ở đó có tràn đầy hơn nữa, “tràn đầy thặng dư” ân huệ của Thượng Đế. Tha tội được hiểu qua sự tràn đầy thừa dư đó: dù cho phạm nhân có phạm tội gì đi nữa, luôn luôn có một cái gì đó đợi chờ anh ta và cái đó tốt đẹp hơn việc mà anh ta làm. Cái đó là ân huệ của Thượng Đế (5). Sự tha tội của Thượng Đế ví như một tấm gương: tôi soi vào tấm gương đó và tôi thấy tội của tôi làm, tội đối với Thượng Đế và tội đối với người khác. Tôi của tôi như thế mà Thượng Đế còn tha thì làm sao tôi không thể vì Thượng Đế mà tha tội cho người đã xúc phạm tôi?

Hiểu và hành động như thế thì tôi thấy nhẹ lòng, nhẹ như trút được gần hết gánh nặng. Kierkegaad gọi đó là “gánh nặng nhẹ bơn” (fardeau léger): “người nào trút được ý thức về tội lỗi và thế vào đó bằng ý thức của tha tội thì trút đi được gánh nặng và thế vào đó bằng gánh nặng nhẹ bơn” (6). Gánh nặng nhẹ bơn đó là gì? Là không quên rằng mình vừa được tha tội, không quên rằng mình sẽ được tha tội ngày mai, không quên rằng từ sự tha tội đó mình dựng xây một đời sống mới. Kierkegaard nói rất hay về tương quan giữa tha tội và lãng quên:”Người nông nổi thì muốn rằng cái gì cũng sẽ quên: đừng hòng! Người bi quan thì muốn chẳng gì quên được: đừng hòng! Nhưng người nào tin ở Thượng Đế thì tin rằng tất cả đều quên nhưng quên với gánh nặng nhẹ bơn trong lòng: bởi vì anh ta gánh ký ức của sự tha tội! Người nông nổi muốn rằng ký ức đó cũng sẽ quên, muốn rằng tất cả đều được tha tội-và-quên. Nhưng lòng tin vào Thượng Đế nói: tất cả đều quên, nhưng này, ngươi phải nhớ đến sự tha tội”. Nghĩa là nhớ đến sự tha tội của Thượng Đế mà ai cũng được hưởng qua ân huệ. Như vậy đâu có phải quá khứ bị quên: quá khứ đã quên trong sự tha tội. Mỗi khi ngươi nhớ đến sự tha tội thì quá khứ sẽ quên, nhưng nếu ngươi quên sự tha tội, quá khứ sẽ không bị quên nữa. Ngươi hãy sống như thế: sống mà đừng quên rằng ngươi đã được Thượng Đế tha tội.

 Nói một cách khác, tin vào ân huệ của Thượng Đế thì khỏi phải ôm tội mà sống. Thì được rửa tội. Đó là Thượng Đế thương yêu. Nhưng Thượng Đế cũng biết giận, biết thịnh nộ. Đây là vấn đề thứ ba.

3. Tha tội và công lý.
Các nhà tư tưởng Thiên chúa giáo nói: khi Thượng Đế tha tội, Thượng Đế khước từ khả năng trừng trị, khả năng hành xử công lý của mình. Họ biện luận: tất nhiên trong thánh kinh không thiếu gì những đoạn tiên tri, loan báo nhữn gtrừng phạt, những thịnh nộ, những tai ương sẽ xảy ra, nhưng “Thượng Đế không phải lúc nào cũng là Thượng Đế giữ mãi thịnh nộ”(“Tu n’es pas un Dieu qui garde sa colère à toujours”). Ta sẽ trừng phạt để ngươi trở về lại với Ta, để ngươi lại tìm thấy Ta.

Nhưng công trình của Thượng Đế là làm cho người được thành người trọn vẹn như Thượng Đế đã tạo ra nó bằng tình thương của mình. Công trình này không thể thực hiện được bằng trừng phạt. Trừng phạt không làm cho con người trở lại con người trong tình trạng trước khi phạm tội. Giết kẻ sát nhân không trả lại được mạng sóng cho nạn nhân. Và làm sao tìm được một hình phạt tương xứng với tội ác đã phạm? Kẻ giết trăm người chỉ có một thân để đền tội. Trừng phạt không sửa đổi được con người, chỉ làm tăng thêm khổ đau mà thôi. Bởi vậy, họ nói, công lý của Thượng Đế không giống với công lý của con người. Thượng Đế từ khước, không dùng đau khổ để nhân lên đau khổ. Thượng Đế mở ra cho người phạm tội một con đường mới và cùng đi với anh ta trên con đường đó: conđường Liên Minh. Tha tội là liên minh giữa Thượng Đế đã từ khước trả thù và con người đã được tha tội, run sợ trước Thượng Đế (“Tu pardonnes afin que l’on te craigne”).

Được tha tội như thế, con người học và hiểu rằng từ đây mình không thể là ông quan tòa đúng đắn. Không có khả năng phán đoán đúng đắn nữa, mình không xét xử người khác được. Mà đã không xét xử được thì chỉ còn cách tha tội thôi. Nhưng phải nhớ hoài trong đầu, phải lặp đi lặp lại rằng tha tội như vậy là tiếp tục, là kéo dài sự tha tội mà mình đã nhận từ Thượng Đế qua chúa Giê Su. Mình không xứng đáng tý nào để được tha tội, vậy mà Thượng Đế cũng tha, tha không suy tính, tha miễn phí, gratuit. Đó mới là sự tha tội đích thực, duy nhất đúng: tha miễn phí. Cho nên tha tội, nghĩ cho cùng, là tha cái không thể tha được: bởi vì không thể tha được cho nên mới tha, chứ nếu tha được thì sự tha đâu còn nghĩa lý cao siêu gì nữa! Hãy bắt chước Thượng Đế tha như vậy. Thánh kinh nói: “Phải thương người khác như thương chính mình”, nguyên tắc đó vượt qua luật pháp, vượt qua công lý.

Một chủ trương như vậy, cần phải giải đáp ba câu hỏi. Một, có thể tha tội cho người không nhận tội, không hối hận, không xin lỗi hay không? Hối hận, thú tội, đó chẳng phải là điều kiện tiên quyết để tha tội hay sao? Tha tội là để người kia làm lại cuộc đời mới, đuổi bóng tối, thắp ánh sáng, nhưng lửa có thắp được không khi củi ướt? Họ trả lời: Tôi tha tội vì tôi nối kết hành động tha của tôi với cây thánh giá.

Hai, như vậy phải chăng chỉ nạn nhân mới có thể tha tội, ngoài ra không ai khác có thể tha? Đứa con bị chết vì tai nạn xe cộ, người mẹ không thể tha tội được cho kẻ lái xe bất cẩn? Hàng chục người bị chết vì cầu sập, những người sống sót không tha tội được cho ông kỹ sư đã tính toán lầm? Triết gia Do Thái nổi tiếng Emmanuel Lévinas trả lời không ngần ngại: trong Cựu Ước, làm máu chảy thì công lý kêu gọi trả thù. Cựu Ước ghê tởm sự tha tội được ban cấp do người khác ngoài nạn nhân, bởi vì chỉ nạn nhân mới tha tội được. Tôi có quyền tha những xúc phạm gây ra do những người khác, thân thuộc tôi hoặc dân tộc tôi, thì, vì họ, tôi đòi hỏi công lý (7). Đây là lập trường trước sau như một của người Do Thái đối với nazi.

Các nhà tư tưởng Thiên chúa giáo nói khác: tất cả chúng ta đều liên đới với nhau trong thánh thể, cho nên bất công, dù ở đâu, cũng liên hệ đến chúng ta. Và bởi vì bất công và xúc phạm vượt ra khỏi nạn nhân. Dù nạn nhân đã chết, người khác vẫn có thể tha tội được.

Câu hỏi thứ ba: thế thì tôi có thể tha tội cho tôi không? Trả lời: không nhất thiết không. Tôi có thể nhận lời xin tha tội, nhưng tôi không thể ban cấp sự tha tội cho chínhtôi, tôi không thể áp dụng luật “tràn đầy thặng dư” cho chính tôi. Phải có một người khác nói cho tôi biết luật đó. Phải có khoảng cách giữa người tha tội và người được tha. Phải đi xưng tội để được nghe nói: “Tôi tuyên bố anh được tha” (“Je vous declare pardonné”). Thượng Đế tha tôi cho anh như tha tội cho tất cả mọi người. Còn nếu tôi không thổ lộ với ai mà khổ sở quá thì chỉ có cách tự tử. Bởi vì tôi không thể tha tội cho tôi.

Khi nãy, tôi có đối chiếu Thượng Đế của Cựu Ước với Thượng Đế của Tân Ước, Thượng Đế của công lý và Thượng Đế của tình thương. Nói như vậy không có nghĩa Thượng Đế của Do Thái chỉ có thịnh nộ, trừng phạt. Chương Jonas mà tín đồ Do Thái phải đọc trong lễ lớn nhất của họ, lễ Kippour, chứng tỏ điều đó: Thượng Đế sai tiên tri Jonas đến Ninive kêu gọi dân chúng xứ đó hối hận để được tha tội. Tội gì? Trăm năm trước đó, thủ đô này đã tàn sát dân Do Thái gần diệt chủng. “Jonas, đứng dậy, đi đến Ninive!” Trong Kinh thánh, Ninive được mô tả như đất của bạo lực, bất công, vô thần, tội lỗi. Jonas không chấp nhận nỗi lệnh đó. Một tội như vậy không thể tha được, tha là chẳng còn lẽ phải, công lý gì nữa. Jonas ngậm miệng ra đi, nhưng làm ngược lại để tỏ cho Thượng Đế biết lòng ông đang nổi loạn với duyên cớ chính đáng: thay vì đi về hướng Ninive, phía đông, ông đi ngược lại, phía tây. Ông không đi lên trời, về phía Thượng Đế, mà đi xuống biển. Gặp biển, ông lấy tàu, nhưng bão nổi lên, tàu sắp đắm. Thủy thủ vất hết hàng hóa để cứu người, nhưng bão dữ hơn. Thủy thủ quỳ xuống van vái Thượng Đế của họ và  bảo Jonas van vái Thượng Đế của ông. Nhưng bão vẫn dữ. Họ bàn tán và khám phá ra rằng thần bão nổi giận vì có Jonas trong tàu. Jonas nói: đúng vậy, hãy ném tôi xuống biển, vì chính tôi mà thần giận các ông. Thủy thủ không nỡ lòng, cố chèo chống vào bờ, van xin cả Thượng Đế của Joans, nhưng làm sao chống nổi Thượng Đế! Rốt cuộc, họ phải ném Jonas xuống biển. Biển yên, gió lặng. Jonas chìm sâu trong biển, trôi vào bụng cá voi. Vâng lệnh Thượng Đế, cá voi mang Jonas vào bờ, trả ông về đúng chỗ ông bắt đầu đi. Và, Jonas nghe Thượng Đế phán: “Jonas, đứng dậy, đi đến Ninive!”.

Nghĩa là Thượng Đế của Jonas cũng tha cái tội không thể tha được. Bởi vì tình thương siêu việt công lý.

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here