Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nâng cao vai trò tổ chức Gia đình Phật tử qua tìm...

Nâng cao vai trò tổ chức Gia đình Phật tử qua tìm hiểu sinh hoạt Gia đình Phật tử Cự Lại *

134
0

Dù có lúc thăng lúc trầm, nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ và các trợ duyên, mỗi đoàn sinh và các Huynh trưởng, cùng các Cư sĩ Phật tử trong Niệm Phật Đường Cự Lại luôn phát tâm xây dựng Gia đình Phật tử. Từ việc quan tâm tìm hiểu những hoạt động của Gia đình Phật tử Cự Lại, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất nâng cao vai trò của Gia đình Phật tử trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.

1. Khái quát về Gia đình Phật tử Cự Lại

Gia đình Phật tử (GĐPT) ra đời từ tháng 4 năm 1951 ở Huế, từ chủ trương của Hội Phật học An Nam thống nhất hai tổ chức tiền thân là Đoàn Phật tử Đồng Ấu (sau đổi thành Gia đình Phật hóa phổ) và Đoàn Phật học Dục Đức. Ban đầu, hình thức hoạt động là các lớp hội học cho các thanh niên nam nữ tin Phật, hay có cảm tình với Phật giáo. Những thành viên ấy dần trở thành những đoàn trưởng trong những Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên. Khi GĐPT chính thức thành lập, tổ chức này mới bắt đầu có đồng phục, có phù hiệu, bài ca chính thức. Được sự bảo trợ của các Giáo Hội Tăng Già và Hội Cư sĩ ở từng miền, GĐPT tiếp tục phát triển, lan nhanh ra các tỉnh thành khác, trước là miền Trung, miền Nam…

Trong tình hình phát triển đó, năm 1956, Khuôn hội Phật giáo làng Cự Lại được thành lập, nay là Niệm Phật Đường Cự Lại (NPĐCL). Với ước nguyện tổ chức một nơi tu tập, sinh hoạt riêng cho con em trong làng, Khuôn hội đã đề cử người (anh Nguyễn Đại Lưỡng) đi dự trại huấn luyện cấp I; khi về, thành lập Ban Huynh trưởng gồm 5 thành viên. Từ nền tảng đầu tiên ấy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh đã cho thành lập tổ chức GĐPT Cự Lại với danh từ Phật hóa (theo văn thư số 149 ngày 4/9/1957). Thời gian Phật hóa, con em trong làng được các anh chị Huynh trưởng hướng dẫn giáo lý, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, thu hút một số lượng đoàn sinh tham gia. Tinh thần trọng Đạo, mến Đoàn, sự cảm mến các anh chị Huynh trưởng, lòng ham thích đến chùa của các em dần dần hình thành, khiến cho sự phát triển của GĐPT ngày một khả quan. Từ đó GĐPT Phật hóa được đổi thành Phật tử lâm thời (văn thư số 346 ngày 9/6/1958). Chương trình hoạt động được định hình rõ nét, số lượng Huynh trưởng được bổ sung, lại được tham gia các trại huấn luyện do Ban Hướng dẫn tỉnh mở. Hoạt động của GĐPT Cự Lại ngày một tốt hơn, sinh hoạt đều đặn, dẫn dắt đoàn sinh hiệu quả. GĐPT Cự Lại được chính thức thành lập với nghị định số 181 ngày 17/12/1959 (tức ngày 18/11 Phật lịch 2503), do Thượng tọa Thích Huyền Quang ấn ký.

Từ ngày thành lập, kể cả lâm thời đến nay đã 55 năm. Thời gian ấy còn ngắn ngủi so với 2555 năm lịch sử hình thành và phát triển đạo Phật, song cũng đủ chứng minh sức sống bền bĩ của một Gia đình thân thương của nhiều thế hệ người dân Cự Lại. Trải qua bao biến động cùng đất nước, hoạt động tu học và huấn luyện có lúc nhiều lúc ít, song các thế hệ màu áo lam vẫn luôn luôn nối tiếp nhau, duy trì và phát triển tinh thần Bi – Trí – Dũng trong mái nhà Gia đình Cự Lại.

2. Hoạt động của Gia đình Phật tử Cự Lại

GĐPT Cự Lại sinh hoạt tại NPĐCL, dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Hộ Tự NPĐCL và sự chỉ đạo của Ban điều hành GĐPT Phú Vang. Tuân thủ chặt chẽ Nội quy GĐPT Việt Nam, GĐPT Cự Lại thực hiện mục đích đào tạo con em làng Cự Lại và tín đồ thập phương tin Phật trở thành những phật tử thuần thành, hằng góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.

Hiện nay, Gia đình có Ban Huynh trưởng gồm có bác Gia trưởng và 35 huynh trưởng, 222 đoàn sinh. Tu học, huấn luyện là những hoạt động chính của các đoàn sinh. Nội dung tu học lấy giáo lý nhà Phật, phân định thành ba phần căn bản: Phật pháp, văn nghệ, hoạt động thanh thiếu niên; hướng tới việc đào tạo con người tinh tấn theo đúng nghĩa của nó, trên cả ba phương diện: tình cảm “Bi”, lý trí “Trí”, ý chí “Dũng”. Nói cách khác, đó là châm ngôn Bi – Trí – Dũng với lý tưởng lấy tình thương làm động lực, lấy trí tuệ làm đèn hướng dẫn, lấy cần lao làm men tiến bộ trong mọi hoạt động tu học và thực hành của tập thể và cá nhân. Tất cả các hoạt động tu học và huấn luyện đoàn sinh, huynh trưởng đều nhằm mục đích này.

Thời gian tu học thường kỳ vào ngày thứ bảy, ngày rằm và mùng một hàng tháng. Sau giờ sinh hoạt toàn gia đình dưới cờ, đoàn sinh chia về tu học theo từng ngành. Các Huynh trưởng sẽ hướng dẫn các em học Phật pháp, giáo lý, thực hành nghi thức tụng niệm và giáo dục đạo đức hướng thiện, văn nghệ… Cạnh đó, các đoàn sinh được giao lưu sinh hoạt, tham gia cùng các GĐPT khác trong phong trào chung của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều hoạt động vào các dịp lễ có ý nghĩa trong năm, như Lễ hội Phật Bà Quán Thế Âm, mùa Phật đản, mùa Vu Lan báo hiếu, trung thu, lễ Phật thành đạo. Các huynh trưởng và đoàn sinh luôn tham dự các trại huấn luyện và hoạt động phật sự của địa phương (trại bồi dưỡng kỹ năng huynh trưởng cầm đoàn, trại huấn luyện các đợt, trại Vu Lan, cắm trại bay, tổ chức múa lân và vui tết trung thu, tham gia đại lễ cầu siêu ở địa phương, văn nghệ cúng dường, hiến máu nhân đạo…).Chính từ những giờ sinh hoạt này mà mỗi đoàn sinh biết lẽ phải, biết cách sống chân chánh, lợi vừa lợi tha đúng với tinh thần Bi Trí Dũng.

3. Thực tế phát triển của Gia đình Phật tử Cự Lại và một số đề xuất nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Gia đình Phật tử với thanh thiếu niên trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.

Tổ chức và hoạt động của GĐPT Cự Lại cho thấy đây là một GĐPT hoạt động mạnh, phát triển và có những vai trò nhất định

Sự phát triển của Gia đình Phật tử Cự Lại:

Về mặt tổ chức và số lượng: Ngày đầu thành lập GĐPT Cự Lại chỉ có ngành Thiếu và ngành Đồng Ấu (Oanh Vũ). Chu niên đầu tiên, Gia đình có 1 bác Gia trưởng và 5 người tham gia Ban Huynh trưởng, 75 đoàn sinh. Các năm sau, Gia đình đã kiện toàn tổ chức của mình, mở rộng và tiếp nhận tất cả các thành phần trong xã hội, với mọi lứa tuổi. Chu niên 50 (2007), Gia đình có 18 huynh trưởng và 142 đoàn sinh, ngành Thanh mới thành lập. Đến nay, đoàn sinh Gia đình có đầy đủ ba ngành: ngành Oanh Vũ từ 7 tuổi đến 12 tuổi; Oanh vũ Nam có 40 đoàn sinh, Oanh vũ Nữ có 78 đoàn sinh. Ngành Thiếu từ 13 tuổi đến 17 tuổi; Thiếu nam có 18 đoàn sinh, nữ có 36 đoàn sinh. Ngành Thanh từ 18 tuổi trở lên; Nam Phật tử gồm 17 đoàn sinh, Nữ Phật tử 33 đoàn sinh. Tổng số đoàn sinh đã nâng lên 222 đoàn sinh. Đây là con số đoàn sinh đông nhất trong 55 chu niên của GĐPT Cự Lại. Con số này vẫn tăng đều hàng năm, từ số con cháu các đạo hữu sinh hoạt tại Niệm Phật Đường, minh chứng cho sức phát triển của một GĐPT.

Kết quả tu học, huấn luyện: đoàn sinh trúng cách 100% trong các kỳ thi vượt bậc do Ban điều hành GĐPT Phú Vang tổ chức. Mỗi năm phát triển thêm khoảng 30 đạo hữu nam nữ ở NPĐCL theo tính kế thừa của GĐPT.

Sự đánh giá kết quả hoạt động: Những hoạt động tu học, rèn luyện và phật sự của GĐPT Cự Lại đã được Phân Ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên Huế và chính quyền địa phương, bà con đạo hữu ghi nhận với bằng khen Tinh Tấn, nhiều bằng chứng nhận, bằng tán dương công đức. 

Những kết quả này có được từ nhiều nguyên nhân:

– GĐPT Việt Nam luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước hiện hành. Tại hội nghị Huynh trưởng cấp Tấn, cấp Dũng Gia đình Phật tử toàn quốc ngày 28-29/-7/2001 diễn ra ở Tổ đình Từ Đàm, Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam đã được tu chỉnh lại với nhiều đổi mới, bổ sung phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Cơ sở pháp lý cho GĐPT hoạt động được củng cố. Từ đây, sinh hoạt tu học của GĐPT diễn ra có nhiều thuận lợi.

– Đóng góp chung của các GĐPT trong vùng.

Không thể phủ nhận các Niệm Phật Đường, các GĐPT vùng duyên hải ở tỉnh Thừa Thiên Huế (An Bằng, Vinh Thanh, Thuận An, Cự Lại, Diêm Trường…) hoạt động rất tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của tổ chức GĐPT. Chăm lo phát triển kinh tế, để rồi người dân càng hướng tâm tu học, sâu xa cũng là để cái phước, cái duyên lại cho con cháu. Có đi chùa thì có tinh tấn tinh thần, có ý niệm nhắc nhở chính mình và mọi người xung quanh hướng dẫn nhau tu đạo thì cuộc sống trường an lạc, tâm phát thiện lành.

– Đặc biệt là vai trò tích cực của các Cư sĩ Phật tử ở Niệm phật đường Cự Lại:

Các Cư sĩ Phật tử là những người có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của GĐPT và Niệm Phật Đường. Cư sĩ Phật tử chính là chiếc cầu nối giữa đạo, chùa với lớp thanh thiếu niên trong mỗi gia đình. Khuôn hội Phật giáo Cự Lại được thành lập, sau nhờ sự trợ duyên mà Niệm Phật Đường Cự Lại mới khang trang. Cơ sở vật chất  tốt đẹp. Đạo hữu nỗ lực tinh tiến tu học. Họ đến chùa lễ Phật, tụng kinh, tu học, tham gia công tác Phật sự, tích cực tham gia các công việc cùng giới tu sĩ. Đó là tấm gương trong sáng soi chiếu tâm hồn thanh thiếu niên con em Cự Lại. Từ sự quy nếp ấy, các em được cuốn hút theo cha anh mà tiếp tục tham gia GĐPT. Lớp tuổi Oanh Vũ chim non ríu rít tham gia vui vẻ. Rồi đến chùa có nếp có quy, họ phát triển lên lớp Thiếu, lớp Thanh…

Niệm Phật Đường Cự Lại hiện nay có 311 đạo hữu nam, 297 đạo hữu nữ. Từng năm một phát triển thêm khoảng 30 đạo hữu nam nữ, từ các đoàn sinh của GĐPT lớn lên và thập phương thiện tín mến đạo. Có thể thấy, tính chuyển giao, kế thừa giữa GĐPT và Cư sĩ Phật tử ở NPĐCL rất cụ thể, rõ nét và chắc chắn nhất.
Một số đề xuất nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Gia đình Phật tử

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy số lượng đoàn sinh GĐPT ở ngành Oanh Vũ qua các năm luôn chiếm đa số; đoàn sinh nữ luôn nhiều hơn đoàn sinh nam, đặc biệt từ ngành Thiếu đến ngành Thanh. Đặc điểm này xuất hiện ở nhiều tổ chức GĐPT khác. Điều này đặt ra một vấn đề không chỉ với GĐPT Cự Lại mà còn là nỗi băn khoăn chung của GĐPT Việt Nam: làm sao thu hút những thanh thiếu niên, đặc biệt là các em nam, tích cực tham gia sinh hoạt GĐPT?

Rõ ràng, ngày nay giới trẻ được (hay bị) tiếp xúc với bao luồng thông tin, lực hấp dẫn trong xã hội phát triển vũ bão về kinh tế, thay đổi chóng mặt về văn hóa. Tính động lập, coi trọng cá nhân được cổ xúy vừa có ưu điểm lẫn nhược điểm. Với giới trẻ, nếu thiếu sự chỉ dẫn định hướng của các thế hệ đi trước dễ rơi vào chủ nghĩa cục bộ cá nhân, ít năng động thích nghi với tình hình hiện nay. Đến chùa, tu tập, thậm chí chỉ dùng cơm chay, trở thành những điều xa lạ với một bộ phận thanh thiếu niên. Để tiếp cận, thay đổi và thu hút những thanh niên ấy không hề dễ dàng.

Vai trò cơ bản của Gia đình Phật tử không chỉ giáo dục thanh thiếu niên trở thành những phật tử chân chánh dưới mái chùa, mà còn là những con người năng động, xốc vá, biết thấu hiểu và thích nghi với mọi hoàn cảnh trong xã hội. Thực tế chứng minh những thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt GĐPT thường rất dạn dĩ, thích ứng tốt với mọi hoạt động khi tham gia phong trào Đoàn Đội, các hoạt động xã hội. Do đó, phát triển hình thức GĐPT rất quan trọng với việc giáo dục thanh thiếu niên ngày nay.

Với mong muốn nâng cao hơn nữa vai trò GĐPT trong thời kỳ hiện nay, chúng tôi mạo muội đưa ra vài suy nghĩ:

– Đặc thù chung của thanh thiếu niên là ưa hoạt động, thích hội hè vui chơi, thích đi đây đó, và tham gia các phong trào xã hội, tình nguyện. Thuận lợi là tổ chức GĐPT đáp ứng tất cả những điều đó. Để phát huy thuận lợi trên, Gia đình Phật tử cần chú trọng phát triển các hình thức sinh hoạt ngoại khóa. Đặc biệt nên tăng cường tổ chức các trại, các cuộc thi đố vui, văn nghệ. Đây là hình thức dễ lôi cuốn rất nhiều thanh thiếu niên tham gia, nơi các em giao lưu, vui chơi gặp gỡ bạn bè, đồng thời học hỏi và thể hiện khả năng của bản thân, tập thể…

– Mở các trại hè dành cho đông đảo thanh thiếu niên tham gia trên tinh thần tự nguyện cùng với các đoàn sinh Gia đình Phật tử mỗi dịp hè. Chúng tôi thiết nghĩ có nhiều em có nhu cầu tìm hiểu, gần gũi với tổ chức và hoạt động của GĐPT, song do ngại ngùng, thiếu thời gian hay chưa có cơ duyên mà chưa tham gia được.

– Quảng bá cơ cấu tổ chức và hoạt động của GĐPT cách rộng rãi nhất, trên tất cả các phương tiện. Tích cực phát hành các tập san của các GĐPT hoặc của Niệm Phật Đường, cập nhật nhanh chóng, thường xuyên các thông tin trên trang thông tin điện tử.  Đọc các tập san, ngoài việc thấm sâu hơn tư tưởng Phật học là các hình ảnh hoạt động của GĐPT. Trăm nghe không bằng một thấy, hình ảnh là hiện thực sống động dễ dàng thu hút sự chú ý các thanh thiếu niên với các sinh hoạt của GĐPT.

– Tổng hợp và phát hành hệ thống các công trình nghiên cứu, các cuốn sách về chủ đề Gia đình Phật tử Việt Nam, giúp giới trẻ và thập phương thiện tín mến đạo quan tâm dễ dàng tiếp cận. Nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử và các thành viên tiêu biểu của Gia đình Phật tử Việt Nam là có thực. Tuy nhiên, việc tiếp cận các thông tin này đối với những người quan tâm vốn không phải là cư sĩ phật tử hay đoàn sinh gia đình phật tử, hay đạo hữu các chùa, niệm phật đường thường có nhiều lúng túng, tra cứu không dễ dàng.

– Để nâng cao vai trò của Gia đình Phật tử, chúng tôi thiết mong sự nhiệt tâm hướng dẫn, tham gia hỗ trợ trong mọi hoạt động của các Cư sĩ Phật tử. Mỗi con người rồi sẽ lớn khôn, như chim non đến lúc cứng cáp mà rời khỏi tổ mẹ. Song ngày còn thơ, người người đều cần đến sự quan tâm, chỉ dạy của người đi trước. Các Cư sĩ Phật tử là trợ lực minh sáng cho giới trẻ bước đi trên con đường chánh pháp và cả đường đời.

4. Đôi lời thưa cuối

Lịch sử hiển hiện vai trò của Gia đình Phật tử trước bước đi lên của Phật giáo trong thời hội nhập và phát triển của đất nước. Thanh thiếu niên được tu dưỡng, rèn luyện dưới mái nhà Gia đình Phật tử, đã trở thành những con người trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm; trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống; dũng tiến trên đường đạo…Thế hệ này tiếp nối lớp Cư sĩ Phật tử trước, tiếp tục gieo nhân lành để gặt quả ngọt ở các lớp thế hệ trẻ sau…Cứ như thế, thiện duyên phước lành được lan tỏa khắp nơi.

Chưa có cơ duyên tham gia, sinh hoạt dưới mái nhà Gia đình Phật tử, chúng tôi tự thấy những dòng chữ trên đây quả thật mạo muội. Chỉ xin cẩn trọng đặt bút từ lòng thiện tâm nguyện cầu cho sự phát triển của tổ chức Gia đình Phật tử, phát tâm tinh tiến theo lời ca “Kìa xem đóa sen trắng thơm. Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn. Hình dung bổn sự chúng ta. Lòng Từ bi, Tri giác vô cùng. Đồng thế: nguyện một dạ theo Phật. Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết. Đến bao giờ được tày sen ngát. Tỏa hương thơm Từ bi tận cùng”.                                                                               

D.T.H.V

* Bài đọc tại Hội thảo Hướng dẫn Phật tử Thừa Thiên Huế 29.7.2011

 …………………………

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Võ Thị Xuân Hà (2010), Gia đình Phật tử, Nxb Văn Hóa – Thông Tin, Hà Nội
2. Gia đình Phật tử Cự Lại (1973), Lam, Đặc san kỷ niệm Đệ thập nhị chu niên.
3. Gia đình Phật tử Cự Lại (2007), Đặc san kỷ niệm chu niên lần thứ 50 năm Gia đình Phật tử Cự Lại.
4. Gia đình Phật tử Cự Lại (2010), Báo cáo tổng kết tình hình, tu học, sinh hoạt và phật sự, nhân sự năm 2010 của Gia đình Phật tử Cự Lại.
5. Thượng tọa Thích Thiện Toàn (Phân Ban GĐPT Đà Nẵng), Gia đình Phật tử đối với vấn đề đạo đức xã hội hiện nay, http://www.giadinhphattu.vn
6. Thích Nhật Tuệ (2010), “Đến với Gia đình Phật tử là đến với cội nguồn của Từ Bi và Trí Tuệ”, Đặc san Hoa Đạo 2, Kỷ niệm 53 năm xây dựng, 40 năm chính thức thành lập Gia đình Phật tử Thuận An, trang 13 – 16.
7. Trang web Gia đình Phật tử Cự Lại:  http://www.gdptculai.com
8. Trang web Gia đình Phật tử Việt Nam:  http://www.giadinhphattu.vn

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here