Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Myanmar trầm mặc

Myanmar trầm mặc

135
0

Những người đàn ông trong trang phục dân tộc Saron, bỏm bẻm nhai trầu khoan thai chờ đợi chiều qua. Những người phụ nữ trang điểm lên má thứ bột giã từ vỏ cây Thanakha để làm duyên, mát da và tránh nắng. Xứ sở sinh ra nhiều nắng như để bắt sáng lên những ngôi chùa dát vàng, tôn thêm vẻ giàu có của miền đất ấp ôm nhiều mỏ vàng, mỏ ngọc.

Đức tin có trên gương mặt bình thản của những người dạo bộ, ẩn trong đôi mắt đọng một nụ cười hiền của người dẫn đường vui tính, trên khóe môi thắm trầu của những người đàn ông bước trên đường. Thẳm sâu hơn tất thảy những mỏ vàng, đức tin tụ lại nơi những ngôi chùa ở Yangon, thành phố cổ Bagan và đặc biệt trong trái tim Myanmar-chùa Vàng Shwedagon, ngôi chùa tồn tại qua hàng chục thế kỷ nằm giữa Yangon.

Không ồn ào, không ngụt ngùi hương khói, giữa thong thả tiếng chuông vẳng vào không trung, những người hành hương ngồi thiền lặng lẽ trên sảnh, nơi những góc khuất. Ở đây, trong khuôn viên rộng, người ta chìm vào không gian của những hiện vật đậm màu sắc tôn giáo: bức tượng Phật uy nghiêm bằng ngọc nguyên khối nặng gần 200kg, dát 2.500 gram vàng, 9 viên kim cương, 91 viên hồng ngọc; ngọn tháp sừng sững cao hơn 300 feet được dát 7 tấn vàng; chiếc chuông lớn do một vị vua cung tiến năm 1784, nặng 24 tấn, được đúc từ vàng, bạc, đồng, chì, kẽm… Sự tồn tại của chúng trong thế kỷ hiện đại này bền bỉ kể về những câu chuyện xa vời, bền bỉ như đức tin, lòng hướng thiện.

Chùa sống cùng người dân qua bao mùa cây thay lá nhưng đặc biệt nhất là trong ngày hội té nước mừng năm mới. Trong trang sách theo cùng khách lạ có dòng kể rằng: “Vào ngày hội, những cô gái quết bột Thanakha lên nền chùa cho đến chiều muộn, còn những chàng trai thì say sưa trong những khúc nhạc tình. Sáng hôm sau, những bức tượng Phật trong chùa được “gột rửa” bằng nước Thanakha”.

Tiếp nối dòng hồi ức, câu chuyện của vị sư trong sắc áo vàng đưa người ta về một thời cách đây xa lắm, khoảng 2.500 năm: Chùa do vị vua đầu tiên của Myanmar xây năm 588 trước Công nguyên. Mới đầu không lớn như thế này, chỉ là một ngôi chùa nhỏ. Mỗi vị vua sau đó lại xây ngày một lớn thêm cho đến bây giờ. Ngày xưa có 2 anh em người Myanmar hành hương sang Tây Trúc dâng lên Đức Phật một loại bánh mật, đáp lại, Đức Phật ban cho 2 anh em 8 sợi tóc. Họ mang về dâng lên Đức Vua, ông vua quyết định xây ngôi chùa này để đặt 8 sợi tóc, cho nên chùa rất linh thiêng, là vùng đất thánh kỳ diệu.

Vì giá trị to lớn, nơi đây có hẳn một Ban quản lý là một tổ chức phi Chính phủ để trông coi chùa, có lực lượng bảo vệ gồm quân đội, cảnh sát và nghìn nhân viên được trang bị hệ thống phòng cháy, bơm nước… Trong ánh mắt ông Zony, thành viên ban quản lý, sáng lên một đức tin về sự vĩnh cửu. Ông Zony khẽ hái những lá cây bồ đề rợp bóng nơi góc chùa tặng cho khách. Ông bảo, đây là cây bồ đề lấy từ đất Phật Ấn Độ, đã gần 100 tuổi.

Phía sân chính ngôi chùa, cô gái nhỏ hiền Chuzơbelai, đôi má ửng hồng Thanakha, bước sau vị sư già. Đôi mắt buồn ngước theo những mái vòm sáng nắng, theo cánh chim phóng sinh vừa bay vút vào lùm cây. “Hôm nay là ngày giỗ đầu của mẹ em. Tưởng nhớ đến mẹ, em lên chùa dâng lên mẹ nến và hoa” – Nói rồi, Chuzơbelai lặng lẽ bước đi. Đã gần trưa rồi, nắng chợt sẫm hơn, phết hồng thêm sắc Thanakha trên những đôi má, hắt sáng những bóng người cầu nguyện rì rầm.

Bagan đón khách trong thanh bình và giản dị, điều ít có được nơi những thành phố ồn ào. Sự mộc mạc thấy ngay trong cách thông báo giờ bay bằng tấm bảng do nhân viên sân bay giơ cao khiến cho những vị khách nước ngoài mỉm cười vui vẻ. Vẻ hồn nhiên của khung cảnh và con người nơi đây dường như vẫn vậy từ suốt thế kỷ 11 – thế kỷ bắt đầu cho một nhà nước Bagan coi trọng chùa chiền, ngôn ngữ và văn chương. Bagan ngày xưa được biết đến như một bang thịnh vượng nhất thế giới thời Trung cổ. Cho đến giờ, những dấu tích thịnh vượng vẫn còn hiển hiện trong 5.000 ngôi chùa, trong đôi bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, trong những viên gạch cổ mà cách làm du nhập từ Ấn Độ theo con đường truyền giáo hay trên những gương mặt người già phảng phất nét huyền thoại.

Vương quốc Bagan buổi bình minh chỉ là một khu gồm 19 làng. Dưới thời vua Thinlikuang, 19 làng hợp nhất nên thành phố Thiro-Pyiassaya trên bờ sông Ayeyarwaddy. Đó là thành phố khởi đầu của kinh thành Bagan sau này. Đến giữa thế kỷ 11, năm 1044, Nhà nước Bagan được hình thành, chính thức mở đầu trang sử Myanmar. Hàng loạt công trình kiến trúc ra đời. Phật giáo Tiểu thừa được nhà vua tiếp nhận tôn thành quốc giáo và là khuôn thước của đời sống và tư tưởng xã hội. Cũng vì thế, ở Bagan có hẳn một Bảo tàng Dân tộc học gom chứa tầng tầng lớp lớp những giá trị trường tồn chục thế kỷ.

Sông Ayeyarwaddy bao bọc Bagan, là phần hồn, là vựa cá của những khu chợ quê. Thoáng chốc, những chiếc xe ô tô cũ kỹ chầm chậm trên bờ sông như hiện ra từ những thước phim xưa. Thành phố với muôn vàn sự trong lành. Cỗ xe ngựa thong dong chiều nắng đẹp thuê giá rẻ, dạo qua những đền đài, chùa chiền, qua những cánh rừng thốt nốt xòe tán lên trời xanh. Những nhóm chùa im lìm chất chứa những điều bí ẩn. Một không gian phong kín thanh bình. Đâu đó, những người khách phương Tây thích thú đóng bộ saron bản địa, vắt vẻo trên chiếc xe đạp đi qua chiều Bagan bình yên.

5.000 ngôi chùa Bagan không thể thăm viếng hết. Người dẫn đường lục tìm trong trí nhớ 3 ngôi chùa lớn nhất Bagan để đưa khách đi: Shwe Ze Gone, Shwe San Taw và Bue. Ở Bue, khi bóng chiều chầm chậm trôi trên sông cũng là lúc lữ khách tư lự nhớ về quê nhà. Càng nhớ hơn khi bước vào khu chợ quê. Rìa làng Toung Ve lơ thơ một khu chợ chủ yếu bán nông sản thực phẩm, đơn sơ hệt như cảnh chợ nông thôn quê mình. Ở một góc chợ, những người phụ nữ tần tảo bán cá; chiếc cân thô sơ đến mức quả cân chính là cục pin và hòn đá.

… Câu chuyện với người nông dân làng Toung Ve kết thúc một ngày yên bình. Chiếc lá bồ đề, gương mặt ửng hồng Thanakha và những ánh mắt theo về. Tất cả là thứ ngôn ngữ không cần lời dịch về một đức tin trầm lắng Myanmar.

 (Báo TNVN)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here