Ngược lại, một số người cho Phật giáo không phải Tôn giáo mà là một Triết học, một học thuyết. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni với những thuyết lý của Ngài, cũng không khác Khổng Tử với thuyết Chánh danh, Lão Tử với thuyết Vô vi, Bergson với thuyết Trực giác, Darwin với thuyết Tiến hóa. Chúng ta không thể đồng tình, miễn cưỡng đứng vào một trong hai thái độ ấy; vì đứng vào đó, chúng ta sẽ giảm mất một phần sáng suốt để nhận chân một cái đạo chuộng lý trí, trọng thực hành, mở rộng từ bi phổ biến bình đẳng là đạo Phật, để cởi mở gông cùm đau khổ, vạch ra một con đường an vui giải thoát.
Nếu chúng ta cho Phật Giáo là Tôn giáo, được hiểu theo nghĩa thông thường, nó không phải mê tín thần quyền, chỉ ngưỡng mong sự cứu rỗi, tìm an vui, cầu hiểu sự thật, toàn bằng vào một chút lòng tin.
Nếu muốn nói Phật Giáo là Triết học, thì nó không phải huyền tưởng không đàm, phát minh bản thể sự vật, suy tầm lý lẽ xa xăm mà thiếu phương châm để thật chứng. Hay nếu muốn nói Phật Giáo là gì gì đi nữa, thì lời nói chúng ta cũng chỉ là lời phiến diện hẹp hòi. Chi bằng ta cứ nói ngay đạo Phật là đạo Phật, vì chính danh từ ấy đã chứng minh mạnh mẽ đạo Phật không phải Tôn giáo mê tín, không phải Triết lý không đàm. Đạo Phật nghĩa là đạo giác ngộ, nếu còn mê tín thời không thể giác ngộ, không đàm cũng không làm sao giác ngộ được.
Căn cứ lẽ đó, chúng ta nên biết đạo Phật rất bổ ích, thích hợp với sự tiến triển tốt đẹp của nhân loại; hơn nữa đạo Phật có thể hướng dẫn tâm trí nhân loại tới chỗ giác ngộ sự thật, chứ không phủ nhận lý trí, vì chính đạo Phật đã xây dựng trên lý trí thực nghiệm, đạo Phật có thể hướng dẫn hành động loài người tới chỗ hợp lý, bởi đạo Phật đã kiến lập trên thực tế tu hành.
Nói thêm cho rõ, đạo Phật đã hướng dẫn lý trí chúng ta đi về con đường nào? Nhứt là đối với hai vấn đề mà mọi người đều băn khoăn, vấn đề nhân sanh và vũ trụ, thì đạo Phật đã quan niệm nó thế nào?
Nói đến vũ trụ, ta ngó sang bên đông, ngó về bên tây, ngó lên tận trời, ngó xuống đáy bể, không đâu không phải vũ trụ, hình như là một khối chắc thật phổ biến bao bọc lấy ta và muôn loài, từ khi ta chưa sanh đã có, đến khi ta chết vẫn còn. Phải chăng vũ trụ đã thường còn đến thế? Nếu thật vậy, chúng ta rất hoan nghênh và đồng thanh hô lớn: Vũ trụ muôn năm. Nhưng xét kỹ lại, thì thấy đúng như lời Phật dạy sau đây: Cõi nước mong manh, không ngừng biến chuyển, nhờ sự quan hệ với nhau mà phát sinh và tồn tại, chứ đâu phải do một người nào làm ra, một nguyên nhân gì tạo lập. Trong đó một ngọn lá rơi, tức là vũ trụ thay hình, một khúc sông lở tức là vũ trụ đổi dạng. Nếu ta chú ý nhìn xem trong một ngày trạng huống của sự vật, từ lớn chí bé, ta đều thấy toàn chung một luật đổi thay. Cơn gió lốc thổi mạnh không thể trọn ngày, trận mưa to không suốt sáng, hoa kia sớm nở chiều tàn cùng biết bao ruộng dâu đã hóa bể, như thế thì vũ trụ có chi miên trường thật có, mà trái lại biến dịch mong manh; trong hưng thạnh đã ẩn vẻ điêu tàn, khi sanh thành là tiêu diệt, tuy có đó mà không đó, đổi dạng thay hình trong nháy mắt…
Vũ trụ thế ấy, còn nhân sanh thế nào? Thoạt tiên, ta ngó từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ một xã hội đến toàn thế giới, không đâu không có dấu chân, hình ảnh con người; phải chăng nhân sanh là những sự thật thường còn? Trước trước ta đã có, và sau sau ta vẫn còn; chính như thân ta từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ 10 năm, 20 năm, bảy tám mươi năm mà ta cứ vẫn là ta chứ không phải người nào khác. Nếu quả vậy là điều chúng ta rất hy vọng mà đồng thanh hô lớn: Nhân sanh vạn tuế. Nhưng xét sâu vào thực trạng nhân sanh, lại không khỏi làm cho ta ngậm ngùi suy nghĩ. Như lời Đức Phật dạy: Thân mạng không thường, nhân sanh thống khổ. Thật vậy, chẳng có bằng cớ gì tỏ cho ta thấy đời thường còn, an vui, tự tại cả. Thay đổi nào tướng mạo, màu sắc, tâm tính, ý chí; lúc mới sanh không giống lúc tuổi già, khi thành nhân khác hẳn khi bé nhỏ, nằm trong nôi há miệng đòi bú khác với lúc ngồi ăn cơm. Chẳng những thay đổi trong từng năm mà luôn từng ngày, từng giờ. Nên người xưa đã nói: Khi để chân lên giường cùng khi bỏ chân xuống đất, hai người đã không giống nhau. Và họ cũng đã viếr ra câu: Sáng như tơ mà tối lại như sương để tả mái tóc xanh vô định.
Ngoài luật vô thường thiên nhiên chi phối ấy, còn vô số lầm than đều được trút hết vào con người. Chưa ngớt khổ về nắng mưa đói rét, sống, chết, già, đau, lại dồn thêm nỗi thống khổ do đồng loại tham hận tương tàn gây nên, ai không thấy trạng huống nhân loại ngày nay, khổ vì ai đó, mà tiếng khóc lời than càng thêm kéo dài lan rộng, những nỗi oan ức bất bình càng ngày càng chất chứa lên cao tận trời xanh. Nghĩ đến cảnh đói rét bê tha, nhà hoang người vắng mà ai chẳng động lòng. Nhưng chưa gớm ghê và chua xót mấy bằng khi thấy mạng người như sợi tơ mảnh củi mục; sự sống chẳng còn chút gì bảo đảm, mặc dầu ngày nay pháp luật nhân đạo rất nhiều mà chưa được thi hành cũng lắm. Giá trị con người chẳng hơn gì loài vô tri giác, con người thay thế thú vật bị đau làm vật hy sinh, làm mồi ngon cho thần chết. Cái họa đồng loại tương tàn ngày nay ai cũng thấy rõ. Nếu ta thử đi hỏi từng người lớn bé trẻ già khắp thiên hạ có được mấy kẻ hân hoan mà trả lời với ta, đời họ không khổ vì ái ân xa lìa, vì oán thù gặp gỡ, vì uất hận bất bình, ghen ghét thất vọng… Cho nên có nhà thi sĩ đã ngâm:
Trắng răng đến kẻ bạc đầu,
Cùng mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
Đời là một bể khổ, nên ai mới lọt lòng cũng đều cất tiếng khóc than!
Ôi! Nhân sanh như thế, vũ trụ như kia, vì ai nên nỗi! Người ta làm thế nào để tẩu thoát ngoài cõi đời ác trược nầy ư? Chúng ta mang câu hỏi ấy lần lữa đi hỏi từ người nầy sang người khác, nhưng hoàn toàn thất vọng, họ chỉ cho ta tìm xem sách Tôn giáo, Triết học, Khoa học v.v… Ta tìm sách Tôn giáo thì thấy phần nhiều chủ trương tương tợ với nhau rằng: "Tất cả vạn sự hay vạn vật khổ vui đều do xây dựng của trời sanh, trái với trời sanh là khổ, tin thuận trời sanh là vui". Song ta không tin vậy được; vì nếu trời sanh nhân đức, thì còn sanh ra chi cảnh khổ nầy; còn nếu trời sanh không nhân đức tài năng thì ta có tin cần cũng vô hiệu. Rồi ta lần tìm đến sách chánh trị, thì thấy trong đó rất dồi dào về pháp luật, điều ước, có thể dẹp nội loạn, chống ngoại xâm; song những nỗi khắc khoải của con người, nỗi thắc mắc trong tâm trí cùng các ác thần lão, bệnh, tử, sanh, mê mờ, thống khổ… chánh trị không thể dẹp yên. Thất vọng ở chánh trị, ta tìm sang khoa học, thì thật đã làm ta chóa mắt, bao nhiêu tài trí, biến hóa vô cùng, như thần tiên giáng thế, nó đã giúp ích cho nhân quần biết mấy; nhưng một điều mà khoa học không thể trả lời với ta: "Làm thế nào để ngăn đón lòng người nham hiểm, dùng sai khoa học, gây nên tai vạ máu sông xương núi, sát hại tàn khốc như ngày nay thì ai chịu trách nhiệm?" Do đó ta thấy khoa học đã nhiều mặt làm tốt nhưng cũng có mặt vô tình mài con dao bén trao tay cho kẻ hung tàn, thêm dầu vào đống lửa dục vọng để con người tự tay thiêu đốt thân mình.
Chưa thỏa mãn với khoa học, chúng ta thử hy vọng vào các học thuyết triết học. Triết học hầu hết là không đàm, thiếu phương châm diệt khổ. Nho giáo ư? Thì toàn là Lý tánh, Dịch số. Đạo giáo ư? Thì xương minh Huyền lý, Đơn đạo, nhưng đối với bản quyền sự vật giải quyết rất sơ sài, và phương pháp để tu hành thực chứng rất thiếu khuyết. Như thế chúng ta cũng thất vọng luôn với các học thuyết ấy và may mắn thay còn có đạo Phật. Chúng ta rất sung sướng mà nghe câu trả lời nầy của đạo Phật: "Vũ trụ vô thường nhân sanh thống khổ, không phải do trời sanh, đất dưỡng, không duy vật duy tâm". Vì trời là một pháp, đất cũng là một pháp, người là một pháp, cỏ cây cũng là một pháp, tâm là một pháp, vật cũng là một pháp, cho đến cái có là một pháp, mà cái rỗng không cũng là một pháp, không một pháp tồn tại biệt lập, nếu không nhờ sự quan hệ giúp nhau, không nhờ sự chi phối đối đãi theo cơ cảm mọi loài, tuy đồng mà biệt, tuy biệt mà đồng, một người tội ác, tự mình đau khổ còn gây đau khổ cho tất cả nữa. Cho nên sự sống khổ đau của nhân loại nầy không phải riêng ai định đoán cả, mà bởi tại con người; truy tầm căn nguyên xét tận gốc rễ, lại không phải tại con người mà bởi hành động con người; không phải bởi hành động con người mà tại tâm lý con người. Nên kinh dạy: "Vì tâm cấu nên chúng sanh cấu, nếu tâm tịnh thời chúng sanh tịnh". Vậy thì cõi đời ô trọc, xấu xa, khổ sở hoặc thanh tịnh tốt đẹp, an vui đều do tâm lý con người làm chủ động. Một tâm lý ích kỷ, mười tâm lý ích kỷ, trăm ngàn vạn tâm lý ích kỷ sẽ tập thành một thế giới đảo điên, tăm tối. Trái lại, một tâm lý từ bi, mười tâm lý từ bi, trăm ngàn vạn tâm lý từ bi sẽ dựng nên một Tịnh độ an lạc.
Khổ hay vui, trước mặt ta đã có sẵn hai con đường: Một con đường đến đọa lạc, tối tăm do tâm lý xấu, hành động xấu, và một con đường đến vinh quang, hạnh phúc do tâm lý tốt, hành động tốt. Vậy bây giờ chúng ta hãy lựa con đường nào mà đi? Dĩ nhiên, quí ngài cũng như tôi, chúng ta quyết lựa con đường nói sau, và chính con đường ấy là con đường chư Phật đã đi. Đi trên con đường ấy phải đủ hai điều kiện: Một là tập tánh vô ngã để diệt trừ lòng ích kỷ cá nhân, phái đảng, để nhận rõ lẽ tương quan sanh tồn, muốn sống an vui không phải tương tàn mà cần hỗ trợ. Hai là nhận đúng lý nhân quả, hành động theo nhân quả; biết rằng lời nói, hành động ấy sẽ trở lại với mình cũng thế, và nếu muốn hành động hợp lý phải có phương pháp hợp lý để thi hành. Dùng Phật giới để ngăn trừ hành vi xấu ác, dùng Phật định để tiêu diệt tâm niệm đảo điên loạn lạc, dùng Phật Tuệ để dẹp giặc vô minh, thấu lẽ vô thường, ngộ nhập chân lý.
Tóm lại chúng ta cần phải học Phật, vì đạo Phật không phải Tôn giáo, Triết học mà là đạo Giác ngộ. Có giác ngộ mới an vui, mới hợp lý, hợp tình giúp trí thức của chúng ta tiến hóa sáng suốt, giúp hành động của ta tiến hóa tốt đẹp để xây dựng một đời sống an vui thanh tịnh.
HT. T.T.S