Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Muối, lễ vật cúng tế của người dân miền Trung

Muối, lễ vật cúng tế của người dân miền Trung

186
0

1. Vấn đề nghiên cứu

Miền Trung – mảnh đất của sự hội tụ, giao thoa và tiếp biến văn hóa, cộng cư của người dân Việt – Tiền trú – Chămpa trong buổi đầu, trên bước đường Nam tiến của người Việt. Chính vì vậy, đời sống văn hóa tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân nơi đây chứa đựng những giá trị đặc trưng mang tính vùng, miền, trong chỉnh thể cấu trúc đa dạng của nó.

Trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt, có thể nhận thấy sự phong phú của lễ tiết, với những lễ vật cúng tế, lễ nghi được trao truyền qua nhiều thế hệ; trong đó, mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp lúa nước đặc trưng trong sự giao thoa văn hóa núi, biển mà cư dân Việt miền Trung là một minh chứng sinh động, điển hình thông qua các lễ vật cúng tế. Ngoài những lễ vật, lễ thức căn bản không thể thiếu của các nghi lễ cúng tế, tạm gọi là “phần cứng”, cần chú ý tới những phẩm vật luôn có sự thay đổi đặc trưng, tuỳ thuộc vào đối tượng cúng tế, tạm gọi là “phần mềm”. Chính từ vấn đề này, chúng ta có thể nhận chân được đối tượng cúng tế cũng như tính chất của lễ cúng được diễn ra, mà muối là phần cứng luôn hiện diện trong hệ thống lễ vật cúng tế với một chức năng bao trùm lên toàn bộ ý nghĩa các lễ cúng của người Việt miền Trung.

Từ những tác dụng muôn mặt trong cuộc sống đời thường (tác dụng sinh học, vật lý, hoá học, phong tục, tình cảm, ước vọng,…), con người cũng đã đưa muối vào đời sống nghi lễ với những tính năng hay biểu tượng như: [1.] tình cảm: mặn mòi, sâu đậm,… [2.] phong tục: tẩy uế,… [3.] ước vọng: sự vĩnh cửu, sung túc, v.v…

Hạt muối từ một chức năng sử dụng thông thường, trở thành lễ vật cúng tế không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân miền Trung. Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề cần đi sâu tìm hiểu về vị trí, vai trò cũng như hệ quan niệm… trong các nghi thức cúng tế.

2. Muối – lễ vật cúng tế

Miền Trung là một phức hệ đan xen, cận cư, khu trú của nhiều tộc người bản địa và người Việt (từ châu thổ Bắc bộ), góp phần tạo nên đời sống kinh tế – văn hóa tín ngưỡng đa dạng, phong phú [Lê Thị Như Khuê, 2005]. Đến vùng đất mới, người Việt mang theo vốn văn hóa truyền thống từ cố hương đất Bắc, giao thoa, tiếp biến với văn hoá tín ngưỡng của cư dân tiền trú bản địa, hình thành thế ứng xử đặc thù trước tự nhiên cũng như xã hội, mà biểu hiện cô đọng nhất có thể dễ dàng nhận thấy, chính là từ hệ thống lễ tiết và phẩm vật cúng tế phong phú.

2.1. Từ vị trí của muối trong đời sống con người…

Muối có giá trị đặc biệt, mang tính phổ quát toàn nhân loại bởi con người không thể thiếu muối. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng muối làm thực phẩm, bảo quản thức ăn, chữa bệnh… và ngày nay, muối có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực, với nhiều chức năng: gia vị, chữa bệnh, trong văn chương, phong tục tập quán, tín ngưỡng – tôn giáo,… 

Ở đây, muối mang nhiều ý nghĩa, tuỳ mục đích, bối cảnh sử dụng và cơ bản, tuỳ thuộc phong tục tập quán của mỗi một cộng đồng tộc người. Người Hy Lạp hiến dâng muối trong các nghi lễ thờ cúng tại đền Jeswish. Người theo đạo Cơ Đốc vào ngày Sabbath vẫn còn tập tục nhúng bánh mì trong muối như là dấu vết còn lại của sự cúng tế. Trong Phật giáo truyền thống Ấn Độ, muối được sử dụng để xua đuổi những linh hồn xấu xa sau khi dự đám tang về bằng cách ném muối lên người trước khi vào nhà. Đạo Shinto lại sử dụng muối để tẩy uế, xua đuổi những thần linh có ác ý trong sân đấu của các võ sĩ đô vật Sumô trước trận đấu. Trong nghi lễ Công giáo, muối được các linh mục làm phép để trừ ma quỷ khi làm phép rửa tội và muối cũng được hòa vào nước để làm nước thánh,… Đối với người Việt, muối hiện diện trong lễ vật cúng tế và cũng có mặt trong các kiêng kị để khu trừ uế tạp mỗi khi gặp xui xẻo “phòng long” hay yểm trừ tà ma,…

2.2. … đến muối trong lễ vật cúng tế của người Việt miền Trung

Muối trong vai trò thực phẩm chủ yếu với dung lượng nhiều hay ít, nhưng trong đời sống lễ nghi, nó lại mang nhiều giá trị đặc thù đối với từng nghi lễ. Có sự sai khác về mặt số lượng, không gian sống và ý nghĩa biểu tượng của muối trong đời sống nghi lễ, do vậy, là điều dễ hiểu.

Trong các lễ vật cúng tế, muối hiện diện một cách thường trực bên cạnh gạo, hạt nổ, chè, cháo, hoa quả, giấy áo, trầm trà, cùng gà, heo, bò,… Trên cơ sở từ các lễ cúng, có thể nhìn nhận muối được sắp xếp và hầu như có mặt trong tất cả các lễ nghi diễn ra của người Việt:

Đầy tháng: Hương, hoa, trầm, trà, gạo , muối,…    Gà, cua, trứng, thức ăn,…, cúng Bà mụ
Hôn lễ: Hương, đèn, muối, gừng,…    Hoa, quả, lễ phẩm liên quan, cúng Ông Tơ, Bà Nguyệt
Nhà mới: Gạo, muối, nước,…    Hoa, quả, thức ăn,  cúng Thô Thần
Cúng đất: Hương, đèn, áo, cháo, gạo, muối, nỗ,…    Gà, heo, thức ăn,…,  cúng Thần
Cúng thập loại cô hồn: Hương, đèn, áo, cháo, gạo, muối, nỗ,…, cúng Cô hồn, chúng sinh,…
Phạt mộc (Lễ tang): Hương đèn, muối, gạo, cúng xua đuổi tà ma
Lễ Thổ thần: Hương, đèn, hoa quả, muối, gạo,… cúng  Thần Hoàng v.v…    

Đối với lễ cúng Thần (nhân thần và thiên thần) như các lễ cúng đất, cúng thần Thành hoàng, cúng Mụ, tạ trời đất,…, muối được dùng nguyên hạt, để dưới bụng con gà trống hoặc heo, bò, dê,… kèm theo một con dao, bởi theo quan niệm dân gian, khi các vị thần phối hưởng sẽ có dao để cắt/xẻ, chắm với muối để ăn, điều đó sẽ làm cho các vị thần vui vẻ nhận lấy lễ vật của người cúng. Đây là quan niệm phổ biến trong dân gian nhưng đồng thời, vẫn có thể nhìn nhận muối trong một hệ thống quan niệm về nhu cầu của một thực thể sống: máu (huyết), lục phủ ngũ tạng, muối (sự sống)… của con vật dâng đến các vị thần linh.Trong nghi lễ tang ma, để linh hồn người quá cố được an tĩnh, người Việt có lễ Phạt mộc để xua đuổi tà ma bằng cách chém vào áo quan ba nhát. Khi lễ kết thúc, tang chủ ném một nắm gạo và muối ra đường để tống tiễn hết mọi loại ma quỷ kể cả mộc tinh ẩn nấp trong quan tài (Toan Ánh, 1970: 303). Trong văn tế Tốt khốc, hình ảnh chén cơm, đĩa muối hiển thị tấm lòng của con cháu: “Ngày tháng thoi đưa, tới tuần tốt khốc, cây lặng, gió lay, khóc làm sao được, lưng cơm, đĩa muối, gọi chút đền ơn, cha (mẹ) từ khuất mặt, tưởng, linh hồn như ở linh sàng. Con khó có lòng, thờ lúc chết như thờ lúc sống” (Lê Trung Vũ, Lưu Kiếm Thanh, Nguyễn Hồng Dương, 1996: 224). Điều đó đã cho thấy, muối vừa là cái gắn bó trong cuộc sống của người sống nhưng cũng vừa là tấm lòng, tấc dạ, là lễ vật của con cháu khi cúng thần linh, tổ tiên như quan niệm của trần thế.

Trong lễ cúng thập loại cô hồn hay vào những ngày sóc vọng, ngoài những lễ vật hương hoa, quả phẩm,…, bao giờ cũng có mâm gạo, muối, cháo thánh, bánh tráng, đường, tiền,… để cấp phát cho thập loại chúng sinh  . Đó được xem như là những thứ cần thiết hằng ngày trong cuộc sống con người, với hàm ý sâu xa: cõi âm và dương tuy khác nhau nhưng luôn: “kỉnh như tại” theo quan niệm Á đông. Từ đó, mặc nhiên nhìn nhận người sống và người chết đều có những nhu cầu như nhau: “Con người sống nhờ hột gạo, hột muối thì thác cũng phải cần hột gạo, hột muối” (An Miên, 2006). Sống và chết được ví như sự thay đổi về không gian và thời gian nhưng vẫn có những nhu cầu tương tự trong ăn uống, mặc, ở và các nhu cầu khác: “Người Việt Nam cho là rất tự nhiên khi tin rằng người chết sống vô hình bên cạnh người sống. Niềm tin này không đến với họ từ một hành động tín ngưỡng, từ một nhu cầu để ước mơ, để giải thích các bí ẩn của đời sống; đó không phải là một niềm xác tín đơn giản phía luận lý, phát sinh từ một nhu cầu con tim hay trí óc, đó là một đoán chắc thực sự buộc họ phải chấp nhận với sự thực hiển nhiên của sự thật thấy được, sờ được… Người ta tin người chết sống bên cạnh người sống như tin vào ánh nắng mặt trời hay sức nặng của chì ” (L. Cadière, 2003: 498 – 499) .

Muối còn hiện diện trong phong tục hôn nhân từ xa xưa: “Để cho quan hệ vợ chồng được bền vững, khi cưới đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao nhau nắm đất và gói muối. Nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó với đất đai – làng xóm – quê hương; gói muối là lời cầu chúc cho tình nghĩa giữa hai người mặn mà chung thuỷ ” (Trần Ngọc Thêm, 2006). Cũng từ sự tích “ông Tơ bà Nguyệt” nên trong mâm lễ Tơ hồng, luôn có một đĩa muối và đĩa gừng, bởi theo quan niệm dân gian, khi có sự kết hợp thì gừng dịu bớt vị cay, muối dịu bớt vị mặn. Tính chất đó đã biểu trưng tình nghĩa vợ chồng gắn kết với nhau, hòa dịu như muối với gừng trong cuộc sống gia đình.

Khi vào nhà mới, người ta thường cúng Lỗ Ban (tổ nghề thợ mộc) ba hủ gạo, muối và nước đầy, để trên cao, cầu cho tân gia sung túc, và cũng để nhớ ơn bà Thị tổ nghề mộc – Cửu Thiên Huyền Nữ. Rõ ràng, con người đã thừa nhận 3 lễ vật đặc biệt này là vô cùng cần thiết, quan trọng cho sự sống, gia chủ phải trân trọng lưu giữ với ước nguyện cuộc sống sung túc.

Trong một số nghi lễ cổ truyền của người đi biển ở xứ Quảng, muối có mặt trong lễ cúng tạ thần linh và lễ Tống cói (xui xẻo) (Nguyễn Xuân Hương, 2004), hay trong lễ Đổ giàn ở An Thái – Bình Định, ngoài nhưng lễ vật khác đi kèm, lễ vật chính bao giờ cũng có lá cờ phướn – tượng trưng cho phúc đức tài thần, một heo quay, bánh trái, gạo muối v.v…

Từ vai trò thiết yếu trong cuộc sống đời thường, muối trở thành vật phẩm thường trực trong đời sống nghi lễ. Quan niệm về muối do vậy trở nên khá đặc trưng. Mặt khác, trong lễ vật cúng tế của người Việt, muối hiện diện như một phần tất yếu, là sự biểu trưng hương vị biển trong sự tổng hợp văn hóa đa dạng và phong phú của cư dân Việt.

Người dân quan niệm “ăn gì cúng vậy”, “xưa bày nay làm”, dù rằng có khi, nguyên nghĩa của nó ít được truy nguyên. Tuy nhiên, điểm chung xuyên suốt là lòng thành kính của con người đối với thần linh, tổ tiên… trong mối giao hoà hai cõi âm – dương. Bên cạnh đó, cần chú ý đến sự bổ sung trong quan niệm của các vị tu sĩ, hay thầy pháp, tham gia các qui trình lễ nghi đó, thông qua văn tế:

Phù diêm mễ dã, báu vật trời sanh, nhớ khi xưa Nghiêu – Thuấn nông công canh, Thần Nông hoàng đế sơ phân, tạo diêm mễ thử đa dụng thực, trợ bách tánh đều ăn khí lực, thúc muôn dân truyền dưỡng sanh thành. Gạo Lực Châu vua Thuấn nông công canh. Muối ở Đại Hải nhà Châu chế tác. Thổ sanh mễ mùi thơm phưng phức. Thủy sanh diêm nhụy trắng phau phau. Trước đà nỗi tiếng quân vương chư hầu, sau để thế lưu truyền thiên hạ. Xưa tiên hiền tạo hóa lương thảo phát tam cung, cập đại tiểu quân bình âm mễ diêm sa hạ. Hởi âm binh…” (Văn cúng cấp phát diêm mễ cho âm linh cô hồn).

Trên cơ sở khảo sát từ thực tế, muối trong lễ vật cúng tế của người Việt miền Trung được họ xem xét từ nhiều giác độ nhận thức riêng biệt và hầu như không ai tường tận gốc tích xuất phát từ việc cúng muối.

Căn cứ trên bài văn cúng, gạo và muối chính là hai báu vật mà trời ban cho con người, được vua Thuấn và Thần Nông lấy làm nguồn sống chính yếu của con người, lưu truyền cho hậu thế về sau. Đồng thời, cũng đã nói lên nguồn gốc hình thành của muối với hình ảnh: “Muối ở Đại Hải nhà Châu chế tác,… Thủy sanh diêm nhụy trắng phau phau”. Thêm vào đó, muối và gạo khi phát cho âm binh cô hồn thì đồng thời cũng nhắc nhở họ nhớ đến nguồn gốc hình thành cũng như sự trân trọng, quý báu vật trời ban cho, một lần nữa, họ lại dùng vật phẩm quí giá đó để hiến cúng cho cõi âm.

Với quan niệm đơn giản “xưa bày nay làm” nhưng ẩn chứa nhiều lý lẽ biện chứng của một mối quan hệ giao hoà, muối mặc nhiên hiện hữu một cách thường trực trong đời sống lễ nghi.

3. Thay lời kết

Muối có mặt phổ biến trong lễ vật cúng tế của người Việt miền Trung, với những nét đậm nhạt khác nhau tùy tập tục thờ cúng. Cho nên, bức tranh về muối trong lễ vật cúng tế trên vùng đất này cũng hết sức sinh động, phong phú về quan niệm, mục đích lẫn ý nghĩa của việc cúng muối đem lại.

Hạt muối với vai trò đảm bảo cho sự sống còn của con người và các loài động/thực vật đã chuyển hóa thành một lễ vật sử dụng trong cúng tế là một cầu nối trong mối quan hệ tương giao giữa hai thế giới âm và dương, hay thế giới của người và thần linh, ma quỷ,… Từ món ăn phải có muối, muối làm cho hương vị món ăn thêm ngon, giúp cơ thể được khỏe mạnh, muối đã hòa tan trong cơ thể của mọi người thông qua những món ăn, thức uống từ cao sang đến đạm bạc. Muối là sự thiết thân, là nhu cầu tối thiểu phải có, nên muối không chỉ có mặt trong chế biến món ăn mà còn được sử dụng là lễ vật cúng tế với một ý nghĩa thỏa mãn nhu cầu tinh thần đối với thế giới tâm linh.

Có thể hiện nay, quan niệm về muối trong đời sống lễ nghi đôi lúc không còn mang giá trị nguyên nghĩa nhưng sự hiện diện của phẩm vật đơn giản nhưng cực kỳ quí giá này vẫn là điều đương nhiên. Nghiên cứu đời sống lễ nghi, cụ thể là ý nghĩa biểu trưng của các vật phẩm, như muối, có thể coi là những từ khoá quan trọng trong việc tìm hiểu đời sống tâm linh, thế ứng xử nhân bản của con người trước những thế giới ngoài con người.

Do vậy, hạt muối hoàn toàn không chỉ còn là một hạt muối thuần tuý vật chất nữa.

L.T.Q

 TÀI LIỆU THAM KHẢO
An Miên (2006), “Đầu xuân nói chuyện muối”, DVCOnline.net.
Bảo Đàn (2007), “Con đường muối” đến trục lộ xuyên Á trong diễn trình lịch sử  – văn hóa Việt – Lào”, Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, số tháng 9: 121 – 141.
Cadière, L. (2003), “Gia đình và tôn giáo ở An nam”, B.A.V.H (tập XVII, 1930), Huế: Nxb. Thuận Hoá: 489 – 566.
Đặng Nghiêm Vạn (2002), “Hệ thống tôn giáo dân tộc: Đạo thờ tổ tiên (Dẫn chứng địa giới Hà Nội)”, trong Philippe Papin – Olivier Tessier [Ch.b] (2002), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, H.: Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, Nxb. LĐXH: 355 – 378.
Lê Thị Như Khuê (2005), “Lưu ảnh của lớp người tiền trú ở miền Trung Việt Nam qua lễ tục cúng đất – tá thổ”, Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, số tháng 9: 17 – 27.
Lê Trung Vũ, Lưu Kiếm Thanh, Nguyễn Hồng Dương (1996), Nghi lễ đời người, H.: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 [Nguyễn Nghị dịch], Tp.HCM.: Nxb. Trẻ.
Ngô Đức Thịnh [Ch.b] (2000), Văn hóa dân gian làng ven biển, H.: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Nguyễn Hữu Thông (2005), “Duyên hải miền Trung – Trường sơn – Tây nguyên: một chỉnh thể trong đa dạng”, Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, số tháng 9: 7 – 16.
Nguyễn Xuân Hương (2004), “Một số nghi lễ cổ truyền của nghề biển ở xứ Quảng”, Văn hóa Dân gian, số 3.
Phạm Minh Thảo (2000), Lệ tục vòng đời, H.: Nxb. Văn hóa – Thông tin.
Thích Huyền Tôn [d.], Du già diệm khẩu thí thực khoa nghi, T.p Hồ Chí Minh: Nxb. Tôn giáo.
Toan Ánh (1970), Nếp của con người Việt Nam – phong tục cổ truyền, S.: Nxb. Khai trí.
Trần Ngọc Thêm (2006), Phong tục hôn nhân (13/11/2006), www.vns.hnue.edu.vn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here