Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Mừng năm mới: Mạn đàm chuyện đổi Tết dời Xuân

Mừng năm mới: Mạn đàm chuyện đổi Tết dời Xuân

153
0

Gần Tết Giáp Ngọ 2014, có anh Tâm Hải Đỗ Kiến Phúc, chủ nhiệm Hiệp Hội Truyền Thông Phật giáo Việt Nam Hải ngoại ở Canada, tham khảo ý kiến về một khuynh hướng mới đang hình thành và phát triển chủ trương rằng: “Ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam theo Âm lịch, nên đổi qua ngày đầu năm Dương lịch vì chúng ta không có lí do gì phải bám theo lịch Tàu, phải lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc. Hơn thế nữa, chọn ngày Năm Mới theo Dương lịch sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thế hệ con em tương lai trong tương quan với thế giới bên ngoài.”

Trước một vấn đề văn hóa có liên quan đến cả ba lĩnh vực truyền thống, tình cảm và tâm linh như thế, thật không đơn giản để chọn lựa một thái độ hay một ý kiến dứt khoát là ủng hộ hay chống đối. Nghĩ vậy, nên tôi đã thưa với anh Tâm Hải là cho tôi thêm thời gian suy nghĩ và thăm dò ý kiến chung trước khi nêu ý kiến riêng của mình. Tuy vậy, đã được hỏi, chẳng lẽ cứ “thủ khẩu như bình, thủ ý như thành” nên tôi chỉ có đôi lời mạn đàm bên tách trà Năm Mới.

Người phía Đông dãy Trường Sơn, cho rằng Năm Mới là đầu Xuân: Đó là người Việt, người Trung Quốc.

Người phía Tây Trường Sơn, cho Năm Mới là cuối mùa Xuân: Đó là người Lào, người Hmong, người Cam Bốt.

Trong khi đó, hầu hết các dân tộc trên thế giới, kể cả Nhật Bản và đa số dân Nam Hàn theo lịch Tây – Gregorian – đón Năm Mới vào mùa Đông.

Sự lựa chọn ngày lành tháng tốt cho Năm Mới nầy, càng đi xa vòng quanh thế giới, càng thấy linh động theo những thời điểm khác nhau. Hóa ra “Năm Mới” không còn là “Cung chúc Tân Xuân” nữa mà nó hiện ra muôn hình, muôn vẻ – Cung chúc Tân… Hạ, Thu, Đông chăng? Xuất phát từ truyền thống lựa chọn của từng nhóm dân tộc, từng giống người, mỗi sự lựa chọn đều có lý do tâm lý, tình cảm, phong thổ và thiên nhiên của nó.

Nếu dân Việt ta chịu ảnh hưởng nếp nghĩ theo dòng của Trung Quốc mà cho rằng, khi Xuân về, Tết đến là lúc những loài hoa trỗi dậy khoe hương, khoe sắc sau giấc ngủ dài trầm trịch mùa Đông; thì dân Lào, dân Miên lại cho rằng “Tết” của họ là khi vụ mùa đầu năm đã gặt hái xong. Khi có được những bữa ăn đầy no ấm, khi những con đường về thôn xóm, bản làng khô ráo dễ thăm nhau và có cây cối đơm hoa xinh đẹp mà thưởng thức, đó mới chính là Năm Mới, là lúc tưng bừng mở hội.

Đâu đó 32 năm về trước, một buổi trưa đầu tuần đi trên con đường thành phố Baton Rouge miền Đông nước Mỹ trong một ngày cuối năm ta, người đi bên cạnh tôi nhắc:

“Bây giờ bên quê mình đang cúng Giao Thừa.”

Gặp một người Việt Nam quen, tôi nói như reo lên:

“Chúc mừng Năm Mới!”

Thấy có thằng cháu nhỏ bên cạnh, tôi chuyển qua “hệ” tiếng Mỹ liền tay:

“Happy New Year!”

Những người Mỹ đi trên đường nghe thấy, ngạc nhiên nhìn chúng tôi như những gã bất thường. Có lẽ những người khách lạ kia sẽ ngạc nhiên hỏi rằng, đã tháng Hai rồi mà các anh chàng tóc đen kia còn “chúc mừng năm mới” cái nỗi gì mà lạ thế nhỉ

Tính dân tộc vốn bắt nguồn từ những thói quen, cách sống, nếp suy nghĩ của một nhóm hay một cộng đồng chủng tộc. Rồi lâu ngày, tích tụ thành một điệu sống riêng với những quy ước chung cho cả cộng đồng nhân chủng đó gọi là văn hóa. Trong văn hóa chung (culture) có văn hóa riêng (subculture). Cũng như trong văn hóa Việt Nam, có văn hóa Huế; trong văn hóa Huế có văn hóa Huế dân gian và văn hóa Huế Cung Đình; trong văn hóa Cung Đình có văn hóa đế vương, văn hóa cung phi, văn hóa thái giám… Bởi thế, người ta thường bị rơi vào cái thế “trăng quê ta tròn nhất” khi tranh nhau nói về Năm Mới của mình là hợp lý, hợp tình và đậm đà hơn cả trong thiên hạ

Khi còn ở quê nhà, nhất là thời kỳ ở Huế, ý niệm chủ quan của tôi “Xuân về, Tết đến” vừa tự nhiên, vừa thiêng liêng như cả không gian, thời gian và đất trời đều dọn mình sẵn sàng để thưởng Xuân, đón Tết xoay vần miên viễn, đời đời không thay đổi. Bản thân mình cũng như bà con làng trên xóm dưới sau lũy tre làng cứ nghĩ đơn thuần là hoàng mai đơm nụ, trúc đào trổ bông để chào Xuân như một định luật tự nhiên mà con người chỉ là cái bóng yếu ớt rạp mình vâng theo chứ không thể nào đổi khác. Cho đến khi rời xa quê hương, sống ở Mỹ thì cú “sốc văn hóa” trước hết đối với tôi là sớm Mồng Một Tết đầu tiên rơi vào ngày giữa tuần. Người lớn vẫn đến sở làm việc, trẻ nhỏ vẫn đến trường đi học, chẳng ai quan tâm có một ngày gọi là Tết Nguyên Đán trên đất nước nầy. Khung cảnh đa chủng tộc, đa văn hóa của Mỹ đã đem cái truyền thống lễ hội đón mừng Năm Mới của mỗi dân tộc lặng lẽ đi về vùng trời sâu thẳm và xa vời trong ký ức của họ. Qua những không gian khác nhau của nhiều đất nước trên thế giới mà bản thân mình đã được sống hay đi qua, tôi đã xa dần ý niệm “Tân Xuân, Năm Mới” vốn đã ngự trị nghiêm cẩn như đền đài đầy uy lực tinh thần trong tôi hơn nửa cuộc đời.

Năm Quý Tỵ 2013, sau hơn ba mươi năm tha hương nhớ Tết, tới ngày nghỉ hưu tôi mới được về quê ăn Tết ở làng. Dẫu hoàn cảnh đổi thay, nhưng tinh thần đón Tết của một làng quê ven thành phố Huế, làng Liễu Cốc Hạ của tôi, vẫn như xưa. Không khí chuẩn bị cho ngày Tết vẫn là những hình ảnh quen thân giống như từ ngày tôi còn bé.

Tết Huế mở đầu vào tháng Chạp thường gặp cái lạnh ghê người. Tháng Chạp là “trạm” thử thách cuối cùng hàng năm đối với tuổi già và người bệnh tật. Người không đủ sức qua “truông” thường ra đi trong tháng Chạp để về đất sum họp ăn Tết với tổ tiên. Bởi vậy, nguyên cả tháng Chạp trong những ngày về ở làng hầu như ngày nào tôi cũng được bà con hết xóm Dưới, qua xóm Giữa , vào xóm Cụt, đến xóm Côi… mời ăn giỗ-kỵ lơ là cả cơm nhà. Cứ thế, hết lễ giỗ, lễ chạp gia đình, dòng tộc đến lễ cúng Tất Niên nhà, tiệm, xóm, làng, cỗ rước, cỗ đưa, giao thừa, xông đất… làm cho không khí Tết rộn ràng, nếp sinh hoạt làng xã sống động và lòng người lâng lâng với cảm giác như được sống hòa quyện với đất trời.

Tôi và gia đình đã sống qua 32 mùa Xuân ở Mỹ. Thời gian trải nghiệm cũng tạm đủ dài để chính mình cảm nhận được rằng, cái điệu sống đượm nhuần văn hóa mà người ta thường gọi nôm na “đất lề quê thói” không đơn giản là một quy ước xã hội giữa những con người với nhau. Nó là kết tinh của mối ràng buộc thiêng liêng giữa con người, hoàn cảnh và thiên nhiên. Nó không đơn thuần là cuốn lịch thời gian xoay vần quanh tạo vật. Bởi vậy, có một sự phân định khá rạch ròi giữa Năm Mới và Tết. Năm Mới là cái mốc thời gian vật lý. Tết là lễ hội thân-tâm. Thân phải chịu đựng những tháng mùa Đông giá lạnh, xám ngắt nên cần được thu nhiễm chút năng lượng mặt trời ấm áp và hoa lá trổ mầm xinh đẹp. Cùng lúc, tâm cũng cần những hình thức lễ hội linh động với nhân sinh mà giao hòa với liên tưởng xứ của tổ tiên, cội nguồn trời đất vô hình nhưng có mặt thường hằng và khắp nơi trong ý niệm đời sống.

Lịch Gregorian còn gọi là Tây lịch hay Dương lịch là một hệ thống ghi dấu thời gian do Giáo hoàng Gregory XIII san định lại từ lịch Julian vào năm 1582. Ngày nay, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2013 thì trên thế giới có đến 97 phần trăm các nước dùng lịch Gregorian làm tiêu chuẩn hành chánh, sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có dưới 70 phần trăm dùng lịch Tây nầy làm cột mốc thời gian cho lễ hội mừng Năm Mới. Việt Nam cũng nằm trong số các nước dùng lịch Tây Gregorian để đo ngày tháng và làm tiêu chuẩn sinh hoạt; nhưng không dùng ngày đầu năm Dương lịch để mừng Năm Mới. Ở Châu Á, Trung Quốc là nước sau cùng quyết định dùng Tây Lịch khi vào năm 1912, Tôn Dật Tiên bất chấp sự chống đối của làn sóng bảo thủ giữ Âm Lịch theo truyền thống Trung Hoa cho đất nước, ban hành quyết định lấy Dương Lịch làm tiêu chuẩn ngày tháng cho hệ thống hành chánh trong toàn đất nước.

Mấy tháng mùa Xuân về với Huế, tôi có lắng nghe những ý kiến của các nhân vật có thẩm quyền về văn hóa và ảnh hưởng xã hội, lịch sử đưa ra ý kiến “nên hay không” chọn ngày Tết Nguyên Đán vào dịp đầu năm Dương lịch thay cho Âm lịch như hiện nay.

Sự chọn lựa thay thế này, Nhật Bản đã thực hiện vào ngày 1-1-1873. Người Nhật gọi là “Ngày đầu tháng Giêng Meiji 6” (明治6年1月1日 Meiji rokunen ichigatsu tsuitachi). Tôi có dịp tiếp xúc với một số trí thức Nhật ở độ tuổi cao niên. Phần lớn họ cho rằng, thay đổi ngày lễ hội đầu năm truyền thống đượm tính phương Đông thành kiểu “Tết Tây” đã làm nhạt đi ý nghĩa thiêng liêng của ngày kỷ niệm truyền thống mang nặng cả linh hồn dân tộc và niềm tự hào con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Thói quen lâu ngày trở thành “thiên tính” thứ hai, cho nên chẳng có gì là không thay đổi được nếu cần thiết và đừng bám chặt vào quá khứ. Có những quá khứ đẹp như một mối tình thơ mộng đầu tiên đã mất. Nhưng cũng có những quá khứ vẫn huy hoàng trong hiện tại như mùa Xuân, ánh nắng, mặt trời đến hẹn lại lên; như hoa cúc hoa mai đến mùa lại nở; như ngày Tết đến độ lại về.

Hôm nay, xa mùa Tết quê hương trở về đếm lại từng ngày tuổi già trên đất Mỹ, tôi nhớ những ngày Tết ở quê nhà diễn ra đúng vào ngày Mồng Một tháng Giêng Âm lịch; trong lúc Hội Tết Nguyên Đán của các Cộng đồng người Việt từng địa phương ở Mỹ thường phải bắt đầu từ một dịp Cuối Tuần có khi dăm ba ngày hay cả một vài tuần lễ sau Tết. Vô hình chung, sự chuyển đổi ngày Tết phải uyển chuyển thực hiện tùy theo hoàn cảnh. Ngày Tết cũng như lòng người, như quan hệ thân tâm. Thân mới mà tâm cũ thì bước đi chuyển hóa sẽ bị giới hạn bởi sự nông cạn của tinh thần bảo thủ; ngược lại, thân cũ mà tâm mới sẽ khó thoát ly được thực tại vì thiếu phương tiện chuyển hóa.

Sáng nay, tôi say sưa nhìn bình hoa chưng đón Tết trên bàn thờ. Tự nhiên tôi nghiệm ra một điều hơi trái với cảm nhận thường tình, rằng là, hoa không đẹp bởi màu sắc của chính nó mà bởi sự hài hòa của nhiều màu sắc tương hội với nhau. Cũng thế, Tết Việt Nam mình thiêng liêng không phải bởi ngày tháng mà vì ý nghĩa truyền thống sâu rộng tiếp hiện, truyền đời của chính nó. Hoa mai vàng ngày Xuân đẹp và tỏa hương thanh thoát như thế thì dẫu trổ hoa trong rừng vắng hay giữa nơi đô hội hương sắc có khác gì đâu. Xin nâng một tách trà xanh Thái Nguyên và chúc mừng Năm Mới.

Sacramento, đầu năm Dương lịch 2014
Trần Kiêm Đoàn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here