Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Mùa Vu Lan: Những nguyện ước từ trái tim

Mùa Vu Lan: Những nguyện ước từ trái tim

146
0

Tây cũng xin… xá tội
Sáng 14/8, chúng tôi có mặt tại các chùa lớn trên địa bàn Hà Nội như Chùa Quán Sứ, Chùa Phúc Khánh, Chùa Hà, Chùa Trấn Quốc… Chùa Quán Sứ năm nay tổ chức Lễ Vu Lan trong 3 ngày, từ này 11-13/7 âm lịch, Chùa Hà từ ngày mùng 7-8/7 âm lịch đã có phật tử đến làm lễ. 








Nén nhang lên chùa trong ngày lễ Vu Lan. Ảnh: Lan Thương


Không chỉ với người dân ở Hà Nội, mà nhiều người ở tỉnh xa xôi cũng đoàn tụ tại Chùa Quán Sứ vào những ngày rằm tháng 7 này để cầu an. Chị Nguyễn Thị Mừng, cùng với đoàn đi gồm 17 người ở tận xã Chiêng Hác, Mai Châu, Sơn La đã có mặt ở Chùa Quán Sứ từ 3 ngày nay.


Chị Mừng cho biết, hàng năm cứ vào những ngày này là chị với một số người dân trong xã lại tụ về Chùa Quán Sứ để cầu mong cho cuộc sống được an lành, gặp nhiều may mắn. Đến với lễ phật năm nay, chị cầu cho gia đình mình được an lành, thiên tai không có, và làm ăn phát tác, phát đạt…


Giờ hành chính của các công sở Hà Nội là 8h, nhưng từ 7h hôm nay tại các ngôi chùa, đền nằm trong khu phố cổ, nơi đặt nhiều trụ sở của cơ quan nhà nước TP. Hà Nội, đã có khá đông chị em. Chị Dao, một cán bộ ngành ngân hàng, đang mua lễ truớc Chùa Quán Sứ, cho biết: “Giờ không cần cầu kỳ như xưa, chỉ cần đi người không, đến trước cổng chùa rồi đặt lễ. Khoảng 5 phút sau là có thể vào chùa cầu an được. Hôm nay còn vắng thế này, chứ bằng giờ ngày mai thì chật kín người ra kẻ vào…”. 








Những ngồi biệt thự, đồ điện gia dụng cho người cõi âm được bầy bán từ sáng đến tối trên phố hàng Mã. Ảnh: Lan Thương
Trong những ngày này, không chỉ có người Việt mới đến chùa làm lễ xá tội vong nhân, ngay cả người nước ngoài cũng đến thắp hương xá tội.  


Tại Chùa Trấn Quốc, lượng khách nước ngoài đến chùa không ít. Tuy nhiên, ít ai hiểu và biết đến ngày Vu Lan như anh Fernaldo. Là người Canada, nhưng Fernaldo đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm.


3 năm trở lại đây, khi đã hiểu được ý nghĩa của ngày Vu Lan, năm nào tôi cũng đi chùa để xá tội. Tôi xa nhà lâu rồi, nên tôi cầu cho ba mẹ tôi ở bên đó luôn được mạnh khỏe. Cầu mong cho tất cả những người thân của tôi đều được bình an” – Fernaldo nói tiếng Việt khá sõi. 








Anh Fernaldo xá tội kiểu nước ngoài.
 Ảnh: Lệ Cẩm
Fernaldo còn cho biết thêm: “Vợ tôi cũng là người Canada, chúng tôi sống và làm việc ở Việt Nam, vì vậy, chúng tôi muốn theo phong tục của người Việt Nam. Bên nước chúng tôi, chúng tôi luôn xá tội với Chúa vào ngày cuối tuần. Sang đây, tôi mới biết đến thế nào là lễ phật, là ngày Vu Lan. Tôi thấy ngày này thực sự có ý nghĩa. Khi nào tôi còn ở Việt Nam, thì tôi còn đi cầu mong và xá tội vong nhân”.


Ban quản lý Chùa Trấn Quốc cũng cho hay, mấy năm gần đây, lượng khách nước ngoài đến đây vào dịp xá tội vong nhân ngày càng đông. Cũng không ít người hỏi han và tỏ ra khá hiểu biết về ngày lễ Vu Lan ở Việt Nam. Việc người nước ngoài thắp hương trong dịp lễ xá tội vong nhân này ở đây không còn là chuyện hiếm nữa.


Những nguyện ước từ sâu thẳm trái tim

Dành trọn vẹn cả ngày để đi tới hầu hết các chùa, cô bé Giáng Hương mang duy nhất một lời ước: cầu mong sao cho mẹ sớm tỉnh dậy sau hơn 2 tuần rơi vào trạng thái hôn mê sau một tai nạn thảm khốc. Gặp Hương tại Chùa Trấn Quốc, cô sụt sùi: “Sáng nay em đã đến cầu ở Chùa Hà và Chùa Quán Sứ rồi. Vào đây xong, lát nữa em sẽ lên Phủ Tây Hồ. Em có thể đi đến bất cứ nơi nào, chỉ mong mẹ em tỉnh lại…”. Chỉ nói đến đây, nước mắt cô bé lại chảy dài trên gò má. 


Có một điều đặc biệt, lễ Vu Lan năm nay, các bạn trẻ đi cầu khấn khá nhiều. Mỗi người một điều ước, một thỉnh cầu, tuy nhiên, hầu hết ai cũng mong muốn cha mẹ mình được mạnh khỏe và bình an. 










Những nguyện ước từ trái tim cho người thân của mình.
Ảnh: Vũ Điệp – Lệ Cẩm

Theo mẹ lên chùa, bé Thụy Phương (8 tuổi) cũng đứng thắp hương và khấn trước bàn thờ Tổ. “Em mong cho mẹ em khỏi được bệnh viêm họng. Dạo này mẹ em hay bị ho lắm, có những hôm ho cả đêm, làm em không ngủ được, em thương mẹ lắm”. Ánh mắt trẻ thơ của cô bé 8 tuổi này toát lên một vẻ thành khẩn. Chỉ cần nghe những lời như thế, chị Thụy Miên, mẹ Phương cũng đã cảm thấy xúc động và hoàn toàn mãn nguyện. 


Bên trong Chùa Quán Sứ, Lê Thị Nhung, ở quận Hoàn Kiếm, cũng đang thắp hương khấn vái cầu mong cho bà nội đang ốm nặng nhanh được khỏi bệnh. Nhung bảo: “Bà em bị bệnh phổi rất nặng, nhìn thấy bà phải chống chọi với bệnh tật em rất thương bà nhưng không giúp gì được bà cả, nên hôm nay em đến đây cầu Đức Phật từ bi cho bà em sớm khỏi bệnh để được sống mạnh khỏe trở lại”








Những chiếc ôtô đời mới nhất được bầy bán trên phố hàng Mã. Ảnh: Lan Thương


Mặc dù ở trọ, nhưng bạn Tú (ĐH Ngoại Thương) vẫn cố gắng sắm một mâm quả thắp hương cho ngày Vu Lan tại nhà trọ. “Nhà ở xa, mình không về nhà vào ngày này được. Thôi đành lên chùa thắp hương và mua mâm quả nhỏ làm lễ hóa vàng tại nhà, cầu mong bố mẹ ở nhà được mạnh khỏe và yên ấm” – Tú nói.









Hàng mã phục vụ lễ Vu Lan ùn ùn về chợ. Ảnh: Lan Thương
Chị Ngọc Anh, ở Cầu Giấy, trưa nay tranh thủ giờ nghỉ làm ở công ty đã đem lễ vật đến chùa Hà để cầu mong chị sớm gặp được ý trung nhân. Năm nay dù đã bước sang tuổi 28, nhưng chị vẫn chưa tìm được người phù hợp với mình, chính vì thế nhân lễ Vu Lan năm nay, chị cầu cho những tâm hồn lạc lối được chỉ đường để đến với nhau. 


Anh Lung, làm ở một công ty TNHH trên đường Thụy Khuê (Hà Nội) trưa 14/8 cũng đến Chùa Hà Cầu cho linh hồn của người bạn gái xấu số mới bị tai nạn giao thông qua đời được siêu thoát. Anh Lung đau xót: “Đúng vào ngày này chúng tôi đã gặp nhau tại đây để cầu nguyện ngày đính ước, nhưng hôm nay đến đây một mình tôi chỉ mong sao cho cả hai được sống thanh bình trong thế giới của mình”.

Tấp nập chuẩn bị cho Vu Lan xứ Huế


Huế được xem là một trong những tỉnh, thành có số gia đình phật tử tương đối lớn so với cả nước. Một mùa Vu Lan nữa lại về, trên những tuyến phố hướng về các chợ lớn của thành phố Huế, mặc dù mới sáng sớm nhưng người dân đã tranh thủ đến chợ mua hoa quả về thắp hương, cúng phật nhân ngày rằm tháng 7. 








Các chợ ở Huế tấp nập người bán hoa cho lễ Vu Lan – Ảnh: Ngọc Lan
Khác với những ngày thường, tại các cửa hàng hoa của chợ Đông Ba, các loại hoa như: huệ, lay ơn, hoa hồng vàng, hoa cúc… được chưng lên mặt tiền để đáp ứng nhu cầu du khách. Chủ quầy hoa Quỳnh Thi ở chợ Đông Ba cho biết: “So với rằm tháng 7 năm trước, năm nay số hoa huệ và lay ơn bán chạy gấp 1,5 lần. Do giá hoa tương đối rẻ, 10.000 đồng/bó hoa huệ nên nhiều người nghèo cũng có thể mua về cắm trên bàn phật”. 

Trên một số tuyến đường, dọc các vỉa hè, ngay từ sáng sớm, hàng chục người bán hoa dạo cũng nhanh chân tìm một chỗ ngồi ổn định. Những hàng hoa đa sắc màu, thơm nồng nàn pha lẫn với mùi hương trầm, tạo nên không khí ngày lễ Vu Lan càng ấm cúng. 

Bà Nguyễn Thị Hà ở phường An Cựu (thành phố Huế) thổ lộ: “Mấy ngày ni, mệ đi bán nước dạo, dành dụm được 50.000 đồng. Sáng nay, mệ đã dành toàn bộ số tiền này để mua hương, hoa về chưng trên bàn Phật. Mỗi năm chỉ có 1 ngày báo hiếu thôi nên rất linh thiêng”. 


VietNamNet ghi lại một vài hình ảnh chuẩn bị lễ Vu lan  trên phố hàng Mã và chùa Quán Sứ – Hà Nội









Xôi, bánh kẹo được bầy thành mâm lớn để làm lễ trong chùa Quán Sứ – Hà Nội. Ảnh: Lan Thương








Mỗi gia đình lên chùa trong ngày này đều góp một chút lễ mọn cho ngày đại lễ Vu Lan. Ảnh: Lan Thương









Tiền vàng âm phủ được chất thành đống ở chùa Quán Sứ (ảnh trái). Áo sơmi bằng giấy được bầy bán trên các đường phố Hà Nội. Ảnh: Lan Thương









Cháo trắng, nến, bánh chay, chim… để cúng phóng sinh. Ảnh: Lan Thương

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here