Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Mưa núi trọ mây ngàn (*)

Mưa núi trọ mây ngàn (*)

184
0

Bạn sẽ quan tâm về điều gì nhiều nhất khi đến một vùng đất mới? Có phải chăng là thiên nhiên và con người? Tôi nghĩ, đó sẽ là câu trả lời của số đông!

Lắm khi, ta có thói quen được im lặng (hẳn nhiên, ai ai cũng có quyền được im lặng) khi ngồi trên mấy chuyến xe cho những hành trình dài mây giăng hay mưa phủ. Và tôi cũng bao lần cho mình cái quyền mênh mang đó.

Lần đầu tiên đi A Lưới, tôi hồi hộp và chờ đợi lắm, ấy là một cảm giác rất thật cho bất kỳ ai bước trên những nẻo đường chưa định trước. Mà không hồi hộp sao được, trước khi đi, đứa bạn thân ghé tai nói nhỏ, cậu này, tui đi A Lưới rồi, thôi thì, khỏi chê, không khí chẳng khác nào ở Đà Lạt, lên là thích ngay. Mà sao chẳng thích được, A Lưới không biết đã đành, Đà Lạt cũng có biết răng tê ngang dọc mặt mũi thế nào đâu (đứa bạn thân chẳng rõ đã biết Đà Lạt chưa mà quảng cáo dữ thế). Tôi tự nhũ, phải gắng đi A Lưới một chuyến, rồi khỏi đi Đà Lạt cũng biết ở đó thế nào.

Xe lăn bánh bỏ xa phố thị ồn ào xôn xao, tiến thẳng về phía ven rừng mênh mông thanh vắng. Khỏi thành phố, lên cầu Tuần, đến Bình Điền và cứ thế tiến dần A lưới. Mỗi nơi, cảnh vật mỗi đổi khác, càng lúc càng hoang vu hơn, càng lúc càng đi về vùng thanh thản và bình yên hơn. Đường lên A Lưới toàn đèo là đèo, nối tiếp nhau như không dứt. Ai không quen đi, say xe cồn cào và nhớ mãi sự khủng khiếp đó là cái chắc. Nhà dân thưa thớt, nhường chỗ ở cho những rừng cây di cư từ đời này qua đời khác, bạc ngàn một màu xanh. Nhớ có lần, Phật tử từ A Lưới về kể, đi giữa đường xe hư, may mà chỉ mới dắt bộ một đoạn. Quý thầy hỏi, một đoạn là bao nhiêu, vị Phật tử thản nhiên trả lời, dạ, khoảng gần 3 cây số chơ mấy. Lạy Phật, gần 3 cây số mà “một đoạn”, mà là “chơ mấy” ư, ai cũng bật cười, ngao ngán. Bây giờ đích thân đi trên con đường này, mới biết, “dắt bộ gần 3 cây số là một điều may mắn phước đức lắm vậy!”…

Tôi có duyên với mưa, đi đâu xa cũng hay phải nhìn mưa qua lớp kính. A Lưới đón đoàn chúng tôi với những cơn mưa ngập kín (Mà lạ, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, hễ đi là gặp mưa, những cơn mưa nũng nịu như nhiệt liệt hân hoan đón chào “dân thành phố” ghé lên thăm). Và thế là chúng tôi đi bên cạnh những ngọn đồi với mây bao quanh, có phải vì thấy cảnh này mà đứa bạn thân bảo nó giống Đà Lạt?! Mây ngập tràn trên những ngọn đồi mưa. Mây như đứa trẻ đầu thai trong tinh thể đất trời. Mây như bàn tay níu kéo cõi mênh mông với lặng im thân phận. Ôi, bao kiếp nổi trôi, mây rồi cũng có riêng đây làm quán trọ, nghỉ ngơi qua cuộc mộng dài. Xe vẫn băng băng trên hành trình riêng lặng, con đường uốn quanh hồn nhiên như khúc dạo đầu xa lìa cõi trượt. Đi qua rừng tràm vắng gió, sự lãng mạn ở đây như chiếm lấy toàn bộ tâm tư mọi người, không ai bảo ai, tiếng trầm trồ như phát ra cùng lúc, “ui cha, đẹp chưa tề”. Tôi mỉm cười, chắc đây là cánh cửa bước vào ngôi nhà mang tên A Lưới…

Niệm Phật đường Sơn Thủy hiện ra dần. Đây là trung tâm sinh hoạt của Ban Đại diện và Gia đình Phật tử tại A Lưới. Ngôi chùa vùng núi giờ đã khang trang lắm, không như trong trí tưởng tượng của tôi lúc trước. Từ khi có Thượng Tọa Huệ Phước làm trưởng Ban Đại diện, Phật giáo Huyện A Lưới đã khởi sắc hơn rất nhiều, ai cũng mừng, vì Chánh pháp đã truyền đến vùng sâu vùng xa để bà con sinh hoạt và tu tập, không còn hoang mang trước mọi tín ngưỡng sai lầm và những âm mưu độc đoán cũng những tôn giáo lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân chất phát nhằm thực hiện những điều bất chính. Tôi hiểu, để tạo nên được cơ sở Phật giáo như hiện nay, quý Thầy, quý Cô, quý Phật tử thuần thành đã bỏ ra rất nhiều mồ hôi công sức, cả ánh mắt cũng thể hiện sự trăn trở cho tiền đồ Phật giáo. “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”, với tư tưởng đó mang vác trong tâm, có cái gì mà Chư Tôn đức không làm được cơ chứ!

Ngôi chùa đã che kín gió mưa, điện Phật đã trang nghiêm thanh nhã, nhưng những công trình khác, vì điều kiện kinh phí giới hạn, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Có lẽ, vấn đề này cần lắm những Phật tử thuần thành, luôn thao thức xây dựng một cơ sở Phật giáo khang trang ở những vùng sâu vùng xa, như A Lưới!

Tâm tôi xúc động rưng rưng nước mắt. Có phải đây là một Cõi Về?. Trước mắt tôi, cả trăm Phật tử sau một ngày làm lụng vất vả, giờ trở về mái chùa tâm linh chuẩn bị cho buổi tụng Kinh Pháp Hoa nhân kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca Đản Sanh. Sao mà đông và ấm cúng đến vậy, khi ngoài kia trời vẫn mưa không dứt! Nghe đâu có Phật tử đi đến mấy cây số, mà ai biết họ sẽ không nghĩ rằng, “may mà chỉ đi có mấy cây số” như Phật tử bị hư xe ở trên?! Biết thế, chúng tôi, những Tăng sĩ, đâu dám than thở mỗi khi được dịp đi A Lưới làm Phật sự? Ước gì, đâu đâu cũng có những mái nhà ấm êm như thế! Nhớ có lần đức Phật dạy: ” Ở một nơi nào, mà nơi ấy:

Dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau;

Tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết;

Không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của người dân như đã ban hành thời xưa;

Tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này;

Không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình;

Tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu ở Tỉnh thành và ngoài Tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với chánh pháp;

Bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.

Khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân, khi nào người dân được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời khi ấy nhân dân sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Nếu nhân dân chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời nhân dân nhất định sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối”. Như thế, có nghĩa là, Phật giáo tại trú xứ A Lưới nói riêng và nhân dân A Lưới nói chung, chắc chắn sẽ được cường thịnh, không thế lực nào đủ sức làm cho suy giảm được.

Chợt nhớ đến khung cảnh lúc ngồi trên xe, nơi mà núi đồi, mây, mưa, mặt đất như ôm ấp che chở nhau chung một nhà. Mái chùa này, Niệm Phật đường này, những Phật tử này, câu Kinh tiếng kệ này, nhịp mõ lời chuông này, hình ảnh đức Phật này, cũng hòa vào nhau thiêng liêng bên lư hương trầm khói quyện. Mây ngàn mưa núi trọ. Đất lành lòng người trọ. Cõi lành vạn vật trọ. Cha lành tâm chúng sanh trọ. Lời kinh Pháp Hoa vẫn còn đâu đây giăng khắp rừng cây ngọn cỏ: “Này Xá Lợi Phất! Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời…”.

Bố thí Pháp là bố thí tối thượng! Hy vọng mỗi một chúng ta đều thực hiện được di huấn mà đức Phật đã thiết tha để lại. Ngôi chùa Sơn Thủy trong mắt mọi người đã trở thành một ngôi nhà, để ở đó, mọi người về hội tụ, quay lại với cội nguồn tuệ giác hạnh phúc cứu cánh; giống như mây ngàn, mưa núi, gió trăng cùng nhau trở về tụ hội trên mảnh đất thân thương bốn mùa ắp đầy màu xanh tươi thánh thiện này.

Vẫy tay chào A Lưới sau bài thuyết pháp của vị Đại Đức trong đoàn, lên xe, chúng tôi như vẫn còn nghe vang vọng tiếng niệm Kinh của những mảnh đời bình dị trong nếp sống thanh cao vương hương chơn giải thoát.

“Nam Mô tạo pháp thuyền du khổ hải Quán Âm Như Lai, độ tận chúng sanh nguyện”. Lời nguyện xưa của đức Quán Âm cũng là lời nguyện hôm nay của mỗi đệ tử Phật. Chiếc thuyền Pháp đi vào vùng khổ đau để cứu độ hết thảy chúng sanh, ắt hẳn chiếc thuyền đó phải bao la, mênh mông và vĩ đại lắm. Đó là chiếc Thuyền Từ Bi, Trí Tuệ, Đức Hạnh mà mỗi Phật tử tạo ra nhờ vào quá trình học tập và thực hành theo những lời mà Thế Tôn_ đấng Cha lành của chúng ta, sau bao kiếp gian khổ tìm kiếm, cuối cùng đã chứng ngộ và trao truyền lại.

Xe chúng tôi vẫn lặng lẽ băng vượt chặng đường dài trở về thành phố, nơi ánh đèn xanh đỏ ngập tràn, bỏ lại sau lưng vùng đất bình an lặng lẽ. Mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi, nhưng rồi, dù thế nào, mây ngàn cũng đã có chỗ dừng chân.

A Lưới, rồi chúng tôi sẽ trở lại. Nơi đó, ấm áp và thanh bình như Tâm-Mỗi-Người-Con-Phật!

  • (*) Kỷ yếu Phật sự vùng cao – BĐD Phật giáo huyện A Lưới ấn hành 2008




BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here