Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Mùa đông còn lại gì ?

Mùa đông còn lại gì ?

181
0

Mùa đông về thật rồi ư, cây cối trở nên hiu quạnh, đâu đó nỗi buồn man mác chợt hiện về. Biển cũng âm thầm cất lời sám hối, con dã tràng đang gọi một linh hồn vô thường nơi cát mộng, để lại trong tôi những ý niệm nhớ thương. Mùa Đông năm ấy, tháng chín bầu trời bỗng sập tối, tha thiết tìm lại bóng dáng Người xưa. Mọi người tưởng rằng, đông là trong bốn mùa tuyệt vọng, dường như với tôi là khác, nó vẫn băn khoăn tiếp nối. Bất cứ tái sinh ở cảnh giới nào, đều là cảnh giới của sự sống, bất tuyệt mầu nhiệm. Còn lại một mùa đông mãi trong ký ức của tôi.

Sáng mở cửa, uống trà, nhìn mây và ngắm nắng từ vô tận. Những nhành cây lặng lẽ trong tiếng thời gian quá khứ. Mặt hồ tĩnh mặc như một bức họa vô tâm, trên màn nước còn sót lại chiếc lá và đám rong mây của mùa thu qua. Con đường lạ lẫm mà chưa một lần bước đến nay đã trở thành huyền thoại. Nơi vô thỉ ấy, ta chỉ biết có lời kinh hóa ngọc, lời pháp tỉnh lòng mê và vô số điều uyên thâm đắc đạo của những bậc thượng thủ.

“Ta đã trở về với chính ta,

Ta cùng chư Phật chung một nhà,

Ta đi phiêu bạt trong hoàn vũ,

Chẳng phải nơi nào chẳng phải ta”.

 (Thơ Đồng Nhãn)

Chúng ta thấy mà không bám víu, biết mà hòa điệu như một cung bậc thăng trầm, đi nhưng không phải là đi, ở cũng chẳng sá gì chỉ nhắm mắt thiếp rồi thức dậy. Chúng ta phải nhìn thấu được sự hiện hữu của “ một nhà” là đến lúc ta biết an trú vào đối tượng quán chiếu, thân hành nơi thân hành, tâm trong tâm, ý xúc tác mà không chạm, miệng giữ yên không động thì có thể chúng ta cứ tiếp tục nhiếp phục tóm thâu mọi nắm bắt kia. Dường như mùa đông cũng thế, chúng cũng chịu buông bỏ cái lớp vỏ bên ngoài để vững an từ cái nội tại. Có đôi khi chúng còn thừa hưởng sự tụ khí và đón nhận cái chân lý ‘Không’ bao trùm cõi nhân địa, sống trong tỉnh giác trở về với tâm:

Ta lại tìm ta chốn bụi hồng

Cho hồn ta nhập với núi sông

Ở đây nương tựa vầng mây khói

Vạn nẻo luân hồi vạn nẻo không.

Như một chiếc bình cổ, qua sự biến đổi của hiện thể, chúng ta dễ dàng thấy vết nứt trên thân bình, trên vành miệng bình, chúng ta mãi mê lau chùi chiếc bình cho bóng loáng mà quên đi một tác động nhỏ đến từ bên ngoài, làm hoại dần sự trong sáng vốn có của nó. Từng tơ bụi có thể đọng lại mà ta không hề hay biết, nhưng chúng cũng có khả năng bảo tồn dính chặt vào khe hở của chiếc bình muôn tuổi.

Do ta không biết đó thôi, Mùa Đông lắm lúc cũng là sự chuyển dần của một bước ngoặc mới trong ý thức, trong căn cơ và trong mỗi hơi thở bất diệt, vô sanh. Ngày hôm qua chưa chắc là của ngày hôm qua, sáng nay cũng vậy, chúng tiềm tàng ở mọi thế giới khác nhau, xóa tan đi những đám mây hư vô và bước chân ta luôn có mặt với thực tại để sống và để một lần nữa hòa mình vào dòng chảy Vô dư y Niết- bàn. Như một hành giả gánh tọa cụ và nước lên núi để tìm hang động ẩn thất, đang trên đường đi tới thì bỗng cành cây khô nằm giữa lối đi, lối mòn lên núi, bằng mọi cách vị Thiền sư ấy, quẳng các thứ còn lại xuống và cởi chiếc áo ra móc vào thân cây gần đó, để làm dấu. Từ từ vị ấy nhận ra rằng cái mà hồi nãy giờ ta lặn lội đi tìm kiếm là một cành cây khô đã mục nát lâu ngày chỉ còn sót lại nhăm ba nhánh bên đường, làm cản trở chuyến lên ẩn thất của tôi.

Một trạng thái chân tục đế, Hữu dư y Niết- bàn mà sở dĩ ta vội vàng được một nhà học giả gọi là “Trạng thái tâm vắng lặng mà thường biết là đương thể của Niết- bàn.

Thế nên, Niết- bàn chính là bản tâm thanh tịnh xưa nay. Nhờ cái đương thể của Niết- bàn mà thế gian sinh diệt mới có chỗ dựa tối hậu. Niết- bàn hay sinh tử rốt cùng cũng chỉ là cái tâm của chúng ta, vì sinh tử (mê) và Niết- bàn (giác) chỉ là biểu tượng hai mặt của tâm. Có khi người ta hiểu Niết- bàn là một cảnh giới, nhưng là một cảnh giới vi diệu mà ở đó tất cả dục vọng vô minh của cá thể không còn tồn tại nữa.

Vì thế, những người đệ tử Phật muốn biết Niết- bàn là gì, chỉ có thể kinh nghiệm một cách trực tiếp vào nguồn tâm của chính mình. Và khi nào mà ý niệm về ta và của ta không còn năng lực hoạt động trong tâm, thì tự nhiên hành giả sẽ kinh nghiệm được cái một, cái thuần nhất bất tạp của muôn loài vạn vật. Có thể nói, Niết- bàn là chân lý tuyệt đối, nó vượt ngoài nhị nguyên và tương đối. Người đạt được Niết- bàn là người phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhất, vì họ không còn nghĩ về mình, họ đã thoát khỏi mọi sai lầm về Ngã và lòng khát khao muốn trở thành.

Trong Niết- bàn, không còn có thái độ thiên chấp và bưng bít. Niềm vui chân thật chỉ xuất hiện khi nào ta thoát khỏi mọi thành kiến ngã chấp và ý niệm có sẵn.

Những người có lối sống phàm thường, đam mê trong dục lạc thật khó mà biết được sự an lạc nội tâm của các nhà tu hành đắc lực.

Xã hội ngày nay có rất nhiều người đã xem nhẹ truyền thống tâm linh và đạo đức, lại xem trọng tri thức và vật chất. Đó chính là mầm mống thác loạn trong đời sống nội tâm và đời sống xã hội loài người hôm nay và rồi sẽ “Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động; cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động.

Không có dao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến đi, không có đến đi thì không có diệt và sanh, không có diệt và sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau”.

Vị Thiền sư ấy suốt đêm qua luôn suy tư về sự việc ngài chứng kiến buổi hôm qua, ngài cho rằng việc mà vừa sắp diễn ra là việc chưa một lần đến và việc sắp bắt đầu là việc không biết chắc xảy ra. Bởi vậy, mùa đông giúp cho chúng ta biết thêm về sự tương quan tương duyên của cuộc sống, tưởng chừng ta đơn độc như vị Thiền sư kia, một mình lên núi, một mình cởi áo và cũng một mình đoạn trừ các lậu hoặc trước khi chiếm tới đỉnh núi ẩn thất. Chúng ta sẽ tìm ra sự phòng hộ giữa các chuyển mùa với nhau, đừng ích kỷ tách biệt cái này của ta và cái kia không phải là của ta.

Bị bám víu vào các cảm thọ sum họp, vui sướng, nóng lạnh thì ta đang mắc kẹt ở các pháp.

Có một thiền khách đến hỏi Sư:

Sau khi mùa đông đi qua, để lại gì cho ta?

Sư đáp:

– Hãy nơi sinh tử mà nhận lấy.

“Tất cả pháp hữu vi sinh diệt trong từng sát na. Quá khứ đã trôi qua, vị lai thì chưa đến, sự tồn tại chân chính chỉ có thể tìm thấy trong từng sát na hiện tại. Vì thế, Niết- bàn chỉ có ở sát na hiện tại, ngay tại đây và bây giờ. Niết- bàn cũng là chỗ tiềm ẩn của thế giới hiện thực, song song tồn tại với thế gian vô thường, và vô thường chính là dụng lực của Niết- bàn vô vi đó vậy”.

Thế cho nên, thế giới Hoa Nghiêm luôn hiển hiện ở cùng khắp và đâu có cũng có chân lý tuyệt đối. Một chân lý huyền diệu mà ta có thể cảm được, chạm được thì hẳn nhiên hạnh phúc mà ta bắt gặp được trong từng giây từng phút là chuyện đương nhiên, chẳng có khó khăn gì lắm đâu, nếu tự thân chúng ta phải biết trải nghiệm và buông xả bớt mọi cái thấy, cái nghe rác bẩn. Như có một người chèo thuyền ra biển khơi, lúc gặp gió lớn, sóng dữ, người ấy chẳng cần dụng công lực chi nhiều mà hãy thả trôi vô sự, chờ đến khi sóng yên, gió lặng ta tiếp tục lái con thuyền đi mọi hướng vọng tâm của chúng ta.

Tùng non lớp lớp giữa nền trời

Đùa reo với gió chừng thảnh thơi

Từng bước ta đi trên lối cỏ

Muôn ngàn giọt nắng dõi theo chơi.

Mỗi khi cuộc sống vắng vẻ thì lúc tâm thức biểu hiện qua vô vàn sự biến chuyển. Nó như muốn ngừng thở và nó như muốn tái sinh và nó như muốn trở về …và Mùa Đông cũng vậy, nó luôn là một thứ gì đó rất ư tự nhiên, nó luôn muốn lột xác để lại chút gì cho thế gian. “Tất cả là một” Một cõi đi về mà thôi.

K.T-T.P.B

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here