Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Một vùng thánh địa

Một vùng thánh địa

152
0

Những ngày hè rát bỏng, nhiều người tìm ra biển xả nhiệt, còn chúng tôi chọn cách hành hương leo núi, xuyên qua những rừng trúc óng ả, luồn lách dưới những tán thông già. Thật ngỡ ngàng khi lần đầu tiên bắt gặp những trầm tích văn hóa từ thuở sơ khai của Thiền phái Trúc Lâm mấy thế kỷ trước.


Nền xưa dấu cũ

Xưa nay, không ít người lầm tưởng núi Yên Tử là “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm, nhưng thực ra “thánh địa” ấy chính là khu Ngọa Vân, xã Bình Khê, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) – nơi vua Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo và viên tịch. Điều này, mãi sau này các nhà khoa học mới tìm ra lời giải và bằng chứng thuyết phục. Do xa xôi cách biệt, lại ít được người đời thăm viếng nên Ngọa Vân còn khá xa lạ, tuy nhiên, với những người theo đạo Phật thì Ngọa Vân chính là chốn linh thiêng bậc nhất.

Theo dấu chân của tiền nhân, lớp hậu sinh chúng tôi nối bước tìm về chốn này để được kính cẩn nghiêng mình, khâm phục trí tuệ, ý chí và tư tưởng nhân văn của vị vua kiệt xuất thời Trần đã kiên quyết rũ bỏ vinh hoa, phú quý để lên núi tu hành, sống những tháng ngày vui vầy cùng cỏ cây mây trời thật thanh bạch, an nhiên.

Tượng nhập niết bàn của vua Trần Nhân Tông tại am Ngọa Vân.

Câu chuyện giữa chúng tôi với sư thầy Thích Thanh Chính tại am Ngọa Vân cứ dài miên man. Nhà sư kể rằng: Vua Trần Nhân Tông sau khi đăng quang và hai lần đánh bại giặc Nguyên – Mông xâm lược nước Đại Việt đã truyền lại ngôi báu cho con trai là Thái tử Thuyên để chu du khắp nơi ngắm nhìn giang sơn cẩm tú và chọn đất dựng chùa. Ngọa Vân chính là nơi vua chọn để tu hành, hoằng pháp, lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam trong những tháng ngày đất nước thanh bình.

Một hệ thống các công trình Phật giáo hoang phế trầm mặc, những  bia đá, hoa văn kiến trúc, vật liệu xây dựng, chân tảng… thời Trần được phát hiện qua các đợt khai quật khảo cổ học tại núi Ngọa Vân là minh chứng rất rõ về sự tồn tại và phát triển thịnh vượng của Phật giáo thời bấy giờ.

Trước sự đổ nát, hoang vắng, khách hành hương chúng tôi bỗng nhiều suy tư. Ở đây, dường như có gì đó trái ngược hẳn với Yên Tử vốn rất sôi động, ồn ào của những đoàn khách bốn phương về đất Phật; còn Ngọa Vân lại hoang vu, tĩnh tại, đi nửa ngày không gặp bóng người. Chưa có cáp treo nên muốn đến đây chỉ còn cách đi bộ qua các lối mòn và dốc núi dựng đứng, cây cối um tùm.

Càng xúc động hơn khi chứng kiến từng đường vân, thớ đá, chân tảng, bệ tượng Phật hình cánh sen và tháp mộ uy nghiêm mang dáng dấp Phật đường lạnh lẽo khói hương, cảnh vật chốn thiền càng thêm u tịch, huyền ảo với tiếng kinh kệ, chuông, mõ ngân dài.

Phóng tầm mắt bao quát cả một biển trời mênh mang phía hạ du, đâu đây như vẫn còn tiếng vọng thần kỳ của hồn thiêng sông núi và câu thơ của Điều Ngự Giác Hoàng mấy trăm năm trước: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Trong am Ngọa Vân là tượng Phật Hoàng nhập niết bàn, tuy nhiên, theo lời sư thầy thì bức tượng cũ nay không còn, người đời sau đã làm pho tượng mới để thay thế pho tượng cổ đã mất. Thầy còn bảo, nhiều tài liệu sử liệu cổ có ghi chép về sự việc vua Trần Nhân Tông viên tịch tại am Ngọa Vân, vào năm 1308. Ngoài dấu tích am Ngọa Vân, hiện còn hai tòa tháp bằng đá, tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiêm.

Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa, các đệ tử của ông cho hỏa thiêu ngài tại am Ngọa Vân, một phần xá lỵ được giữ tại Ngọa Vân, số xá lỵ còn lại và ngọc cốt rước xuống thuyền, đưa về kinh đô Thăng Long, sau đó ngọc cốt được an trí tại lăng Quy Đức (còn gọi là Đức lăng) phủ Long Hưng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Trên đường lên am Ngọa Vân, khách hành hương sẽ đến Thông Đàn, nơi có hai tháp mộ nằm cạnh những cây thông cổ thụ với lớp vỏ xù xì, nứt kẽ. Đó là tháp Phụng Phật Pháp và tháp Viên Mãn Chân Giác thiền sư. Tiếp theo là gặp những rừng trúc đều tăm tắp ken dày đặc vàng óng và hun hút tầm mắt. Chùa Ngọa Vân nay đã hoang tàn đổ nát trong đám cỏ dại mọc xung quanh. Ngôi chùa cổ này tựa lưng vào núi Bảo Đài (còn gọi núi Vây Rồng), có độ cao 700m so với mặt nước biển, mặt trước có núi Ngọn Bút án ngữ bình phong. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn núi Ngọa Vân Phong đi lên am Ngọa Vân.

Thật tiếc, do thời gian và sự truy tìm, đào bới cổ vật, châu báu khốc liệt đã khiến ngôi chùa bị đổ nát, nhân dân quen gọi là khu chùa Đổ. Sau này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật, nền móng tại đây.

Phế tích chùa Ngọa Vân.

Thiên nhiên khoáng đạt

Một chuyến đi đầy hứng khởi để phá bỏ sự lười biếng quanh những chiếc máy điều hòa mát rượi, gần 3 giờ leo qua 1.750 bậc đá theo lối Thông Đàn, qua chùa Ngọa Vân, lên am Ngọa Vân để được hòa mình vào cỏ cây, thác nước, đá núi, được ngắm nhìn giang sơn gấm vóc của Tổ quốc thật tuyệt vời, bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Đó cũng chính là lộ trình khi xưa bậc đế vương lừng danh trong lịch sử – vua Trần Nhân Tông đã đi tới Ngọa Vân, duy chỉ có điều, hồi đó chưa có bậc đá như bây giờ, thậm chí đã có lúc con đường này hầu như chẳng ai đi qua nên đã bị mất dấu.

Dù ngày nay có lối đi bằng đá, nhưng một nhóm người trong số chúng tôi đã đi mải miết để rồi bị lạc đường sang tận khu rừng thuộc đất của xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), đến chiều tối mới về được vị trí cũ. Thiên nhiên tỏa ngát một màu xanh huyền thoại, bên kia là núi Cô Tiên với hai “bầu ngực” được phủ kín bởi thảm cỏ xanh phơi phới trong gió lộng, bên này là Ngọn Bút như một cây viết án ngữ đồ sộ và đây dốc Đô Kiệu (Đỗ Kiệu) với những truyền kỳ hư ảo về đức vua Trần phải đi qua con dốc dựng đứng hiến kiệu phải dừng lại để vua leo bộ. Lại có địa danh Lọng Tàn, nghe đâu các vua đời sau lên thăm Trần Nhân Tông đến vị trí ấy thì không che lọng nên mới có tên như vậy.

Sư thầy Thích Thanh Chính bảo rằng: Rừng núi nơi này vẫn nguyên sơ, cây cỏ rậm rạp và ít người qua lại, chính vì vậy mà trước đây, suốt một thời gian dài, khu di tích này đã bị lãng quên. Từ ngày thầy lên đây, sớm tinh mơ nào cũng được nghe chim chóc ríu rít gọi bầy, tiếng gió reo trong rừng trúc, cảnh sắc chốn thiền giữa rừng sâu, rất thích hợp những ai muốn tìm lại bản ngã. Đường sá cách trở, lâu lắm các thầy mới xuống núi và phải thực sự có việc hệ trọng. Lương thực, đồ ăn thỉnh thoảng có phật tử mang lên, các thầy trồng nhiều rau, cây thuốc quý, rồi hái măng rừng để ăn.

Bao thăng trầm đã qua đi, nhưng chỉ khi “sống chậm” giữa rừng sâu núi thẳm ấy, lòng ta mới thấy nhẹ nhàng, bao nhiêu hỷ, lộ, ái, ố bỗng muốn rũ bỏ và cả những tham sân si cũng hết nặng nề.

Có lẽ vậy mà hơn 7 thế kỷ trước, Trần Nhân Tông đã đề thơ rằng: “Véo von chim hót, liễu đầy hoa/Thềm vẽ mây in bóng xế tà/Khách đến chẳng bàn chi thế sự/Lan can cùng tựa ngắm trời xa”. Dù lớp bụi của thời gian đã khiến nhiều tầng văn hóa Phật giáo bị phai nhạt, nhưng điều đọng lại với mỗi ai đã từng đến Ngọa Vân là sự kính phục, trân trọng những gì mà tiền nhân đã tạo dựng. Những di chỉ khảo cổ khổng lồ đổ nát giữa đại ngàn, những bia đá, voi đá, ngựa đá bị người ta “xẻ thịt” không thương tiếc càng khiến chúng tôi xót xa, nuối tiếc hơn về một quá khứ vàng son, hưng thịnh của Phật giáo trong giai đoạn lịch sử hơn 700 năm trước.

Mong rằng, vị trí xứng đáng của khu di tích này sẽ được tìm lại trong tương lai không xa, và không lâu nữa du khách hành hương sẽ biết nhiều hơn đến Ngọa Vân, để muôn đời sau tiếng thơm ấy vẫn còn tỏa ngát.

Kim Sa (Biên Phòng)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here