Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Một vị thiền sư thế kỷ 19: Ngài Phước Chỉ chùa Tường...

Một vị thiền sư thế kỷ 19: Ngài Phước Chỉ chùa Tường Vân Huế

175
0

Đại sư có cả thảy bốn anh em đều xuất gia làm Tăng. Anh trưởng là Thanh Tín, trưởng chùa Xuân Tây. Anh thứ hai là Thanh Phong, trưởng chùa Lang Xá. Đến đại sư là thứ ba. Em út là Thanh Vân, sung chức trú trì chùa Diệu Đế.

Năm 14 tuổi, sư vào tu ở chùa Diệu Đế, chuyên tâm học kinh luật dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Diệu Giác. Hòa thượng Diệu Giác khiên sư lên trông coi chùa Từ Quang. Sư sớm chiều chuyên tâm tu niệm, chẳng kể mưa gió tiêu điều, núi non vắng vẻ không người lui tới.

Năm Tự Đức thứ 34 (1881), Hòa thượng Diệu Giác bảo sư trông coi việc tu bổ chùa Từ Quang, xây cất chùa lợp bằng ngói, và họp nhất chàu này với chùa Tường Vân.

Ngày mùng Tám tháng Tư năm Tự Đức thứ 35 (1882), Hòa thượng Diệu Giác làm lễ tế độ cho sư, ban pháp danh là Thanh Thái, tự là Phước Chỉ. Sư được cử giữ chức Tri sự.

Tháng năm cùng năm ấy, sư thọ cụ túc giới với Hòa thượng Giác Tánh, chùa Thiên Ấn, tỉnh Quảng Ngãi.

Sau đó, sư tham vấn với đại lão Hòa Thượng chùa Phước Lâm, bậc lão túc ở chùa Tâm Thai, Ngũ Hành Sơn.

Rồi sư trở về Huế, ở chùa cũ, cẩn thận tu tập, giới hạnh kiên trì.

Một ngày nọ, sư nghĩ: “Thân huyễn nhà mộng, cảnh tạm chẳng bền, muốn chóng thành đạo không gì bằng xả thân buông mạng. Xưa kia đức Như Lai sáu năm núi Tuyết, mặc chứng Bồ đề; mình là cái gì, chẳng chịu buông xả. Chỉ là chưa rõ xả thân chổ nào thôi”.

              Sáng sớm hôm sau, sư viết lên vách bài kệ:
              Phù sanh huyễn cảnh nhược vị an
              Mạt pháp tu trì chuyển thân nan
              Phi thị thị phi hà nhật liễu
              Xả thân cầu đạo thượng lâm đoan.

              Dịch:

              Nổi trôi thân cảnh biết đâu an
              Mạt pháp tu hành thật khó khăn
              Chẳng thị chẳng phi đời nào liễu
              Buông thân kiếm đạo hướng rừng xanh.

Rồi khi sư đi thẳng vào rừng sâu đầy gai góc. Về chiều, rừng núi rậm rạp um tùm, chim kêu vượn rú rùng rợn. Sư tìm chỗ trú ở đỉnh núi cao nhất. Sư đọc lớn danh hiệu Phật ba tiếng, chim dữ và cọp beo đều im tiếng tức khắc. Sư ngồi thiền như vậy trải qua năm, sáu ngày. Bổn sư cho người đi tìm. Không thể từ chối, sư phải dắt tay mà về.

Bổn sư thấy sư, Ngài vui mừng lắm.

Sư lễ lạy sám hối. Bổn sư hỏi:

Con gần tới Đạo rồi. Nhưng mà hãy đợi ta chết đã, rồi muốn làm gì thì làm, sao vội vàng bỏ ta vậy?

Nhân đó, sư mới trình chứng lên Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác.

Sư lạy sám hối bộ Vạn Phật, mỗi chữ một lạy. Trải qua tám năm như vậy.

Ngày mùng một tháng Giêng năm Thành Thái thứ 6 (1894), Hòa thượng Bổn sư phó pháp cho sư. Bài kệ phó pháp như sau:

              Phước Chỉ định tâm tĩnh an nhiên
              Xử thế tùy cơ liễu mục tiền
              Đạo niệm tinh tu tình niệm đoạn
              Như kim phó pháp vĩnh lưu truyền.

              Dịch:

              Định tâm Phước Chỉ lặng yên nhiên
              Ở thế tùy cơ liễu ngộ liền
              Đạo niệm chuyên tu tình niệm dứt
              Như nay phó pháp mãi lưu truyền.

Tháng tư cùng năm, chùa Báo Quốc mở đại giới đàn. Hòa thượng Bổn sư làm giáo thọ. Sư được mời làm vị đệ tứ tôn chứng. Giới đàn thành công rực rỡ. Thầy và trò đều được thỉnh cùng chung giới đàn, mọi người đều tán thán là chuyện ít thấy.

Năm Thành Thái thứ 8 (1896), Hòa thượng Diệu Giác viên tịch, di chúc chỉ thị sư giữ chức trụ trì chùa Tường Vân.

Tánh tình sư ôn hòa và bao dung đối với tất cả mọi người.

Đại sư có làm nhiều thơ văn. Đại sư góp sức giúp Như Như Đạo Nhân tục biên bộ Hàm Long Sơn Chí.

N.L.C 

Chú thích:
 “Hàm Long Sơn Chí” được viết khi ngài Phước Chỉ còn tại thế, nên không thấy ghi năm viên tịch của Ngài. Hành trạng và kệ phó pháp trên, được trích từ “Hàm Long Sơn Chí” quyển 7. Các bài kệ do Phật tử Nguyên Hạnh phụng dịch.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here