Đáp lại lời mời của một số tự viện Hàn Quốc, ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác – phó Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, viện chủ Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa – đã dẫn đầu phái đoàn môn phái Phật giáo Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng hành hương chiêm bái tự viện Hàn Quốc từ ngày 15 đến 20/7/2008.
Tháp tùng cùng ni trưởng Trưởng môn phái Phật giáo Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có: ni sư TN Kim Sơn – giáo thọ Trường Sơ – Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, ni sư TN Diệu Tường – trụ trì chùa Bửu Quang, Q8, TP HCM, đại đức Thích Minh Trí – trụ trì chùa Phúc Lâm, Biên Hòa, sư cô TN Hương Nhũ – Tiến sỹ Phật học, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, sư cô TN Vạn Hạnh – ni chúng Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa và 12 phật tử.
Tại Hàn Quốc, phái đoàn lần lượt hành hương chiêm bái những ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng ở thủ đô Seoul và thành phố Suanbo, Hàn quốc như: Chog Ye Sa, Pong Um Sa, Yong Mun Sa, Yong Yu Sa, To Un Sa, Sook Kuk Sa, Pong Kuk Sa, Pong Won Sa v.v … Ngoài ra, phái đoàn còn tham quan một số di tích lịch sử văn hóa Hàn Quốc như: Cung điện Hoàng gia Kyeongbok được xây dựng dưới triều đại Joseon bởi vua Taejo năm 1395, Viện bảo tàng Dân gian Seoul, Làng Văn hóa Dân tộc Nam San.
Dưới sự hướng dẫn khéo léo và ứng xử linh hoạt của ni trưởng trưởng đoàn, mỗi tự viện mà đoàn đến, phái đoàn môn phái Phật giáo Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đều trang nghiêm lễ Phật, nguyện cầu quốc thái dân an, phát tâm cúng dường Tam Bảo, và đều được Ban quản trị các ngôi danh lam cổ tự Phật giáo Hàn Quốc tiếp đón trọng thị, thắm tình đạo vị.
Xúc động nhất là khi phái đoàn đến chiêm bái chùa Yong Yu Sa (Cối Nham Tự) tọa lạc trong cảnh núi rừng trùng điệp, tiếng suối róc rách, chim hót líu lo, không gian tĩnh lặng gần sát biên giới Nam-Bắc Triều Tiên. Là chứng nhân lịch sử từng ‘thực mục sở thị’ và thấu hiểu nỗi thống khổ khi đất mẹ Việt Nam bị chia cắt thành đôi miền nam bắc bởi ngoại bang, ni trưởng Huệ Giác đã cử đại đức Minh Trí gióng Đại Hồng Chung và chỉ đạo tất cả thành viên trong đoàn tĩnh tọa tụng kinh, niệm Phật trong ngôi già lam này để nhất tâm cầu nguyện cho chiến tranh hận thù mau chấm dứt, hòa bình thống nhất sớm trở về trên bán đảo Triều Tiên.
Có thể, do rừng núi chiếm 70% diện tích của Hàn Quốc, lại được dân chúng có ý thức bảo vệ rừng và có cách tiếp cận môi trường sinh thái tốt, – ngay cả thủ đô Seoul cũng tọa lạc trong cảnh núi rừng cây cối xanh tươi, và xung quanh là tám ngọn núi sừng sững cao vút, – nên đa phần chùa chiền Hàn Quốc đều tọa lạc giữa núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình.
Người ta khó mà tìm thấy bất cứ một cảnh mại mãi xô bồ hay nạn xâm lấn đất chùa làm nơi cư trú, mưu sinh nào của quần chúng trước và trong các chùa chiền ấy. Trái lại, người ta rất dễ nhận thấy sự thuần thành, sự tín tâm, sự kính trọng quý tăng ni – dù là tăng ni ngoại quốc, – và ý thức tự giác tu tập cao của các phật tử Hàn Quốc. Mỗi khi bước vào chốn thiền môn này, họ tự lấy tọa cụ trải ra, rồi ngồi bán già hay kiết già trên tọa cụ, lặng lẽ một mình tụng kinh, lễ Phật mà không phải đợi đến lúc có khóa lễ chính thức.
Qua một số tự viện mà đoàn đến chiêm bái, theo quan sát cá nhân, người viết thấy rằng kiến trúc văn hóa trong các tự viện Hàn Quốc là một thể thuần nhất, gần như giống nhau, – kể cả những ngôi già lam hiện đang trùng tu hay đang tân tạo. Khác hẳn với tính thuần nhất của kiến trúc văn hóa tự viện Hàn Quốc, kiến trúc văn hóa tự viện Việt Nam lại mang tính đa dạng.
Sở dĩ có tính đa dạng về kiến trúc này là do phong tục, tập quán và sinh hoạt Phật giáo mỗi miền của nước ta mỗi khác nhau đã hình thành nên bản sắc kiến trúc văn hóa tự viện của mỗi miền cũng mỗi khác nhau. Chẳng hạn, kiến trúc văn hóa tự viện miền Bắc có tính truyền thống, miền Trung đa phần mang phong cách kiến trúc cung đình, và miền Nam có tính cởi mở, – có thể do Phật giáo miền Nam trẻ trung hơn Phật giáo miền Bắc và miền Trung nếu đứng về góc độ lịch sử mà nói.
Ngày nay, riêng ở miền Nam, do xu thế hội nhập của thời đại và do sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia nên có chùa kiến tạo theo phong cách kiến trúc Phật giáo Đài Loan – Trung Quốc, có chùa đại trùng kiến theo mô típ kiến trúc các nước Phật giáo Nam tông, và có chùa xây dựng mà ngay cả các nhà kiến trúc chuyên môn, các chuyên gia văn hóa cũng không hình dung nổi nó thuộc mô hình kiến trúc của xứ sở Phật giáo nào, vì nó được xây dựng theo sự tưởng tượng của sư trụ trì của một ngôi già lam nào đó.
Sự kiến tạo hay đại trùng tu chùa chiền ở miền Nam hiện nay nổi lên như một phong trào ‘trăm hoa đua nở’ – với ý nghĩ dễ duôi: miễn có nơi cho phật tử chiêm bái tu hành là được – nhiều hơn là ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc văn hóa Phật giáo truyền thống của cha ông chúng ta để lại, vốn đã được thử thách và tinh lọc qua hàng thế kỷ để tạo ra vị trí xứng đáng trong lòng văn hóa dân tộc và thế đứng độc lập, tự chủ trong xu hướng giao lưu văn hóa toàn cầu, mà nguyên nhân chính của nó là vì thiếu kiến thức căn bản về kiến trúc văn hóa tự viện truyền thống của dân tộc trong một số tăng ni hiện đang giữ cương vị trụ trì.
Trở lại kiến trúc tự viện Hàn Quốc, chất liệu xây dựng chùa chiền ở đây đều bằng gỗ hay đá xám đen. Mái ngói màu nâu đen. Đà xà, rui mè, kèo cột v.v … đều trang trí hoa văn sơn màu ngũ sắc theo mô típ văn hóa Phật giáo Tây Tạng với màu xanh lá cây – biểu tượng của niềm tin, của hạnh phúc, và của hòa bình – làm chủ đạo. Sàn nền các nội điện lót gỗ thông. Sân chùa nền đất sét pha cát, không tráng bê tông hay lót gạch. Các bậc thềm lên xuống lót đá tảng màu xám đen.
Mỗi tự viện thường có: Tam Quan hoành tráng, Đại Hùng điện, Tam Thiên Phật điện, Địa Tạng điện, Quán Âm điện, Kim chung các, Giảng đường, Tăng đường, nhà trù, và trước Đại Hùng điện giữa sân có một tháp đá nhỏ cao 4-5 mét. Trong nội điện của các chùa Hàn Quốc thường thờ bộ ba tôn tượng: hoặc Di-đà, Quán Âm, Thế Chí, hoặc Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền, hoặc Tam Thế Phật. Phông nền phía sau bộ ba tôn tượng ấy, trên vách điện vẽ cảnh sinh hoạt của chư Phật, chư Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc.
Nhìn chung, kiến trúc văn hóa tự viện Hàn Quốc là sự kết hợp giữa kiến trúc Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng, cùng với kiến trúc truyền thống Hàn quốc, để từ đó tạo nên bản sắc kiến trúc văn hóa Phật giáo đặc thù của phật tử Hàn Quốc, vừa rực rỡ tráng lệ, vừa trang nghiêm cổ kính. Nếu không có yếu tố văn hóa Phật giáo Tây Tạng chen lẫn trong các chùa Hàn Quốc, chúng ta khó mà phân biệt đâu là chùa Hàn Quốc đâu là chùa Nhật Bản, bởi vì về hình thức kiến trúc tổng thể, chúng khá giống nhau.
Về sinh hoạt Phật giáo Hàn Quốc ngày nay, thì hầu hết các tự viện đều có tăng – ni và phật tử tu tập theo pháp môn Thiền – Tịnh song tu, và ăn chay. Có vẻ như họ luôn có ý thức duy trì và bảo tồn các giá trị sinh hoạt Phật giáo truyền thống vốn là nền tảng vững bền của sự giải thoát. Rất ít tăng ni có huynh hướng vượt rào, thoát ly các giá trị truyền thống như lập gia đình, ăn mặn giống như Phật giáo Nhật Bản, mặc dù dân trí Hàn Quốc khá cao, và kinh tế cũng rất phát triển, xếp hàng thứ 10 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm tính theo GDP khoảng trên 20.000 USD.
Có phải chính ý thức duy trì các giá trị truyền thống và đời sống phạm hạnh nghiêm túc của tăng ni Hàn Quốc ấy đã tạo nên sự thuần thành, sự tín tâm, sự cung kính tăng ni và ý thức tự giác tu tập cao trong lòng phật tử Hàn Quốc như đã nói ở trên?
Trong khi đó, năm 2006, khi đến chiêm bái một số danh lam cổ tự Nhật Bản, người viết tận mắt chứng kiến cảnh chùa to Phật lớn nhưng vắng bóng tăng ni tu hành. Và đa phần phật tử Nhật Bản đến chùa chỉ chắp tay khấn vái theo phong tục, tập quán tổ tiên. Hơn thế nữa, tín tâm vào tăng ni của phật tử Nhật Bản hiện nay dường như đã tan nát ở trong lòng.
Có thể nói, Phật giáo Nhật Bản hiện nay, trên thực tế, chỉ còn là một cái xác không hồn. Các cơ sở tự viện cổ kính hoành tráng của Nhật Bản đã mất hẳn chức năng chính của nó, đó là làm nơi quy hướng tâm linh cho tăng tín đồ Phật giáo, mà thay vào đó là một chức năng mới: du lịch tâm linh. Với những ai nặng lòng với Phật giáo, nếu có hành hương đến nơi tôn nghiêm ấy cũng chỉ thấy dâng trào những cảm xúc hoài niệm kính tiếc dĩ vãng thời hoàng kim của Phật giáo Nhật Bản mà thôi.
Hỏi ra mới biết rằng, ngày nay ở Nhật Bản rất ít người xuất gia. Và nếu có xuất gia thì đa phần họ cũng lập gia đình, ăn mặn, sinh hoạt như người thế tục. Đặc biệt, nữ giới thì dường như không còn có ý niệm xuất gia đầu Phật trên xứ sở mặt trời mọc này. Người ta có thể cho rằng, sở dĩ Phật giáo Nhật Bản rơi vào bi kịch xót xa như thế là do văn minh khoa học của họ tiến bộ vượt bậc nên niềm tin tôn giáo đã mất dần trong tâm thức người dân Nhật. Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa của bi kịch này của Phật giáo Nhật Bản ngày nay chính là phong trào canh tân Phật giáo Nhật Bản trong suốt thế kỷ XX đã đẩy con tàu Phật giáo Nhật Bản đi trượt khỏi đường ray Phật giáo truyền thống mà hậu quả nhãn tiền của nó là đã sinh ra một đứa con dị dạng: “phái Tân Tăng“.
Quả thật, trên thực tế, người ta rất khó mà chấp nhận và tin tưởng hình tướng của một vị hòa thượng ‘đầu tròn áo veston, có vợ và con’ hay hình ảnh một tu sỹ biểu diễn thời trang Phật giáo trong quán bar. Cũng như, người ta rất khó phát sinh niềm cung kính đối với một người được mệnh danh là thiền sư nhưng lại mang hình tướng cư sỹ, cho dù người đó có học vị, học hàm đến đâu đi chăng nữa. Bởi vì ít nhiều hình tướng nơi những con người ấy có cái gì đó không chính danh, mà khi bên ngoài đã không chính danh thì bên trong làm sao chính danh được? Thay vào đó, người ta có thể vô tư chấp nhận những hình tướng ấy như là tấm gương tiêu biểu của một cư sỹ phật tử chân chính, thuần thành vốn có thể tu đạo và chứng đạo. Bởi vì tự thân hình tướng bên ngoài đó cũng đã có phần chính danh dù thực hư bên trong của nó vẫn chưa thể biết có kiểm chứng được hay không.
Với hình thức sinh hoạt Phật giáo nửa đời nửa đạo như thế, thử hỏi làm sao chùa chiền tại Nhật Bản lại không vắng hẳn bóng những bậc chân tu đạo cao đức trọng soi đường dẫn lối cho phật tử? làm sao sự tín tâm trong lòng quần chúng phật tử không tan thành mây khói? và phải mất bao nhiêu lâu và bao nhiêu thế hệ để người ta mới có thể vực dậy đức tin, ý thức tự giác tu tập, và xây dựng ngôi chùa tâm linh vững chãi như thời vàng son đã qua trong trái tim quần chúng phật tử Nhật Bản? Đáp án cho bài toán nan giải này chính là “hồi đầu thị ngạn”. Hãy quay về bước theo vết chân truyền thống mà chư Phật đã đi, chư Bồ-tát đã đi, chư Tổ sư đã đi và bây giờ tất cả chúng ta cũng phải đi, – nếu muốn giải thoát.
Từ phi trường quốc tế Inchon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc, chuyến bay OZ 731 đưa phái đoàn môn phái Phật giáo Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trở về đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 0h05’, rạng sáng ngày 21/7/2008, kết thúc tốt đẹp chuyến hành hương chiêm bái tự viện Hàn Quốc, bất chợt người viết nhận ra rằng, trong nửa đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam cũng có các phong trào chấn hưng Phật giáo khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, được khởi xướng bởi quý hòa thượng Tố Liên, Tịnh Khiết, cư sỹ Minh Tâm Lê Đình Thám, cư sỹ Thiều Chửu v.v.
Thế nhưng, khác với phong trào canh tân của Phật giáo Nhật Bản, mục đích của các phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ấy không hướng đến làm thay đổi các giá trị Phật giáo truyền thống, mà là kế thừa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo truyền thống vốn kết tinh qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, để từ đó xuất sinh cả một thế hệ cao tăng thạc đức, – như hòa thượng Minh Châu, Thanh Kiểm, Thiện Siêu, Thanh Từ, Nhất Hạnh v.v… – làm tỏa sáng Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Phải chăng, đây chính là bài học kinh nghiệm quý báu cho tất cả chúng ta tự nhìn lại để vững tin tiếp bước trên con đường Phật giáo truyền thống của dân tộc vốn đã được tôi luyện và tinh lọc qua hai ngàn năm lịch sử mà không cần phải băn khoăn và bận tâm trước những thay đổi và thách thức của cuộc sống hôm nay?
Thích Minh Trí