Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Một vài nhận xét về tập sách “Trí Tuệ Giài Thoát” của...

Một vài nhận xét về tập sách “Trí Tuệ Giài Thoát” của Vũ Thế Ngọc

157
0
Tôi đang khá bận nên đáng lý là chưa đọc tập sách này. Nhưng theo lời người bạn, tác giả Vũ Thế Ngọc trong buổi giới thiệu sách của mình đã rất tự hào rằng mình đã “ngộ ra được Huyền Nghĩa Kim Cương” nên đã lý giải tên kinh Kim Cương và một số ý tưởng trong kinh khác hoàn toàn những dịch giả gồm hầu hết tất cả những Thánh tăng và học giả từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây! Và người bạn này khuyên tôi nên đọc và cho bạn ấy biết ý kiến. Chính vì nễ bạn nên tôi cũng đọc sơ qua cho biết thế nào. Chỉ lướt qua một cách tổng quát và một số trang, tôi vội ghi ra một số nhận xét và gởi tới bạn tôi vào ngay tối ngày 4/8/2012.
Nhưng sau khi gởi thư cho bạn, tôi chợt nghĩ cách viết sách Trí Tuệ Giải Thoát của Vũ Thế Ngọc có thể gây hoang mang và ngộ nhận cho nhiều người, cho nên tôi viết lại những nhận xét ấy thành  bài này gởi đến một số báo để rộng đường dư luận về một cách hiểu trái ngược với tất cả thầy, tổ xưa nay mà tác giả Vũ Thế Ngọc rất tự hào là nhờ chuyên đọc kinh Kim Cương mới “ngộ” ra, quên cả bệnh! và viết nên : “Sáu tháng đông năm nay, tôi có chút bệnh, một mình độc cư nơi xa xôi, chỉ chuyên đọc kinh Kim Cương Bát Nhã mà có chút vui sáng tỏ nên quên cả bệnh mà vội viết các lời dông dài này” (Vũ Thế Ngọc, Trí Tuệ Giải Thoát, trang 15)  
 ——————————————-
 
I. Nhận xét về cách hiểu từ “vajracchedika” của Vũ Thế Ngọc (VTN).
Cái tự hào nhất và cũng là lý do chính để tác giả Vũ Thế Ngọc viết nên sách Trí Tuệ Giải Thoát được VTN ghi ở chương 1 của sách : Huyền Nghĩa Kim Cương. Tác giả VTN tự hào là “khám phá độc đáo” của mình trong ba đoạn như sau: (trích nguyên văn)
a. “Chữ Vajracchedika hay Kim cương Năng đoạn thì theo ngữ pháp Sanskrit hay Hán ngữ đều có thể hiểu là một trong hai cách: 
(1).  "cắt được kim cương" (that cuts through diamond) 
(2). "kim cương cắt được" (the diamond that cuts through). Hầu hết các nhà dịch giải kinh này đều diễn theo nghĩa thứ hai. Và từ đó các nhà chú dịch đều cùng giải thích Trí tuệ Bát Nhã (prajña) là kim cương có thể cắt bỏ phá hủy tất cả u mê vọng chấp, tư tưởng sai lầm, của con người để đưa ta tới bờ giác ngô bên kia (paramita/ ba la mật đa/ đáo bỉ ngạn) (trang 26-27) 
b. “ Trong sách này tôi giải thích vajracchedika (kim- cương năng-đoạn) theo nghĩa thứ nhất “cắt được kim cương.” …. Như thế “Kim Cương Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật” chỉ có nghĩa đơn giản là “Trí tuệ siêu việt cắt được kim cương.”
Kim cương ở đây không phải ví với trí tuệ (prajña) như phần lớn các nhà chú giải xưa nay giải thích. Kim cương ở đây là từ chỉ ý nói về lòng ngã chấp” (trang 27)
c. Tóm lại các từ ngữ trong tựa đề rất rõ ràng và dễ hiểu: (TRÍ TUỆ: prajña, BỜ BÊN KIA: paramita, CẮT BỎ ĐƯỢC: chedika, KIM CƯƠNG: vajra). Nên tên kinh có nghĩa là “Trí Tuệ của bờ giải thoát có năng lực chặt vỡ kim cương”. Còn việc gọi tắt kinh này là kinh Kim Cương mà không hiểu ý nghĩa của tên kinh lại trở nên nguy hiểm hơn. Cũng nên biết từ “kim cương” chỉ là tên thêm vào để phân biệt giữa kinh này với các bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật khác. Còn hiểu là “Trí tuệ Bát Nhã ví như kim cương” tiêu hủy được các vọng tưởng vọng kiến của con người, thì cũng chỉ là một cách ví von kém trí tuệ” (trang 29)
Trước khi chứng minh cả hai cách hiểu nghĩa (1) và (2) của từ “vajracchedika” trên đây của tác giả Vũ Thế Ngọc là đều không đúng, chúng tôi thử tìm nguyên nhân đưa đến việc hiểu sai này của VTN. 
Sau khi lướt qua những chữ Phạn được Vũ Thế Ngọc viết trong sach, chúng tôi nghi rằng nguyên nhân chính đưa đến sự hiểu sai của Vũ Thế Ngọc có thể là do “Không am hiểu tiếng Phạn” chăng?  Nghe ra có vẻ “phạm thượng” quá! nhưng  chúng tôi chỉ căn cứ trên vật chứng là những gì VTN đã viết trong sách TTGT để đánh giá, nghĩa là hoàn toàn trên tinh thần học thuật chứ không có bất cứ thành kiến gì đối với tác giả Vũ Thế Ngọc cả, bởi cho tới bây giờ, lần đầu tiên chúng tôi mới biết đến VTN qua cái tên của ông trên quyển sách mà thôi. 
1. Tìm hiểu mức am hiểu tiếng Phạn của tác giả Vũ Thế Ngọc qua cách viết, hiểu của ông trong sách Trí Tuệ Giải Thoát
Trong sách TTGT, khi viết các thuật ngữ Phật học bằng tiếng Việt, tác giả VTN đều có ghi kèm tiếng Phạn (và Anh) trong dấu ngoặc đơn. Tiếc thay những chữ Phạn này lại không phải là chữ Phạn nghiêm chỉnh mà là các phiên âm qua tiếng Anh của các tác giả Anh Mỹ . Ông VTN đã chép nguyên lại của họ trong văn cảnh tiếng Việt. Ngay cả tựa sách bằng tiếng Phạn, tác giã VTN  đã ghi:
“VAJRACCHEDIKAPRAJÑAPARAMITA”  thay vì chữ Phạn nghiêm chỉnh theo IAST (International Alphabet of Sanskrit Transliteration) là: “VAJRACCHEDIK   PRAJÑPRAMIT”  (có 4 chữ có dấu ngang trên đầu) . Và tất cả những thuật ngữ Phạn khác cũng đều được tác giả VTN ghi theo cách ấy. Vài điển hình: 
  – Hrdaya                           thay vì                     Hdaya 
  – atman                             thay vì                     ātman 
  – pratiyasamutpada          thay vì                     pratītyasamutpāda  
Tiếng Phạn ghi theo kiểu không dấu đặc trưng theo chuyển tự quốc tế IAST này trong văn bản tiếng Việt, chúng tôi tạm gọi là tiếng Phạn “ba rọi”. Tiếng Phạn “ba rọi” không những không giúp gì cho người đọc vì với người rành tiếng Phạn thì thấy “ vướng mắt” do sai mà cứ lặp đi lặp lại hoài!, còn với người chưa rành tiếng Phạn thì gây hỏa mù, khó khăn thêm cho họ do họ không thể căn cứ vào đó để tra từ điển tiếng Phạn khi muốn biết nghĩa chính xác của từ, và nhiều khi lại gây ngộ nhận. Chẳng hạn, nơi trang 109, VTN ghi: Pháp (DHARMA/ dharma); Vạn pháp (dharmas), thì có thể gây cho người đọc tưởng dharmas (có s) là chữ Phạn! và đổi qua số nhiều chỉ thêm s trong chữ Phạn!
Chính cách ghi tiếng Phạn này khiến tôi “nghi một cách phạm thượng” là tác giả Vũ Thế Ngọc là người không biết tiếng Phạn! Nhưng ở trang 470, trong mục sách của GS. Vũ Thế Ngọc, có ghi: Tự Học Chữ Sanskrit, Eastwest Institute, San Jose, USA, 1985, chứng tỏ VTN không những không biết mà còn phải tinh thông tiếng Phạn nữa! Thật là mâu thuẩn! nhưng trong sách có một số chỉ dẫn cho thấy quả là tác giả VTN không rành chữ Phạn! Vài chứng cứ như sau:
– Ở trang 29, VTN viết : “Tóm lại các từ ngữ trong tựa đề rất rõ ràng và dễ hiểu : (TRÍ TUỆ: prajña, BỜ BÊN KIA: paramita, CẮT BỎ ĐƯỢC: chedika, KIM CƯƠNG: vajrac)”.
Chỉ một câu ngắn này mà chứa nhiều lỗi: prajñā chứ không phải prajña; pāramitā chứ không phải paramita, và pāramitā là “đã qua bờ bên kia”, chứ không phải “BỜ BÊN KIA”. “Bờ bên kia” là “pāra” (mà thôi); “CẮT BỎ ĐƯỢC : chedika” là không chính xác (sẽ nói rõ ở bên dưới); “KIM CƯƠNG: vajrac” là sai! Vì được VTN thêm vào chữ “c”. Không phải chỉ một lần ở đây thêm chữ c mà ở trang 19 VTN cũng ghi “kim cương (vajrac/ bạt-chiết-la)” 
– Ở trang 114, VTN viết :" Học Phật thêm chút nữa chúng ta biết thêm Phật là dạng viết theo Hán ngữ của chữ  Phật-đà (buddha) có ngữ căn là Bodhi (nghĩa là giác ngộ)". Thưa không phải như vậy! vì trong tiếng Phạn thì Bodhi không phải là ngữ căn của Buddha! mà cả hai Buddha và Bodhi đều có chung một ngữ căn là động từ budh (I bodhati/bodhate, IV budhyate) = học tập, nhận biết, giác ngô.  Buddha nguyên là quá khứ phân từ của động từ budh, và buddha được dùng vừa như tính từ vừa như danh từ. Còn bodhi là danh từ được suy ra từ động từ budh qua việc thêm vào một hậu tố “i” (hậu tố loại thứ nhất (kt pratyaya)) như sau : budh — > (gua): bodh — > bodh+ i = bodhi
– Cuối trang 19, VTN ghi chú : "Các cụm từ như vajracchedikaprajñaparamita trong Phạn ngữ viết liền nhau không có cả dấu gạch nối -, trong sách này đôi khi phải viết rời cho dễ nhận diện như vajrac   chedika   prajña   paramita."
Điều này không đúng, vì trong Phạn văn thì nhan đề sách vẫn viết hai từ rời nhau là : “vajracchedikā prajñāpāramitā” (trong phiên âm IAST), và ngay cả trong Devanāgarī cũng là hai từ rời nhau ” वज्रच्चेदिका प्रज्ञापारमिता”.
Từ “vajracchedikā” là một từ kép gồm 2 từ “vajra” và “chedikā”, cho nên khi cần viết tách ra cho rõ thì đúng ra phải viết: “vajra-chedikā”, nghĩa là sau chữ “a” của “vajra” không có chữ “c” như tác giả VTN ghi đâu! Nhưng khi viết nhập lại thì phải tuân theo luật hợp âm (sadhi) là “ch” đi tiếp theo sau một nguyên âm ngắn (ở đây là a) thì ch thanh cch : “a+ch = acch”, nghĩa là thêm một chữ c vào! Và khi viết tách vajracchedikā thì thành: “vajra   cchedikā”  nghĩa là chữ c thêm vào đó phải đi liền với ch của từ sau chứ không đi theo a của từ trước! như VTN đã ghi đâu! Chính vì không am hiểu điều này, nên VTN đã tách sai “vajracchedika” thành “vajrac   chedika” và vì tách sai như thế nên VTN mới viết sai “ KIM CƯƠNG: vajrac” với chữ c được thêm vào như đã dẫn chứng trên đây. 
– Trong trang 35, VTN còn khẳng định " Trong số này hiện còn 8 bộ kinh còn giữ được nguyên bản Sanskrit cho đến ngày là 1……5. Mahaprajñaparamita (Maha Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh) viết tắt là Hrdaya,…8. Vajracchedika-prajñaparamita ….". 
Điều này chứng tỏ VTN chưa hề tìm hiểu Phạn văn của các kinh này bao giờ mới dám nói  "còn giữ được nguyên bản Sanskrit cho đến ngày nay". Quả vậy, bản Tâm Kinh chẳng hạn (số 5 VTN liệt kê ra) làm gì "còn giữ được nguyên bản Sanskrit cho đến ngày nay”! Bản sanskrit mà VTN nói đó là bản mà các ông như Max Muller, Edward Conze,..khôi phục lại tiếng Phạn từ các ghi chép không rõ chép từ bản gốc nào, và các bản phiên âm và dịch ra các thứ tiếng khác đó chứ! Cả thế giới Phật giáo và học giả đi tìm đỏ con mắt từ bao thế kỷ nay mà có tìm được nguyên bản gốc tiếng Phạn của Tâm Kinh đâu! Ngay cả bản Phạn văn của kinh Kim Cương mà VTN in lại trong phần phụ lục của sách TTGT này cũng chỉ là bản mà Max Muller và Edward Conze đã truy tìm, khôi phục, hiệu đính từ nhiều nguồn tư liệu, chứ đâu phải “nguyên văn” bản gốc tiếng Phạn còn lại từ thời kinh này mới ra đời đâu!. Cũng chính vậy mà ngày nay có một vài người muốn chống Phật giáo nói chung và Phật giáo đại thừa nói riêng bằng lập luận rằng không làm gì có Tâm kinh nguyên bằn tiếng Phạn mà Tâm kinh là do người Trung Hoa sáng tác bằng tiếng chữ Hán rồi dịch ngược ra chữ Phạn! 
2. Chứng minh cả hai cách hiểu (1) và (2) của VTN đều sai : Chính cái trình độ tiếng Phạn của tác giả VTN như chúng tôi nhận xét trên đây đã giúp chúng tôi “lý giải” được tại sao VTN lại dám viết “theo ngữ pháp Sanskrit” chữ Vajracchedika đều có thể hiểu là một trong hai cách (1) và (2) như trên và ông chọn cách (1). Và bây giờ chúng tôi sẽ chứng minh cả hai cách hiểu của VTN đều sai cả hai! 
Vì dùng tiếng Phạn “ba rọi” nên VTN viết “vajracchedika” mà không lưu ý rằng “Vajracchedikā”= “vajra-chedikā” (với chữ ā tận cùng có dấu ngang trên đầu) là từ giống cái, hiệp giống cái với từ “prajñārāramitā” (có 3 chữ ā với dấu ngang trên đầu). Trong khi đó từ vajra là danh từ giống đực hay trung. Vậy thì “vajracchedikā = “vajra-chedikā” không phải là “kim cương cắt được” như nghĩa (2) mà VTN giải thích, bởi muốn thế thì chedika phải hiệp với giống đực hay trung của vajra, nghĩa là “chedika” với a chứ không phải với ā có dấu ngang trên đầu. 
Nhưng vajracchedikā cũng không phải là “cắt được kim cương” như nghĩa (1) mà VTN hiểu, vì sao ? Bởi vì có 4 cách để diễn tả “cắt được kim cương” trong đó 1 cách ở thể thụ động và 3 cách ở thể chủ động.
Cách ở thể thụ động:  chuyển “cắt được kim cương” thành “kim cương bị cắt”, bằng cách dùng quá khứ phân từ chinna của động từ chid (VII chinatti / chinatte) = cắt: “cắt được kim cương” = “kim cương bị cắt” . Khi viết thành câu là chinna vajra = chinno vajra (a + v = o v) hay viết thành từ kép là chinna-vajra = chinnavajra, cũng đều không phải là “vajracchedikā; 
Cách 1 ở thể chủ động : Dùng động từ “cắt” = chid (VII chinatti / chinatte) ở ngôi ba số it thì hiện tại là chinatti / chinatte, và kim cương = vajra (m,n) (danh từ giống đực hay trung) phải làm túc từ (ở Accusatve số ít giống đực hay trung) : vajra — > vajram. Do đó (nó) cắt được kim cương = vajram chinatti/chinatte = vajra chinatti/chinatte, cũng không phải là vajracchedik; 
Cách 2 ở thể chủ động : Dùng động từ chid (VII chinatti / chinatte)  để tạo ra một tính từ là một từ kép loại upapadasamāsa với danh từ vajra , theo qui trình như sau: vajra+chid = vajrachit (d tận cùng của động từ chid phải được thay bởi t). Ở đây vajrachit  cũng không là vajrcchedikā;
Cách 3 ở thể chủ động: Dùng quá khứ phân từ của chid (VII chinatti / chinatte) là chinna = bị cắt (ở thể thụ động, nên không dùng được), chuyển qua quá khứ phân từ chủ động là chinna+vant = chinnavant = đã cắt. Tạo từ kép : vajra+chinnavant = vajracchinnavant cũng không phải vajracchedikā.
Vậy vajracchedikā ở trong tựa của Kinh Kim Cương dứt khoát không phài là “cắt được kim cương” theo cách (1) của VTN
Vậy nó nghĩa là gì ? Xin giải thích như sau : từ động từ chid (VII chinatti / chinatte) = cắt đứt, ta thêm vào hậu tố “i” (hậu tố loại một = kt pratyaya) theo qui trình: chid — > (gua): ched — > ched+i = chedi là tính từ, có nghĩa (nghĩa chủ động) là “cắt được, có tính cắt được”. Thêm một hậu tố loại hai (addhita pratyaya) là “ka” theo qui trình : chedi +ka = chedika là một tính từ. Hậu tố “ka” cho ra 9 loại nghĩa mà ở đây theo nghĩa thứ 5 là “theo nghĩa thực hiện hành động”, hay “ tích cực trong hành động”[1]. Do đó, chedika có nghĩa “hay cắt”, “năng cắt “, ”cắt tốt”, “cắt có hiệu quả” (trái với nghĩa “lười biếng” là “cắt cho có lệ”, “cắt khơi khơi”, “cắt mà không đứt”).
Tiếp theo:      vajra-chedika = vajracchedika là từ kép có dạng : (Danh từ)+(Tính từ) 
Đây là một từ kép loại karmadhāraya (hạn định qua mô tả), và là một tính từ có nghĩa : (Tính từ) như /( với/ nhờ bởi/ vì/ bởi vì) (Danh từ) 
Ở đây danh từ đóng vai trạng từ bổ nghĩa cho tính từ, hàm ý so sánh.  Vậy: “vajra-chedika = vajracchedika” = “hay cắt (/ năng cắt / cắt tốt/ cắt có hiệu qua) như kim cương” = “hay cắt (/ năng cắt / cắt tốt / cắt có hiệu qua) như dao kim cương”. 
Tính từ “vajracchedika” hiệp giống cái với danh từ giống cái “prajñāpāramitā” thành “vajracchedikā” (chữ ā sau cùng có dấu ngang trên đầu)
Vậy “kim cương” ở đây được ví như “phương tiện hữu hiệu” trong việc cắt, chứ không phải là “đối tượng bị cắt” như nghĩa (1) mà VTN hiểu.
Các thánh tăng và các học giả từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có ví là ví “cái dụng” của Trí tuệ Bát Nhã trong việc cắt bỏ tất cả những thứ cản trở con người trên đường tu từ những cái nhỏ như phiền não, mê lầm,..đến cái lớn như lòng ngã chấp,… với “cái dụng” của dao bằng kim cương trong khả năng cắt đứt mọi thứ, chứ các ngài có ví cái hình hài, cái thể của Trí tuệ Bát nhã với cái thể của Kim cương một cách thô như cách gán ghép của VTN cho các ngài đâu!
Vì đã không am hiểu như thế cho nên VTN mới “lung khởi” về cái thể của kim cương nơi trang 21 mà ông tự hào là ngộ được Huyền Nghĩa Kim Cương:  “Trước hết, khoa học hiện đại cho ta biết kim cương thực chất căn bản chỉ là carbon. Carbon là…bốn nguyên tố cơ bản (C, H,O,N.)….xác thit của con người và sinh vật. Tóm lại, về bản chất cấu tạo nguyên tử thì giữa viên kim cương chúng ta lấy làm quí báu và miếng tro than trong góc bếp chúng ta coi thường đều là carbon không khác gì nhau”.
Ông VTN dùng cụm từ “khoa học hiện đại” là để cốt để “mượn oai hùm” chứ “hiện đại” chỗ nào khi mà từ năm 1772, Antoine Lavoisier đã khám phá ra kim cương được tạo ra từ carbon, và năm 1792 Smithson Tennant đã đi xa hơn bằng chứng minh kim cương và than chì có cùng cấu tạo hóa học [2,3]
Thế vẫn chưa đủ, VTN lại ghi chú thêm dài ở cuối trang 21 về nghĩa của từ kim cương trong tiếng Hy Lạp, tiếng Việt, rồi cũng kim cương hay than chì đều hoàn toàn giống như nhau vì chúng đều do nguyên tử carbon mà thành, và v.v…chứng tỏ VTN am tường khoa học lắm. Tiếc thay, ở đây, cách “phô diễn trí thức” như thế lại đưa VTN tới chỗ sai lầm trong cách hiểu từ kép “vajracchedikā”!
Tóm lại : cả hai cách hiểu của tác giả Vũ Thế Ngọc đều sai về mặt ngữ pháp của Phạn văn! Cho nên cái “ngộ” do đọc kinh Kim Cương trong 6 tháng dưỡng bệnh của VTN để VTN viết “ Trong sách này tôi giải thích vajracchedika (kim –cương năng-đoạn) theo nghĩa thứ nhất “cắt được kim cương.” thì tiếc thay sự “ngộ“ ấy đã dẫn VTN đến chỗ hiểu sai!
Không những sai lầm như thế mà cái “ngộ” ấy đã đem lại cho VTN một cái ngã mạn vô cùng to lớn khi chê mọi thánh tăng, mọi học giả Đông Tây kim cổ là “ kém trí tuệ” qua câu viết :” Còn hiểu là “Trí tuệ Bát Nhã ví như kim cương” tiêu hủy được các vọng tưởng vọng kiến của con người, thì cũng chỉ là một cách ví von kém trí tuệ”.(trang 29, TTGT) 
Cũng nên biết rằng kim cương được nhận biết và khai thác sử dụng đầu tiên trong lịch sử loài người là tại Ấn độ cách đây ít nhất 3000 năm và hầu như là 6000 năm [4]. Kim cương đã được trân quí gìn giữ như đá quí bởi vì việc sử dụng kim cương làm những biểu tượng thiêng liêng trong tôn giáo tại Ấn Độ thời cổ xưa và việc sử dụng kim cương trong các công cụ chạm khắc cũng đã có vào thời kỳ đầu của lịch sử loài người [5,6]. Như vậy đối với nhân loại nói chung và dân tộc Ấn Độ nói riêng vào thời cổ đại, kim cương được tôn trọng là quí do cái dụng của nó trong việc làm biểu tượng thiêng liêng trong tôn giáo và khả năng cắt của nó. Cái dụng ấy của kim cương đã trở thành tính chất đặc trưng của kim cương  từ thuở bình minh của lịch sử nhân loại. Cho nên không bao giờ người Ấn độ xưa nói chung và đức Phật Thích Ca cũng như các thánh tăng dùng kim cương ám chỉ cái xấu nhất là cái lòng ngã chấp của con người như VTN đã hiểu.
Chữ prajñā là trí tuệ (danh từ giống cái); pāramita khi là tính từ có nghĩa là “đã qua bờ bên kia”, “siêu việt”; khi là danh từ giống cái : pāramitā có nghĩa “sự đưa đến bờ bên kia”, “sự đạt được trọn vẹn”, “sự hoàn hảo”, “sự làm chủ”.
Cho nên “Vajracchedikā  prajñāpāramitā” là “Trí tuệ siêu việt(/hoàn hảo) có khả năng cắt hữu hiệu như kim cương” chứ không phải “Trí tuệ của bờ giải thoát có năng lực chặt vỡ kim cương” như VTN viết nơi trang 29 sách TTHG.
Nhưng tên kinh thì cần ngắn, gọn và nổi bật được tính chất đặc trưng nên các ngài đã dùng từ “Kinh Kim Cương” thay cho tên dài dòng : “Kinh Trí Tuệ siêu việt(/hoàn hảo) có khả năng cắt hữu hiệu như kim cương”. Nếu chúng ta không hiểu được như thế mà chê các ngài đặt tên kinh sai thì chỉ có chúng ta mới vừa là “ngu” và vừa là “ngạo” mà thôi!
Tưởng bấy nhiêu đó cũng đã đủ với sách Trí Tuệ Giải Thoát của tác giả Vũ Thế Ngọc. 
Nhưng nhân đây cũng nên nêu thêm vài nhận xét về cách viết “làm dáng trí thức” của VTN trong TTGT (cũng có thể là phong cách viết của nhiều người hiện nay) không những không giúp làm sáng tỏ vấn đề mà có thể “tung hỏa mù” gây hiểu lầm cho nhiều bạn đọc không có thì giờ và điều kiện tìm hiểu thấu đáo vấn đề. 
Thứ nhất: Phần phụ lấn áp đảo phần chính.
VTN viết sach TTGT bình giảng về kinh Kim Cương gồm 472 trang mà phần chính chỉ có 193 trang là phần II : Kinh văn bao gồm: Bản Hán Dịch của La Thập, và Bản Anh ngữ của Edward Conze , Bản Việt dịch của VTN, Chú thích và Diễn Giảng. Trong khi phần phụ 268 trang gồm : Phần I : Tổng luận 132 trang, và Phần III: Phụ lục 136 trang.
Chúng tôi có cảm tưởng là VTN đã “phô bày” tất cả kiến giải của ông về nhiều khái niệm trong Phật giáo trong 132 trang của Tổng luận, cho nên phần này quá dài, quá nặng nề khiến người đọc thấy ‘ngán” vì nhiều khái niêm người đọc cũng đã biết mà rất có thể biết chính xác hơn, ngắn gọn hơn, không cần quá dài như thế để hiểu kinh Kim Cương. Ngoài ra, những kiến giải của VTN trong phần Tổng luận không phải là khám phá của bản thân ông, mà nhiều người đã viết, nhưng nhiều khi VTN trình bày ý kiến của người khác mà không ghi nguồn trích dẫn khiến người ta tưởng lầm rằng đó là “khám phá của riêng ông”. Chẳng hạn công thức: “Prajña = Sambodhi” (trang 41) thì người ta đã thấy trong bộ Essays xuất bản từ năm 1934 của Tiến sĩ Daisetz Teitaro Suzuki mà thầy Tuệ Sỹ đã dịch trong Thiền Và Bát Nhã, trang 106 (Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, Ban Tu Thư Phật Học, Pl. 2548-2004). 
Sự dài dòng còn do cách viết cố ý tìm thí dụ “rắc rối” để chứng tỏ sự “thực chứng” và “trí tuệ” của tác giả. Chẳng hạn :” Tôi tìm ra ảnh tượng thí dụ dễ hiểu để biểu trưng lý duyên khởi là một buổi chiều hãy còn ánh sáng mặt trời, tôi cầm ống nước tưới vườn thì thấy một cầu vồng bẩy màu (rainbow) hiện ra ngay trước màn sương của vòi phun nước. Cầu vồng trong thiên nhiên cũng chỉ là vậy, là do màn sương sau mưa, hoặc còn mưa nhỏ, tạo ra màn ảnh, khi ánh sáng mặt trời chiếu xiên qua tạo thành một thấu kính nên cho ra hình cầu vồng (góc xiên của ánh sáng rất quan trọng, cho nên cầu vồng không thể có giữa trưa khi ánh sáng song song với màn mưa)” (trang 60, Trí Tuệ Giải Thoát).
Có cần phải khó khăn, rắc rối, và dông dài, nào thấu kính, nào chen từ tiếng Anh rainbow vào sau cầu vồng,… đến như thế để lấy thí dụ về duyên khởi, nhân duyên hay không? Tại sao không lấy thí dụ dễ hiểu hơn? Biết bao thí dụ đơn giàn, ngắn gọn hơn nhiều mà! Chẳng hạn: “Con chó đang nằm ngủ, ông A đi ngang qua, lấy chấn đá nó, nên nó vùng dậy cắn ông A!”. Còn muốn “duyên khởi” dài thêm thì tiếp như :” Sau khi bị chó cắn, ông A không đi chích ngừa chó dại ngay, nên vài tuần sau ông ấy phát bệnh dại và vì thế phải từ biệt trần gian”!.
Mà khốn nỗi, cách giải thích “tạo dáng trí thức này” lại sai, bởi vì một thấu kính là một vật tạo bởi một chất trong suốt, thuần nhất, giới hạn bởi hai mặt cầu lồi hoặc lõm thì có để đâu như trong bóng tối vẫn là một thấu kính chứ không phải vì ánh mặt trời chiếu xiên qua nó mới thành một thấu kính! Còn cái vật không phải thấu kính thì dù ánh mặt trời có chiếu thẳng, chiếu xiên xéo gì đi nữa cũng không thành thấu kính được! Ở đây “màn sương sau mưa, hoặc còn mưa nhỏ, tạo màn ảnh” của Vũ Thế Ngọc thì dứt khoát không phải là thấu kính! Thì ánh mặt trời có chiếu thế nào cũng không thành thấu kính được! Hơn nữa, ánh mặt trời chiếu xiên qua một thấu kính thì sẽ khúc xạ 2 lần và đi luôn qua mặt sau của thấu kính rồi hoặc hội tụ, hoặc phân kỳ tùy theo loại thấu kính chứ không tạo thành được một cầu vồng! Cầu vồng là hiện tượng tán sắc ánh sáng. Một người sẽ thấy được cầu vồng khi đứng quay lưng về mặt trời, những tia mặt trời đi tới chạm vào những giọt nước bé li ti lơ lững trên không, khúc xạ lần thứ nhất, tia khúc xạ ở trong giọt nước, chạm vào thành giọt nước, phản chiếu lại, tia phản chiếu ở trong giọt nước lại khúc xạ ra khỏi giọt nước đi vào mắt người ấy (với điều kiện góc của tia tới giọt nước và tia khúc xạ ra khỏi giọt nước phải trong khoảng 40-42 độ) [7]. Như vậy muốn tạo ra cầu vồng thì tia mặt trời phải khúc xạ qua mặt cong của giọt nước, rồi lại phản chiếu trên mặt cong của giọt nước, và lại khúc xạ qua mặt cong của giọt nước đi ra gần như ngược chiều với tia mặt trời ban đầu chứ không phải là tia chiếu xiên qua “thấu kính” là tia cùng chiều với tia mặt trời như VTN viết đâu!
Thứ hai: Mâu thuẩn nhau do thiếu dẫn chứng : Ở trang 114, VTN viết : “Ngay cả bản thân ngài Cưu Ma La Thập cũng tỏ ra rất lúng túng trong nhiều đoạn Hán dịch, điển hình nhất là hai câu cuối của đoạn 14 trong kinh này”. 
Nhưng ở trang 135 lại viết: ”Khi so sánh bản dịch đầu tiên là bản của La Thập với năm bản tân dịch sau đó người ta mới thấy được cái siêu việt của các bản dịch do La Thập chấp bút. La Thập quả xứng đáng là vị Tam tạng Pháp sư mà các nhà học giả Trung Hoa cận đại phải tôn xưng là vua dịch thuật… Như tôi đã từng so sánh, các bản dịch của La Thập như bản dịch thơ Đường của Tản Đà, sống động và trôi chẩy…”
Không những hai đoạn trên mâu thuẩn nhau, mà hoàn toàn vô chứng cứ cho đoạn thứ nhất vì khi dịch kinh Kim Cương ngài La Thập không ghi chú gì để lại cho đời sau biết là ngại “lúng túng” trong việc dịch chỗ nào cả! thì làm sao VTN dám nói ngài bị lúng túng khi dịch?. Căn cứ trên bản dịch của ngài người đời sau chỉ toàn khen ngài dịch trôi chảy, tài hoa cả, là vua dịch như chính VTN ca tụng ngài trong đoạn thứ hai trên đây, chứ dịch lúng túng cái nỗi gì? Chỉ đám hậu thế chúng ta không đủ trình độ để hiểu thấu đáo bản dịch tài hoa của ngài La Thập mới lúng túng chứ ngài đâu có lúng túng trong khi dịch!.  
Thứ ba: So sánh khập khiển vì thiếu cơ sở để so sánh: Trong trang 151, VTN viết: “Những câu “Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ đề tâm” (Việt ngữ thường dịch là “Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác”) của La Thập trong đoạn “Nếu có thiện nam thiện nữ, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” đã làm rất nhiều người bối rối hơn nhiều. Vì ở đây La Thập dùng cụm từ này để dịch cụm từ Phạn ngữ “bodhisattvayana samprasthitena”, mà Huyền Trang dịch rất dễ hiểu là “theo Bồ Tát Thừa” (phát thú Bồ Tát Thừa) là trực dịch theo nguyên nghĩa chữ Phạn, Conze dịch là “set forth bodhisattva-vehicle” thì cũng ý như vậy”. Ở trang 152, VTN viết : “Như vậy La Thập  đã bỏ câu “katham pratipattavyam” (Huyền Trang dịch “vân hà tu-hành”. Conze dịch “How to progress”). v.v…và v.v…
Những so sánh thuộc loại trên đây là hoàn toàn sai vì thiếu chứng cứ! Hãy hình dung các bản văn diễn biến như  sau (Để cho gọn, tôi viết: Phạn-La Thập là bản Phạn văn mà La Thập dùng để dịch ra Hán văn (Hán-La Thập), tương tự cho Huyền Trang, Conze thì Phạn-Conze và Anh-Conze):
1.     Phạn-La Thập — > Hán-La Thập — > Việt-Vũ Thế Ngọc 
2.     Phạn-Huyền Trang — > Hán-Huyền Trang 
3.      Phạn-Conze — >Anh-Conze
Trong sách TTGT của Vũ Thế Ngọc, trong phần chính của sách, chỉ có :
Hán-La Thập — > Việt-Vũ Thế Ngọc 
Anh-Conze 
Trong phụ lục thì có: Hán- Huyền Trang 
Phạn-Conze 
Như thế Vũ Thế Ngọc không đưa ra Phạn-La Thập, Phạn-Huyền Trang thì lấy đâu ra cơ sở, chứng cứ để nói ngài La Thập dịch “cụm từ Phạn ngữ “bodhisattvayana samprasthitena” là “Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ đề tâm”? Nên nhớ là cụm từ “bodhisattvayana samprasthitena” là cụm từ mà VTN trích từ bản Phạn-Conze mà thôi, chứ chắc gì cụm từ ấy có trong Phạn-La Thập? hay Phạn-Huyền Trang?. VTN lấy chứng cứ gì để biết chắc là ba bản Phạn-La Thập, Phạn-Huyền Trang, và Phạn-Conze là hoàn toàn đồng nhất với nhau?. Hơn nữa, La Thập được sinh ra, lớn lên, học tập, nghiên cứu trong môi trường tiếng Phạn của quê hương ngài, thì trình độ tiếng Phạn của ngài không thể thua Huyền Trang, Conze, và… Vũ Thế Ngọc mà có thể vượt rất xa! Thế thì giả sử rằng cụm từ “bodhisattvayana samprasthitena” đúng là cụm từ mà ngài phải dịch ra Hán văn, đó là cụm từ quá đơn giản, ai biết sơ qua chữ Phạn cũng hiểu được, thì hà cớ gì mà ngài La Thập lại không dịch nổi mà lại phải khổ công tìm ra một cụm từ dài dòng khó hiểu hơn nhiều là cụm từ “anuttara-samyaksabodhi”, vốn không có trong câu văn (theo ý của VTN) rồi phiên âm thành “ … A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ đề tâm” để thay thế nghĩa bằng chữ Hán của cụm từ đơn giản “bodhisattvayana samprasthitena” có sẵn trong câu văn?.
Như vậy là VTN đã dựa trên một cơ sở không xác thực để so sánh, cho nên chúng tôi nói tất cả những đoạn so sánh kiểu “La Thập (/Huyền Trang) dịch cụm từ Phạn ngữ này …thành….” trong tập Trí Tuệ Giải Thoát của Vũ Thế Ngọc là hoàn toàn thiếu cơ sở, nên không có giá trị! 
Nhận xét kết thúc : Cái tinh thần dám suy nghĩ ngược dòng với mọi bậc thầy trong quá khứ để tìm ra cái mới như Vũ Thế Ngọc là điều rất đáng tán dương. Tiếc thay, trong trường hợp này, theo chúng tôi, cái mới do VTN đưa ra lại là không đúng!. Chúng tôi cũng bình về phong cách viết “phô diễn trí thức” của VTN trong Trí Tuệ Giải Thoát. 
Nhưng cũng nên thấy rằng cách đặt lại vấn đề về hiểu nghĩa của tên kinh Kim Cương của VTN cũng không hẵn là không có ích, vì nhân đó nhiều người sẽ động não tìm hiểu kỹ hơn, gúp làm sáng tỏ vấn đề, giải nghi cho thiên hạ mà bài viết của chúng tôi chỉ là một. Thứ đến, là VTN đã cung cấp các bản Phạn- Conze, Hán-Huyền Trang trong phần phụ lục để bạn đọc nào cần dùng thì có sẵn mà dùng khỏi phải mất công đi tìm dù vẫn biết rằng chúng có sẵn ở nhiều nơi. VTN cũng đã biên soạn rất công phu, khá đầy đủ và hấp dẫn về tiểu sử và sự nghiệp của Cưu Ma La Thập, và Edward Conze trong phụ lục. Tuy nhiên bài viết về Conze sẽ tuyệt vời hơn và hữu ích hơn cho giới trí thức trẻ Việt Nam thời nay nếu như VTN chịu khó phân tích sâu hơn một chút lý do tại sao một đại trí thức phương Tây sinh ra, lớn lên trong giới quí tốc và truyền thống Ki tô giáo, trong lúc khủng hoảng tinh thần, tâm lý, tuyệt vọng gần như không thiết sống vì cảm thấy bế tắc trong tình hình chính trị thế giới và sự tan vỡ của cuộc hôn nhan với người phụ nữ mà ông từng yêu quí, mà lại sống dậy mạnh mẽ, tích cực như một Phật tử chân chính, tự nguyện cống hiến hết tài năng trí tuệ thuộc loại ưu hạng của mình cho cuộc đời này bằng việc truyền bá Phật pháp. 
Nhân đây chúng tôi cũng xin nêu lên một ít đề nghị : 
1. Những vị viết sách, báo, từ điển về Phật học, nếu có đưa thêm chữ Phạn vào thì xin viết đúng theo tiêu chuần của IAST (International Alphabet of Sanskrit Transliteration) chứ không nên ghi theo phiên âm không có dấu đặc trưng của chữ Phạn vì sẽ ít giúp ích mà còn gây khó khăn cho người đọc.
2. Những vị nào viết sách về Phật học nói riêng (và mọi sách nói chúng), nếu không am tường một hiện tượng khoa học thì không nên đưa cái giải thích “ lơ mơ theo cách hiểu đại khái của mình” vào sách vì rất dễ bị sai! do các định luật khoa học thì rất nghiêm ngặt chứ không lơ mơ. Việt như thế thì không những không giúp ích gì mà còn gây hại cho bạn đọc. Không nên viết để “làm dáng trí thức” và “cốt để mượn oai hùm” như thế vì lỡ bị người ta thấy “trí thức ấy” là “dõm”, chỉ làm cho giảm giá trị của quyển sách và bản thân người viết mà thôi!
3. Hiện nay đã và đang có khá nhiều sách từ biên khảo, sáng tác đến dịch thuật về các vấn đề trong Phật giáo trong các tiệm sách. Đó là một điều tốt vì tạo điều kiện cho người muốn đọc sách về Phật giáo có thể dễ dàng mua được sách để đọc. Nhưng đồng thời đó cũng là một tình trạng đáng lo ngại bởi vì rất nhiều sách, đủ chủng loại được in ra khiến người Phật tử bình thường không biết nên đọc sách nào, không nên đọc sách nào trong cái rừng sách ấy. Có những loại sách được in ra tuy có nhan đề liên quan tới Phật giáo mà không biết nội dung như thế nào, có thể có những sách mà nội dung lại không phù hợp với Phật giáo, nhất là những quyển sách dịch vội hoặc “pha chế” vội từ sách nước ngoài, có thể chứa những điều như mê tín, dị đoan, khả năng ngoại cảm vô căn cứ,.., mà thật ra người “dịch vội, pha chế” cũng không biết chắc gì cả! Có những sách tuy mượn vài điều của Phật giáo nhưng rốt cuộc lạc dẫn người đọc đến chỗ quay về tôn thờ Thượng đế! Nghĩa là cốt để đánh phá Phật giáo. Những người Phật tử bình thường khi đọc những quyển sách như vậy có thể hoang mang, rồi mất dần chánh tín, xa dần Phật giáo và rơi vào ngoại đạo. Cũng có những quyển sách mà sau khi đọc xong khiến người Phật tử chạy theo tôn thờ những vị thầy ở tận đâu đâu mà lơ là nhiệm vụ trước mắt của bản thân là một Phật tử chân chính đối với hiện thực xã hội nước ta, với thầy, tổ bao đời nay.
Vậy nên chăng là Giáo hội PGVN, đặc biệt là Ban Hoằng Pháp quan tâm tới những ấn phẩm liên quan tới Phật giáo đang tràn ngập thị trường sách nước ta để khi thấy cần thì kịp thời khuyên cáo Phật tử những điều cần biết trong việc tìm và đọc sách.
                          Lê Tự Hỷ (9/8/2012) 
Tài liệu tham khảo :
1. M.R. Kale, A Higher Sanskrit Grammar, Motilal Banarsidass Publishers Private Limited, Delhi, 2007, p.340.
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Diamond
3. Hazen, R. M (1999). The diamond makers. Cambridge University Press. pp. 7–10. ISBN 0-521-65474-2.
4. Hershey, W. (1940). The Book of Diamonds. New York: Hearthside Press. pp. 22–28. ISBN 1-4179-7715-9.
5. Pliny the Elder (2004). Natural History: A Selection. Penguin Books. p. 371. ISBN 0-14-044413-0.
6. "Chinese made first use of diamond". BBC News. 2005-05-17. Retrieved 2007-03-21.
7. Rainbow Formation – The Physics Classroom, http://www.physicsclassroom.com/Class/refrn/u14l4b.cfm
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here