Một thời là hai chữ bắt đầu của kinh Phật: “Một thời tại nước Xá Vệ…”,”Một thời tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ-xà- quật…”(tạng Hán Bắc tông). Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường…”, Một thời Thế Tôn đang ở tại thành…”(tạng Pali Nam Tông).
Một thời… Với tâm thức bình thường, hạn hẹp của chúng ta thì nghe như xa lắm. Một thời… đã qua, đã là cái chết xa xôi trong quá khứ. Sự “đang đi”, “đang ở” ấy là thời hiện tại của một quá khứ không còn nữa, một quá khứ đã chết.
Nhưng nếu một thời của Đức Phật cũng giống như một thời của chúng ta (ai cũng có một thời của riêng mình: ngày đó…) thì chắc đạo Phật chẳng còn ở trên đời này.
“Nhất thời, Phật tại…”.
Một thời, đây hẳn nhiên là một thời của thời gian. Nhưng thời gian ở đây là thời gian của giác ngộ. Trong ý nghĩa đó, một thời là thời gian thuần túy, thời gian đã hoàn toàn tịnh hóa hết vô minh. Cho nên một thời này có trong tất cả mọi thời điểm của thời gian, có trong tất cả mọi hạt điểm của không gian.
Như một thí dụ từ rất xưa, mặt trăng khi không còn bị mây che thì có trong mọi ao hồ sông nước.
Một thí dụ khác: một thời là một giọt nước. Khi nó ở trong đại dương thì giọt nước ấy là toàn thể đại dương. Một thời khi thật sự ở trong thời gian thì một thời ấy là toàn thể thời gian.
Đó là sự vô ngại của thời gian, sự vô ngại của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai:
“Một kiếp vào trong tất cả kiếp, tất cả kiếp vào trong một kiếp mà không làm hư hại thời gian” (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới). “Trong một niệm có đủ ba thời” (phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện).
“Nhất thời, Phật tại…” Phật ở tại trong cái Một Thời đó cho nên Phật ở trong tất cả mọi thời, tất cả mọi thời gian không gian.
Phật hiện diện trong tất cả mọi thời gian không gian:
“Phật thù đặc nhất trong tất cả Quang minh chiếu khắp đồng hư không Trước các chúng sanh đều khắp hiện Trăm ngàn muôn kiếp các quốc độ Trong một sát na đều hiện rõ Phóng quang độ người đồng đều khắp”. (phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm).Một thí dụ cụ thể: “Ngài Trí Khải sáng lập Thiên Thai Tông nhập thất trì tụng kinh Pháp Hoa suốt 21 ngày đêm. Tụng đến phẩm Dược Vương Bồ tát bổn sự, đến câu “Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường” thì hoát nhiên khai ngộ, thấy pháp hội Linh Sơn rõ ràng chưa tan. Mới biết được rằng Đức Thích Ca Mâu Ni vẫn còn thuyết pháp ở Linh Sơn nhưng chúng sanh vì che chướng sâu dày nên không thấy được”.
Một sự kiện của quá khứ thấm vào khắp hiện tại và tương lai, nhiếp nhập với tất cả hiện tại và tương lai. Đó là kiến giải cao nhất của đạo Phật trong kinh Hoa Nghiêm.
Thế nên ngay tại thời điểm này và ngay tại đây, chúng ta vẫn sống trong một hiện tại trùm khắp cả ba thời, một hiện tại vĩnh cửu trải khắp, đồng thời có mặt trong mọi thời điểm của cả ba thời: “Một thời Phật tại…”.
Đạo Phật là cái thời gian vĩnh viễn đang là và cái không gian vĩnh viễn đang là ấy.
Những người bình thường chúng ta thì sống trong một thời gian chia cắt, phân mảnh, ngăn cách, và do đó thời gian là một tiếc nuối, một mất mát, một khổ đau. Trong văn chương thì “Một thời để yêu và một thời để chết” (E.M. Remarque), “Biển của thời đã mất” (GG. Marquez), “Đi tìm thời gian đã mất” (Marcel Proust).
Ngay cả đối với khoa học, thì “Tại sao có mũi tên thời gian? Thời gian trôi về phía trước do một đặc tính của vũ trụ gọi là “entropy”. Các câu hỏi về entropy vẫn chưa được trả lời…” (Chín bí ẩn của vật lý học đương đại, Natalie Wolchover, Tạp chí Tia Sáng, 20/8/2012).
Thực hành đạo Phật là để làm quen, để sống dần dần cái Một Thời ấy. Chúng ta hãy biết chuyển hóa cái thời gian mất mát của mình thành cái một thời phổ quát của đạo Phật. Có như thế thời gian mới không là sự mất mát mà là một kho tàng, một gia tài quý báu. Đạo Phật kêu gọi mọi người giải thoát. Giải thoát là giải thoát khỏi thời gian manh mún, chia cắt và mất mát. Giải thoát khỏi thời gian là đi vào cái Một Thời này.
Hãy sống cái một thời ấy trong mọi thời của một ngày bình thường của mình, trong mọi hoạt động bình thường của mình. Hãy thấy cái một thời ấy trong từng chiếc lá đang xanh hay đang rụng, trong từng sự vật dầu nhỏ nhoi trước mắt. Hãy nhìn mọi người trong cái một thời ấy, để thấy chưa từng có sự cách ngăn, chia rẽ, chưa từng có một vết nứt nào trong thế giới thuần chân này. Và ngày nào nhắm mắt chết, hãy nhắm mắt trong cái một thời ấy.
Ngày xưa năm mươi con theo mẹ Âu Cơ lên núi, năm mươi con theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Lên núi, xuống biển là Một Thời. Ngày nay chúng ta đi giữa phố phường hay đi giữa đồng quê trên bãi biển cũng là Một Thời. Đi đứng nằm ngồi ngủ nghỉ nói nín là Một Thời. Một thời không gián cách. Một thời hiện tiền. Sống được trong cái một thời này là đời sống đích thực vì không có sanh lão bệnh tử.
Một thời là cái đang là, vĩnh viễn đang là, suốt từ quá khứ, hiện tại, cho đến tương lai.
N.T.Đ
Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 162