Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Một thoáng chùa Lào

Một thoáng chùa Lào

142
0

Để đi vào tìm hiểu văn hóa nghệ thuật cũng như truyền thống một ngôi chùa cần phải có nhiều thời gian và cần phải có một sự am hiểu nhất định về văn hóa và truyền thống kiến trúc của địa phương vùng miền, quốc gia mà ngôi chùa đó tọa lạc.

Biết vậy, nhưng trong một chuyến "du lịch chớp nhoáng" vừa qua trên đất nước Lào – xứ triệu voi, chúng tôi đã đến thăm và đã say đắm trước những đường nét kiến trúc một ngôi chùa Lào, và ghi lại một số hình ảnh với tâm niệm đinh ninh chỉ để làm tư liệu của riêng mình, nhưng càng đinh ninh tôi càng thấy hổ thẹn vì như thế thì quá ích kỷ, bèn đem ra đây chia sẻ cùng bạn đọc – những ai không có, hoặc chưa có điều kiện đi đến thăm đất nước Lào.

Say-Nha-Phum, một ngôi chùa thuộc tỉnh Savannakhet nằm liền ngay bên bờ sông Mê-kông, con sông Phật giáo đoạn chảy qua miền Trung nước Lào nầy có vẽ như rất đằm thắm chứ không dữ dội. Chùa do Hòa thượng Maha Ngon làm Trú trì. Hòa thượng năm nay tạc chừng 80 tuổi ngồi tiếp chúng tôi tại khách phòng, Ngài vừa nói vừa nhai trầu, tủm tỉm rất thân mật. Hòa thượng nói với chúng tôi những lời nói bằng tiếng Lào mà vị Việt Kiều thông ngôn qua tiếng Việt có lẽ là chưa chuyển tải hết ý, nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười của Ngài chúng tôi đã cảm nhận được những tình cảm dạt dào mà Ngài dành cho chúng tôi. Nằm cạnh bên, chú mèo trắng lâu lâu đùa giỡn lấy chân cào cào lên chiếc y màu vàng đất của Ngài khiến Ngài phải ẵm chú bỏ nằm sát một bên và nói điều gì đó bằng tiếng Lào với chú thì chú mới chịu nằm yên.

Chúng tôi đã có một khoảng thời gian ngắn chừng chưa đầy 30 phút để tham quan chùa. Nhìn tổng thể chùa rất rộng, nhiều công trình được xây dựng trên một khu đất khoảng chừng hơn 2ha, với hàng chục công trình lớn nhỏ như chánh điện, Tăng xá, khu tháp mộ, khu tạo tượng… tất cả đều toát lên một nghệ thuật kiến trúc chùa theo mô típ chính thống của Phật giáo Nam truyền (Nam Tông), với bố cục cao, nhọn, trang trí nội thất ngoại thất với nhiều hình tượng, màu sắc khác nhau… Chùa có cấu tạo các cửa ngõ trước-sau-tả-hữu nối liền nhau, xe gộ có thể chạy từ cửa nầy sang cửa khác nối liền nhau trong vườn chùa mà không có bảng cấm.

Các sinh họat của chư Tăng trong chùa rất sinh động. Có sư đang làm việc tạo tượng, kế bên một vị sư trẻ đang ngồi trên bộ bàn đá học bài, phía bên sau, trong ô cửa sổ một vị sư nhỏ đứng nhìn ra rất suy tư và xa xa là hai sư đang ngồi trên chiếc ghế đá chuyện trò đàm đạo với nhau rất hoan hỷ, thoáng qua một sư trẻ khác ngồi trên chiếc xe máy do một Phật tử đèo… và xa hơn nữa trong vườn cây xanh rậm có khoảng 3 đến 4 nhà sư trẻ nữa đang nói cười thảo luận với các nam Phật tử về những điều gì đó rất say sưa và vui vẻ. Cuộc sống ở đây diễn ra giống như dòng sông Mê-kông cuồn cuộn chảy mà mang lại nhiều phù sa trầm lắng.

Tạm biệt chùa Say-Nha-Phum, tạm biệt ngôi chùa Lào chỉ trong một thoáng tình cờ như bao sự tình cờ khác vô tình hay hữu ý đi qua giữa cuộc đời đã để lại ít nhiều kỷ niệm đẹp. Một thoáng với ngôi chùa Lào như thế mặc dầu chưa thấy và biết nhiều về chùa Lào, Phật giáo Lào, đời sống các sư sãi Lào…Nhưng đó là một thoáng hương xưa-đẹp, thân mật dạt dào tình đạo…

BBT xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả chùm ảnh về ngôi chùa theo 3 chủ đề: kiến trúc-trang trí và sinh họat của các sư trong chùa.

1. Những hình ảnh về kiến trúc

2. Những hình ảnh về trang trí nội ngoại thất

3. Các sinh họat của sư sãi trong chùa

HT. Maha Ngon tiếp khách

Sông Mê-kông, đoạn trước chùa Say-Nha-Phum

N.N 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here