Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Một số vấn đề tương quan giữa khoa học và tôn giáo...

Một số vấn đề tương quan giữa khoa học và tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng (Phần 1).

165
0

Sự phân ly phản ngịch giữa khoa học và tôn giáo từ lâu đã trở thành một sự kiện hiển nhiên, nhất là ở Âu-Mỹ, tương quan giữa khoa học và tôn giáo càng ngày càng khủng hoảng, như đa số các nhà đại diện tôn giáo thường lên tiếng báo động rằng khoa hoc tân tiến và tôn giáo tiền tân tiến đang ở trong tình trạng xung đột dữ dội để tranh dành ảnh hưởng chế ngự trái đất này với những phương tiện khác nhau. Sớm hay muộn sẽ có một trong hai bị đánh bại và loại bỏ, nếu không đưa ra được một giải đáp dung hợp bản chất thoả đáng.
Chúng tôi sẽ đề cập đến bốn điểm:

Bản chất

2. Sơ lược về tương quan khủng hoảng giữa khoa học và tôn giáo trong tiến trình lịch sử phát triển của khoa học và tôn giáo trên quan điểm Tây phương

3. 5 loại tương quan giữa khoa học và tôn giáo nói chung

4. Tương quan giữa khoa học và đạo Phật.

Ba điểm nói trên sẽ được trình bày trên cơ sở phương pháp luận, có nghĩa là thử tìm hiểu điều kiện khả thể về luận cứ cơ bản nào đã làm cho khoa học và tôn giáo tách rời và phản nghịch nhau cũng như cơ sở lý thuyết nào có thể dung hòa khoa học và tôn giáo, mà không đi sâu vào chi tiết.

1.

Có thể nói một trong những thành tựu ưu việt của tri thức nhân loại cho đến ngày nay đều nằm ở nền khoa học thiên nhiên, và khoa học này chắc chắn là phương pháp sâu sắc nhất mà con người đã phát huy đề tìm được CHÂN LÝ, trong lúc ấy tôn giáo lại là sức mạnh siêu việt đem đến Y NGHĨÁ cho cuộc đời. Cả hai, Chân lý và Ý nghĩa đều cần thiết cho con người.

1.1. Bản chất tri thức khoa học.

Khoa học và kỹ thuật đã tạo nên một mạng lưới siêu quốc gia bao trùm tất cả các hệ thống kỹ nghệ, kinh tế, y học, khoa học thiên nhiên và kỹ thuật tin học. Tất cả các hệ thống này dù cho có lợi ích cho loài người đến bao nhiêu vẫn không ra ngoài yếu tính tri thức trung lập hoặc độc lập về ý nghĩa và giá trị. Các nhà khoa học thường nhấn mạnh bản chất của tri thức khoa học nằm ở chỗ tìm hiểu và xác nhận sự vật Là Gì chứ không bảo sự vật NÊN LÀ CÁI GÌ. Khoa học cho chúng ta biết đôi điều về điện tử, nguyên tử, phân tử, về quang học, về tinh tú, về hệ thống các đơn thể dử kiện và các mạng lưới tin học vv. Khoa học chỉ nói sự vật là gì chứ không nói sự vật xấu hay tốt hoặc có thể là gì và nên là cái gì, do đấy hạ tầng cơ sở toàn diện của khoa học chỉ là một bộ sườn trung lập về giá trị mặc dù sự tiện dụng của nó rất phổ quát.

1.2. Bản chất của tri thức tôn giáo.

Trong khi ấy tôn chỉ của tôn giáo thường được đặt ra với bổn phận đem lại ý nghĩa cho cái khung trung lập nói trên, bằng con đường liên hệ giữa con người với Thượng đế qua đức tin. Tôn giáo theo tiếng La- tinh là "Religio", có nghĩa là liên hệ hợp nhất giữa qui ước hữu thể với đấng siêu việt, trong đó tri thức đạo đức "nên làm ý nghĩa cho cuộc sống" và hànnh động đạo đức "con người nên hành động như thế nào" theo tôn chỉ do đấng siêu việt mặc khải.

Trong một chừng mực nào đó có thể nói rằng khoa học đã tạo ra một thế giới riêng biệt với những phương tiện hiện đại trên địa cầu  để cho tôn giáo có thể đem đến ý nghĩa cho cuộc sống nhân loại. Nhưng tôn giáo trong lịch sử Tây phương, nhất là tôn giáo của thời tiền tân tiến lại muốn từ khước vai trò giá trị của khoa học với những hệ thống y học, kinh tế, ngân hàng, mạng lưới tin học, giao thông và thông tin của nó. Trong lúc tìm cách tạo một thế đứng trong thế giới vật lý của khoa học, tôn giáo Tây phưong thường tìm cách chống đối đà tiến của khoa học.

Mặc khác khoa học tân tiến cũng phủ nhận mọi định đề cơ bản của tôn giáo. Đối với khoa học tôn giáo chỉ là phần sót lại của thời thơ ấu nhân loại, mà nội dung thật sự của nó cũng tựa như hình ảnh ông già Nô-en tưởng tượng của đứa bé. Những phán doán tôn giáo hoặc dưới hình thức giáo điều hoặc dưới dạng huyền bí đều bị khoa học bác bỏ bởi vì không có
đưa ra được những bằng chứng thực nghiệmcụ thể.

1.3.Tương quan xung đột giữa khoa học và tôn giáo như  thế đã nằm sẵn trong bản chất tri thức của cả hai bộ môn.
              
Cho nên có thể nói không quá đáng rằng cơ cấu văn hóa thế giới Tây phương hiện nay là cơ cấu tương quan khủng hoảng giữa khoa học và tôn giáo. Cả hai, khoa học và tôn giáo đều tìm cách chối bỏ vai trò của đối thủ. Đây là một vết rạng nứt khổng lồ và trầm trọng trong nội tạng của nền văn hóa hiện nay trên thế giới, thoát thai từ trong sự khác biệt bản chất giữa hai loại tri thức về "chân lý" và "ý nghĩa", giữa tri thức khoa học diễn tả sự vật và tri thức giáo điều tôn giáo.

2. Sơ lược về quá trình tương quan giữa khoa học và tôn giáo ở phương Tây
 
2.1.
 Galilei và kết quả nghiên cứu khoa học về quả đất xoay quanh mặt trời của ông đã gây nên vết rạng nứt đầu tiên trong tương quan đối lập giữa khoa học và giáo điều của nhà thờ. Như chúng ta đã biết, trước khi có những thành tựu khoa học của Newton, Galilei, Kepler đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn khoa học tân tiến, những nghiên cứu khoa học thường đi song đôi với nhà thờ và tôn giáo và thường là công cụ biện minh cho giáo điều tôn giáo. Từ vụ án "Galilei", tương quan giữa khoa học và tôn giáo trên phương diện lịch sử có thể chia ra thành ba giai doạn:

– Giai đoạn tiền tân tiến trước Galilei

– Giai doạn tân tiến với Newton, Galilei, Kepler

– Giai đoạn hậu tân tiến từ thế kỷ 18 đến ngày nay

Trên phương diện lý luận, bản án tử hình mà nhà thờ dành cho Galilei đánh dấu sự khởi đầu cách đặt lại vấn đề tương quan giữa chân lý và giáo điều một cách cụ thể: con người nên chọn chân lý hay là đức tin ?

Bản án tử hình Galilei do đấy đã là tiền đề cho lời tuyên bố của Nietzsche "Thượng đế đã chết" cũng như cho sự ly khai và chối bỏ của khoa học ra khỏi đời sống tâm linh tôn giáo, đồng thời đánh dấu giai đoạn hình thành một thế giới quan của chủ nghĩa khoa học duy vật ngự trị nền văn minh tây phương tân tiến.

Đối với những người bảo vệ tôn giáo thời tiền tân tiến thì những thành tựu của khoa học tân tiến từ Newton trên lãnh vực vật lý và với Descartes trên phương diện tư tưởng  cho đến ngày nay đã có những ảnh hưởng rất tiêu cực đối với tôn giáo: Khoa học tân tiến là hồi chuông báo tử của Thượng đế, của quan niệm tôn thờ nữ thần, là sự vật hóa đời sống, sự san bằng mọi khác biệt về phẩm chất, là sự dã man của chế độ tư bản, sự thay thế phẩm chất bằng số lượng, sự tàn phá ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, sự củng cố chủ nghĩa duy vật tầm thường và bạo động.

Trong tương quan nói trên nhà xã hội học Max Weber đã định nghĩa khoa học tân tiến là sự "vén màn ảo thuật phủ lấp thế giới" của giai đoạn tôn giáo thời tiền tân tiến.

Tuy nhiên không thể phủ nhận những thành tựu ưu việt mà khoa học tân tiến đã đem lại cho nhân loại trong đó có các hình thức dân chủ tự do, lý tưởng bình đẳng, lý tưởng tự do, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tín ngưỡng,  phát triển ý niệm nam nữ bình quyền, sự chấm dứt nạn nô lệ, sự xuất hiện chủ nghĩa nữ phái và nhân quyền đại đồng cũng như sự thiết lập các môn y học tân tiến, vật lý học, sinh lý học, hóa học v.v.

2.2.
Max Weber và Juergen Habermas (triết gia người Đức) cho rằng tính chất đặc thù của khoa học nằm trong sự “phân biệt các lãnh vực giá trị văn hoá“ hay nói rõ hơn trong sự phân biệt các bộ môn nghệ thuật, đạo đức và khoa học. Trong khi trước đó các bộ môn này hoàn toàn hòa nhập với nhau thì khoa học thời tân tiến tách biệt chúng ra và để cho các môn này có thể phát triển theo tính cách riêng biệt với những phương tiện đặc thù và không gây ảnh hưởng lẫn nhau.

Sự tách biệt có tính cách phương pháp luận này có thể tạo cơ hội cho các bộ môn phát triển rộng rãi và nếu được xử dụng đúng đắn thì có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nhưng một khi xử dụng sai thì chúng trở nên hiểm họa đế quốc khoa học, độc tôn và phá hủy sự mầu nhiệm của cuộc đời.    

Trong thời tiền tân tiến  những bộ môn Nghệ thuật, Đạo đức và Khoa học không tách rời màliên hệ chặc chẽ với nhau trong tương quan với Nhà thờ, và Galilei đã không đơn giản có thể nhìn qua ống viễn kính để báo tin các thành quả thí nghiệm một cách công khai, bởi vì đạo đức của nhà thờ đã ấn định điều gì khoa học được phép biết và điều gi không được biết. Thánh kinh bảo mặt trời xoay quanh trái đất thì có nghĩa là mọi cuộc bàn cải khác đều phải chấm dứt.

Với sự tách biệt các bộ môn độc lập, người ta có thể nhìn vào ống viễn kính mà không phải sợ hãi bị kết án không tuân theo mệnh lệnh nhà thờ và phản bội Thánh kinh. Khoa học từ đó có thể thoát khỏi mọi hạn chế gông cùm để tìm hiểu tận nguồn chân lý. Các ngành nghệ thuật và đạo đức học có thể tự do trình bày cảm hứng của mình mà không sợ nhà thờ cấm đoán. Lý thuyết đạo đức có thể tìm tòi những con đường mới mà không cần phải kiểm soát chúng có hợp với lời dạy trong Thánh kinh hay không.

Sự tách biệt này chỉ tiêu cực khi khoa học tự mình chia rẽ và chiếm địa vị độc tôn để trở nên chủ nghĩa duy khoa học, một loại duy vật và đế quốc khoa học từ chối tất cả những lãnh vực giá trị khác, cho chúng là ảo tưởng, là vô khoa học, đồng thời tuyên bố sự cáo chung của tôn giáo và đời sống tâm linh. Chủ nghiã khoa học thường có khuynh hướng giản lược tất cả đời sống vật chất và tâm linh của con người thành những hệ thống thuần túy vật chất và cho rằng chỉ có vật chất, dưới những dạng khác nhau từ hình thức não bộ vật lý cho đến các hệ thống tiến hóa vật chất, là có thực, là thực tại mà thôi.

2.3. Thực tại  đối với khoa học là những gì có thể khách quan hóa được:

Từ thực thể khách quan cho đến  những quá trình có thể đối tượng hoá và có thể lý giải được bằng những ngôn ngữ trung lập đối với giá trị, có tính cách thực nghiệm và lý luận diễn dịch. Sự thực hay thực tại dưới quan điểm khoa học phải là những gì cụ thể, có thể sờ mó được, có thể dùng giác quan hay dụng cụ máy móc để đo lường và trình bày : ví dụ các phân tử nguyên tử là có thực, các hành tinh là thực, các giải ngân hà, hệ thống sinh thái đều là có thực. Tắt cả đều là những đơn thể khách quan, thuộc kinh nghiệm thực nghiệm, và có thể chứng nghiệm được.

Còn các hiện tượng nội tâm như bác ái, danh dự, tình yêu, công bằng, đạo đức và giác ngộ thì không thể sờ bằng tay được nên chúng không được xem là thực sự có thực. Đối với các nhà khoa học chỉ những gì có tính cách khách quan mới thực sự được công nhận là sự thật.

Và các hiện tượng nội tâm phải được không gian hoá trên một mặt phẳng có thể chứng minh được như theo quan điểm của khoa tâm lý học thái độ (behavorism), theo đó ý hướng nội tâm không gì khác hơn là những cử chỉ được biểu lộ ra ngoài có thể quan sát và ghi nhận được. Khái niệm tâm linh do đấy chỉ là một “black box“ mà khoa học thực nghiệm không thể quan sát được và do đấy chúng không thuộc vào lãnh vực tri thức khoa học, cho nên chúng thực sự không có thực.

Nói tóm lại, khoa học trong tiến trình phát triển của nó đã san bằng chiều sâu của đời sống tâm linh và xuất hiện như một loại thực dân mới, chiếm lãnh tất cả các bình diện của đời sống con người. Trong quá trình phát triển nghiên cứu tìm tòi minh chứng Chân Lý, khoa học đã lần lần loại bỏ vai trò của tôn giáo trong công cuộc truy tìm chân lý và thay thế đức tin bằng những tri thức mệnh danh là khoa học. Có thể nói khoa học với những thành tựu vĩ đại của nó đã và đang xâm lấn các lãnh vực thuộc về tôn giáo, đang thuôc địa hoá tôn giáo và trở thành một thứ tôn giáo mới.

Nhưng cùng với khoa học con người đã bị giản lược hóa thành những hiện tượng thực nghiệm, khủng hoảng nội tâm như thế là mặt trái của cái gọi là tiến bộ khoa học mà những nhà nghiên cứu thời hậu tân tiến đã từng lên tiếng báo động. Trong khuynh hướng thay thế tôn giáo khoa học đã không đem lại thực sự hạnh phúc và sự cứu rỗi con người, ngược lại văn minh vật chất càng nhiều con người càng bị băng hoại trên mọi bình diện : tâm lý, luân lý văn hoá…

Song song với những tiến bộ và khám phá mới trong một mức độ vận tốc nhanh chóng chưa từng thấy của khoa học, đã có những trào lưu tư tưởng của thời hậu tân tiến được thành hình để phản ứng lại hiện tượng làm nghèo đời sống tâm linh do chủ nghiã duy khoa học gây nên.

Trong khuôn khổ cuả bài này chỉ đưa ra những nét chính của các giai đoạn tương quan giữa khoa học và tôn giáo.

2.4. Tân Tiến và hậu tân tiến.

Theo các nhà sử học, thời đại tân tiến bắt đầu với thời kỳ phục hưng, kiện toàn trong thời kỳ khai sáng và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Thời tân tiến bao gồm các trào lư u khác biệt như sau :

– Trên lãnh vực triết học : Descartes được xem như là triết gia tân tiến đầu tiên của phương Tây. Nét đặc thù của nền triết học tân tiến là phương pháp diễn đạt và trình bày rõ ràng khúc chiết như  toán học. Mặt khác, triết học tân tiến có khuynh hướng sao chép thế giới và vũ trụ một cách trung thực, như một tấm gương phản chiếu lại thiên nhiên. Thực tại cuối cùng theo triết học tân tiến thuộc vào lãnh vực của giác quan cho nên triết học có bổn phận phải diễn tả đối tượng này một cách trung thực.

– Trên lãnh vực nghệ thuật : nghệ thuật tân tiến với Courbet, Manet, Monet, Cezanne, Van Gogh, Matisse và Kandinsky đã ly khai hoàn toàn với những đề tài và hình thức cấu tạo truyền thống, nhất là ly khai hoàn toàn khuynh hướng diễn đạt những đề tài tôn giáo huyền bí. Thiên nhiên và phong cảnh là những đề tài thay thế đối tượng thần thoại của khuynh hướng sáng tác nghệ thuật tân tiến.

– Trên lãnh vực khoa học : khoa học với Kepler, Galilei, Newton, Watt, Faraday, Maxwell v.v. đã dựa vào sự đo đạt các dữ kiện thưòng nghiệm để trình bày thực tại. Trong lúc khoa học cổ điển tìm cách phân loại thiên nhiên thì khoa học tân tiến chú trọng đến việc đo lường thiên nhiên để giải thích thực tại ssự vật và nhờ đấy đã đẩy mạnh sự tiến bộ khoa học đi rất nhanh.

– Trên lãnh vực văn hoá : văn hoá tân tiến rời bỏ mẫu kiến thức liên hệ đến huyền bí và chú trọng đến mẫu kiến thức có tính cách duy lý-tâm lý, từ giả nền đạo đức qui ước chuyển sang nền đạo đức hậu qui ước, và chuyển đổi từ những giá trị có tính cách nhân chủng học bước sang những giá trị đại đồng và toàn diện.

– Trên lãnh vực nhân cách cá nhân : từ thể thức nhân cách đóng vai “nhân vật“ trong một xã hội đẳng cấp bước sang thể thức nhân cách tự chủ (Autonomie) được định nghiã là Đồng nhất tính chủ thể trong một xã hội tư sản dân chủ.

– Trên lãnh vực luật pháp cá nhân : Quyền công dân được thiết lập, chế độ nô lệ con người hoàn toàn được bãi bỏ, quyền lợi phụ nữ được truy nhận, luật cấm vị thành niên đi lao động, luật nhân quyền và bình đẳng trước pháp luật được nhấn mạnh.

– Trên bình diện kỹ thuật : Khoa học tân tiến đã đem lại những khám phá kỹ thuật khởi đầu với sự phát minh máy hơi nước đã thay đổi toàn diện nếp sống của con người. Kỹ thuật công nghệ hoá đã được triển khai cùng tột.

– Trên bình diện chính trị : điểm đặc thù là các chế độ dân chủ tự do thường được thực hiện qua các cuộc cách mạng.
– Có thể tóm tắt thời đại cách mạng bằng hai yếu tố chính : thời đại khai sáng và cách mạng dân chủ.

Giai đoạn hậu tân tiến bao gồm các trào lưu chủ trương không có chân lý đại đồng hiểu theo nghĩa của giai đoạn tân tiến mà chỉ có những mẫu giải thích, diẽn dịch thực tại, thiên nhiên và vũ trụ mà thôi, ngoài ra những mẫu giải thích này luôn luôn được tái tạo lại trong từng hoàn cảnh xã hội và do đấy luôn luôn mang tính chất xã hội. Trào lư u naỳ thường được xem là trào lư u hậu tân tiến quá khích.

Theo một nghiã rộng hơn giai đoạn hậu tân tiến bao gồm tất cả những trào lưu được xem là đối trọng của thới đại tân tiến hay là kế thừa tiếp theo của giai đoạn tân tiến. Ví dụ nếu kỹ nghệ hoá được xem là tân tiến thì thời đại tin học là hậu tân tiến. Nếu Descartes là tân tiến thì J. Derrida (triết gia người Pháp) thuộc hậu tân tiến. Nếu chủ thuyết duy lý viễn tượng (perspektivistisch) là tân tiến thì luận lý màn lưới siêu siêu viễn tượng là hậu tân tiến. Nêú phương pháp luận trình bày (Representation) là tân tiến thì phương pháp phản trình bày là hậu tân tiến, nếu máy đốt là tân tiến thì Internet thuộc hậu tân tiến.

Thế giới tân tiến như thế bao gồm tất cả các trào lưu khoa học tiền tân tiến, tân tiến và hậu tân tiến tạo thành một nhân sinh quan và vũ trụ quan trong thế tương tranh với những thế lực tôn giáo khác nhau trên thế giới. 

(còn nữa)

T.K.L
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here