Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Một số suy nghĩ "để tuổi trẻ đến với Phật giáo trong...

Một số suy nghĩ "để tuổi trẻ đến với Phật giáo trong thời hội nhập”.

130
0

Một thực tế khó phủ nhận được là tuổi trẻ ngày nay gần như hờ hững với đời sống tôn giáo, nhất là trong sinh viên, học sinh. Ngay Huế được xem là “thủ đô” của Phật giáo Việt Nam, cũng không tránh khỏi tình trạng này. Vấn đề đặt ra là liệu Phật giáo có còn hấp dẫn đối với tuổi trẻ nữa không. Chúng ta không bi quan để trả lời câu hỏi đặt ra dưới dạng phủ định. Tuy nhiên, việc tìm ra một giải pháp thích ứng để đẩy lùi tình trạng trên đây thật không dễ dàng. Với ý tưởng góp phần vào sự nghiệp hoằng Pháp, bài viết này xin nêu một số suy nghĩ, nhưng cũng chỉ xem như là ý kiến tham khảo cho việc đề ra những biện pháp nhằm đạt được mục tiêu “để tuổi trẻ đến với Phật giáo trong thời hội nhập”.

Trước hết, cần phải thấy rằng trước đây, nhất là từ khi phát khởi phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 30 và 40 của thế kỷ trước và cho đến năm 1975, tuổi trẻ Việt Nam đã đến với Phật giáo cả về lượng lẫn về chất đến độ phải kinh ngạc. Chỉ nhìn vào Tổ chức Gia đình Phật tử với sự phát triển rộng khắp từ đô thị đến nông thôn; hoặc giới hạn hơn về số lượng là Đoàn Sinh viên Phật tử, Đoàn Học sinh Phật tử, … trong những năm 60 và nửa đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đủ để chúng ta khẳng định điều đó.    

Có nhiều cách giải thích cho sự hưng khởi Phật giáo trong tuổi trẻ vào thời kỳ trước 1975, song nhìn ở tầm vĩ mô là đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, công cuộc “khai hóa” mang tính chất ngu dân của thực dân Pháp, chính sách bạo ngược đối với Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, nỗi đau chia cắt đất nước 1954-1975, … Tất cả đã thôi thúc tuổi trẻ đến với Phật giáo một cách nhiệt thành, nhằm lấy sinh lực từ nhà chùa, góp phần triệt tiêu những đối lực ngăn chặn công cuộc phục hưng đất nước và sự trường tồn của Đạo pháp. Điều này cũng dễ hiểu bởi “hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam là hai ngàn năm Phật giáo nhập thân với dân tộc”  , như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng tuy hai mà một”.

Nhưng để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo cả về lượng lẫn về chất đến độ phải kinh ngạc như đã đề cập, lịch sử đã đặt lên vai những bậc cư sĩ với tâm Bồ Đề như Lê Đình Thám  , Võ Đình Cường, … dưới sự dìu dắt, tạo thế của những bậc cao tăng thạc đức như Trí Độ, Trí Quang, Đôn Hậu, Trí Thủ, Thiện Minh, Thiện Siêu, Minh Châu… 

Đó là nói về quá khứ. Vậy, hiện tại để tuổi trẻ đến với Phật giáo, vấn đề đặt ra là gì? Một trong những vấn đề then chốt là phải nắm bắt được đặc trưng của thời đại. Thế giới ngày nay là thế giới hội nhập. Sự phát triển của khoa học – công nghệ đã cung cấp mỗi ngày cho con người lượng kiến thức gấp bội, đã làm thay đổi mau chóng các quan hệ và ý thức hệ trong mọi địa hạt sinh hoạt. Những phương tiện của đời sống hiện đại như điện thoại, internet, truyền hình, máy bay, …  đã phát triển đến mức độ mà mọi biến chuyển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội dù xẩy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, xa cách đến đâu đi nữa cũng vẫn có thể ảnh hưởng tức khắc đến đời sống xã hội của người dân Việt Nam, trước hết là tuổi trẻ.

Tuy nhiên, dòng thác khoa học – công nghệ không đẩy lùi được những thảm họa do chính con người gây ra, trái lại ngày càng gia tăng vì “khoa học đã có lúc không tuân thủ đời sống đạo đức”. Từ giảng đường đại học, cách đây đúng bốn thập kỷ (1971-2011), khi còn là sinh viên, tôi đã biết đến 4 thảm họa đang đe dọa loài người: vũ khí hạt nhân, bùng nổ dân số, ô nhiểm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Bốn thập kỷ trôi qua, 4 thảm họa vẫn không được đẩy lùi trái lại càng gia tăng và phát sinh thêm những thảm họa khác nữa như bệnh thời đại HIV – SIDA, khủng bố, xung đột sắc tộc…

Nhìn ở phạm vi quốc gia, điều dễ nhận thấy là nạn ngoại tộc thống trị bị loại bỏ, đất nước hòa bình, đang từng bước đi lên nhưng cũng không tránh khỏi những vấp váp, có vấn đề rơi vào tình trạng kéo dài chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Đối với tuổi trẻ, điểm nổi bật nhất là so với trước đây, tỉ lệ người được học tập ngày càng nhiều, không chỉ ở bậc phổ thông mà kể cả cao đẳng và đại học, trong đó, tuổi trẻ nông thôn chiếm một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với trước 1975. Trước đây, ở Thừa Thiên Huế, mỗi huyện nhiều lắm chỉ có một trường phổ thông cơ sở (Trung học Đệ nhất cấp), còn trường trung học phổ thông (Trung học Đệ nhị cấp) hầu như không có; nay không có xã nào không có trường phổ thông cơ sở, còn trường trung học phổ thông có huyện có tới hai, ba trường. Số người vào đại học và cao đẳng ngày càng tăng, nhờ mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, kể cả công lập và dân lập, được mở rộng; thời gian dành cho học tập (kể cả việc học thêm đối với học sinh trước lúc vào đại học), nghiên cứu, sinh hoạt học đường, rồi thi cử chiếm khá lớn, có lúc trở thành sức ép. Đó là chưa kể đến các loại phim ảnh, bóng đá, những trò chơi games, … . Xã hội có lúc than phiền về sự xuống cấp của các loại văn bằng, nhưng điều phải thừa nhận là ở những mức độ khác nhau, mặt bằng kiến thức của tuổi trẻ đã được nâng lên.

Trong bối cảnh thế giới và trong nước như đã đề cập, để thu hút tuổi trẻ đến với nhà chùa, việc đổi mới tu học, đổi mới tổ chức và sinh hoạt là hết sức cần thiết, thậm chí là bức bách. Hội thảo này chắn sẽ có những kết luận quan trọng cho giải pháp: “Để tuổi trẻ đến với Phật giáo trong thời hộ nhập”. Ở đây, chúng tôi xin được nêu 2 suy nghĩ nhỏ:

1. Phải làm cho tuổi trẻ nắm bắt tinh thần khoa học trong tư tưởng, giáo lý Phật giáo. Đến chùa, người Phật tử tất phải tụng kinh, niệm Phật, phải nắm được một số nội dung chủ yếu của về thế giới quan và nhân sinh quan của Phật giáo. Đa số Phật tử đều biết về lý thuyết Tứ Diệu đế, Bát Chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Tam quy, Ngũ giới, … Tuy nhiên, việc luận giải, để Phật tử, nhất là thanh niên, sinh viên và học sinh nắm bắt được tinh thần khoa học hàm chứa trong những lý thuyết đó là hết sức cần thiết. Chúng tôi cho đây là một trong những phương pháp có tầm quan trọng đặc biệt để tuổi trẻ tìm đến rồi gắn bó với Phật giáo.

Tôi xin nêu một dẫn dụ như trong các buổi giảng Pháp, khi đề cập đến tinh thần bình đẳng trong Phật giáo, dĩ nhiên chúng ta phải trích dẫn lời dạy của Đức Thế Tôn: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ; không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”. Không dừng lại ở đây. Vấn đề đặt ra là tại sao Phật giáo lại đề cập đến vấn đề này. Đó là xuất phát từ một xã hộị Ấn Độ cổ đại bị chi phối hết sức nghiệt ngã của chế độ độ đẳng cấp, …. Vậy để triệt tiêu bất bình đẳng, con đường mà Phật giáo dẫn dắt là gì? Chắc hẳn là lý thuyết Tứ Diệu Đế, Bát Chánh đạo, v.v… (điều bắt buộc là phải trình bày các lý thuyết trên cơ sở khoa học), và tiếp tục đặt ra và giải thích. Để kích thích tuổi trẻ tìm hiểu, ở đây có thể có cả hình thức thảo luận.

Và điều mà người đạo sư không quên liên hệ để thấy sự vượt trội của tư tưởng Phật giáo. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (4-7-1776) và Bản Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (26-8-1789), mà về sau được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại trong Bản Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945) nà cốt lõi là sự bình đẳng giữa các dân tộc, giữa con người với con người. Đến đây, người nghe Pháp sẽ không bị áp đặt mà thấy tính đi trước thời đại của tư tưởng Phật giáo với cứ liệu khoa học cụ thể. 

Chính vì vậy, mà như ai nấy đều biết phương Tây nơi mà hầu hết dân cư đều là tín đồ Kitô giáo, thế nhưng từ hơn một thế kỷ nay, phương Tây thực sự đã chuyển mình về đời sống tôn giáo, không chỉ người dân bình thường mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu danh tiếng đã tìm đến với Phật giáo và đã tỏ rõ sự ngưỡng mộ đối với giáo lý Phật đà. Tiến sĩ Graham Howe, một bác sĩ nổi tiếng người Anh, chuyên trị liệu các bệnh tâm thần, đã đưa có nhận định: “Đọc một chút về Phật giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng từ 2500 năm trước, Phật giáo đã biết những vấn đề hiện đại về tâm lý nhiều hơn chúng ta thường biết tới. Phật giáo nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của phương Đông”  ; P. Nietzch, một triết gia Đức thì khẳng định rằng: “Phật giáo trăm lần thực tế hơn Thiên Chúa giáo. Phật giáo đã nhận lãnh trách nhiệm đặt các vấn đề một cách khách quan và bình tỉnh… Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất, chính là chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, oán ghét”…

Mặt thế giới quan trong hệ thống tư tưởng Phật giáo càng trở nên sinh động và hấp dẫn. Phật giáo khẳng định tính phi Thượng đế về sự  hình thành vạn vật trọng vũ trụ, về sự hằng hà sa số thế giới trong “tam thiên thế giới”, về qui luật vô thường của vạn pháp, về sự liên hệ biện chứng trong sự hình thành các sự vật và hiện tượng (luật nhân duyên), … Nếu như Kinh Hoa Nghiêm khẳng định trong vũ trụ có vô số những thế giới có hình dạng khác nhau với vô số chúng sinh khác nhau thì phải đến cuối thế kỷ XVI, Giordano Bruno – Người bị Tòa án Giáo hội đưa lên giàn hỏa, đã đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng tận trong đó, ngoài thế giới chúng ta, còn có vô số các thế giới khác nhau với vô số hình dạng khác nhau. Rõ ràng là Phật giáo đã đi trước khoa học. Điều này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi Edwin Arnod, tác giả thi tập: “The Light of Asia” (Ánh sáng châu Á), viết: “Tôi thường nói, và tôi sẽ nói mãi, là giữa Phật giáo và khoa học tân tiến có một mối liên hệ trí thức mật thiết”  ; còn Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, một khoa học giao nổi tiếng nhất của thế kỷ XX thì khẳng định rằng: “Nếu có một tôn giáo nào thích nghi với những nhu cầu của khoa học hiện đại, đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học, đồng thời vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật giáo siêu việt với thời gian và mãi mãi có giá trị”.

Tóm lại, không giống như những tôn giáo khác, tuổi trẻ đến với Phật giáo phải bằng niềm tin dựa trên một cơ sở khoa học.

2. Phải đem đến cho tuổi trẻ một niềm tự hào lớn về hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam. Sức sống của một dân tộc một phần lớn là sức sống từ tuổi trẻ, sức sống tuổi trẻ một phần lớn là từ sức mạnh truyền thống. Sức sống của Phật giáo Việt Nam cũng không đi ra ngoài quĩ đạo đó. Suốt chiều dài hai ngàn năm kể từ khi truyền vào nước ta, trên cả hai bình diện: Đạo và Đời, Phật giáo Việt Nam đã để lại những truyền thống khó có thể sử dụng một ngôn từ nào lột tả hết. Nhà chùa tùy điều kiện, cần trao đầy đủ cho tuổi trẻ niềm tự hào về hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam. Việc tổ chức thực hiện đi kèm hoặc song song với các buổi giảng Pháp. Có rất nhiều nội dung về chủ đề này:

– Vai trò Phật giáo Việt Nam trong xây dựng ý thức dân tộc và văn hóa dân tộc, trong phong trào giải phóng dân tộc thời Bắc thuộc, như Lý Bí với việc ra đời của nhà nước Vạn Xuân và xây dựng chùa Khai Quốc vào giữa thế kỷ thứ VI. “Đây là một sự khẳng định minh bạch, một sự dứt khoát, một sự tuyên dương công trạng rõ ràng: Phật giáo đã có công lớn trong việc khai sinh ra một nước độc lập (Khai Quốc), Phật giáo là chủ đạo văn hóa – chính trị của chính quyền mới, Phật giáo là quốc giáo của triều đại. Không những thế đây còn là một bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn, độc lập chính trị cũng như độc lập văn hóa, đối với đế quốc phương Bắc  .

– Vai trò Phật giáo Việt Nam thời kỳ độc lập như Đại sư Khuông Việt, thiền sư Đỗ Pháp Thuận, thiền sư Vạn Hạnh, Phật tử Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử  , … Cả đến cả Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh,…  

– Thời cận và hiện đại với những cuộc nổi dậy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nhà sư Vương Quốc Chính, Võ Trứ và Phật tử Nguyễn Hữu Trí vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; công cuộc hoằng dương Chánh pháp thời chấn hưng Phật giáo với nhà sư và Phật tử tên tuổi như Khánh Hòa, Phước Huệ, Trí Độ, Lê Đình Thám, …  Từ đó để đi tới cuộc đột phá diệu kỳ với ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức… 

Cái chung nhất cho việc chuyển tải truyền thống Phật giáo Việt Nam đến với tuổi trẻ là làm sao để họ thấy được sự gắn bó máu thịt giữa Phật giáo và  dân tộc xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử dân tộc. Điều mà như Nhà thơ Trụ Vũ đã viết trong bài thơ “Tình Sông Nghĩa Biển :
 “ Việt Nam và Phật giáo

    Phật giáo và Việt Nam
    Ngàn năm xương thịt kết liền
    Tình sông nghĩa biển, mối duyên mặn nồng …
    Trang sử Việt Nam yêu dấu
    Thơm ướp hương trầm
    Nghe trong tim Lý, Lê, Trần
    Có năm cánh đạo nở bừng nguy nga …”

Tất nhiên việc đưa hai nội dung trên đây đến được với tuổi trẻ đòi hỏi phải có sự cộng sinh của nhiều yếu tố, như về cách thức tổ chức, về thời gian cho phép, về sự ứng xử linh hoạt, khúc chiết ngôn từ trong diễn giải, … và hơn hết là sự am hiểu vấn đề và đạo hạnh của bậc đạo sư. Cũng phải nói thêm rằng, thực tế, trong phạm vi ngoài nhà chùa, với hai nội dung trên đây, tuổi trẻ tuy chưa nhiều, nhưng thực sự họ đã tìm đến với Phật giáo, xem Phật giáo như là một điểm tựa tinh thần với ý nghĩa dẫn đường và động viên họ trong học tập và nghiên cứu.  

                                          L.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here