Trang chủ Phật học Một số khía cạnh của lòng từ: Cái nhìn từ con đường...

Một số khía cạnh của lòng từ: Cái nhìn từ con đường giải thoát

125
0

Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật đã không định truyền bá giáo pháp mà Ngài chứng ngộ. Nhưng rồi Đức Phật đã thể hiện lòng từ bi sâu sắc với tất cả chúng sanh ngay từ bài thuyết giảng đầu tiên về Tứ diệu đế: khổ, nguyên nhân của khổ, khổ có thể chấm dứt, và đạo_con đường đưa đến chấm dứt khổ đau[1]. Đức Phật đã dành trọn phần đời còn lại của mình thuyết giảng đạo pháp để tất cả chúng sinh có được phương tiện viễn ly khổ đau. Kinh điển kể lại rất nhiều câu chuyện về những hành động từ bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đối với chúng sanh từ muôn nẻo cuộc sống, cả nam giới và phụ nữ, những người có tính cách khác nhau, và trong các bản kinh cũng có những câu chuyện về lòng vị tha của Đức Phật với loài vật.

Từ bi là hành động mở rộng trái tim trước khổ đau. Đau khổ có nhiều dạng, bao  gồm khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Khổ khổ nói đến những nỗi đau tột bậc, về tâm hồn hoặc thể xác, như bệnh tật kéo dài. Hành khổ có liên quan đến những biến đổi lớn nhỏ trong cuộc sống như mất việc, kết thúc một mối quan hệ, chuyển đến một chỗ ở mới hay việc già đi. Hoại khổ- “vị đắng” của cuộc sống trong vòng luân hồi-có lẽ là loại đau khổ khó nhận thấy nhất. “Dukkha” (là tiếng Pali thường được dịch là “đau khổ”) được so sánh ví von như bánh xe ngựa có những vòng trục bị lệch tâm[2] .Vậy nên khi xe lăn bánh người trên xe sẽ bị nhồi xóc. Cũng như vậy, bất cứ lúc nào bản ngã chúng ta dích mắc là chúng ta đang dự phần vào một chuyến đi gập ghềnh sỏi đá, kể cả mong ước của chúng ta được thỏa nguyện. Bằng cách hoàn toàn hiện hữu trong “vị đắng” mà ta và những người xung quanh đang trải nghiệm, trái tim ta sẽ từ từ khai mở như một đóa sen. Nhờ nổ lực trụ trong một khoảng khắc hiện tại, cho dù khoảng khắc đó có khó chịu, làm cho ta phiền hay đớn đau, mà chúng ta có thể bắt đầu cất bước trên cuộc hành trình tới giải thoát.

Có ba khía cạnh của lòng từ bi: lòng từ bi dành cho cúng sanh có liên quan đến những cách thức khổ đau hiện hành, lòng từ bi trước hiện trạng của vạn vật_ý nói đến nguồn gốc của đau khồ, và lòng từ bi không tham chiếu, là sự hợp nhất của lòng từ và sự thấu hiểu về vô ngã và không[3]. Ở khía cạnh đầu tiên, lòng từ bi dành cho mọi loài hàm linh, liên quan đến Thánh đế thứ nhất, khổ đế. Trong bước phân tích đầu tiên, hành giả Phật giáo cần phải can đảm và phát lộ lòng từ cho chính bản thân mình để có thể nhìn thẳng vào đau khổ. Cái nhìn từ bi và can đảm này cho phép họ áp dụng phương thuốc cứu khổ hay Thánh đế thứ tư, cũng chính là sự thật về con đường giải thoát. Đối với một số hành giả, quán chiếu về nỗi đau của người khác dễ hơn là quán chiếu sâu sắc và trực tiếp trên nỗi đau của chính mình. Nhưng nhờ vào chánh niệm, thấu cảm và thiền định, hành giả có thể nhận biết một khoảng không không mấy dễ chịu, thậm chí đáng ghê sợ trong tâm hồn mình. Một khi  đạt đến một định lực nhất định trong việc quán xét nỗi đau của mình, nhìn chung các hành giả sẽ trở nên hiện hữu trong thực tại, rõ sáng và tỉnh giác hơn. Khi am hiểu về bản chất của đau khổ thông qua quá trình kiểm nghiệm chính mình, họ sẽ phát triển sự sáng suốt và thông hiểu cần thiết để phát lộ lòng từ chân thật đối với người khác.

Dĩ nhiên, các hành giả nên cố gắng tỏa lòng từ đến những thành viên trong gia đình bạn bè, những người mà chúng ta có thể kết nối cảm thông dễ dàng nhất. Một vài cách biểu hiện lòng từ bi trong cuộc sống hằng ngày là chăm chú lằng nghe những nỗi lo lắng của gia đình và bạn bè và có những hành động nhỏ thể hiện sự tử tế mỗi ngày, như đưa môt tờ báo cho người vợ hay chồng mình đang mệt mỏi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng hành giả ở trong tình cảm lịch sử gia đình có nổi đau lớn, thì đó có thể sẽ dễ dàng bắt đầu hơn bằng cách phát lộ lòng từ đến những người “trung tính” với ta, như nạn nhân của vụ động đất ở những vùng xa. Gởi quà cứu trợ hay hồi hướng công đức tu hành đến những nạn nhân này là một cách để khai mở trái tim của người đệ tử Phật.

Nhóm người mà ta thấy khó có thể ban rải lòng từ hơn là những người được coi là kẻ thù ta theo kiểu nào đó. Năm 2010, Vịnh Mexico phải chịu đựng sự thoái biến môi trường nghiêm trọng khi một giếng dầu được khoan bởi BP, công ty dầu lửa Anh quốc, đã rò rỉ lượng rất lớn. Nhiều chúng sanh sống ở vùng ven duyên hải của vịnh đã bị thương và tử vong. Một số hành giả có lẽ đã cảm thấy khó có thể phát ngộ lòng từ đối với những người lãnh đạo công ty BP[4]. Tuy nhiên, bởi vì mọi chúng  sanh đều tương thuộc lẫn nhau, những người lãnh đạo này xứng đáng nhận được lòng từ bi của chúng ta; không nên xa lánh hay loại trừ ai cả. Cũng tương tự như vậy, hành giả có thể gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng lòng từ đối với những người mà mình cho là có quan điểm sai lầm hay có hại, như một mục sư Hồi giáo ở Mỹ muốn đốt cháy các bản in kinh Coran nhân kỷ niệm sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9[5]. Vì kế hoạch của vị linh mục có nguy cơ “thêm dầu vào lửa”, những đệ tử của Đức Phật đang trên bước đường tiến tới giải thoát có lẽ sẽ thấy việc mở lòng mình đối với người mục sư này là một thử thách. Hành giả cũng có thể thấy cực kỳ khó khăn khi ban trải lòng từ đến những người đã từng hại mình, ví dụ như bẻ khóa ăn trộm hay hành hung mình. Nói theo cách thông tục, những ví dụ như thế này minh chứng cho những khi thực sự “vào cuộc”, cũng có nghĩa là giao điểm giữa lý thuyết Phật giáo và cuộc sống đời thường.

Trong việc trưởng dưỡng lòng từ, điều cốt yếu là phải có sự thấu hiểu thông suốt rằng mọi hành động tiêu cực, kể cả những hành động với mưu mô độc địa, đều đến từ si mê, chấp mắc và sân hận_đây là tất cả những thể dạng của khổ đau trong cõi luân hồi. Khía cạnh thứ hai của lòng từ bi, tâm từ hướng đến hiện trạng của vạn vật có liên quan đến Diệu Đế thứ hai: đau khổ có nguồn gốc. Sự dính mắc vào và ý thức sai lầm về bản ngã dẫn đến những trải nghiệm đau khổ. Khi chúng ta nhận thức rằng “cái tôi” của chúng ta là một thực thể tương tục tồn tại độc lập và “đặc biệt”[6], quả bóng nghiệp bắt đầu lăn. Từ hiểu biết lệch lạc này, chúng ta có những quan điểm về “mình” và “họ”, ta bám víu những người ta ưu thích, và trở nên sợ hãi những người chống lại ta. Theo quan điểm Phật giáo Đại Thừa, chúng ta không thể lựa chọn chỉ ban rãi lòng từ bi đến những người ta thích hay cảm thấy không đáng sợ. Tất cả chúng sanh chưa giác ngộ đều đau khổ, cả những ai trông có vẻ hạnh phúc cũng đều đang trải qua khó khăn. Vì vậy, mọi sinh linh, không loại trừ bất cứ ai, đều xứng đáng nhận được lòng từ bi của chúng ta.

Các hành giả không bắt đầu hành trình tiến tới giải thoát khi đã hoàn toàn tỉnh giác, Họ cũng cần phát triển khả năng mở rộng đến mọi người theo cách mà thực tế cho phép, một phương pháp trưởng dưỡng lòng từ để có thể ban rải cho nhiều đối tượng hơn là sử dụng hiệu ứng gợn song. Giống như ném một viên sỏi xuống ao nước, chúng ta có thể bắt đầu từ người “trung tính”, hay người thân, nguyện cho họ được hạnh phúc và thoát khổ đau. Khi đã có thể thực hiện điều này dễ dàng, hành giả có thể để làn song từ bi khuyếch rộng hơn bằng cách nguyện cho kẻ thù của cộng đồng và những người bị cho là lối suy nghĩ sai lầm được hạnh phúc và thoát khổ đau. Cuối cùng, những người theo con đường siêu thoát của Phật có thể phát triển lòng từ đến mức độ cao nhất bằng cách nguyện cầu hạnh phúc và tự tại trước khổ đau cho cả những ai đã từng trực tiếp hại mình.

Bởi Đức Phật tin rằng mọi loài hàm linh đều có tiềm năng giác ngộ, nên lòng từ bi cũng nên được mở rộng đến cả loài vật. Một vài câu chuyện gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng về những con mèo mẹ đã cứu mèo con thoát khỏi những tòa nhà đang bốc cháy[7]. Một con tên là Scarlett đã nhiều lần quay lại ga-ra đang bốc cháy để cứu năm mèo con, và nó đã bị bỏng trong khi cứu con mình. Những câu chuyện cảm động này minh chứng rằng một số con vật có đức tính từ bi ít nhất là bản năng làm mẹ mạnh mẽ mà từ đó lòng từ bi có thể phát sinh. Những câu chuyện tiền thân kể về các kiếp trước của Đức Phật, có nhiều câu chuyên liên quan đến loài vật. Trong bài viết “Suy ngẫm về Kinh Bổn Sanh”, tác giả Rafe Martin bình luận rằng: “Có phải Đức Phật đã từng là thỏ, chim, khỉ, sư tử, nai hay là một con bò? Ai nói chú chó canh cổng nhà ta hay là chú mèo đang quấn lấy chân chúng ta không phải là một vị Bồ-tát?”[8]. Bởi tính chất tương tùy tương thuộc của vạn hữu, hành giả có thể cũng nên mở rộng tâm của họ hướng tới hệ sinh thái đang đối mặt với những khó khăn. Với nguồn cảm hứng từ Kinh Hoa Nghiêm[9], Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã sử dụng từ “tương tồn” để kết nối hai từ “lẫn nhau” và “tồn tại” thành một. Tương tồn là sự tương thuộc lẫn nhau giữa mọi sinh linh và thiên nhiên[10]. Để minh họa cho sự liên kết này, Hòa Thượng Nhất Hạnh nhận xét rằng một mảnh giấy nhỏ có thể gợi lên hình ảnh người tiều phu, những đám mây và cây cối[11]. Nếu các hành giả thật sự mong muốn đem lại lợi ích cho vạn vật, thì họ cần ban rãi lòng từ bi đến tất cả mọi vật, bao gồm cả thế giới tự nhiên. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh nói rằng: “Khi tình yêu đích thực ngự trị nơi bạn, bạn sẽ như một ngọn đèn tỏa sáng…. Nếu tình yêu thực sự có nơi bạn, phúc lợi sẽ đến với mọi người xung quanh-không những con người mà cả loài vật cỏ cây, khoáng sản…. Tình yêu đích thực chính là tâm đại xả”[12].

Khía cạnh thứ ba của tâm từ, lòng từ bi không tham chiếu, có liên quan đến quan điểm “tánh không”. Trực nhận bản chất rỗng không của ngã là một trong những thành tựu trên đạo lộ tu tập hướng tới sự diệt khổ. Vì không thật có một bản ngã tương tục, độc lập và đặc biệt, tri kiến về cái tôi chỉ là ảo vọng và rỗng không. Khi hành giả hoàn toàn nhận ra tánh không của cái tôi, những trải nghiệm của họ trong thế giới này trở nên rộng mở hơn. Những hành dộng từ bi và tử tế phát khởi nơi hành giả một cách hoàn toàn tự nhiên. Hiểu được tánh không là nhận ra được giá trị bình đẳng của vạn vật. Khi hành giả trên con đường giải thoát của Đức Phật không còn chấp rằng họ “đặc biệt”, hiểu theo nghĩa “quan trọng hơn người khác”, họ có thể thư thái hơn và trân quý giá trị của vạn vật hơn. Với tầm nhìn thoáng rộng hơn này, những hành động từ bi sẽ không đòi hỏi nhiều nỗ lực như trước và hành giả sẽ không còn thấy việc biểu đạt cảm thông làm họ mệt mỏi và kiệt quệ về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, lòng đại bi là một thành tựu trên con đường giải thoát, không phải là điều có thể chứng đắc ngay từ bước khởi trình. Thỉnh thoảng, trong hoàn cảnh có rất nhiều chúng sinh đang bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau, rất khó để biết được cách nào là tốt nhất để biểu hiện lòng từ bi. Lúc này, điều quan trọng là hành giả phải xác định rằng tất cả các sinh linh cần được hạnh phúc và vượt thoát khổ đau. Sau khi đã định hướng như vậy, hành giả cần nỗ lực giữ chánh niệm và tỉnh giác đón nhận mọi khã năng có thể xảy đến. Một phương pháp có thể giúp người tu tập duy trì tâm thái cởi mở này là xả bỏ yêu cầu phải sao cho “đâu ra đó”. Điều đó không có nghĩa là kiểu gì cũng được, nhưng một khi hành giả vẫn còn vướng mắc muốn mọi việc phải đúng hơn là nhận ra mình cần phải hiện hữu trọn vẹn trong giây phút hiện tại, họ thường đánh mất đi sự nhận biết sáng suốt về hoàn cảnh.

Ví dụ, khi một học viên trong lớp chất vấn tôi với thái độ khiếm nhã, thường thì phản ứng đầu tiên của tôi là biện minh cho chính mình. Bây giờ, trước khi nhào tới phản ứng điều gì, tôi cố gắng thư giãn và hoàn toàn hiện hữu với học viên của mình. Chỉ một hành động giản đơn như vậy cũng có năng lực chuyển hóa một nguy cơ đối đầu thành môt cuộc đối thoại chân thành. Nó mở rộng không gian cho kết nối trái tim thay vì xung đột giữa hai bản ngã. Dĩ nhiên, là người sơ cơ trên con đường giải thoát thường chọn lựa cách hành xử sao cho “phải thật đâu ra đó”. Nhưng thật ra đó là nét đẹp của lòng từ, các hành giả có vô số cơ hội để luyện tập phẩm chất này, và thỉnh thoảng người cần phẩm chất này nhất lại cũng chính là hành già.

Tóm lại, từ bi là hành động mở rộng trái tim trước khổ đau. Khía cạnh bên ngoài của lòng từ bi là tâm từ dành cho chúng sanh, bao gồm các hành giả, người thân của họ, những người “trung tính” và những ai bị xem là kẻ thù và xa hơn nữa là lòai vật và hệ sinh thái. Một khía cạnh sâu hơn của lòng từ bi là hoàn toàn hiện hữu trước hiện trạng của vạn vật vốn là nguồn gốc của khổ đau. Sự chấp mắc vào bản ngã và phiền não cấu uế là căn nguyên của vòng đau khổ luân hồi. Lòng  thừ bi không tham chiếu tạo nên sự kết nối trái tim sâu sắc nhất. Khi hành giả hoàn toàn thấu triệt giá trị bình đẳng của mọi loài hàm linh và tánh không của ngã, những trải nghiệm của họ sẽ trở nên rộng mở hơn và họ có nhiều khả năng đem lại lợi ích cho ngưới khác hơn. Đại sư Dzogchen Ponlop Rinpoche nhận định: “Càng tỉnh giấc, bạn càng cảm thấy cuối cùng mình đang trở thành con người thật của chính mình. Một khi đã chạm tới điểm đó, bạn sẽ không bao giờ quay lại. Vượt qua được cái tôi là bạn khám phá ra sức mạnh, sức mạnh vô biên của tình yêu vô ngã và tâm từ bi. Cái đẹp ở khắp mọi nơi vì tâm bạn đẹp. Đó là điều chúng ta gọi là trái tim giác ngộ”[13].

 Viên Ngạn dịch  

[1]Tôi xin chân thành tri ân các giáo sư ở Học viện Mùa Hè Nitartha tổ chức tại Đại Học West Washington vào năm 2010 đã giải thích rất rõ rang về giáo lý cơ bản của Đức Phật.

[2]Peter D. Hershock, “Từ trạng thái dễ thương tổn đến trình độ điêu luyện: Suy nghiệm trên quan điểm Phật Giáo về những khủng bố và những tấm thảm kịch”, Tập san Đạo đức Phật giáo 10 (2003) 26.

[3]Ba khía cạnh của lòng từ bi được Tyler Dewar nêu lên trong bài phát biểu “Nhiều Phật pháp, ít đau thương” tại nhà hát ACT, Seattle, Washington ngày 5 tháng 12 năm 2010 trong khuôn khổ chuyến đi hoằng pháp của Đại sư Dzogchen Ponlop Rinpoche ở các thành phố Bắc Mỹ mang tên Rebel Buddha Tour.

[4]Tham khảo bài báo của Clifford Krauss và Anderew E.Krammer, “Nhân viên cấp cao Tập đoàn BP chuẩn bị cho công việc khắc phục sự cố tràn dầu”, đăng trên Thời báo New York ngày 22 tháng 6 năm 2010.

[5]Paul Strand, “Mục sư đề đạt ‘ Ngày đốt kinh Koran’ gây phản ứng quốc tế”, đăng trên báo điện tử của hãng thông tấn CBN ngày 8 tháng 9 năm 2010.

[6]Trong nhiều cuộc nói chuyện ở Học viện Nitartha, thấy Acharya Lama Tempa Gyaltsen nhấn mạnh về một hiểu biết lệch lạc thường gặp về “sự đặc biệt” của cái tôi.

[7]Ví dụ, “Mèo mẹ cứu mèo con khỏi đám cháy” http://www.kktv.com/home/headlines/28636999.html đăng ngày 18 tháng 9 năm 2008; và bài báo của Larry McShane: “Scarlett, cô mèo mẹ cứu thoát mèo con trong vụ hoả hoạn Brooklyn năm 1996, vừa qua đời” đăng trên Nhật báo New York, ngày 24 tháng 10 năm 2008.

[8]Rafe Martin, “Suy ngẫm về Kinh Bồn Sanh” Con đường từ bi: Những bài viết về Phật giáo nhập thế, Fred Eppsteiner biên tập (Berkeley: Parallax, 1985). Trích dẫn trong bài viết của Lisa Kemmerer, “Đạo đức Phật giáo và loài vật”. Tập san Hòa Bình Học 1:1(mùa thu 2008)24. Bài báo của Kemmerer cung cấp nhiều quan điểm Phật giáo về loài vật.

[9]Thích Nhất hạnh, Bình yên (Berkeley: Nhà xuất bản Perallax Press. 2005), trang 88.

[10]Trong tham luận “Xét lại về tương tồn: Suy ngẫm về khái niệm do Nhất Hạnh đưa ra trong tương quan với Leopold và Snyder trong tác phẩm của Jung”, tôi khai triển khái niệm “tương tồn” của Hòa thượng Nhất Hạnh trong tương quan với các nhà đạo đức sinh thái học. Tôi đã trình bày tham luận này tại Hội nghị Các Triết gia Hành động vì Châu Á tại Pacific Grove, California tháng 6 năm 2010.

[11]Nhất Hạnh trang 88

[12]Thích Nhất Hạnh “Tình yêu và sự giải thoát: Phỏng vấn Melvin McLeod”, Báo  Shambhala Sun 18:6 (2010) 48.

[13]Dzogchen Ponlop, Tour Hoằng Pháp Rebel Buddha: Tiến tới giải thoát (Boston: Shambhala, 2010), trang 121.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here