Trang chủ Phật học Một nhận định về lý thuyết “NGHIỆP” và lý thuyết “VÔ NGÔ...

Một nhận định về lý thuyết “NGHIỆP” và lý thuyết “VÔ NGÔ của Phật giáo

141
0

Xét về mặt ý tư tưởng của hai thuyết trên phải chăng có sự mâu thuẫn? Nếu lý thuyết Nghiệp tồn tại thì lý thuyết Vô Ngã không thể tồn tại trong Phật Giáo, vì không có Ngã thì ai là người đi thọ nhận hậu quả của Nghiệp trong đời sống khác ?

Trước khi giải quyết vấn đề này, điều cần làm trước tiên là chúng ta thống nhất với nhau về định nghĩa và khái niệm của từ, để tránh tình trạng nhầm lẫn từ ngữ và bàn cãi một cách vô bổ.  NGHIỆP: Từ gốc là tiếng Sanskrit là Karma (krma), tiếng Pali gọi là Kamma, đều có nghĩa là hành động, hành vi hay tạo tác, mà hành động được gọi là nghiệp phải có tư tâm sở (Cetana). Ý thức cũng là một hành động. Ở đây, chúng ta cần phân biệt quan điểm Nghiệp của Kỳ-na giáo và quan điểm Nghiệp của Phật giáo có sự sai khác rõ rệt. Quan điểm Nghiệp của Kỳ-na giáo mang tính cơ giới, nhơn biểu hiện như thế nào thì quả biểu hiện như thế ấy, bất luận động cơ tâm lý. Quan điểm Nghiệp của Phật giáo, nghiệp thiện hay ác chỉ được hình thành trên cơ sở có sự đóng góp của ý thức (Cetana) (Trung Bộ III, Kinh Tiểu nghiệp và Đại nghiệp phân biệt). Nói cách khác, tác ý chính là nghiệp, không có tác ý thì không thể gọi là nghiệp. VÔ NGÃ: Tiếng Pali gọi là Anatta có nghĩa là không có một cái được gọi là ngã hay linh hồn trường cửu vĩnh hằng từ kiếp này sang kiếp khác. Lý thuyết Vô ngã là kết quả tự nhiên của sự phân tích về Ngũ uẩn (Pancakhandha) và giáo lý Duyên khởi (Patica-samuppada). Sau khi phân tích ta thấy không có cái gì được gọi là ngã hay linh hồn ở đằng sau chúng mang tính thường trụ bất biến, mà bản chất của chúng là vô thường duyên sinh cả về mặt tâm lý cũng như vật lý. Cái gì mang tính vô thường và duyên sinh thì cái ấy không thể gọi là ngã hay linh hồn. Bản chất của thực tại luôn luôn chuyển biến vô thường cho nên Phật giáo gọi là Vô ngã.

Từ những khái niệm trên chúng ta có thể đi đến giải quyết vấn đề: Lý thuyết và Nghiệp và lý thuyết Vô ngã của Phật giáo xét cho cùng ta thấy không có sự mâu thuẩn ở chúng, mà ngược lại chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc lý giải những nguồn gốc những nỗi khổ đau của nhân sinh. Câu hỏi, không có cái được gọi là Ngã, thì ai là kẻ đi thọ nhận những quả báo thiện ác? Câu hỏi này, Ngài Buddhaghosa viết như sau trong luận Thanh tịnh đạo “Không có người tạo nghiệp, không có người gặt quả, chỉ có thành phần cầu tiến mãi mãi”. Đó là xét đoán (Quyển II, tr.602. Xem Narron, Buddhism in translation tr.248, The Path of Purity, chương III, tr.728). Như vậy, theo Phật giáo chủ trương, không có cái được gọi là ngã hay linh hồn sau khi từ bỏ thân ngũ uẩn này đi thọ nhận một thân khác. Cái mà đi thọ nhận hậu ấm thân không phải là ngã, chính là năng lực của hành động, tức là năng lực của tạo tác. Ý này được Ngài Narada giải thích thêm là “Tác ý” (Cetana) hay ý muốn làm động cơ phát xuất hành động, là kẻ tạo nghiệp. Thọ (vedana), cảm giác là kẻ gặt quả. Ngoài hai tâm sở ấy không có người tạo nghiệp, cũng không có người gặt quả (Đức Phật và Phật Pháp tr.32). Chúng ta có thể lấy một ví dụ để rõ ý tứ này. Như một người đứng trên cầu của dòng sông, người ấy cầm cục bột ném xuống dòng sông, bột kia tan biến trong nước, nhưng mặt nước của dòng sông lô nhô những đợt sóng, do vì năng lực của hành động “từ trên cao rơi xuống”. Cục bột sau khi rơi xuống nước tan biến theo dòng nước không thọ nhận hậu quả này. Cái tác nhân và thọ nhận hậu quả chính là hành động. Như vậy, Phật giáo không chấp nhận có một cái gọi là thực ngã thường hằng bất biến để đi thọ nhận những hậu quả thiện ác của Nghiệp, mà chính là năng lực của hành động đi thọ nhận. Cách giải quyết vấn đề này của đức Phật không phải là vấn đề tưởng tượng mang tính suy diễn, thuần lý thuyết, mà vấn đề ấy phát xuất từ thực tại của cuộc sống. Những cuộc sống của nhân sinh chuyển từ đời này sang đời khác liên tục nối tiếp nhau hiện hữu, nó giống như dòng nước của con sông, dòng nước của con sông luôn luôn trôi chảy và biến đổi liên tục, dòng nước trước trôi đi rồi dòng nước sau chảy tới, cứ thế… A không còn là A mà trở thành A`, nhưng dưới cặp mắt của chúng ta lại tưởng rằng “dòng nước của con sông vẫn là dòng nước của con sông có từ bao giờ” không đổi khác. Cái mà chúng ta gọi là ngã cũng thế, chúng luôn luôn sinh diệt và biến đổi.

Lý thuyết nghiệp báo của Phật giáo nhằm xác định những hành vi thiện ác của chúng ta tất nhiên chúng ta phải gánh chịu  những hậu quả tương xứng của nghiệp. Đồng thời lý thuyết nghiệp cũng khẳng định một đời sống tương lai tốt đẹp hay xấu xa là do những hành vi trong hiện tại mà chúng ta đang tạo. Như một vị đạo sư đã nói:

Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.

Nghĩa: Muốn biết nhân đời trước thì chúng ta hãy xem những quả báo mà chúng ta đang sống. Muốn biết quả tương lai của chúng ta như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn những hành vi mà chúng ta đang làm.

Lý thuyết Vô ngã của Phật giáo nhằm xác minh con người và mọi vật luôn luôn chuyển biến, không thường trụ, đả phá lý thuyết định mệnh, linh hồn bất tử. Đồng thời lý thuyết này cũng khẳng định nếu ai thấy được lý vô ngã thì người ấy thoát ly sinh tử, vì người ấy thấy vô thường vô ngã cho nên không tham đắm ở mọi vật và con người, vì không tham cho nên không ái, không ái cho nên không chấp thủ, không chấp thủ cho nên hữu không có, không hữu cho nên không có sầu, bi, khổ, ưu, não, tức đồng nghĩa với giải thoát Niết-bàn.

Như vậy, chúng ta thấy lý thuyết Nghiệp báo và Lý thuyết Vô ngã của Phật giáo không có sự mẫu thuẫn, đúng như lời Đức Phật dạy: “Nếu nước trong bốn biển chỉ thuần có vị mặn, thì những lời ta giảng dạy trong suốt 45 năm cũng chỉ có một vị giải thoát”.

H.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here