Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Một ngàn năm: nhiều giấc mộng trong một giấc mơ

Một ngàn năm: nhiều giấc mộng trong một giấc mơ

158
0

Một ngàn năm…
Một ngàn năm đã qua đi cho đến khi tôi nhìn thấy viên gạch hoàng thành Thăng Long này, bởi thế mà bỗng dưng tôi nhòe nước mắt. Trong giọt nước mắt của ngàn năm ấy, tôi mộng thấy tro cốt mình đã mấy lần rắc xuống sông Hằng, tôi mộng thấy mình trong một ngàn năm ấy đã có lần mở cửa phòng thiền để nhìn những đỉnh núi tuyết trắng dưới trời xanh mùa xuân Tây Tạng, tôi mộng thấy mình trong một ngàn năm ấy đã có một lần mình tụng kinh trên Ngũ Đài Sơn nhìn về phương Nam cố quốc, tôi mộng thấy mình trong một ngàn năm ấy có lần mặc áo thụng dài ngồi bên bờ sông Nil cạnh những vườn ô liu ngát nắng, tôi mộng thấy mình trong một ngàn năm ấy có lần bì bõm cày ruộng giữa trưa, trên bờ là người vợ nghèo mặt đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm đang ngồi nghỉ… Tôi mộng thấy biết bao “mình” trong một ngàn năm…

Cầm trên tay viên gạch ngàn năm, tôi tưởng thấy Lý Công Uẩn trong ngày dời đô, tôi tưởng thấy vua Lý Thánh Tông thương xót người ở ngục trong mùa đông lạnh, tôi tưởng thấy ngày vua Trần Nhân Tông về lại Thăng Long sau khi chiến thắng quân Mông Cổ, và lời thơ vang lên “Xã tắc hai lần phiền ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Cầm viên gạch trên tay, tôi tưởng thấy Lê Lợi và Nguyễn Trãi đóng quân ở Bồ Đề, vây hãm thành Thăng Long khi quân Minh đang chiếm đóng ở đó, tôi tưởng thấy Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn nhị thập bát tú. Cầm viên gạch trên tay, tôi rưng rưng tưởng thấy gần ba thế kỷ Nam Bắc phân tranh, mãi cho đến khi vua Gia Long thống nhất vào năm 1802. Cầm viên gạch trên tay, tôi tưởng thấy vua Quang Trung trong chiếc áo bào đen sậm khói thuốc súng bước vào Thăng Long ngày mồng 5 Tết, tôi tưởng thấy Ngô Thì Nhậm làm thiền sư với danh xưng Hải Lượng ở ngoại ô thành. Cầm viên gạch trên tay, tôi tưởng thấy quân Pháp chiếm Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX. Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy những ngày kháng chiến cho đến sự chia đôi đất nước giữa thế kỷ XX. Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy những người lính trẻ và già của hai miền ngã xuống, ngã xuống ở hai bên chiến tuyến vô hình, và những người dân cả trẻ lẫn già, cả nam lẫn nữ vĩnh viễn nằm lại bên những con đường nơi chiến tranh và lịch sử đã đi qua. Tất cả và tất cả những đồng bào của tôi nằm lại đâu đó rải rác trên quê hương này, trên đôi mắt khép vẫn còn loáng thoáng giấc mơ Thăng Long mờ mịt hương khói. Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy ngày thống nhất, mọi đôi mắt của tất cả những người còn sống đều nhòa lệ. Và bây giờ, cầm viên gạch hoàng thành trên tay, tôi tưởng thấy nhịp đập của hàng chục triệu trái tim ở đất nước này và của hàng triệu trái tim của người Việt xa xứ, ở Nam Phi, Ai Cập, ở Châu Âu, Bắc Mỹ, ở những nơi xa xôi nhất của trái đất, tất cả và tất cả đều ít nhất vẫn có một cái gì đó chung cùng với nhịp đập của Thăng Long.

Áp viên gạch Thăng Long vào ngực, tôi cảm thấy ước mơ của Thiền sư Vạn Hạnh và của vua Lý Công Uẩn, đúc kết những ước mơ của những đời trước đó, nóng ran lồng ngực: Đất nước Việt phải là con rồng bay lên (đúng với tên gọi Thăng Long). Có ngỡ ngàng quá chăng khi người ta gọi những nước châu Á đang bước vào hàng các nước phát triển là những con rồng. Nhưng không chỉ có thế, ước mơ của đời Lý và đời Trần kế tiếp cho đến những đời sau, không chỉ là xây dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia hưng thịnh về vật chất (kinh tế, quân sự…) mà còn thịnh vượng về tinh thần, bởi vì con rồng là biểu tượng cho tinh thần và tâm linh của nền văn minh Đông Á. Trong quẻ đầu tiên của Kinh Dịch, quẻ Kiền, con rồng tượng trưng cho tinh thần và tâm linh. Cả sáu hào của quẻ Kiền đều nói về sự đi lên, sự tiến hóa, sự nâng cấp của tinh thần, của tâm linh, và được tượng trưng bằng con rồng. Con rồng từ dưới đất bay lên trời là quá trình tiến hóa, thăng hoa của tinh thần và tâm linh con người. Hào 1: “Rồng còn tiềm ẩn” (Tiềm long). Hào 2: “Rồng hiện trên cánh đồng; thiên hạ văn minh” (Hiện long tại điền; thiên hạ văn minh). Hào 3: “Người quân tử suốt ngày tự cường không ngừng nghỉ (như con rồng)” (Quân tử chung nhật càn, dĩ tự cường bất tức). Hào 4: “Có khi bay vút lên cao, có khi lui về dưới vực” (Hoặc dược tại uyên). Hào 5: “Rồng bay lên trời, thịnh trị cao cả” (Phi long tại thiên, thượng trị dã). Hào 6: “Rồng bay cao quá mức, coi chừng có hối hận” (Kháng long hữu hối).

Thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn hẳn ý thức hơn ai hết con đường (đạo) nào, và cách nào để con rồng tâm linh của dân tộc Việt, vốn được xem là con Rồng cháu Tiên bay bổng trên trời. Đâu có phải tình cờ khi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt, khi nào dân tộc hưng thịnh thì đạo Phật hưng thịnh và đạo Phật hưng thịnh thì dân tộc hưng thịnh. Thăng Long hai chữ ấy đâu chỉ đẹp một cách tình cờ.

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh

Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy cả một ước mơ, một giấc mơ – theo cách tôi hiểu, giấc mơ là giấc mộng mở mắt, mộng giữa ban ngày – kéo dài suốt một ngàn năm của dân tộc. Cầm viên gạch trên tay tôi thấy những con người, những đôi  mắt vĩnh viễn khép lại trong chiến tranh, chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến, những đôi mắt kiên định và những đôi mắt ngỡ ngàng, những đôi mắt chết già và những đôi mắt chết trẻ, tất cả những đôi mắt đều chia sẻ với nhau một giấc mơ Thăng Long duy nhất, dù rõ rệt hay mơ hồ, dù ý thức hay vô thức. Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy những đất đai, những năm đất đai màu mỡ được mùa, những năm đất đai gặp nắng hạn, lũ lụt, nhưng dù đất đai ở đâu, vùng khắc nghiệt hay thuận lợi trù phú, tất cả mọi vùng đều chia sẻ một giấc mơ niềm tin với cuộc đất Thăng Long. Đất Thăng Long ngàn năm vẫn như thế: “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao ráo mà sáng sủa, dân cư không khổ, không thấp trũng, muôn vật hết sức tươi tốt phồn vinh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư của muôn đời” (Bài Chiếu dời đô về Thăng Long của Lý Công Uẩn). Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy sự thiêng liêng của lịch sử, một cộng nghiệp lớn lao của một dân tộc mà người xưa thường gọi là thiên mệnh.

Cầm viên gạch trên tay, tôi thấy rất nhiều giấc mộng trong chỉ một giấc mơ:

Suốt một ngàn năm, tôi chưa hề mơ làm vương làm tướng,
Chỉ mơ làm một người lính già giữ mãi một Thăng Long.

N.T.Đ 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here