Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có những lúc nguy khốn, nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự độc lập của dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước.
Lịch sử cũng cho thấy, sớm ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng đạo Phật, cùng với ý thức trách nhiệm cộng sinh, đức hiếu sinh và hòa ái là những giá trị luôn được đề cao trong nền văn hóa dân tộc, trở thành tiêu chuẩn cho những ứng xử với các quốc gia, vùng lãnh thổ láng giềng, trong đó có Trung Quốc.
Các thế hệ tiền nhân đã xây dựng được truyền thống thân thiện, mối tương quan tốt giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc. Theo đó, chủ quyền biên giới trên đất liền và biển đảo cũng đã được phân định rõ ràng, đã được đưa vào các công ước quốc tế.
Gần đây, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 thăm dò và khai thác ở thềm lục địa Biển Đông – thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Hơn thế nữa, để bảo vệ cho hành động sai trái đó, Trung Quốc đã điều nhiều tàu hải giám, cả tàu quân sự, có các hành động uy hiếp, khiêu khích các tàu chấp pháp, tàu của ngư dân Việt Nam làm dư luận quốc tế quan tâm, làm cho hàng triệu người dân Việt Nam và những người yêu mến đất nước Việt Nam khắp nơi trên thế giới bức xúc, lên án.
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam – Ảnh: Soha
Với kinh nghiệm lịch sử đấu tranh cho nền độc lập, xây dựng nền hòa bình, chúng ta đã bình tĩnh, nhẫn nại và kiên định lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần hòa bình, tránh tối đa những hiểu lầm, xung đột. Bởi bất cứ sự xung đột, bạo động nào, đặc biệt ở lúc này, đều bất lợi cho tất cả.
Với Tăng Ni, Phật tử, chúng ta luôn ý thức rõ ràng rằng, bất bạo động là phương pháp đấu tranh phù hợp với tinh thần của Phật giáo.
Người Phật tử lúc này, chúng ta cần giữ sự bình tĩnh, kiểm soát hành vi, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước của mình với những hành động phù hợp, theo sự hướng dẫn của Giáo hội. Nhất định không để lòng yêu nước đó bị kích động và lợi dụng theo một chiều hướng bất lợi cho sự ổn định và đoàn kết của dân tộc, và đặc biệt là đi ra ngoài tinh thần đấu tranh bất bạo động của Phật giáo.
Như Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN – HT.Thích Phổ Tuệ đã gởi đến chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức Phật giáo khắp nơi trên thế giới, đồng gởi đến Hòa thượng Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc sau Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Ninh Bình vừa qua, Tăng Ni Phật tử chúng ta hãy giữ vững lập trường yêu nước trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình.
Thời điểm này cũng đã vào đầu mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2558 – thời gian chư Tăng Ni trên toàn quốc chuyên tâm tu trì nghiêm mật suốt ba tháng, tất cả chúng ta hãy tập trung đạo lực ấy cầu nguyện cho đất nước và thế giới hòa bình, mọi xung đột được hóa giải; cầu nguyện cho đời sống nhân dân được an lạc, truyền thống hòa hiếu được nối tiếp một cách bền vững, lâu dài.
(Theo GNO)