Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Mọi sự từ đâu tới?

Mọi sự từ đâu tới?

156
0

Thực ra thì, điều gì cũng có cái lý của nó, không phải tự nhiên, dẫu có lúc ta loay hoay mãi để tìm, vẫn cảm thấy bế tắc, “sao mà kỳ cục quá, mình có làm chi nên tội tình để mà phải chịu điều ni…”.

Có thể, không ít lần ta đã đau đáu mà than, mà thốt, rồi rớt nước mắt hay nuốt ngược vào trong, nghẹn đắng vì những lý lẽ của những nỗi đau vẫn nằm đâu đó mà ta chưa thể chạm tới, nên chưa thể an lòng, dẫu có lúc tưởng chừng như… chấp nhận được rồi, song vẫn chẳng thể nguôi ngoai, vết thương vẫn còn nằm đó, dưới dạng một cái cồi, không biểu hiện rõ thành mụn, nhưng chạm vào vẫn nhoi nhói.

Cái lý của sự việc, được và mất, thành và bại… của cõi đời lắm khi nằm ở một kiếp xa xôi nào đó chứ không phải chỉ hiện tiền nhân quả như việc ta vẫn thường gieo trồng cây này, cây nọ trong thời vụ ngắn ngày. Có những hạt giống ẩn tàng nhiều đời, nhiều kiếp, bây giờ mới mọc lên, tươi tốt, bội thu một mùa – những đắng chát hay ngọt ngào tương thích với nhân (hạt giống) mà ta đã gieo cấy. Do không tận tường cái lý của sinh diệt, của nhân-quả tiếp nối, sanh báo, hiện báo, hậu báo… nên ta sẽ còn ngờ ngợ về những câu hỏi “vì sao lại thế, sao không thế này mà lại là thế kia?…” trước những thực tại đời mình!

Khi mình vẫn còn loay hoay trong những lý giải mà niềm tin chưa đủ sâu chắc để nhận nhìn và chấp nhận thì mình sẽ còn phải khổ dài dài với những “vô lý” trong cuộc sống này. Đôi khi, sự “vô lý” ấy không phải biểu hiện ở nơi thân-tâm, hoàn cảnh của mình nhưng ta vẫn cứ đau, cứ xót, rồi lại thản thốt, thầm thì như thể đang trách ai đó (mà mình cũng chẳng biết): “Sao người hiền lành, dễ thương thế mà lại bị vậy nhỉ? Tội nghiệp quá!”.

Bị vậy, là bị tai ương, bị người ta chụp mũ, oan khuất đầy mình, bị phụ rẫy ngay cả khi đã rất chân tình, bị nghèo khó ngay cả khi đã cố gắng siêng năng, tính toán tới lui chuyện làm ăn rồi chứ có phải lười biếng chi mô? Mình sẽ phải hoài hỏi tới hỏi lui, kiểu của tiếc nuối cho một con người “ở hiền mà chẳng gặp lành chi hết”; và chắc chắn sẽ đau gấp bội lần khi thấy mấy người ác chi mà ác dữ dằng vẫn cứ nhởn nhơ, phây phây, giàu sụ, sức khỏe sung mãn… Thế đấy, vì ta không chạm vào lý nhân-quả một cách tận cùng nên ta hay bất mãn và đôi khi thôi cố gắng để đi đến cùng con đường tốt đẹp mà mình đã ngộ ra trước đó.

Đôi khi, thử thách đến từ những oan trái như thế và ta phải không ngừng quán niệm để hiểu, để thật sự “sống đạo” theo đúng ý nghĩa của việc sống theo lời Phật dạy chứ không để bất cứ lý lẽ thường tình nào chen ngang làm cho mình phải ngậm ngùi, đau đớn.

Có những điều ta phải đợi chờ để nó biểu hiện. Sự chờ đợi đôi khi không phải một hai năm hay mươi năm ngắn ngủi trong kiếp nhân sinh của mình mà có khi cần đợi chờ đến nhiều kiếp, xuống lên mươi bận trong vòng lục đạo tử sinh thì mới có kết quả. Đường tuy dài, nghe thì xa xôi quá thể nhưng, với người học Phật, sự kiên nhẫn bao giờ cũng là cần thiết, để từ đó chế tác nên những đại nguyện cho chính mình, như chư Đại Bồ-tát trong mười phương đã từng chế tác, độ tận chúng sinh mới thành Phật đó đa.

Có những lý do mà nó đến trong sự tích hợp nhiều ngày, từ sự âm thầm đeo đuổi về một lối sống hay huân tập trên cả một quá trình, nên ta hay ngỡ ngàng vì quên bẵn, vì không nhận ra ngay trong một sớm, một chiều. Dân gian có câu “giọt nước tràn ly” hay có truyện ngụ ngôn về chiếc áo và con lừa để nhắc nhớ về “lượng” và “chất” kết tập đến một lúc đủ đô thì biểu hiện, triết học gọi đó là “thực hiện bước nhảy để chuyển sang chất mới”.

Con lừa đã chuyên chở quá nhiều thứ rồi, đến lúc bỏ thêm một chiếc áo thôi cũng đủ để sụm xuống, cũng như ly nước đã quá đầy, chỉ cần một giọt nhỏ, thậm chí một gợn gió lăn nhẹ qua bề mặt đã có thể tràn ly mất rồi. Đôi khi, ta cũng không thể hiểu được vì sao đến một lúc ta rời xa một ai đó, mà chính họ cũng ngỡ ngàng, vì trước đó ta đã cam chịu và sống gắn bó với họ cứ như thể ta sẽ chẳng thể nào sống nổi khi rời xa. Và họ, chắc cũng đinh ninh tin rằng, ta sẽ không-thể-nào tách rời khỏi họ, vì đã quá quen, đã nằm trong lòng bàn tay họ rồi…

Tất nhiên, sẽ có lúc ta cũng ngỡ ngàng tương tự trước một sự chia tay mà ta ngậm ngùi tiếc nuối, vì hóa ra lâu nay ta chẳng một lần “vì” họ theo nghĩa cùng đắp xây ân tình với họ, ta chỉ toàn “hút” hết những cảm tình, niềm tin, niềm thương… nơi họ mà chưa một lần trao qua “món quà” nào tương tự cho họ.

Do vậy, thực ra, chẳng có gì là vô lý cả. Có những cái lý chạy dọc theo cả chiều dài sinh diệt, kết tụ khá lâu trong mênh mông đời người, nhiều kiếp quẩn quanh. Thế nên mới có vị A-la-hán mà vẫn bị người ta thù hằn, đánh cho tới chết, hoặc có vị khoác áo cà-sa đi khất thực mà vẫn bị nếm đá, rẻ khinh ngay khi đã chứng Thánh quả rồi. Quả báo đương nhiên cứ phải trả, nhưng cái khác của bậc ngộ đạo, chứng thánh trả quả với phàm phu tục tử như ta chính là thân các vị thọ quả nhưng tâm không thọ, nên vẫn an nhiên, bất động, vẫn vô úy trọn lành, hiến tặng bài pháp yên an cho nhân sinh, môn đệ.

Nghĩ thế, để rồi thở nhẹ, vào ra, sâu chậm, mỉm cười với những gì đang diễn ra. Cái lý có thể đến từ đâu đó, trong vô lượng kiếp mà cũng có thể là dồn cục trong đời này, tích hợp mỗi ngày một ít mà thành chứ đâu. Mà dẫu, có không phải là như thế, thì những điều “từ trên trời xuống” đó cũng có giá trị rèn mình trở nên tốt đẹp, bình an hơn, như một lần nháp cho những lần diệt sinh chắc chắn phải có khi ta chưa thoát khỏi Ta-bà này…

L.Đ.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here