Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Mỗi ngày nơi đây

Mỗi ngày nơi đây

140
0

 Cô thiếu nữ tuổi 15 của Nguyễn Nhược Pháp, trước khi bước ra khỏi cổng nhà để theo Thầy Me "Ði chùa Hương" đã không quên soi gương làm ÐẸP: "Khăn nhỏ đuôi gà cao, Em đeo giải yếm đào, Quần lĩnh áo the mới, Tay cầm nón quai thao". Cô xinh xinh – chứ không lộng lẫy, đẹp choáng người, xa hoa như những hoa hậu á hậu hôm nay – tuy cô có chút làm đỏm nhưng không lòe loẹt, chăm chút từng món tóc, món áo, tùng cử chỉ, khiêm tốn và có duyên đến nỗi người mẹ phải kêu lên sung sướng: "Me cười: Thầy nó trông, Con tôi xinh xinh quá!"

Suốt trên con đường hành hương, từ bến đục cho đến bến trong, nét xinh của người con gái đã tô điểm cảnh đi chùa, làm cho đường đi đến đó đẹp như một bài thơ, và đẹp hơn nữa là một mối tình chớm nở trên đường đi vang tiếng "Nam mô A Di Ðà…", cho thấy cảnh chùa nối với cảnh đời, bến đục liền với bến trong, không xa cách giữa cảnh tiên người tục mà gạch nối là nét đẹp đơn sơ của con người trong cảnh, là niềm vui của người cho nhau…

Nhắc đến Trịnh Công Sơn và Nguyễn Nhược Pháp, tôi không muốn làm người hoài cổ nhắc chuyện xa xưa mà chỉ nuốn nhắc một chút đời thường, rất thường, rất nhỏ nhặt mà không khéo chúng ta đang đánh mất: một bông hoa, một dáng người xinh thật rất gần gủi với ta. Niềm vui trong lòng và vẻ đẹp ngoại diện đều trong tầm tay của mỗi người, tưởng như dễ có. Ấy vậy mà không dễ. Hình như mỗi ngày ở nơi đây, nơi bia bọt hàng ngày hàng đêm ngập đường phố, xe cộ nườm nượp trong hỗn loạn, giữa những ganh tị vô lối và thù hằn nông nỗi, mỗi bông hoa bỗng trở thành bơ vơ, mỗi niềm vui bỗng thành lạnh lẽo giá băng… 

Khi thời gian không còn là thời gian thong dong của Nguyễn Nhược Pháp mà chỉ còn là chạy đua tốc độ, thì nỗi lo sợ dễ thương của cô gái chùa Hương: "Em không dám đi mau, Sợ chàng chê hấp tấp, Số gian nan không giàu"… đang thành sự thật. Ý nghĩ của cô thật đáng yêu, cái nề nếp thuần hậu mà cô đang có càng tăng thêm với nhịp tim đang đập, dáng điệu của cô phản ảnh vẻ đẹp bên trong của tâm hồn.

Ngày nay kiếm được một vóc dáng như thế như tìm kim đáy biển. Chúng ta sống hối hả. Buổi sáng đồng hồ reo, vội vàng nhảy xuống giường, vội vàng mặc áo, vội vàng điểm tâm, vội vàng bịt mặt, vội vàng ra xe, vội vàng chen lấn, bóp còi, la hét… vội vàng đi, vội vàng về, ăn cơm, đi ngủ, chụp giựt tiền của, địa vị…mọi thứ vội! – cuộc sống trở thành một cuộc đuổi bắt thời gian, ai nấy thi nhau chạy nhanh về phía trước, hối hả  mau đến điểm  đích…mà điểm cuối cùng có thể là những tai ương không lường trước nơi một ngã ba nào…

Nếu nhìn cách đi đứng của con người ngày hôm nay, thì quả thật con người có "số gian nan" và cả xã hội hôm nay cũng "gian nan", dù cho con người có giàu gấp mấy nghìn lần thuở trước. "Gian nan" chỉ là một lối nói nhẹ nhàng cho hoàn cảnh hôm nay. Câu thơ dí dõm của Nguyễn Nhược Pháp không những chỉ bộc lộ cho ta trái tim đang hồi hộp của người con gái bắt đầu yêu sợ "bị chê". Không phải chê nét đẹp nơi mắt mũi miệng, mà chê “dáng đi” của người con gái. Cái dáng đi ấy biểu lộ tâm tính và đức tính, trình độ gia phong, cả nền giáo huấn tinh thần và căn bản vật chất “số gian nan không giàu”, phản ảnh xã hội, ấn định cả tương lai của đời người.

Hơn nữa  câu thơ cho thấy toàn thể không gian và thời gian đi chùa Hương bày ra trước mắt: tư thế, dáng dấp của con người trong thế giới của bài thơ là một hòa điệu giữa cảnh và người. Chính toàn thể nhân vật, cha mẹ, chàng văn nhân, tiểu đồng, đoàn người hành hương trong vẻ thong dong không hối hả (nếu ta biết ngày hôm nay cảnh dành nhau trên bến đục bến trong hỗn loạn và bạo động như thế nào). Nhất là người con gái và cả tâm tình của cô đem đến vẻ đẹp cho không gian cỏ cây trời mây sông nước cũng như tăng thêm niềm vui hồn nhiên, sống đẹp của con người trong ngày đi chùa Hương. Ngược lại cũng thế, khung cảnh êm đềm của thiên nhiên thấm đượm tâm linh, đơn sơ, mộc mạc mà sâu lắng đã phản ảnh lên những người trảy hội, đưa bước chân con người hoà điệu nhẹ nhàng, tự tại, tự do.

Vẻ đẹp ngoại diện và tâm an vui là điều mọi người thiết tha muốn có, nhưng trong cuộc trảy hội hôm nay, để dùng một ngôn từ khác cho dòng thác người ở trên phắp nẻo đường đô thị, cô gái chùa Hương sẽ bối rối thở dài than: “gian nan” quá đỗi! Có một sức xoáy làm cho con người chìm lĩm trong dòng thác, dù mọi cố gắng để ngoi lên trong giàu có – có thể xa hoa thật là xa hoa, đẹp đẽ sang trọng thật là tuyệt đối, không nhân nhượng, không khiêm tốn, nhưng hình như trong khung cảnh hiện tại, con người bỗng lạc lõng, người và cảnh không còn thâm nhập với nhau, hòa điệu đã thành lạc điệu.

Trong hối hả gian nan của cuộc sống, Trịnh Công Sơn đã dành cho tôi nhiều ngạc nhiên khi lắng nghe thật sâu ca từ “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Anh đi, đi tìm, đi chọn niềm vui trên mọi nẻo đường đất nước. Mỏi gối chồn chân, bỗng nhiên ngộ ra: anh “… chọn ngồi thật yên” mỗi ngày để  “nghĩ quê hương và nhớ lại mình”, và đó là niềm vui cuối trong mọi chọn lựa niềm vui. Trịnh Công Sơn không đi, anh chọn ngồi thật yên, “nghĩ nhớ” nỗi quê hương và thân phận con người. Đó là niềm vui?  Chắc ai cũng ngạc nhiên. Có lẽ có nhiều người không hiểu. Chắc chắn nhiều chê bai. Nhưng đó là chọn lựa cuối cùng. Sau tất cả những niềm vui mà anh chọn lựa, niềm vui cuối thực sự là nền tảng cho mọi niềm vui.

Tôi bỗng nhớ đến một đoạn kinh, không biết Trịnh Công Sơn đã đọc đoạn kinh ẩn dụ này trong đời ngắn ngủi của anh để có thể chọn một niềm vui như thế hay anh đã đọc trong vô thức từ thuở chưa sinh:

Thuở ấy, trong một đêm trăng sáng 6 vị đại đệ tử của Ðức Phật ngồi với nhau trong khu rừng Gosinga và bàn luận mỗi người một cách về những đức tính nào có thể làm nỗi bật một Tỳ-kheo. Cuối cùng họ đồng ý với nhau nên trình Ðức Phật về buổi đàm thoại của họ và xin Phật dạy cho một lời. Ðề tài của họ là: “một Tỳ-kheo phải như thế nào để có thể đem đến hào quang cho khu rừng Gosinga?” hay dịch một cách phóng khoáng: “một vị Tỳ-kheo phải có những đức tính gì nỗi bật hơn người khác, để mang đến hào quang cho khu rừng Gosinga?”

Ananda ca tụng sự thông thái, sức hiểu biết thấu rõ tường tận lời Phật dạy, Revata ca ngợi sự quán tưởng trong phòng trống, Anuradha ca tụng tính thần thông – “con mắt thần”, Kasapa ca ngợi sự khổ hạnh nghiêm khắc của người ở ẩn, Moggallana ca ngợi sự trao đổi về Phật pháp, Sariputta ca ngợi sự chế ngự chính tư duy của chính mình. Sau khi Phật nghe hết các ý kiến, ngài khen ngợi hết thảy các đệ tử nhưng dạy thêm rằng: “Hào quang đặc biệt mà một vị Tỳ-kheo có thể đem đến cho khu rừng Gosinga là, vị ấy, sau buổi cơm trong hội chúng (Pallankapositur), ngồi xuống, xếp bằng hai chân, dựng tấm thân thẳng, tâm hướng về tĩnh thức, tâm niệm rằng sẽ không đứng lên cho đến khi đã cởi bỏ hết mọi ảnh hưởng thế gian và tâm hoàn toàn giải thoát”.

Hào quang là ánh sáng đến từ tâm thức của mỗi người, lưng thẳng là tư thế tự chủ của con người, thân tâm đồng thể không chỉ là cô đơn, của riêng, chúng chiếu dọi lên ngoại cảnh, lên thế giới bên ngoài làm cho môi trường sống hết gian nan… Ngồi yên là niềm vui chân thật lắng nghe con tim và thế giới sống sau cuộc hành trình mệt mỏi. Ngồi yên là vẻ đẹp làm sáng ngoại cảnh, từ đó chúng ta có thể lên đường đi khắp mười phương mà không gian nan…lo âu, ít nhất như nỗi lo âm thầm của cô gái đi chùa Hương.

Viết từ Huế, mùa lụt 2009

T.K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here