Trang chủ Thiền môn xứ Huế Mối giao tình giữa Hòa thượng Huệ Cảnh (1798-1866) với Tùng Thiện...

Mối giao tình giữa Hòa thượng Huệ Cảnh (1798-1866) với Tùng Thiện vương Miên Thẩm (1819-1870)

139
0

Một đằng là vị Hòa thương Thiền sư, đạo cao đức trọng. Một đằng là vị Hoàng tử Thi sĩ, từng là cháu nội vua, con vua, em vua rồi chú vua . Đời sống cao đẹp, tư tưởng uyên thâm, nên tình cảm giữa Thiền sư và Thi sĩ cũng rất đặt biệt sâu sắc quí báu. Chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian, lật lại những trang sức bìa vàng cổ kính, theo dõi mối giao tình giữa Hòa thượng Huệ Cảnh và Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Đó cũng là một việc làm có ý nghĩa “ôn cố tri tân” vậy.

Hòa thượng Huệ Cảnh họ Lê, người làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ngài sinh năm Mậu Ngọ (1798); xuất gia từ thuở bé nhỏ, thế độ tại chùa báo Quốc với Hòa thượng Phổ Tịnh. Ngài Huệ Cảnh pháp danh là Tánh Hoạt , tự là Đức Giai. Năm Gia Long thứ 13 (1816), bổn sư của ngài viên tịch. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), ngài cầu pháp với Hòa thượng Bổn Giác (tức Hòa thượng Tế Chánh) ở chùa Linh Mụ. Ngài được Hòa thượng Bổn Giác ban bài kệ phó pháp như sau:

THỊ PHÁP BỔN LAI NHƯ THỊ PHÁP
VÔ DANH TRIỂN CHUYỂN CƯỞNG AN DANH
NHỮ KIM LIỄU TÁNH VÔ NGÔN THUYẾT
THỦY GIÁC NHƯ TƯ HUỆ CẢNH MINH

Dịch:

Pháp ấy xưa nay như pháp ấy
Không tên triển chuyển gượng nêu tên
Nay ngươi liễu tánh không ăn nói
Gương sáng như vậy mới rõ nên.
(Nguyên Lê Châu dịch)

Do đó, ngài lại được thọ pháp danh là Liễu Tánh. Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), ngài được Tống thị cầu thỉnh làm tọa chủ chùa Trường Phước. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua phong ngài làm trụ trì chùa Thánh Duyên. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), vì tuổi già được vua thương cho về. Ngài mới lập am tu ở núi, tức là chùa Tường Vân ngày nay. Năm Tự  Đức thứ 8 (1855), truyền y bát cho Pháp tự là Đại sư Linh Cơ . Ngài ban kệ:

LINH CƠ DIỆU GIÁC TẠI TÂM VƯƠNG
THỦY HẢI TOÀN THANH KIẾN NGUYỆT CHƯƠNG
NHẤT THIẾT CHÚNG SANH GIAI PHẬT TÁNH
NHÂN DO BẤT NGỘ LẠC BIÊN PHƯƠNG

Dịch:

Thiêng liêng then chốt tại Vô Tâm
Biển lớn mà trong rõ nguyệt rằm
Hết thảy chúng sinh đều tánh Phật
Chỉ vì chẳng ngộ một bên lầm
(Nguyên lê Châu dịch)

Ngày 13 tháng tư năm Tự Đức thứ 19 (1866), ngài vẫn thượng đường dạy bảo môn đồ, chỉ định Đại sư Linh Cơ làm chủ tọa chùa Tường Vân, đến giờ Ngọ, ngài viên tịch. Môn đồ xây tháp cúng dường ở phía bên tả của am. Đệ tử xuất gia được ngài tế độ cho có đến 14 vị, như các ngài Hải Trường, Hải Trân … Ngoài ra, số đệ tử quy y được ngài trao ký cho, chừng đến 40 vị. Hòa thượng tánh tình điềm đạm cao nhã, khéo tự hộ trì. Nhiều người cầu đạo cần khổ đến thưa hỏi, ngài liền chỉ dạy cho họ, bằng cách ngài “tức thì tạ khách mời ra” mà thôi. Ngài thường ngồi như cây khô tro lạnh, lặng lẽ không nói, để cho những ai đến tham thỉnh để có thể có cơ duyên thông suốt được lẽ huyền vi, bằng các ngài chỉ dạy gián tiếp như vậy. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm rất vui mừng kính mến và thường lui tới thăm hỏi ngài. Khi ngài sinh tiền, Tùng Thiện Vương có tặng ngài một bài thơ, nhan đề là: Dữ Tường Vân Tăng Thoại Cứu, còn lưu lại ở trong Thương Sơn Thi Tuyển. Khi ngài thị tịch, Tùng Thiện Vương rất tiếc thương, truy điệu ngài ba bài thơ, nhan đề là: Điếu Huệ Cảnh Xà-Lê Tam Thủ, còn được ghi lại trong Hàm Long Sơn Chí.

Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) còn có tên là Trọng Uyên, Thận Minh, biệt hiệu Bạch Hào Tử, Thương Sơn. Tùng Thiện Vương là vị hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng. Vua Minh Mạnh có cả thảy là 78 hoàng tử và 64 công chúa, tổng cộng tất cả 142 người con vừa trai vừa gái. Vua Minh Mạnh sinh năm 1791, băng năm 1840, thọ chẵn 50 tuổi ta.

Tùng Thiện Vương sinh ngày 24 tháng 10 năm Kỷ mão (1819) giờ Dậu, tại cung Thanh Hòa. Vương vừa lọt lòng, đầy tháng, bà Thục tân tự bồng con theo Đông cung , vào yết kiến Thuận Thiên Hoàng Hậu và vua Gia Long. Trong khi ấy, tại Kỳ đài, phát 21 tiếng lệnh, là triều đình đương làm lễ thượng lương Phu Văn Lâu. Thuận Thiên Hoàng Hậu vỗ tay bồng cháu; vua Gia Long mới ban: “Giữa ngực cháu có mấy chấm son, ta chúc cho cháu ngày sau cầm được ấn son, sẽ lấy văn hoá ra giúp đời, như ta đã dựng lầu Phu Văn ngày nay”. Vua Gia Long ban cho tên là Nghiện (Ngợn) nghĩa là: sắc mặt trời mới mọc. Tùng Thiện Vương học vỡ lòng với mẹ là bà Thục Tân họ Lê, cũng là một bậc nữ tài hoa. Vương rất có hiếu với mẹ. Khi mất, Vương di chúc an táng Vương bên lăng mộ mẹ.

Ngày 30 tháng 03 năm Canh Ngọ (1870) trước khi thị tịch, không còn hơi thở, Thi ông Tùng Thiện Vương mới dùng ngón tay trỏ, viết lên trên không: Nguyễn Trọng Hợp và Hồng Phì đều nhìn theo đó mà biên, được chữ nào đọc lớn lên, chữ gì sai, Tùng Thiện Vương viết lại. Khi nghe đúng 28 chữ, thì Thi ông tự duỗi thẳng hai tay, hai chân, thở dài một hơi, và nhắm mắt.

Hai mươi tám chữ Tuyệt Bút đó là:

Bán sinh học đạo thái hồ đồ
Thoát tỷ như kim nãi thức đồ
Tiến sảng đình ba Thiên Mụ nguyệt
Thuỷ hương lâm ảnh hữu nhơn vô

Dịch:

Nửa đời học đạo lắm mơ màng
Cởi dép như ri mới rõ đường
Thiên Mụ vầng trăng vui lướt sóng
Bóng non hương nước, có ai không

(Nguyễn Lê Châu dịch)

Tùng Thiện Vương không phải chỉ là dòng dõi nhà Nguyễn, mà còn là thi tài của đất nước . Tác phẩm Vương lưu truyền hậu thế, gộp làm 8 tập 54 quyển, thành pho Thương Sơn, và tất cả gồm có:

– Thương Sơn Thi Tập
– Thương Sơn Từ Tập
– Thương Sơn Thi Thoại
– Thương Sơn Văn Di
– Nạp Bị Văn Tập
– Độc Ngã Thơ Sao
– Lão Sinh Thường Đàm
– Tịnh Y Ký
– Tinh Kị Tập
– Học Giá Chí
– Thức Cốc Biên
– Nam Cầm Phổ
– Lịch Đại Thi Nhân Tiểu Sử
– Thi Kinh Diễn Nghĩa Ca

Riêng với ngài Huệ Cảnh, Tùng Thiện Vương đã tặng ngài và truy điệu ngài mấy bài thơ sau:

Dữ Tường Vân Tăng Thoại Cứu
Trùng ngộ đồng du lữ
Do diên bán tử thân
Trà liêu di cựu cúng
Thuyền tháp thoại cùng trần
Biến khởi phi tâm tưởng
Ưu liên xuất thế nhân
Dữ Sư ưng ngộ đạo
Chư tướng cánh thùy chân
(Trích từ Thương Sơn Thi tuyển)

Dịch:
Cùng Sư Tường Vân Nói Thoại
Cùng nhau gặp lại bạn làng chơi
Chết nửa thân này vẫn sống hoài
Nhã thú phòng trà đưa thức cúng
Trên giường Sư cụ nói tình đời
Tấm lòng chẳng tưởng bao thay đổi
Tấc dạ còn vương cuộc biến dời
Đạo lý cùng Sư mong giác ngộ
Cuối cùng, sắc tướng thực hay sai.
(Nguyễn Lê Châu dịch)

Hai câu 5-6: Biến khởi phi tâm tưởng/Ưu liên xuất thế nhân nghĩa là: cuộc biến cố, lòng không tưởng đến; mối liên can, người xuất thế hãy còn vương. Tùng Thiện Vương tâm sự với Hòa Trưng lọt vô đến nhà Duyệt Thị, chỉ còn cách một bức tường thì đến Long sàng, để giết vua Tự Đức đêm mùng 08 tháng 09 năm Bính dần. Thể Cúc là con gái đầu lòng của Vương. Đoàn Hữu Trưng, chồng của Thể Cúc, rể của Vương. Trên vườn dưa, dưới cội lý, dẫu Vương là người ngoài cuộc – xuất thế nhân – Vương cũng vẫn bị liên can với vị chàng rể. Vua Tự Đức xét Vương không có chi, và cũng thương tình Vương là bậc chú, nên chuẩn cho phạt bổng một năm, chiếu theo điều luật “phụ huynh bất năng cấm ước đệ tử”. Còn Thể Cúc, con gái yêu quý của Vương, bấy giờ đất rộng trời cao mà không còn có chỗ dung thân; Thể Cúc phải vào Đạo đường chịu phép rửa tội.

Hai câu kết, Vương có ý nói: Vương có kính phục bậc Cao tăng tâm hồn như tấm gương trong mới tìm hiểu đạo lý, tâm sự tình đời; chớ không bàn luận đạo lý với những người không thi hành thực hiện…

Trích từ Hàm Long Sơn Chí: Điệu Huệ Cảnh Xà-Lê Tam Thú (Thương tiếc viếng Hòa thượng Huệ Cảnh ba bài):

Bài 1:

Ký tại Vân Dương dịch
Bằng tham Tuyết Đậu thuyền
Mao am đồng vũ dạ
Tùng hỏa độ tàn niên
Ngôn cú vị toàn khế
Uông lõa phương kiến liên
Nãi tri Từ Thị pháp
Yếu phổ thí nhơn thiên.

Dịch:

Nhớ ở trạm Vân Dương
Cùng tham thuyền Tuyết Đậu
Am cỏ thấm đêm mưa
Năm tàn tiết lửa thông
Câu cú chưa khế ngộ
Gầy guộc mới thấy thương
Pháp Phật là rõ biết
Bình đẳng cho trời, người
.
(Nguyễn Lê Châu dịch)

Đặc biệt bốn câu giữa, Vương thương nhớ và ca ngợi tiết tháo của một bậc Cao tăng như Hòa thượng.

Bài 2:

Chư Thánh cầu nan kiến
U Nhơn khả đắc đồng
Thất lư lai vãng cận
Trượng lý hữu vô thông
Triêm duệ khán tiền biệt
Phù sàng vấn Lão Ông
Xuất gia chân đại sự
Kim nhật nhĩ do lung

Dịch:

Phật Thánh cầu khó thấy
Sâu xa khá có Người
Lui tới gần phương trượng
Giày gậy có không thông
Ướt áo trông biệt ký
Lật gường hỏi Lão Ông
Xuất gia thực trọng đại
Bây giờ còn điếc hung
(Nguyễn Lê Châu dịch)

Câu 6, Phù sàng vấn Lão Ông: Tác giả tự tay chú thích rằng: Năm Quý Sửu, Vương bị bệnh, Hòa thượng cho thị giả phụ mệnh tới thăm, Vương viết một bài thơ gởi lên đang Hòa thượng. Hòa thượng liền phúc đáp rằng: “Ngài bị bệnh. Lão tăng cũng bị tật. Tật bệnh không hai. Bốn tướng làm một”.

Bài 3:

Nam tôn  lão thuyền tướng
Tây trúc cổ tiên sinh
Trì kỷ nghiêm như luật
Phùng nhơn giác hữu tình
Ninh tri Thông Lãnh khứ
Khổ vọng trúc chi thanh
Tòng thử tầm sơn kịch
Thính chung sảng độc hành

Dịch:

Đốn ngộ vị Sư già
Tây Trúc bậc Thánh xưa
Hạnh giữ nghiêm như luật
Gặp người giác có tình
Đâu biết Thông Lãnh gặp
Đá liệng khổ chờ tre
Guốc gỗ từ vô núi
Nghe chuông xót một mình
(Nguyễn Lê Châu dịch)

Hai câu cuối tràn đầy thương cảm Thiền sư đã thị tịch rồi. Thi sĩ còn lại, đau lòng mỗi khi lắng nghe tiếng chuông chùa, xót mình vẫn còn đơn độc cuộc hành trình trong cõi trần lụy… Bốn năm sau (1870), Tùng Thiện Vương cũng từ trần. Lăng mộ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm gần bảo tháp Hòa thượng Huệ Cảnh. Phải chăng duyên Thơ duyên Thiền vãn còn vĩnh viễn lưu lại cho hậu thế chúng ta được chiêm ngưỡng tôn dung?

N.L.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here