Trang chủ Vấn đề hôm nay Mộc bản Phật giáo Huế: Báu vật chờ phương án bảo tồn

Mộc bản Phật giáo Huế: Báu vật chờ phương án bảo tồn

165
0

Sáng rõ tài hoa của tiền nhân

Số bản khắc trên được Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan văn hóa trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát, thống kê và đánh giá. Tính đến thời điểm hiện tại, ván khắc có niên đại sớm nhất tại Đàng Trong được tìm thấy là kinh Kim Cang, bản khắc đời Chính Hòa thứ 19 (Mậu Dần -1698), tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Bản khắc muộn nhất là bộ kinh Duy Ma Cật, do vị trú trì chùa Tường Quang (149 Chi Lăng) pháp danh Hồng Khế, tự Chơn Như, khắc vào năm 1980 và hoàn thành năm 1982. Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản mộc bản Phật giáo Huế là bảo vật có giá trị về nhiều mặt, không chỉ mang trong mình những nội dung thuần túy về tôn giáo, tâm linh, mà còn chứa đựng nhiều thông tin thuộc các lĩnh vực khác, như: văn chương, triết học, lịch sử, thư pháp, mỹ thuật, nghề thủ công điêu khắc truyền thống.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, một trong những giá trị của mộc bản Phật giáo Huế mà ông và các đồng nghiệp đánh giá cao nhất là trong rất nhiều bản khắc, thấy rõ sự cộng hưởng và đồng hiện tài hoa của cả người chủ khắc và nghệ nhân khắc. Người chủ khắc không chỉ thể hiện thông tin văn tự mà còn biểu lộ bút lực, tài năng qua nghệ thuật thư pháp và hình ảnh minh họa rất cụ thể. Trong khi đó, không phải người thợ khắc nào cũng có thể khắc được kinh trên mộc bản. Thường, nghệ nhân khắc mộc bản kinh Phật không chỉ hiểu chữ Hán mà còn phải thể hiện được cái thần qua mỗi nét phẩy, nét sổ tài hoa của người chủ khắc. “Khi nhìn những bản khắc có sự cộng hưởng ấy, chúng tôi vô cùng khâm phục. Cảm giác như những con người tài hoa đó đang ngồi trước mặt mình để viết chứ không phải là miếng gỗ tĩnh vật. Cái đẹp của mộc bản Phật giáo chính là ở chỗ đó”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.

Tổng thể, bản khắc mộc bản Phật giáo Huế có 3 loại, gồm: tân khắc (những bản khắc lần đầu tiên được thực hiện); trùng khắc (những bản khắc được khắc lại từ các bộ đã có trước đó) và bổ khắc (khắc lại những bản khắc đã có nhưng bị thất thoát, đồng thời có bổ sung cảm nhận của người đương đại). Từ điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nói thêm: “Nếu có đủ 3 loại cùng một bộ kinh thì chúng ta sẽ có một cái nhìn trọn vẹn hơn về bộ kinh đó. Chúng ta có điều kiện để hiểu được diễn biến tâm lý của con người qua từng giai đoạn, đồng thời có cơ sở để hiệu đính hoặc khảo dị những điểm chưa thống nhất giữa các bộ kinh của nhiều vùng miền khác nhau. Nếu để chúng nằm yên thì tất cả chỉ là tĩnh vật lặng lẽ làm chứng cho một giai đoạn nào đó trong lịch sử. Còn nếu biết khai thác những giá trị nội hàm của nó, mộc bản Phật giáo chính là bằng chứng thiêng liêng để thế hệ hôm nay và mai sau biết rằng, tiền nhân đã đến với tôn giáo như thế nào và những gì họ để lại, thật quý giá biết bao”.

Một bản khắc hình ảnh trong Kinh Phật. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Thành lập trung tâm lưu trữ tập trung

Hàng trăm năm qua, mộc bản Phật giáo Huế được cất giữ rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau và việc bảo quản chưa có sự đồng bộ và tương xứng. Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Giáo hội bắt đầu ý thức được giá trị của mộc bản Phật giáo Huế cách đây gần 20 năm, khởi đầu từ một cuộc triển lãm về mộc bản Phật giáo tại chùa Từ Đàm. Hiện nay, để có hành động mạnh mẽ hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của kho tàng mộc bản Phật giáo Huế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đang hướng đến việc thành lập một trung tâm lưu giữ tập trung, đủ điều kiện đạt chuẩn để bảo vệ hệ thống mộc bản trước các tác nhân gây hại, đồng thời có thể phát huy được giá trị một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi kinh phí, năng lực để thành lập được một trung tâm bảo tồn mộc bản đúng nghĩa (sẽ mất khoảng 10 năm), trước mắt, một mặt Giáo hội sẽ thường xuyên và tích cực vận động các chùa quan tâm bảo quản số mộc bản hiện có với điều kiện tốt nhất có thể; mặt khác, sẽ tích cực phối hợp với các kênh truyền thông để giới thiệu những cái hay cái đẹp của mộc bản Phật giáo đến với công chúng. “Nhưng điều này cũng lợi bất cập hại. Giá trị của mộc bản Phật giáo được giới thiệu rộng rãi càng nhiều thì nguy cơ di sản này bị kẻ xấu “nhòm ngó” càng không ít, trong khi không phải chùa nào cũng đủ khả năng để đảm bảo được sự an toàn”, Hòa thượng Thích Hải Ấn băn khoăn.

Đồng tình với Hòa thượng Thích Hải Ấn, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cũng cho rằng việc thực hiện ý định tập kết mộc bản về trung tâm lưu trữ để bảo tồn là vô cùng khó. Thực tế, những điểm chùa còn giữ mộc bản đều xem đó là pháp bảo (hoặc bắt đầu xem là pháp bảo sau khi các nhà nghiên cứu tiếp cận, phân tích) và đây là tài sản sở hữu thể hiện đặc tính tông phái rất rõ. Giải pháp khả thi hiện nay là Giáo hội cần tạo mọi điều kiện để các chùa có thể tự bảo quản mộc bản, đồng thời sớm mở các lớp tập huấn kiến thức về bảo tồn và ý thức gìn giữ di sản mộc bản cho các chủ nhân. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng Giáo hội Phật giáo tỉnh đã làm được việc có ý nghĩa rất lớn để báo động về sự sống còn của một khối di sản quý và đánh thức giá trị của di sản này trong ý thức của cộng đồng. Vấn đề còn lại là phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Phải xem đó là quốc bảo của văn hóa quốc gia thì mộc bản mới có cơ hội được bảo tồn lâu bền”.

Đồng Văn: Nguồn: baothuathienhue.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here