Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Minh triết Việt trong đời thường

Minh triết Việt trong đời thường

141
0

Hoàng Trọng Quị (1917-1988) có bút hiệu là Thanh Nghị người làng Nguyệt Biều, thành phố Huế đã định nghĩa thuật ngữ “minh triết” là sáng khôn và thông đạt sự lý và đã dịch thành Perspicace trong Tân Từ Điển xuất bản năm 1951. Thêm một thuật ngữ chỉ minh triết ngoài các thuật ngữ Sagesse, Sophia, Wisdom, Perspicacité…

1. Người ta đã dùng thuật ngữ ấy, ý niệm gần xa với thuật ngữ triết học quen thuộc này để đặt tên người như Minh Đức, Minh Đạo, Hiếu Triết, Triết Vương, Minh Triết… Tại thủ đô Hà Nội ngày nay, cạnh Văn miếu Quốc tử giám và nhà Thái học, nguyên xưa có thôn Minh Triết, một hình ảnh về làng cổ văn hiến của đất Thăng Long nghìn năm văn vật.

Còn chuyện của vua chúa thì sao? Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), ở ngôi 39 năm, thọ 68 tuổi. Lúc chưa lên ngôi, chúa đã từng lập nên võ công oanh liệt. Thế tử được phong Thái phó Dũng Lễ Hầu, năm Giáp Thân (1644), ngài đốc chiến vây đánh ba chiến thuyền của Hà Lan tại cửa Eo tức cửa Thuận An, làm thuyền trưởng của giặc phải tự tử, hai chiếc bỏ chạy, một chiếc bị va vào đá ngầm chìm nghĩm dưới vực sâu. Cha nào con nấy, chúa Nguyễn Phúc Thái kế vị, tháng 7 năm Đinh Mão (1687), đã cho dời Phủ Chúa từ Kim Long sang làng Phú Xuân, xây dựng thành quách và cung điện nguy nga tráng lệ(1). “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” là như thế.

Lúc chúa Nguyễn Phúc Tần băng, được dâng thuỵ hiệu “Triết Vương”, truy tôn “Hiếu Triết Hoàng Đế” vào đầu thế kỷ 19.

Minh Triết không còn là ý niệm siêu việt, xa vời mà lại rất gần với cuộc sống đời thường từ ở chốn cung đình cho đến tận ngoài dân gian thôn cùng xóm vắng. Minh triết đã trở thành tinh anh, quốc hoa ăn thâm vào huyết quản, tâm tư của người Việt từ lâu đời, lâu kiếp vào thuở lập quốc. Tiên và Rồng là hai vật tổ quấn quýt lấy nhau. “Thái Hòa” là nhờ đỉnh cao của âm dương hòa hợp. Quốc Thái dân an nhờ đạt được Minh triết vì rằng “Thiên địa bất giao nhi vạn vật bất hưng”. Tư tưởng dân gian, kinh Dịch, Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, Phật học tinh hoa là nền tảng, suối nguồn trong lành của Minh triết Việt.

Bộ Thánh kinh Minh triết (Bible of Wisdom) tập hợp những giá trị minh triết Đông phương như Khổng học, Lão giáo, Phật giáo, Thiền học, những giá trị minh triết cửa nền văn minh cổ Hy Lạp, La Mã, của nhiều triết thuyết cận và hiện đại.

Truy tìm về thuật ngữ vừa mang tính triết học, văn học lẫn tính dân dã, chúng tôi đã bắt gặp trong bộ sách Văn Đàn Bảo Giám do nhà thơ Tản Đà đề tựa năm 1934. Ở mục “Tiểu sử các bậc thi hào Việt Nam” của sách ấy cung cấp một tư liệu quý giá.

Thời Lê Trung Hưng có một vị thi đỗ Thám hoa, lấy phương danh Nguyễn Minh Triết. Ông người làng Dược Sơn tên Nôm làng Bạc, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương, cháu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Thiệu đời nhà Mạc. Vị tân khoa ấy được trọng dụng bổ làm quan thăng dần đến chức Binh bộ Thượng thư, phong tước Cẩm quận công. Năm tám mươi tuổi mới về trí sĩ, mười sáu năm sau tạ thế, được vua ban thuỵ hiệu là Văn Đẩu(2). Con người thông tuệ, thanh liêm sáng như sao Khuê, sao Bắc đẩu giữa trời đêm.

Tiểu sử này đầy đủ tình tiết hơn cả tiểu sử đã ghi trong mục nhân vật tỉnh Hải Dương của sách Đại Nam Nhất Thống Chí. Nguyễn Minh Triết học rộng, văn hay, đời rất tôn kính. Đó là giòng chữ đúc của Quốc sử quán thời Tự Đức viết về ông. Địa linh Hải Dương đã sinh quá nhiều nhân kiệt như: Mạc Đỉnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khoa Chiêm… Riêng Tuệ Tĩnh là vị thánh thuốc nam mà bia đá viết chữ Hán được dịch:

Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái Lĩnh
Sống nhờ cửa Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang.

Làng Dược Sơn, huyện Chí Linh ở bên sườn núi và thung lũng Dược Sơn; nơi làng cổ này còn có di tích nền nhà cũ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với cái tên “Vườn cổ Dược Sơn”(3).

Vin vào niên hiệu Đức Long, triều đình mở khoa thi Đình đã ghi trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí, cho nên mới ước đoán được năm sinh và năm mất của ông Thám hoa khoảng năm 1575-1671(4).

2. Nguyễn Minh Triết đã để lại cho đời bài thơ Nôm viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú với thi pháp và âm điệu dân dã chẳng khác nào thơ Nôm của Nguyễn Trãi hoặc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Giàu thì ba bữa khó thì hai
Lần đổi cho qua tháng thiếu đầy
Nón đổi lá ngoài quần đổi ống
Dép thay da mặt túi thay quai
Dặn vợ có cà đừng gắp mắm
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai(5).

Dẫu sao, chắc rằng tác giả dùng thủ pháp nghệ thuật cường điệu lên một vài cung bậc để pha phách chút dí dỏm khiến cho người đọc ai cũng mím cười, một nụ cười minh triết. Đã thế, ông Nghè thi đỗ ở tuổi muộn màng đến pháp số 54, đường hoạn lộ đạt đến danh phận Thượng thư, tước Quận công, từng sống một đời thanh liêm, cần kiệm. Đáng lý nên đặt tựa đề “Kiệm ước” thì ông Quận lại chọn đầu đề “Hà tiện”. Ông quá chân thật, trung thực, có sao nói vậy. Làm thơ theo lối “nói sao viết vậy mà vẫn là thơ”. Phải chăng nội dung ý nghĩa của bài thơ nhắm tới mục đích yêu cầu “chống lãng phí”. Một vấn đề cũ mèm mà lại rất mới. Dầu thế giới hôm nay đã tiến bộ, thiên hạ vẫn cổ xúy tận dụng phế liệu, kể cả rác thải làm nên sản phẩm có giá.

Trong lịch sử dân tộc, những tâm hồn lớn luôn gặp nhau. Cụ Nguyễn Công Trứ, lúc chưa làm quan nghèo xác xơ, nhưng không vì khó nghèo mà không biết kiềm chế tự thân để giữ được cốt cách, khí phách của người quân tử:

Đại nhân bao quản đường chênh lệch
Quân tử khôn nài chốn đá đanh(6).
(Đợi thời)

Chúng tôi không dám làm mất thì giờ của quý vị, nếu bình giải bài thơ của ông Quận sẽ rút tỉa ra được nhiều điều kỳ thú, bật lên một nụ cười hồn nhiên, hạo nhiên của bậc trượng phu đắc đạo Thánh hiền.

3. Văn học cổ điển nói việc bình thường bằng lời bình dị nhưng ý tứ thâm thúy. Trước năm 1942, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp viết lời Tựa sách “Việt Nam Cổ Văn Học Sử” của Nguyễn Đổng Chi đã nói ý nghĩa bao quát của thuật ngữ “Văn học” như sau:

“Văn là thay lời nói ghi chép hết thảy sự vật, nghĩa lý; học là gồm các tư tưởng, học thuật, tinh thần, khí phách của một dân tộc, một văn hoá”(7).

Xin lưu ý đến ba từ “một văn hóa” trong lời dẫn ở bên trên. Nói đến văn hóa tức là nói đến học thuật, tư tưởng, ý thức hệ và thậm chí là cả triết học đã được nâng lên thành học thuyết chủ yếu Ngôn ngữ chuyển hóa nghĩa lý theo thời đại cho nên phải chăng vì buộc lòng phải diễn giải ý nghĩa của thuật ngữ “minh triết” thành “văn hoá minh triết” cho nhẹ gam màu vừa lại dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Như thế, bài thơ “dí dỏm” của Cẩm quận công Nguyễn Minh Triết không hẳn chỉ là thơ văn mà còn hàm chứa sắc màu tư tưởng, khí phách như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu … với tiết tháo của bậc trượng phu:

Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược
Có nhân có nghĩa có anh hùng
(Quốc âm thi tập – Nguyễn Trãi)

Phải có trí, có nhân, có nghĩa nhưng phải “tùy duyên” mà không cứng nhắc vì biết cương – nhu, xoay xở uyển chuyển theo lối “chấp kinh tùng quyền” mới làm nên việc lớn.

Tinh thần sống theo phương châm “thiểu dục tri túc”, giảm bỏ bớt lòng tham mà cụ Thượng Trứ cũng như những nhà Nho chính thống tiền bối khác đã từng nói như muốn truyền chuyển cho người đời sau lấy đó làm cẩm nang để hành xử ở đời:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.

Giữa cơn bão lốc của thời “kinh thế thị trường” mà nhắc lại điều này thì có gì là lạc hậu không, là không thức thời chăng? Mỗi một cá thể sẽ suy nghĩ, trầm tư mỗi cách. Người bình dân, họ sẽ có câu trả lời theo nếp nghĩ: “Liệu cơm gắp mắm”, nhất thiết không chạy đòi theo lối “trưởng giả học làm sang”. Vừa mất công vừa tốn của: tiền mất tật mang làm di họa đến trước mắt và lâu dài. Biết lắng nghe dư luận quần chúng và tiếng thổn thức của đất trời thì không sa vào nguy cơ không lường trước được.

Điều quan yếu là phải biết vận dụng nội lực, dùng trí tuệ để sáng nghĩ ra kế sách làm cho đất nước giàu mạnh theo lối “phú chi” và “giáo chi” của tiền nhân. Các danh ngôn “Lương sư hưng quốc”, “Quí hồ tinh bất quí hồ đa”, “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đã truyền chuyển cốt lõi của tinh thần ấy.

Với tinh thần ấy mà tổ tiên ta đã dùng gậy tầm vông, dáo mác mà chống trả quân thù xâm lược. Với tinh thần và khí phách ấy mà nước Nhật đã canh tân đất nước xứ mặt trời mọc để theo kịp đà tiến của các nước phương Tây. Sau chiến tranh thế giới lần 2 (1939-1945), nước Nhật đại bại, nhưng nhờ tinh thần kham nhẫn, khí phách anh hùng mà tiến lên giữ được vai trò của cường quốc giống như các nước Tây phương và lại có nền văn minh có tầm cỡ được xếp vào hàng cự phách mặc dầu họ thuộc múi giờ địa cầu phương Đông. Giàu mạnh như Nhật Bản mà nhân dân nước họ, đủ mọi giai tầng xã hội sống đời kiệm ước. Cụ thể là không lãng phí thời gian, không bỏ hoang một rẽo đất nào như dân xứ sương mù Anh quốc vậy. An ninh lương thực bảo đảm và an toàn. Kẻ sĩ ngày xưa cảm thấy thẹn người khi thấy đất để hoang phế mà dân lại thiếu ăn, thiếu học.

4. Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, nông dân Bắc bộ chịu thương, chịu khó với cảnh một nắng hai sương mà đã rút tỉa ra được phương thức trồng lúa nước và các loại cây trồng khác: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Công thức ấy đáng lý ra phải do những nhà khoa học, những vị khoa bảng được may mắn đi học khắp Đông-Tây phát kiến mới phải lẽ. Đằng này để cho các nông dân, lão nông chịu khốn cùng cảnh thiếu ăn, thiếu học tìm ra. Phải chăng trí tuệ nông dân bừng sáng lên khi gặp nghịch cảnh mới trực giác được chân lý: “sự cùng tắc biến, biến tắc thông” mà tiền nhân đã chỉ dạy. Thời mới, quan hệ sản xuất đổi mới, kỹ thuật trồng tỉa đổi thay, nước ta đã thừa lúc gạo xuất khẩu đứng hàng đầu trên thế giới.

Thế hệ ngày nay tri ân những bậc khoa bảng như Lương Đình Của, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Tôn Thất Tùng, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hữu Ba… đã dâng hiến cho đời tất cả sở tài, sở học. Tiếng đàn bầu Việt Nam chỉ một giây độc nhất đã làm rúng động thấu tâm can của những triết gia có tầm cỡ như Jean Paul Satre nễ phục người Việt. Về lãnh vực triết học, phải kể đến công trình biên khảo, phát kiến của Trần Đức Thảo được thế giới tôn vinh là triết gia hiện sinh vào cuối thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Không có minh triết, khí phách Việt Nam thì làm sao có được những danh nhân trong từng lãnh vực chuyên nghiệp và chuyên biệt.

Minh đức, minh triết làm sáng tỏ những phẩm cách và đức tính sẵn có nơi chính mình. Minh triết là túi khôn dạy con người biện biệt rạch ròi, sáng sủa, thông đạt sự lý. Tinh thần nhân văn và nhân bản thể hiện rõ nét trong thái độ ứng xử thuận lý của con người đối với vũ trụ, thiên nhiên và xã hội sao cho phải lẽ:

Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông mới cạn
Thuận trai thuận bạn mới cạn biển Đông.

Nội dung khớp đúng tinh thần cốt lõi của bài thơ thần xuất hiện vào tháng 2 năm Ất Mùi, 1655:

Trước hết lòng người thuận
Lấy đức hóa cõi đời
Cành lá tuy rơi rụng
Cội gốc khó chuyển lay
(8)

Trong quá trình lâu dài dựng nước và giữ nước truyền thống ấy luôn luôn được phát huy đậm nét hay mờ nhạt theo từng thời kỳ. Người phương Tây đã từng nhận định: “Sau một giai đoạn các triết gia không còn quan tâm nữa, vấn đề minh triết ngày nay lại trở thành một đề tài trọng tâm trong suy tưởng hiện đại”.

(Après une certaine phase de désintérêt de la part des philosophes, la sagesse redevient aujourd’hui un sujet central de la réflexion contemporaine)

Minh triết Việt đã có sẵn trong kho tàng văn hóa Việt, trong chéo áo của những người thông tuệ và đạo hạnh. Không băn khoăn vội vã đi tìm đâu xa ở chân trời viễn mộng. 

Huế, ngày 20.11.2009
L.D.T

 

Chú thích:
(1) Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Vĩnh Cao và ctg, Thuận Hoá, Huế, 1995, tr.131, 132, 141.
(2) Văn Đàn Bảo Giám, Tập 1, Trần Trung Viên sưu tập, Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968. Phần tiểu sử các bậc thi hào Việt Nam không ghi số trang.
(3) Đại Nam Nhất Thống Chí, Tỉnh Hải Dương, Tập 3, Quốc sử quán, Phạm Trọng Điềm dịch, Thuận Hóa, 1992, tr.410-450.
(4) Vua Chúa Việt Nam qua các triều đại, Trương Công Tín, Đà Nẵng, 2008, tr.183.
Vua Lê Thần Tông lấy niên hiệu Đức Long từ năm 1629-1634.
(5) Văn Đàn Bảo Giám, Tập 2 sđd, tr.4.
(6) Văn Đàn Bảo Giám, Tập 2 sđd, tr.5, 6, 7.
(7) Việt Nam Cổ Văn Học Sử, Nguyễn Đổng Chi, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách văn hoá, Sài Gòn, 1970, tr.IX.
(8) Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Tập 1, Viện Sử học dịch, Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 63. Bài thơ thần nguyên gốc bằng chữ Hán được phiên âm như sau:
Tiên kết nhân tâm thuận,
Hậu thi đức hóa chiêu
Chi diệp kham tồi lạc
Căn bản dã nan dao

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here