Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Miền đất di sản

Miền đất di sản

130
0
Sau ba giờ bay từ Bangkok (Thái Lan), chúng tôi đến Colombo, thành phố lớn nhất Sri Lanka. Trên chuyến bay khá đông du khách nước ngoài, những cô tiếp viên Hãng hàng không Sri Lankan trong bộ trang phục sặc sỡ như chim công luôn tươi cười với khách. Cung cách phục vụ chu đáo của Sri Lankan Airlines và hình ảnh sân bay quốc tế Bandaranaike ở Colombo đã làm tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về một nước nghèo vừa trải qua cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.
Đá Sư Tử ở Sigiriya với rừng cây rộng lớn vây quanh – Ảnh: Việt Phương
 
Sân bay Bandaranaike rộng rãi, sáng sủa và hiện đại, hành khách đông đúc, máy bay lên xuống khá nhộn nhịp.
 
Từ sân bay chúng tôi không vào thẳng Colombo mà thuê xe đi Kandy, thành phố ở miền trung Sri Lanka, bởi đơn giản tại thành phố cổ kính này và các điểm gần đó là nơi có các di sản thế giới. Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất là (núi) đá Sư Tử ở Sigiriya, cách Kandy chừng 100km về hướng bắc.
 
Giữa một khu vực bằng phẳng rộng lớn, đá Sư Tử hiện lên sừng sững và dựng đứng, nơi hơn 1.500 năm trước vua Kassapa I – kẻ giết cha và truất quyền anh trai để cướp ngôi – đã cho xây cung điện trên đỉnh vì sợ bị trả thù. Sau khi Kassapa I bị chính anh trai mình lấy lại ngôi báu, cung điện trên đá Sư Tử trở thành tu viện Phật giáo cho đến thế kỷ 14 rồi bị bỏ hoang đến đầu thế kỷ 19 khi các nhà thám hiểm phát hiện và khai quật nó.
 
 
Bích họa trong hang động ở lưng chừng đá Sư Tử – Ảnh: Việt Phương
 
Toàn cảnh chùa Răng Phật – Ảnh: Catherine Whitworth
 
Hiện nay những gì còn lại tại đá Sư Tử là nền móng của cung điện cũ xây bằng gạch. Ở lưng chừng núi đá có những bích họa được vẽ trong một hang động, cho ta hình dung ít nhiều về con người và cuộc sống ở đây vào thế kỷ thứ 5. Nếu không có sức khỏe, khó lòng leo lên đỉnh khối đá cao hơn 200m này.
 
Vé vào tham quan đá Sư Tử là 30 USD, khá đắt so với khách du lịch balô. Tuy nhiên với một di tích được bảo tồn kỹ lưỡng và lâu đời như đá Sư Tử cùng với khu rừng rộng lớn bao quanh, thật đáng đồng tiền khi đến đây.
 
Trên đường từ Sigiriya về lại Kandy, chúng tôi ghé thăm chùa Hang ở Dambulla, có từ thế kỷ thứ 1. Chùa nằm trên lưng chừng núi, bên ngoài có một tượng Phật khổng lồ màu vàng nên chùa còn có tên là chùa Vàng Dambulla; bên trong có 153 tượng Phật của nhiều thời kỳ, một số tượng thần Ấn giáo và tượng của các vì vua Sri Lanka.
 
Những tượng Phật được đặt trong hang đá và trên khắp các vách đá là các bức bích họa với diện tích lên đến 2.100m2. Đây là hệ thống chùa trong hang núi lớn nhất và được bảo quản tốt nhất ở Sri Lanka.
 
 
Bên trong chùa Hang ở Dambulla có hàng trăm tượng Phật và các bức họa phủ kín vách đá trong hang – Ảnh: Việt Phương
 
Tượng Phật vàng bên ngoài chùa Hang – Ảnh: Wikipedia
 
Kế đó chúng tôi đến chùa Răng Phật, nơi luôn có rất đông du khách và phật tử, có cả những đoàn phật tử đến từ nước ngoài trong trang phục trắng, tay cầm hoa sen đi thành từng hàng dài. Từ chùa Răng Phật có thể phóng tầm mắt tới hồ Kandy cũng như thành phố Kandy bản thân cũng là một di sản văn hóa thế giới.
 
Ngoài các di sản văn hóa, đảo quốc giữa Ấn Độ Dương này còn rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà nếu muốn tham quan toàn bộ phải mất tối thiểu hai tuần. Chỉ vài ngày ở Sri Lanka, đất nước này đã gây ấn tượng đặc biệt cho tôi về sự nền nếp, trật tự trong sinh hoạt xã hội, cách thức bảo tồn các di sản một cách chuyên nghiệp và ý thức bảo tồn di sản của người dân cũng như thái độ thân thiện, hiền lành, hiếu khách của họ.
 
Sunil Somarathna, người lái xe chở chúng tôi đi thăm các di sản, hào hứng: “Vài năm trước không có mấy khách du lịch đến Sri Lanka nhưng giờ thì đông lắm!”.
 
Việt Phương ( Tuổi Trẻ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here