Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Mệnh lệnh từ trái tim

Mệnh lệnh từ trái tim

123
0

Những ngày qua, nhiều người đã khóc, nước mắt đã ướt đẫm trên má nhiều người, trên những trang báo trong và ngoài nước. Dòng người xếp hàng trật tự đến lạ thường giữa phố phường Hà Nội, trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, kéo dài ra nhiều tuyến phố hàng giờ – để chờ tới lượt vào viếng bác – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng của nhân dân, một trong 10 danh tướng của mọi thời đại được thế giới tuyên dương (bên cạnh tướng Trần Hưng Đạo) (*).

Điều gì đã khiến nước mắt người người phải đổ, và điều gì đã khiến nhiều người ở xa xôi cũng lặn lội đường xa trở về thủ đô chờ giờ viếng bác? Đâu có mệnh lệnh nào được truyền đi, và tất nhiên, trong dòng người tự nguyện ấy ai cũng chân thành tìm về và hướng tới Đại tướng như một lẽ hiển nhiên. Gọi đó là “lẽ hiển nhiên” bởi vì hành động dễ thương ấy phát xuất bởi mệnh lệnh từ bên trong – mệnh lệnh của trái tim. 

Nhân dân cảm được cái tài, cái tâm, nể phục Đại tướng không phải chỉ ở sự thao lược, cầm binh, mà ở cả cái tâm, sự an nhiên trước mọi biến thiên của thời cuộc, bởi niềm thao thức cho đến cuối đời của một người luôn nghĩ tới vận mệnh đất nước, thương dân, nhớ nghĩa đồng bào…

Bao nhiêu hình ảnh của ông đã được truyền đi và bao nhiêu sự bày tỏ lòng kính quý dành cho ông chắc chẳng thể nào thống kê bằng con số mà chỉ có thể cảm bằng trái tim, bằng tấm lòng rộng mở chứ không thể bằng mắt thường đong đếm.

Sống để rồi thác, và gửi lại cho nhân thế một hình ảnh đẹp, để người ta quý mến, nể phục, thương khóc là một điều không phải ai cũng có thể làm được. Nhất là đối với những người có nghiệp làm “quan” theo nghĩa được nắm trong tay quyền lực, chức tước với biết bao nhiêu cám dỗ, thị phi, làm người khăn khó. Vậy mà ông – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống được lòng dân, được trân trọng gọi là “vị đại tướng của nhân dân” trong vô vàn kính quý. 

Thiết nghĩ, ông đã làm nên một huyền thoại nữa ngay ở giờ phút ra đi của mình, chính là đã lấy nước mắt của nhiều người, khóc tiễn ông vì niềm thương kính, biết ơn chứ không phải bi lụy, đau thương thường tình. 

Ông đã viết những trang sử cho dân tộc và viết trang đời của mình bằng tài ba và đức độ, trở nên bất tử, đi vào lòng quần chúng và sống mãi cùng nhân dân. Không những thế, với cái tâm và cái tầm của Đại tướng, ông còn khắc ghi vào lòng bè bạn năm châu, ngay cả những người đã từng ở bên kia chiến tuyến một sự nể phục, họ trân trọng gọi ông là “kẻ thù danh dự”.

Nghĩ đến ông và nhớ về những gì đã học, đã biết, nhìn những gì đã, đang biểu hiện trong giờ phút cúi chào một bậc vĩ nhân, một vị tướng thiên tài, bình dị… của người dân khắp chốn, bất phân ranh giới trong những ngày qua để thấm thía ý nghĩa của thi kệ trong kinh Pháp cú (phẩm Hoa) mà Đức Phật đã thuyết: “Hương các loại hoa thơm/ không ngược bay chiều gió/ Nhưng hương người đức hạnh/ ngược gió khắp tung bay”…

Và lại thêm một lần nữa, cúi đầu trước ông trong niềm kính tiếc, thì thầm nguyện cầu anh linh ông về miền Tịnh cảnh… 

L.Đ.L

———————– 

(*) Việt Nam có 2 trong 10 vị tướng thuộc hàng danh tướng của mọi thời đại. Đây là điều để ta nhớ rằng, Việt Nam có những con người xuất chúng, nơi mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, và cũng nhắc mình nhớ, đất nước ta theo chiều dài lịch sử, đã phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Thời thế tạo anh hùng. Chính trong thương đau đó, đã có những con người vĩ đại, hóa thành bất tử… 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here