Trang chủ Phật học Mẹ từ bi

Mẹ từ bi

171
0

Trên đường tầm đạo, sau khi theo đuổi con đường tu khổ hạnh ròng rã sáu năm, một ngày nọ Phật kiệt sức. Một thiếu nữ đến dâng bát cháo sữa. Sau khi dùng xong bát cháo sữa, cảm thấy sức khỏe hồi phục, đức Phật nói với người thiếu nữ Tu Xà Đề ấy rằng: “Hôm nay Ta nhờ bát cháo sữa của người mà được mạnh khỏe như xưa, công ơn ấy Ta biết lấy gì mà đền đáp lại cho người?”. Cô Tu Xà Đề đáp: ‘Thưa Ngài! Công của con chỉ là một đóa hoa lan nhỏ bé, chỉ vài giọt sương mai là đủ để tươi thắm rồi. Con không có một mong ước tham cầu nào hết. Con sống không đòi hỏi cũng không từ chối, thản nhiên nhận lấy mọi việc không may xảy đến với con, không oán trách cũng không trốn tránh. Nhưng bao giờ con cũng tin chắc rằng những điều xảy đến ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay; vì như con đã thấy, những việc ác sẽ gây họa và những việc thiện sẽ tạo phúc. Một hột giống lúa tốt sẽ mang lại một chuỗi hạt lúa vàng. Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này mà thôi: Bớt dục vọng và thêm tình thương’. Đức Phật mĩm cười bảo: 

“Những gì người nói rất đích đáng. Sự hiểu biết của người không cần kinh sách. Người đi đúng đường không cần ai chỉ bảo, như con bồ câu bay trúng hướng một cách tự nhiên. Nhưng trong nhân loại, thử đếm được mấy người hiểu và sống như thế? Và biết bao người cần phải có kẻ chỉ dẫn. Chính vì thế mà Ta đi tìm đạo. Thôi người hãy về đi. Ta chúc người làm tròn phận sự của người; còn Ta, Ta sẽ làm tròn phận sự của kẻ đi tìm phương giải thoát cho nhân loại”.

Xưa kia, có lẽ chính vì chí nguyện cao thượng ấy mà Ngài đã từ giã vương cung để đi tìm chân lý. Ngẫm chuyện xưa, chừ bỗng dưng nhớ lại chuyến tham bái Thiền tập tại Trúc Lâm Bạch Mã. Đó là ngày lên đỉnh núi thiêng Bạch Mã, tôi đã nhìn thấy giữa bầu trời bao la trong xanh, mây trắng như đang ngủ yên. Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đang ngồi đó rất thanh tịnh, oai nghi và vô cùng trang nghiêm. Ngài như đang hiện hữu và đang nhìn xuống chúng sanh, như đang chứng kiến bao diễn biến của cuộc đời với muôn ngàn sự sống bèo bọt và đau thương. Dáng Ngài uy nghiêm, như đang trầm tư và lắng nghe âm thanh của cuộc đời để mà cứu rỗi.

Đã bao lần hiện thân cứu chúng sanh thoát khỏi lầm than, Ngài hiện thân soi sáng đường đi của chúng ta; trong ánh mắt từ bi mầu nhiệm, Ngài như thấu suốt và cảm thông hết thảy. Giây phút này con đang niệm danh hiệu Ngài, ‘Nam mô đại từ bi Quán Thế Âm Bồ-tát’, lập tức mọi ưu phiền liền tan biến.

Ngày quán niệm thong dong và thanh thản tâm hồn, như ngàn mây trắng bay cao trên đỉnh đồi thiêng, mong được chiêm ngưỡng rõ tôn dung của Ngài an tọa. Một vùng mây trắng hiện, Ngài ngồi yên trên đài sen như vừa vui mừng vừa như nhắc nhở chúng con hãy tụ tập tự trở về với bản tánh thanh tịnh. Ngày quán niệm của ngàn mây “Bạch Mã” chúng con cùng hát thiền ca: ‘thở vào thở ra là loài hoa tươi mát… là núi vững vàng…nước tịnh lặng chiếu… không gian thênh thang… Thở vào tâm tỉnh lặng thở ra miệng mĩm cười – Thân và tâm an trú, bây giờ và ở đây’.

Bồ Tát Quan thế Âm là một hình ảnh tuyệt diệu của sự thực tập, và chúng ta quả thật có đủ thiện duyên để thực tập và quán chiếu công hạnh của Ngài. Như lắng tai nghe để hiểu và để rõ biết chúng ta đang có mặt. Sự có mặt trong giờ phút ấy bỗng dưng trở nên mầu nhiệm, nhưng sự mầu nhiệm ấy đến và đi rất nhanh. Ngay trong giây phút ấy, ta thấy tâm ta thanh thản lạ lùng. Khi ta niệm đức Quán Thế Âm, thì chất liệu Quán Thế Âm liền có mặt. 

Niệm ở đây là chánh niệm, là nhớ nghĩ, là tỉnh thức. Ngài là người mẹ nhiệm màu, là biểu hiện của tình thương, là một sự thực tập để đem lại niềm vui cho nhiều người, trong đó có ta. Lắng nghe, tìm tòi là những chất liệu có sẵn trong lòng của tất cả chúng ta. Bồ-tát Quán thế Âm đã thực hành sự quán chiếu sâu xa và thấy năm uẩn đều là ‘không’, không phải ngoan không, rỗng không mà là sự nhiệm mầu vi diệu của ‘không’, ‘không tánh’. Nhờ đó, Ngài, theo kinh Lăng nghiêm, đã chứng ngộ được lục căn viên thông và thể hiện lòng từ bi tam muội đối với tất cả chúng sanh bằng cách hiện vô lượng thân để cứu khổ vạn loại hữu tình. Do đó, Ngài có thể có mặt đồng thời ở nhiều nơi. Còn chúng ta, nếu thực tập và quán chiếu thấy rằng năm uẩn là không, thì một ngày kia chúng ta cũng sẽ có thể chứng được đạo quả như Ngài đã chứng không khác.

Nếu những ai là người mẹ Việt nam, thì nên thực tập hạnh của ngài Quán Thế Âm. Thực hành công hạnh của Ngài chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là muốn làm cho gia đình và gia đình của mẹ chồng luôn được bình an và hạnh phúc, và lòng mong muốn ấy trải rộng ra những gia đình chung quanh trong dòng tộc, trong xã hội và đất nước hiện tại. Vì vậy tuy là người trần mắt thịt, Ngài có rất nhiều tay, nhiều mắt, cho nên Ngài có thể quán thấy và nghe tiếng kêu than để giúp những chúng sanh đang khổ não trong nhiều nơi ở cùng một hoặc trong nhiều phương khác nhau. 

Nếu là những người cha, thì cũng nên thực tập sự quán chiếu như thế; vì cũng đã có người biết lo cho hàng trăm người trong một lúc. Những người ấy có thể có mặt ở nhiều nơi bằng nhiều phương tiện đặc thù, hoặc có thể đến với bà con thân thuộc, với con cháu, với anh em họ hàng…

Về thể tánh, Bồ-tát và chúng ta hoàn toàn không khác biệt; còn luận về tâm thì “tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt”. Thế nhưng diệu hạnh của Ngài đã trở nên siêu việt phi thường, còn sự thực tập và hành Bồ-tát hạnh của chúng ta chưa đến nơi đến chốn. Để cứu khổ ban vui, hạt giống từ bi có đủ trong tâm, và nếu ai thực tập đúng pháp môn ấy, thì cũng có được khả năng như Ngài. 

“Khi một người niệm danh hiệu Quán thế Âm cũng phải chuẩn bị tâm của mình cho thanh tịnh, cho chí thành thì mình mới bắt được cái nguồn gốc năng lượng đại bi kia. Niệm mà thấy cái hiếu và cái thương có mặt trong ta, thì lúc đó niệm mới thực sự hữu hiệu; còn niệm bằng miệng mà trong lòng vẫn còn hờn giận, nghi kỵ, tham lam, buồn chán, thì sẽ không nắm bắt được cái tinh lực của Quán thế Âm đang hiện hữu nơi chính mình; bởi Ngài là hiện thân của cái hiểu, cái thương và cái hành động. Khi chắp tay lễ Ngài phải thấy Ngài có trong ta và ta có trong Ngài thì sự lễ dạy đó mới đúng tinh thần Phật giáo”. Đó là ý nghĩa về ‘tánh không tịch’, tánh không vắng lặng.

Trong khoa nghi lễ Phật hằng ngày, chúng ta thường xưng tụng hoặc thán rằng: “Năng lễ sơ lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Chỉ vì con nhận thức được như vậy cho nên con biết rằng sự cảm ứng và sự giao tiếp giữa con và ngài mới thật là mầu nhiệm mà không thể nào diễn tả bằng tư tưởng và bằng ngôn ngữ được. Tình thương là một sự thực tập để dem lại niềm vui cho nhiều người trong đó có ta. Có lòng thương thì tất cả mọi thứ điều trở thành tươi mát. 

Năng lực của thiền-định vô cùng vi diệu và mầu nhiệu, vào lửa mà lửa không cháy được, điển hình như trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Lửa từ bi bằng trái tim thiền định thì không bị lửa hận thù thiêu cháy và Ngài đã tĩnh tọa điềm nhiên trong lửa đỏ. 

Trong đời sống hàng ngày cho dù cực nhọc, chúng ta phải nên tu quán âm thanh của cuộc đời, tức là chú tâm soi chiếu, nhìn sâu, nhìn kỹ để hiểu. Hiểu cả cái chất liệu tạo ra sự thương yêu đó; vì có hiểu được thì mới thương. Bồ-tát Quán Thế Âm là tượng trưng cho sự thương yêu lớn, cho hạnh đại từ đại bi. Khi đã có đức Quán Thế Âm ở trong lòng bằng sự hiểu biết thương yêu, thì Quán thế Âm là chất liệu cam lồ của tình thương, của sự thanh lương vi diệu. Hiểu và thương mang đến cho chúng ta tinh thần trách nhiệm, tinh thần này sẽ bảo vệ cho chúng ta, nghĩa là tâm ta được điều phục, thân ta được hộ trì vì nhờ năng lực của ngài Quán Thế Âm. Nếu chúng ta biết vận dụng sự quán chiếu công hạnh của Bồ-tát Quan thế Âm vào lòng, thì sự lợi ích và tươi mát sẽ trang trải cho những người chung quanh. Ánh sáng của hiểu biết đi vào để xóa dần ngu si. Lửa tham lam, lửa sân hận, lửa si mê là ba tai họa nung nấu và thiêu đốt mọi công đức phước thiện, là vô minh, đầu mối của mọi hoạn nạn và mọi tai ương ách nạn. 

Chúng sanh khi tưởng niệm đến hình bóng của ngài Quán Thế Âm và danh hiệu của Ngài là tiếp xúc được với chất liệu từ bi và trí tuệ cao siêu và mầu nhiệm, thì phép lạ hiển hiện trong ta, nỗi khổ đau tự tan biến. Đó là một sự thực. Có lẽ sự mầu nhiệm ấy, cho nên hình ảnh của ngài Quán Thế Âm rất gần gũi trong nhân gian, được thờ tự rất phổ biến và công hạnh của Ngài cũng được tán thán rất nhiều. Hòa thượng Nhất Hạnh đã cảm tác mấy vần thơ ca ngợi và  tán dương Ngài: 

“Phổ môn vọng tiếng triều dâng

Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen

Cam lồ một giọt tưới lên

Xuân về trên khắp mọi miền núi sông

Nam mô Bồ Tát Quan thế Âm”.

Nói đến học Phật Pháp thì không thể không đề cập đến diệu dụng phi thường và năng lực mầu nhiệm của thiền-định. Thiền-định hay thiền na, tiếng Phạn là Dhyāna, tiếng Pali là Jhāna. Thiền gồm những phương pháp tu tập khác nhau nhưng với mục đích chung là đạt đến sự tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát. Thiền gồm có hai: thiền chỉ và thiền quán. Nói gọi là ‘chỉ’ và ‘quán’. ‘Chỉ’ là dừng lại, giữ tâm thức an tịnh, không tán loạn, đình chỉ mọi ý nghĩ lăn xăn. Còn ‘quán’ là quán xét, soi rọi kỹ về một vấn đề gì, tìm cách thấy rõ nguồn gốc của nó. Ví dụ quán về thân, về sự cảm thọ, về tâm, về pháp, hoặc quán chiếu một trong tứ đại, hoặc quán về khổ, về vô thường, về vô ngã, v.v…

Những bài học như chánh niệm, tỉnh thức hay lắng nghe. Nghệ thuật nghe pháp thoại, năm hoặc mười phút ngồi tịnh tâm trước hay sau buổi lễ Phật hàng ngây, hàng tuần, v.v… Tất cả điều nằm trong nội dung của sự thiền tập. Về lý thuyết có nhiều phương pháp thiền, về thực hành nên chú trọng hai phần sám hối (tu tâm dưỡng tánh) và tập ngồi thiền (tại chùa cũng như ở nhà hay ở những khóa tu học). Tụng và thực hành sám hối các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v…); soi rọi lại mình từ cái nhìn, cái thấy, cái nghe, v.v… như khi thấy vật hoặc các sắc, như: hoa, lá, tiền tài, của cải, v.v… thử xem tâm mình có sinh lòng tham muốn chiếm hữu hay không. Tai nghe tiếng khen chê có sinh tâm vui buồn, ngã mạn hay giận dữ hoặc ganh ghét hay không. Nếu thấy mình có lỗi thì phải sữa lỗi. Thực hành thiền tùy theo nhiều cấp độ khác nhau, nhưng dù bất cứ dưới hình thức nào, chúng ta cần phải nhìn lại chính mình từng giờ tùng phút, chứ không phải chỉ thiền tập quán chiếu trong thời gian của khóa tu mà cho là đủ. Chúng ta mới bước đầu làm quen với thiền như phép đếm hơi thở (sổ tức quán) để giữ tâm tỉnh lặng, tập dừng lại những tư tưởng lăn xăn. Soi rọi lại mình khi tâm tĩnh lặng, thấy rõ tâm tham đang khởi lên và tâm tham bị hóa giải như thế nào. Mục đích là để chuyển hóa tâm tham thành tâm vô tham, tâm đố kỵ thành tâm bình đẳng, tâm giận dữ thành tâm từ bi, v.v… 

Về pháp môn tu quán, như quán vô thường bằng cách trầm tư suy ngẫm về vô thường trong đời sống, như: động đất, sóng thần, thiên tai, lũ lụt, v.v… và cần phải thấy được sự vô thường ngay trong chính tâm ta. 

Việc tu tập thiền định là để thấy được những thói quen xấu xa, sai lầm và để chữa trị bệnh tham lam, ganh tị, độc ác, mà chúng là một trong những nguyên nhân khiến tâm ta phiền não, sầu muộn, hoặc bị dao động, điên đảo bất an. Hãy buông thả tất cả trạng thái ấy để trả lại cho tâm những giấy phút tĩnh lặng trong sáng. 

Có rất nhiều người nghĩ rằng việc tu tập như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm phật, v.v… là đủ mà quên kiểm chứng xem tính xấu của mình có giảm bớt không, tính tốt có tăng thêm không. Những thói quen xấu ác có hoạt động mạnh không. Nếu siêng năng ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú v.v… mà tâm cố ý hại người vì lợi ích tự kỷ cho bản thân thì việc tu tập như thế không có kết quả, tâm phàm phu vẫn mãi là tâm phàm; vì không có tu tâm dưỡng đức. 

Việc hành thiền trong cuộc sống là tập tỉnh thức, ý thức rõ mình đang làm gì, đang nói gì, đang nghĩ gì, thảy đều biết những việc mình đang làm mà việc làm ấy không gây đau khổ cho mình và cho con người khác. Chúng ta cần phải biết và thấy việc mình đang làm là đem lại hạnh phúc an vui cho mình và cho người chung quanh nữa. Do đó, trước khi hành thiền tập, tối thiểu cần phải hội đủ ba điều kiện, đó là: phát bồ đề tâm, xa lìa tham sân chấp ngã và hiểu rõ được tánh không. Đặc biệt là không nên quên mất tâm bồ-đề, vì kinh Hoa nghiêm dạy rằng: “Quên mất tâm bồ-đề mà làm các thiện pháp, thì đó là hành động của ma”. Tánh không là tánh duyên khởi của các pháp. Ý nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ này, ở thế giới ta bà này điều không có thật tánh, và không có cái gì độc lập tồn tại; vì “cái này có thì cái kia  có; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này không thì cái kia không; cái này diệt thì cái kia diệt”. Chúng ta phải thường quán sát như thế. 

Khi đã biết pháp duyên khởi, đã tin nhân quả, nghiệp báo, thì không còn mong cầu hay van xin. Chính mình là người ban ơn hay giáng hạo cho mình, tùy vào hành vi của mình thông qua ba nghiệp thân, miệng, ý là thiện hay bất thiện mà thôi. 

Bàn về lẽ vô thường, những vị Thiền sư xưa kia với con mắt tuệ, đã quán nhìn các pháp xuyên qua định luật vo thường. Bằng âm sắc thi ca, bằng hình tượng nghệ thuật, các ngài đã thức tỉnh và chỉ cho chúng ta biết sự mong manh của kiếp người. Như bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh mô tả: 

“Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ cây tươi tốt, thu qua rụng rời;

Sá chi suy thịnh việc đời,

Thịnh suy như hạt sưởng rơi đầu cành”.

Hoặc hai câu thơ của Thiền sư Viên Chiếu cũng chỉ ra lẽ vô thường ấy: 

“Thân như tường bích dĩ đồi thì,

Cử thể thông thông thục bất bi”.

(Thân như tường vách dễ lung lay.

Ai chẳng thương tình cuộc đổi thay).

Thải tử Tất Đạt Đa, khi còn ở trong vương cung, Ngài đã thật sự thấy rõ luật vô thường ấy. Đó là khi nhìn Da Du Đà La, theo Ánh Đạo Vàng, Ngài nói: “Ôi! mắt trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em rồi sẽ úa tàn. Ta nghe trong ta, trong em và trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi dổ vỡ dưới sức tàn phá của cuộc thời gian. Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương”.

Nhưng tâm niệm thị phi, được mất, hơn thua ở đời sớm muộn gì rồi cũng sẽ rơi rụng theo hoa buổi sớm, lợi danh cũng sẽ như trận mưa rào qua đêm. Chính vì ý niệm đó ngài Trần Nhân Tông cảm tác rằng:

“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn”.

Diễn tả về trạng thái thay đổi biến dịch sinh diệt vô tận của tâm, kinh Hoa nghiêm ví tâm như là người họa sĩ, như kệ nói:

“Tâm như chàng họa sĩ,

Vẽ ngũ ấm thế gian,

Tất cả thế giới kia,

Do tâm mà tạo tác”.

Đứng về phương diện thời gian, các pháp đều phải trải qua sự vô thường, sanh, trụ, dị, diệt và thành, trụ, hoại, không. Có lẽ nhận ra được điều này cho nên chúng ta thấy thiền sự Viên Chiếu rất thong dong tự tại giữa cuộc đời. Ngài nói rằng:

“Nhược đạt tâm không, không sắc tướng,

Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay”.

(Thiền sư Viên Chiếu)

Tình thương là một sự thực tập để đem lại niềm vui cho ta và cho được nhiều người, vậy chúng ta ghi nhớ luôn chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Có lòng thương thì tất cả mọi thứ điều trở thành tươi mát…

Từng buổi sáng giữa ánh binh minh mầu nhiệm, nếu quán chiếu sự sống hiện tại, thì nguồn sinh lực của vũ trụ sẽ hồi sinh và cuồn cuộn trào dâng. Những giây phút đẹp nhất trong ngày của đời người. Chúng ta vẫn đánh thức dậy lòng biết ơn vô tận, lòng ngưỡng mộ vô biên đối với Tam bảo. Quán triệt sự quy y Tam bảo – trở về nương tựa ba ngôi tối thượng. Như kinh Pháp cú nói: “nương tựa vào Phật, nương tựa vào Pháp, nương tựa vào Tăng”. Nương tự như vậy thì có một sự thấy biết chính xác. Thấy biết chân lý gồm đủ bốn chi, của lời phật dạy (Pháp Cú, Trí Quang thượng nhân dịch, tr. 190).

Chúng ta phát khởi niềm tin chân chánh tuyệt đối đối với Tam bảo; vì không có hồng ân Tam bảo chở che thì mình đã khó có được những thiện duyên tốt, chẳng có đủ công đức để đầu thai làm người; vì “nhơn thân man đắc, Phật pháp nan văn”. Nhờ hồng ân Tam bảo mà bản thân con được sống đến bây giờ được thực tập hạnh từ bi, mở lòng thương yêu đến muôn vật muôn loài.

Ngước nhìn trời xanh mây trắng, mai kia nhắm mắt ra đi nhẹ nhàng thanh thản, không lo âu sợ hải, không còn sợ ‘ma đưa lối dẫn đường’. Chỉ có hào quang của chư Phật tỏa sáng và bao trùm khắp, chúng ta nguyện thắp sáng ý thức bình minh từ giây phút ban đầu của mỗi ngày, chúng ta đã có một thứ hành trang cất bước lên đường thể hiện cuộc sống mầu nhiệm, của hai mươi bốn giờ tinh khôi như ngọc ngà châu báu, được vốc đầy trên đôi tay.

Những sự hiểu biết thiển cận, những ý tưởng của những người sơ cơ học Phật, như hạt cát trong sa mạc, như giọt nước trong đại dương. Nguyện cho cha mẹ bảy đời trong quá khứ ác đạo xa lìa, thường hành phật đạo. Hiện tại còn tại thế, thân tâm an ổn phát nguyện tu trì và chóng thành Phật quả. 

                                            T.T. – C.T.K 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here