Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Mẹ tôi

Mẹ tôi

147
0

Không phải hồng nhan nhưng mẹ tôi lãnh đủ đòn ghen của lão trời xanh quen thói. Mười 18 tuổi bị gả lấy chồng – theo mô tả của mẹ, thì chồng mẹ y chang anh chàng Thân trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. 22 tuổi, đứa con đầu lòng của mẹ chết, mẹ bị chồng để, bởi bên gia đình chồng kết tội mẹ “không biết nuôi con”. 23 tuổi, mẹ về làm vợ ba tôi. 7 năm, 3 tháng, 16 ngày – cho đến bây giờ, thi thoảng mẹ vẫn còn nhắc lại nguyên xi khoảng thời gian ngắn ngủi mẹ sống hạnh phúc với ba.

Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng đầy gang, năm tôi 2 tuổi, ba tôi qua đời, và thế là bắt đầu cuộc hồng trần của mẹ. Những năm 45, trong lúc cả nước “đói nghèo trong rơm rạ”, mẹ tôi thân côi thế cô, một mình nuôi hai con dại. Ngày nay, xem tivi chiếu cảnh dân Somali đói khổ – từng đoàn con nít áo quần sặc sở, xếp hàng đợi nhận phần cháo. Tôi thầm nghĩ, đói mà có cháo để ăn, có áo quần xanh xanh đỏ đỏ để mặc, đói mà thế thì thời của tôi có mơ cũng không thấy. Thời của tôi, đói dài ruột, đói vàng mắt, đói giơ xương, đói ruồi bu không buồn đuổi. Đôi khi đuối quá, mẹ sai chị tôi qua nhà bác mượn góc lon gạo nấu cháo. Thường khi chị được bác trai dúi cho tí chút, nhưng cũng có lúc chị về không. Mẹ tìm đâu đó ngoài bụi ngoài bờ mang về bó xương khoai, nó úa vàng và dai như dây buộc. Mẹ xắt ra từng viên, đem nấu lên, rồi đơm cho chúng tôi mỗi đứa mỗi bát gáo dừa nhai ngấu nghiến. Mẹ nói: “Hắn bùi bùi và thơm như đậu xanh con hè”. Rồi trên má mẹ, hai hàng nước mắt từ từ chảy. Tuổi thơ tôi, rất nhiều lần tôi bắt gặp mẹ khóc một mình. Trong đời, tôi sợ nhất những giọt nước mắt khóc thầm lặng lẽ. Nó trở thành nổi ám ảnh của tôi. Là điểm yếu của tôi.

Không chịu đầu hàng số phận, mẹ tôi bươn chải theo bạn đi buôn sắn khô. Đi bộ từ làng tôi, về cửa Tư Hiền, qua Thừa Lưu – Nước Ngọt, Lăng Cô, băng đèo Hải Vân, Liên Chiểu, lên tận Đại Lộc. Ngày mẹ gánh hai đầu hai bao sắn khô về là ngày hạnh phúc nhất đời của chị em tôi. Mà nào chỉ có thế, mẹ còn kiếm đâu ra mấy lon gạo, nấu một nồi bự, rạng rỡ nhìn chị em tôi ăn no cành no cạch. Ăn xong mẹ biểu chúng tôi ra trước sân, hai tay mẹ cầm hai viên kẹo, bắt chị em tôi chạy đua mấy vòng từ chỗ mẹ đến ảng nước, đứa mô về nhất sẽ được mẹ thưởng kẹo. Ai đó đã nói với mẹ, “người ta không chết vì đói mà chết vì no”. Mẹ sợ con mẹ chết vì ăn quá no, nên mẹ bày cuộc thi chạy kia cho chúng tôi mau “tiêu cơm”. Hóa ra là thế, có mẹ chúng tôi đã không chết vì đói (tất nhiên), nhưng suýt nữa chúng tôi chết vì no. Xin nói thêm, mẹ tôi không biết chữ, và suốt đời đi chân đất.

Nhà chỉ có cái giường tre và chiếc chiếu. Mùa đông tháng giá, trải chiếc chiếu nằm cho ấm lưng thì lạnh ngực; đắp chiếc chiếu cho ấm ngực thì lạnh lưng. Ngoéo mép chiếu cho kín chân thì hở đầu, níu cho kín đầu thì lạnh chân. Nhiều đêm lạnh quá không ngủ được, mẹ tôi ra bờ khe bứt một vác cành tươi đủ loại sầu đông, ổi, mãng cầu… bỏ dưới giường, nhóm lửa khói bay mù mịt. Bức phên tranh lần lượt bị rứt ra từng lọn làm mồi nhen lửa trở thành tuềnh huyênh toàng hoang như tấm lưới rách, từ trong nhà có thể nhìn ra cánh đồng và hòn núi Rùa xanh xanh phía trước. Tôi không nhớ hồi ấy chị tôi ăn mặc thế nào, chỉ nhớ suốt bốn mùa mưa nắng, tôi chỉ có độc một bộ đồ: cái quần đùi và chiếc áo bà ba hai túi bằng vải thô. Để “ăn chắc mặc bền”, mẹ nhuộm nó bằng nước vỏ bồ quân, trước khi đem ra ngoài nẩy dận xuống bùn. Nửa tháng sau lôi lên, giặt, phơi khô, bây giờ thì nó trở thành một phần da thịt của tôi với cái màu chẳng tìm đâu có – màu lông con tiết. Hình như cái đói và cái lạnh bao giờ cũng đi liền nhau. Những năm đói khổ, trời đất lạnh dữ dội, lạnh cắt da cắt thịt. Đêm mẹ nằm giữa, hai chị em bu hai bên, tôi cố rúc thật gắt vào lòng mẹ mong tìm hơi ấm. Một buổi chiều khoảng chạng vạng tối, mẹ tha đâu về cái bao bố thiệt to. Đêm đó, chị em tôi chui vào trong, ngủ một giấc ấm như chưa bao giờ ấm thế. Sáng ra trông chị em đứa mô đứa nấy bạc xố vì bột gạo, lông bao bố, và cái mùi tỉn tỉn cơ hồ như hãy còn nghe tỉn tỉn tận bây giờ.

Trong đời, ai cũng sống cho mình, chỉ mẹ là sống cho con. Vì chị em tôi, mẹ bươn chải đủ thứ nghề: bày quán tạp hoá, buôn cá, buôn muối, làm mắm, ép dầu… Khoảng năm 48, 49 mẹ xoay xở được chút vốn, sắm chiếc đò đi buôn chuyến. Mùa đông chở củi, mùa hè chở dừa từ quê lên Huế. Vòng về thì chở xi măng, gạo… Lúc này cuộc sống của chị em tôi có đỡ hơn. Đêm nào mẹ cũng thắp hương khấn vái vong linh ba: “Ba bây sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cho tui mạnh chân cứng gúi, cực chi thì cực cũng phải cho con nó học ba chữ để làm người”. Mẹ băn khoăn không biết nên cho tôi học chữ Nho hay chữ Quốc ngữ. Tôi không biết do đâu, nhưng cuối cùng thì tôi được học chữ Quốc ngữ. Nói đi học là nói thế chứ thật ra chẳng có thầy bà trường lớp chi cả – khi thì học ở nhà thờ họ Trương, khi nhà thờ họ Nguyễn, khi nhà tăng “Đình cháy”. Thầy là các anh học sinh lớp 7 lớp 8 trường Lâm Mộng Quang tận trên huyện, nhưng cũng chỉ bữa có bữa không. Do thế nên tôi có nhiều thời gian theo mẹ buôn chuyến. Ngày nay Huế là quê hương máu thịt của tôi, lần nào đi qua những con đường quen thuộc, tôi đều không khỏi bùi ngùi nhớ về một thời ấu thơ nghèo khổ: Mẹ tôi gánh gánh dừa chạy trước, tôi hai tay xách hai trái dừa le te chạy theo; mùa hè nắng nung mặt đường chảy nhựa, tôi cố chạy thật nhanh cho đỡ bỏng rát đôi chân trần. Tôi thừa nhận rằng, bao khổ nhục tuổi thơ là một trong những động lực quan trọng giúp tôi sức mạnh vượt qua số phận để có ngày nay.

Một đời giang đài thải thây nơi sông nước, nhưng mẹ tôi không biết bơi. Mùa đông, để tránh mưa bão, mẹ cho đò đi đường trong: Qua Cống Quan, lên Hà Trung Hà Trữ, Phú Thứ, Thần Phù, dọc sông An Cựu. Mùa hè, nhờ nam nồm trợ lực, mẹ đi đường ngoài: Vinh Giang, Vinh Hưng, Hà Úc, Hà Thanh, Trài, Hà, Thuận An, Cự Lại, Bao Vinh. Nhưng dễ sợ nhất là mùa hè. Phá Tam Giang mênh mông bát ngát, đò dong buồm phải quẹo qua quẹo lại bao khúc quanh, nò sáo. Chỉ cần sơ suất để buồm lật là chiếc đò đầy tiêu ma. Người ta nói “Cửa trời chỉ rộng mở khi lòng người tan nát”. Tôi chưa từng có tâm linh tôn giáo, nhưng mối ám ảnh về nỗi gian khổ và hiểm nguy của mẹ đẩy tôi đến với Trời với Phật. Lúc này tôi đã lên Huế học, đêm đông lạnh giá, tôi thường không đắp mền, là để nói lời cầu xin Trời – Phật cho tôi chia một nửa cái lạnh của mẹ. Mùa hè, tôi thường thức thật khuya, thắp hương cầu nguyện Trời – Phật cho chiếc đò đầy của mẹ đừng bị gió lay buồm lật.

Vì con, mẹ thường trực đối diện với biết bao hiểm nguy, nhưng may mắn mẹ đều tai qua nạn khỏi. Duy có hai mối nguy này thì mẹ hoàn toàn bất ngờ, tuy không nhấn chìm được mẹ nhưng cũng làm mẹ ngất ngư. Thứ nhất: “Khu Ba” thời ấy là vùng giải phóng. Việc hàng tuần đò mẹ đi qua đi lại giữa hai vùng là lý do khiến khi thì bọn Pháp bắt mẹ đi tù vì mẹ kinh tài cho Việt Minh, khi thì Việt Minh bắt mẹ đi tù vì mẹ liên hệ với Pháp. Thứ hai: Tuy mẹ không nhan sắc, nhưng nết na đức hạnh sáng ngời, lại giàu nữ tính nên lắm người mê. Bọn đàn ông có máu mặt trong làng luôn tìm cách tán tỉnh, khiến mẹ không ngớt khổ tâm, lại còn mang tiếng chịu lời nữa chứ. Hồi ấy tôi còn bé, cơ chi lớn lớn một chút, tôi đã đạp cho mỗi tên một đạp.

Người ta thường quen với cái sướng, nhưng hình như người ta cũng quen với cái cực. Mẹ tôi ở trường hợp thứ hai. Những năm 70, tôi đã là một giáo sư nổi tiếng của Huế, được nhiều trường tư tranh nhau mời dạy. Tuy không giàu nhưng cũng không còn khổ. Tôi năn nỉ mẹ lên Huế ở với cháu nội cho vui. Lòng riêng chỉ mong có dịp chăm chút cái ăn cái mặc cho mẹ được đàng hoàng, sung sướng. Mẹ lắc đầu từ chối – Tôi quên rằng một đời mẹ cực khổ quen rồi, chừ ba cái hạnh phúc vật chất phù phiếm ấy mẹ có cần chi. Vậy là mẹ tôi, vẫn khuya sớm lui thui lủi thủi một mình với ngôi nhà xưa biết bao nhiêu là kỷ niệm… Sau 1975, cả nước khó khăn, không đành nhìn đàn cháu nội mặt xanh nanh vàng, mẹ tiếp tục rong ruổi chợ đời. Hồi ấy người ta buôn trầm vào Nam, một lời ngàn – vạn, mẹ tôi buôn võ ăn trầu. Mỗi lần đóng hàng thường đến 13 bao tải. Mươi ngày nửa tháng trở về, mẹ dúi cho con dâu ít tiền đi chợ, mua cho cháu nội ít áo ít quần, vài lon sữa… Nhìn mẹ già 70 tiếp tục hao gầy vì con cháu, tôi đắng họng quay đi. Bây giờ thì đến phiên tôi khóc thầm lặng lẽ.

Đó là tôi mới chỉ kể một chút tí tẹo nỗi cơ cực đời mẹ, chứ nếu phải kể hết nghe da diết lắm. Hồi ấy những lúc buồn buồn, mẹ thường ru hời ru hỡi câu hò “Gánh cực mà đổ lên non. Cong khu mà chạy cực còn chạy theo”. Mấy năm trước sang Pháp, bị anh Đặng Tiến chỉnh “không phải cong khu mà là cong lưng”. Tôi không chịu. Tôi thích dị bản “cong khu” hơn. Với lại, “cong lưng mà chạy” là khổ lắm rồi đó, nhưng xem ra mẹ tôi còn khổ hơn thế nhiều.
Chồng mất sớm, ở vậy, suốt đời tần tảo thờ chồng nuôi con. Niềm an ủi lớn nhất đời mẹ là con gái mẹ có chồng đàng hoàng, con đàn cháu đống, làm ăn giỏi giang thành đạt. Còn tôi, những năm 60, đi mô mẹ cũng khoe “Con tui hai năm đậu bốn bằng”. Các cháu nội của mẹ đều học hành đỗ đạt, và rất có hiếu với “mệ” – Chẳng cần ai nói, các cháu cũng nhận ra cuộc trần ai của đời mệ, và, nếu không có mệ, chắc chắn đã không có ba mẹ các cháu, cả không có các cháu bây giờ.

Ngày nay, người ta yêu nhau, lấy nhau, rồi bỏ nhau, dễ như lật trang sách. Ngày trước, hôn nhân do cha mẹ sắp xếp, nhưng sao người ta ăn ở với nhau đằm thắm và thủy chung đến vậy? Ba mẹ tôi là một ví dụ. Ba tôi là bạn thân của anh trai đầu của mẹ. Lâu lâu ba sang nhà bạn đánh tài bàn. Ba để ý thấy cô em gái bạn nết na, tháo vát, “gọi mô dạ nấy”. Mẹ thì thấy ba lần nào qua cũng bộ bà ba lụa ngà, cái dù đen, còn dáng đi thì cao sang như ông huyện. Rồi mẹ đi lấy chồng…

Ba tôi mồ côi cha, bác cả ba lần hỏi vợ cho em nhưng cô nào ba tôi cũng chê, nói không lấy vợ, chỉ muốn ở vậy nuôi mẹ già. Bà nội tôi bị mù, ai lo cho mẹ ba tôi cũng không vừa ý. Ba tôi tự tay nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc mẹ. Đã 35 tuổi, vẫn nhất định không lấy ai. Thế rồi ngày nọ, lúc này ba tôi đang làm gỗ trên rừng, tình cờ nghe toán thợ dưới xuôi lên bàn tán “Con dâu nhà ông Hoài đời thế mà bị chồng để”. Buổi tối ba tôi nói với bác cả “Anh về hỏi cô nớ cho tui”… Ba tôi ít nói nhưng thâm trầm, yêu thương nhưng kín đáo, hào phóng nhưng chừng mực, và trước khi ngủ bao giờ cũng có cuốn sách trên tay. 7 năm, 3 tháng, 16 ngày ăn ở với nhau, ba tôi chưa hề nặng lời với mẹ. Có lần đêm khuya, chị tôi cằn sao không biết mà rớt xuống đất, khóc thét lên, mẹ hoảng hồn vội “cả vú lấp miệng em”. Ba tôi từ giường ngoài hỏi vọng vào “Chi rứa mạ bây”, “Không có chi, con nó giật mình khóc đó mà”. Buổi sáng đi chợ về, mẹ thấy ba vác chiếc giường ra trước sân ngồi cưa cụt bốn chân. Mẹ hỏi “Ba bây làm chi rứa?”. Ba lẩm bẩm “Đàn bà vô duyên. May không con nó bể đầu thì sao!”.

Yêu và kính, đó là những gì mẹ tôi dành cho ba. Mẹ kể hoài chuyện ba tôi mà không ngán. Ba tôi mất đã bốn năm, mẹ vẫn còn giữ tấm khăn lau hồi ba bệnh, lâu lâu đem ra ngửi. Chiều chiều mẹ vác mặt ngó đọt cây dừa cao ngút trời thuở xưa ba tôi trồng. Năm tháng qua đi, bao nhiêu lá dừa rơi rụng, nhưng trong tim mẹ, tình yêu ba thì vẫn mãi vẫy gọi theo chiều lắt lay của ngọn dừa. Mỗi lần về quê, thèm nước dừa quá, tôi vô tâm chỉ nốc cho sướng miệng. Bao giờ mẹ cũng nhắc: “Để một ly mà quảy cho ba”. Nói rồi mẹ cho chặt tiếp trái nữa, đổ vào ly để lên bàn thờ, thắp cây hương và lâm râm vái. Cái chi mẹ cũng quảy cho ôn, không đi đâu được cũng để sớm hôm thắp hương cho ôn. Hương khói trở thành sợi dây nối kết mẹ với ba, hiện tại với quá khứ, tình yêu với kỷ niệm của tình yêu. Vì thế mẹ tôi thắp hương và lâm râm khấn vái suốt ngày. Tôi có cảm giác với mẹ, như đâu đó quanh nhà vẫn còn thấp thoáng hình bóng ba tôi, cho dù đã 70 năm qua, hay 100 năm, rồi 1.000 năm đi nữa. Thế đấy, sự tôn trọng và tương kính như tân. Có nó, dù chưa có tình yêu thì tình yêu sẽ tới; không có nó dù có tình yêu thì rồi tình yêu cũng vổ cánh bay đi. Qua mẹ, tôi mới hiểu rằng, té ra tình nghĩa vợ chồng là thế: nó ngào ngọt như nước dừa xiêm, nó thuỷ chung như cau trầu, nó thơm tho như gừng cay muối mặn. Đó chính là ngọn lửa sưởi ấm mẹ lúc đơn chiết, là chỗ tựa để mẹ đứng lên, là niềm tin giúp mẹ đi tới. Hóa ra, không phải xưa hay nay, mới hay cũ, tự nguyện hay bắt buộc, miễn sao có được tình yêu, sự tôn trọng, và tương kính như tân là được; thiếu nó hôn nhân không mong gì có hạnh phúc và bền lâu.

Quê tôi có loài xương rồng trắng rất lạ. Giữa trạng cát cháy bỏng chẳng cây gì sống nổi, chỉ trừ cây xương rồng. Đầu thu, xương rồng đua nhau nở hoa trắng muốt, xao xuyến cả một trời – Hẳn phải có nội lực ghê gớm mới có thể dâng tặng cho đời những đóa hoa tinh khôi đến thế. Không biết số phận muốn thử thách xương rồng trong cát bỏng, hay trong cát bỏng xương rồng nở hoa? Đó cũng là băn khoăn của tôi về mẹ. Cực như mẹ kể như là cực sát đất rồi, thế sao tâm hồn mẹ khi nào cũng trong xanh vời vợi đến vậy?

Quê tôi mùa trăng bao giờ cũng có sinh hoạt giã gạo, đập đất, hò đối đáp… Mẹ luôn có mặt trong tốp dẫn đầu. Để tham gia hò đối đáp đòi hỏi phải có kiến thức rộng, ngôn ngữ phong phú, ứng đối nhanh, chính xác, lưu loát, mà khẩu khí phải cực kỳ sắc bén và duyên dáng, lại còn phải có khả năng tập trung tinh thần và tâm thế tĩnh tại. Về mặt này mẹ tôi là tay cự phách. Trong giao tiếp hàng ngày, mẹ thường nói năng bằng thơ, sáng tác hò, vè… Nhiều câu hò của mẹ được truyền tụng thành ca dao. Mỗi lần tôi về thăm, mẹ có thói quen nằm kê đầu lên đùi tôi rồi ngửa mặt ngắm không chán đứa con thương yêu của mẹ. Thi thoảng tôi nựng nựng vai mẹ đùa cho mẹ vui: Thôi hí, bé ngủ ngoan hí, để choa hò cho bé ngủ hí. À ơ… “Ngó lên hòn độn Túy Vân Đột ngồi Đột đợi. Ngó xuống sông Giang hà Nghích lội Nghích bơi. Mấy lâu này Nghích đà chịu tiếng mang lời. Đất đằm cỏ đẹ dấu mồ hôi hãy còn”. (Nghích là cô bạn cùng đi buôn chuyến với mẹ). Mẹ sững. Mẹ không ngờ tôi vẫn còn nhớ câu hò của mẹ. Mẹ cười mãn nguyện, như vừa được sống lại cái thời son trẻ vất vả nhưng chan chứa năm xưa.

Những khi đò ngược nước ngược gió, mẹ chỉ huy đám tay chèo bắt nhịp câu hò mái đẩy, trông oai phong như một nữ tướng. Đêm khuya thanh vắng, thuận nước thuận gió, lỏng buông tay chèo, mẹ hờ hởi giai điệu mái nhì. Hơ… hớ… “Ai về Cựa Hói Cao Hai, cho tôi gửi lời về thăm người bạn cũ chớ có nghe ai mà bỏ mình”. Câu hò thoảng đưa theo gió, trôi dần vào xa xăm, có phải gửi trao cho ai đó, hay chỉ là tiếng lòng để lại ngàn năm… Chao ơi, sao mà xao xuyến, bồi hồi. Trong cái tâm cảnh ấy từng được nghe câu hò mái nhì của mẹ, có lẽ vì thế mà sau này tôi dị ứng với giai điệu mái nhì trên sóng phát thanh, truyền hình, hay qua CD, cho dù là do Minh Mẫn hay Thu Hương hò đi nữa. Nhiều người đồng hoá tiếng chim hót trên rừng và tiếng chim hót trong lồng. Tôi cho là hai tiếng hót ấy khác nhau. Câu hò mái nhì cũng thế, tách khỏi không gian tâm tưởng của nó, câu mái nhì chỉ còn như là chùm đèn pha lê hào nhoáng mà không có điện. Sang trọng thì sang trọng thật đấy nhưng không toả sáng, và chẳng thắp sáng được ai.

Mẹ có trí nhớ lạ lùng. Một đời mua qua bán lại với hàng trăm, hàng ngàn người, mẹ không biết ghi sổ, nhưng không hề nhầm lẫn hay quên ai. Ngày nay, tuy đã ngoài trăm tuổi, nhưng bao chuyện cũ người cũ mẹ vẫn nhớ như in. Mẹ rất thích kể chuyện. Andersen kể chuyện đời, mẹ tôi kể chuyện làng. Nhưng cũng như Andersen, chuyện của mẹ bao giờ cũng được soi rọi từ một góc sáng. Các nhân vật trong câu chuyện của mẹ hiền lành, trong sáng, thuỷ chung, và bao giờ cũng với kết thúc có hậu. Ngay cả những kẻ không ra gì thì mẹ vẫn dành cho tiếng thở dài thương cảm. Đã có bao giờ bạn được nghe cụ bà 104 tuổi ngồi kể chuyện đời xưa chưa? Thú vị lắm đấy. Tất nhiên với điều kiện, bạn phải có “cái đức biết lắng nghe”.

Và, mẹ còn có tấm lòng thiết tha thương cây nhớ cội. Khu vườn nhỏ của mẹ lúc nào cũng ngào ngạt hương cau, xoài, ổi, mít, mãng cầu…Cây bí cây bầu, mồng tơi lá ngót… reo vui mỗi bước chân mẹ qua. Khu vườn là chốn riêng của mẹ, nó phản ảnh rõ nét nhất tâm hồn mẹ. Ai vào vườn xin chi mẹ cũng cho, nhưng lén lút hái trái bẻ cành thì mẹ giận lắm. Lúc đầu tôi có hơi buồn bởi nghĩ mẹ mình hãy còn chưa thoát, mãi sau này tôi mới hiểu ra, là bởi vì cây trái trong vườn mẹ cũng là máu thịt của mẹ, con cái của mẹ, tình yêu của mẹ. Mà tình yêu là thứ chỉ có thể cho chứ không thể chụp giật.

Suốt đời, mẹ là một Phật tử chí thành. Mẹ thích đi chùa, ăn chay, niệm Phật. Nay già yếu, mẹ không thể chống gậy đi xa, nên mỗi ngày rằm mồng một mẹ biểu ông xe thồ chở mẹ lên chùa. Giáo lý nhà Phật chứa đựng trong thiên kinh vạn quyển, mẹ không biết chữ, mẹ không đọc được kinh, nhưng mẹ hiểu được cái nghĩa uyên áo giản đơn nhất: Làm người phải có lòng từ bi bác ái, không tham sân si. Mẹ tin vào luật nhân quả – ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão; luôn phấn đấu làm việc tốt, thành người tốt, cho dù không ai biết thì đã có Phật hay… Tôi không biết mẹ tôi hiểu về Phật như vậy có đúng không, nhưng tôi biết chắc rằng mẹ tôi đã trọn đời sắt son với niềm tin ấy.

Nhưng do đâu mẹ khoẻ thế, thuỷ chung son sắc thế, chịu đựng dẻo dai thế, sống thọ thế, được bà con xóm làng yêu quí thế? Rồi dần dà tôi cũng nhận ra, ấy là nhờ tấm lòng của mẹ – một trái tim chỉ biết yêu thương, cao thượng, và bao dung. Biểu hiện rõ nhất chính là nụ cười của mẹ, đàn bà mà nụ cười khi mô cũng rộng mở và hào sảng – dứt khoát bên sau nụ cười ấy không có chỗ cho sự thù hận, ghen ghét, nhỏ nhen. Mẹ cũng có tướng ngủ cực kỳ thoải mái và ngủ rất dễ, hễ đặt mình xuống là ngủ. Đã ngoài trăm tuổi mà mẹ vẫn thế, hễ đặt mình xuống là ngủ. Theo thần thoại Ai Cập, con người ta sau khi chết ai cũng phải đến trình diện trước vị thần Osiris để được… cân. Cái cân của thần Osiris gồm một đầu có chiếc lông chim, còn đầu kia là trái tim người chết. Trái tim kẻ nào nhẹ hơn chiếc lông thì đó là trái tim rỗng rang của con người lương thiện, thần Osiris duyệt ngay cho lên thiên đàng. Trái tim kẻ nào nặng hơn chiếc lông thì đó là trái tim chứa đầy thù hận, tối tăm, gian ác, và thần Osiris phán tức khắc đày hắn ta xuống địa ngục. Tôi không rõ trái tim tôi nặng nhẹ thế nào, nhưng trái tim mẹ tôi thì chắc chắn phải nhẹ hơn chiếc lông kia rồi.

Thế đấy, dành những 6 trang A4 để viết về mẹ, nhưng xem ra tôi chẳng nói được gì. Thôi thì, đành nói gọn một câu thế này vậy: Mẹ tôi là bà Mẹ tuyệt vời nhất thế giới. Chắc không ai phản đối chứ – vì chỉ những đứa con không ra gì mới nói mẹ mình chỉ là bà mẹ tuyệt vời thứ nhì thế giới mà thôi!  

N.V.D

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here