Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Mạ tôi và Tết Huế ở phương xa

Mạ tôi và Tết Huế ở phương xa

140
0

Buổi sáng sớm, Mai Lan đã đi lục cái tủ nhỏ đựng áo quần, cuống quýt níu tay mẹ đòi mặc áo để đi đón ngoại và các anh chị ở phi trường Riem. Đó đã là ngày rộn nhất của em. Rộn không chỉ vì khác với thông lệ thường ngày mà vì em nóng lòng muốn nhìn thấy bà ngoại trước hơn ai cả. Ấy, sinh sau đẻ muộn mà cũng vẫn muốn nhìn trước, huống hồ.

Nhưng cái chuyện „dành“ nhìn trước này không phải vì muốn đua với ai mà vì em muốn „nhìn“ bà ngoại thiệt mới tinh khôi trong con mắt em. „Bà ngoại“ mà em đã được nghe mẹ kể từ khi em mới biết nói và đòi nghe kể chuyện. Mạ của mạ, hình ảnh theo lời kể đang bay lượn trong trí non nớt mỗi đêm mỗi ngày…

Tại phi trường, vừa nghe mẹ bảo ngoại kìa, em dành là người thứ nhất, bỏ băng mẹ, chạy đến kéo tay ngoại- khi đoàn người đi ra khỏi cánh cửa tự động..

Về đến nhà, chưa kịp an vị và quây quần, Mai Lan mách ngay:

„Mami, bà ngoại có răng đen!“

Ờ, tôi bật cười, điểm này quả nhiên tôi quên khuấy không kể với con, tôi bảo:

„Răng đen có duyên, con thấy ngoại cười, răng đen cũng đẹp, chứ không chỉ răng trắng! Đẹp không?“

Mai Lan ngắm nhìn bà, khuôn mặt trái xoan, da trắng mịn, mũi cao thẳng, đầu tóc bối, mái tóc mướt óng, quí phái, nụ cười đen nhánh, lạ lẫm, khác với những cô giáo của em, những bà Đức hàng xóm, bà ngoại thanh thanh, mà hình như cái răng đen làm cho gương mặt bà có chiều sâu…đầy bí mật, như kho tàng cổ tích chưa được kể, không ngần ngừ lâu, em đồng ý với mẹ, gật gật

„Bà ngoại đẹp!“, bà ngoại KHÁC, không tóc vàng, răng trắng. Bà ngoại hao hao mẹ, lại ôm em thật mềm vì nhiều bụng hơn mẹ, bà cười với em thật ấm áp. A, đúng rồi, hàm răng đen của ngoại ấm áp chứ không lạnh lùng, thế là em vui như vừa đọc được một trang cổ tích mới.

Buổi chiều nhân ăn quả mãn cầu (na) còn nồng ấm hơi nóng miền Nam, nhìn đám hạt mãn cầu đen lấp lánh trên diã, tôi bảo con: „Răng ngoại đen như mấy hột mãn cầu ni“ Tôi nhắc lại câu hát mười thương mà có lần tôi đã hát cho Bé nghe, „Một thương…Sáu thương răng nhuộm hạt huyền kém xa“ là thương ngoại răng đen đó tề!“

Mãi lâu, vài năm sau , Mai Lan mách mẹ:

„Con Bettina và mấy đứa bạn con thấy răng bà ngoại đen tụi hắn thất kinh, hì hì, tụi hắn tưởng ngoại bị bầm răng!“

!!! Tôi chưa kịp trả lời Mai Lan đã hí hửng :

„Nhưng con noái ngoại tau đẹp, mười cái đẹp lận, không giống ai hết, mới đẹp chơ!“

„Chừ tụi hắn cũng chịu là ngoại đẹp, mỗi khi ngoại mặc áo dài, đẹp ghê!“

Hình như „đẹp“ đối với các đứa bé là tốt, là hay, là khác thường, gây sự chú ý, toát ra sự ấm êm. Tâm của chúng ít bị nhiễm bởi óc kỳ thị, định kiến, phân cao thấp nên chẳng ngủng ngẵng chuyện văn minh văng miểng.

Lâu sau bà ngoại với bé Mai Lan đã „tâm đầu ý hiệp“ quấn quýt với nhau. Em bảo da thịt ngoại thơm mỗi khi lăn vào lòng ngoại nằm gọn thỏn ở trong. Mỗi lần nhìn con như thế, hầu như tôi cũng muốn lăn vào, vì quả thật, tôi còn nhớ rõ- đến hôm nay vẫn còn thật rõ- người mẹ tôi toả ra hương thơm êm ái lạ kỳ đến nỗi thuở bé mỗi lần rúc vào nách mẹ, cảm giác được thoa dịu yên ổn đến ngủ thiếp lúc nào chả hay.

Bỗng nghe niềm hạnh phúc được gần mẹ rờn trên da ấm áp, nghe như có vị ngọt đã thiếu từ lâu lại thấm giọng trong giây phút ấy, cảm giác xa cách gần 20 năm như được xoá mờ.

Thế rồi từ hôm ấy, hay hôm trước kia, căn nhà của tôi như được „Việt nam hoá“ một cách tự nhiên như nhiên. Nơi đâu có chân mẹ bước tới, ở nơi thành phố cả Đức lẫn Bayern cọng lại thành một thứ Đức đặc quánh cũng không chen vào được, ở đường Mai hay Sauerbruch hay Frauendorfer, mẹ đều biến cái nhà nơi xa lạ ấy là „nhà mình“ như chuyện hiển nhiên. Hôm đầu tiên, vừa xuống xe, dắt tay cháu, là vào bếp, coi gạo cơm mắm muối có chi, và buổi cơm trưa xem như là có sẵn.

Tuồng như bước qua một bước từ Huế là đã đến Đức, từa tựa nhà trong đi ra nhà ngoài, bếp bên nớ với bên ni, trừ cái bếp điện- mà bà học rất nhanh qua- kỳ dư mọi thứ trong nhà, chỉ hai bà cháu tay trong tay đó đây- là mẹ đã biết thảy tần tật. Tự nhiên và hiển nhiên, chuyện nhà cửa cũng như chuyện răng đen (mà có người đã đi cạo cho trắng trước khi đi Tây), mẹ cười vẫn nụ cười thẳng thắn, áo dài mẹ mặc, vẫn dong dảy, mượt mà quí sang, không Tây chẳng Tàu, Ta là Ta thôi. Cái bản ngã thuần chất ấy như trụ cột chùa „Một Cột“, chống chõi bốn phương không sờn, đứng vững không ngã.

Ngoại trừ tiếng Đức không nói được,- điều đó mấy đứa cháu đỡ bà – kỳ dư mẹ đã biến căn nhà…thường cho là „tạm trú“ ấy trở nên thường trú lúc nào không hay…

Từ ngày mẹ qua đây, cái cảm giác tạm bợ, tha hương hầu như không còn lây lất trong tôi. Mặc dù giờ đây đã có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đông đủ, cảm giác lang thang vô định vẫn dày vò không dứt. Bây giờ mỗi lần đi về, mở cửa vào nhà đã nghe tiếng mẹ trong bếp lách cách nồi niêu, tự nhiên có một chút yên vui hửng lòng vì… „có mạ“.

Không để hở một phút là người vô dụng dù ở nơi đâu, mẹ trông cái này, sắp cái nọ và Mai Lan được cùng với ngoại bi bô suốt ngày. Ngày rằm mùng một đã nghe tiếng chuông đều hơn và mõ thì cả hai bà cháu mỗi người một chiếc (Mai Lan được ngoại cho cái mõ nhỏ xíu bằng nắm tay em), tràng hạt cũng hai, tiếng tụng kinh niệm Phật đã vang lên trong nhà, vừa già vừa trẻ, vừa thành kính vừa ngộ nghĩnh, thật vui và đầy phước báu.

Nhưng bỗng một hôm, trước khi ngủ, Mai Lan mách mẹ:

„Mami ơi, bà ngoại lâu lâu thở như ri nì:“ em bắt chước ngoại thở phào một cái, một thứ thở dài thật sâu mà mẹ tôi thường có từ khi là goá phụ, trong nỗi lo chống chỏi một mình.

„Ngoại nhớ cậu Hạnh và mấy đứa Nil Bi Ti, mami nờ, ngoại noái ngoại lo cho ở nhà không biết ra răng!“

Tôi hiểu ngay tâm sự của mẹ, lúc ấy tháng 2 dương lịch, bên nhà là cuối năm âm lịch, Tết Việt nam sắp cận kề mà mẹ thì ở phương xa. Người phụ nữ đảm đang việc nhà, việc gia nương, nhà thờ, mộ chí tổ tiên nội ngoại như mẹ mà Bà nội tôi thường khen,  không thể không quay quắt. Mẹ sang Đức là vì thương chị tôi đã quá cố. Mẹ nguyện đem các con chị qua Đức để có cơ hội học hành nên người, chứ thật tình mẹ chẳng muốn rời xa quê nhà. Nếu mẹ không đi thì không có giấy đoàn tụ gia đình với chúng tôi và các cháu không đi được.

Tháng hai trời Muenchen tuyết rơi, lạnh. Ngồi trong nhà nhìn ra, không đi đâu được dù chỉ ra vườn lượm lá, vì tuyết phủ ngập vườn, mẹ hay bảo như lụt ở Huế mình, bó chân bó cẳng. Nhưng cơn lạnh vẫn không làm ngưng hơi nóng của nỗi nhớ trong lòng người vừa xa xứ, cả về sau. Giòng máu bản năng của cá hồi tìm về nguồn cội sủi tăm theo với mốc thời gian. Ở nơi con người ấy, vừa thương bên ni mà nhớ bên tê, ngỗn ngang trăm mối, làm sao không thở dài?

Đã thấymẹ tính nhẩm một mình „hai mươi làm tốt, hăm mốt xâu tai, hăm hai đeo bông hăm ba đưa về…“ rồi bỗng nói to: „gần đến Tết mình rồi đó“ và quay sang tôi- mọi năm sau vẫn y như thế.

„Tháng ni là tháng chạp, phải đi chạp mộ ôn mệ con nờ. Con viết thư về và gởi tiền về để sửa sang mộ chí, sơn nhà sơn cửa, sắm hương hoa quả phẩm, mứt bánh ngày Tết, cúng chùa, quà cáp nội ngoại, cả lễ đưa ông Táo và cúng đêm Giao thừa, cho kịp.“

Trong đôi mắt ấy đầy ắp cảnh Tết quê hương, những con đường, những cảnh nhà, bà con láng giềng, chợ tết, hoa, đèn, bánh pháo, hương mứt ngào vang khắp sân nhà… Tôi hiểu ánh mắt ấy, thông cảm vô cùng, bởi khi bắt gặp nó, tôi như nhìn thấy được lần đầu đôi mắt của chính tôi trong cùng tâm trạng „nhớ nhà“ „nhớ Tết“ của những năm đầu tiên đi du học. Nhất là cái năm đầu ấy, chao ơi là buồn!.

Chiều ba mươi đứng đợi xe buýt một mình trên ngọn đồi trơ trọi, chân trời xám ngắt với hàng cây khô trơ xương, gió thổi lạnh đến tê hồn ở một thành phố xa xăm. Nhớ lại vẫn còn rùng mình. Giao thừa đã được giấc ngủ khó giỗ bỏ băng và trong cơn mơ hương quan, một nhánh mai nào đó trên chiếc thiệp cung chúc tân xuân từ Huế hiện về an ủi. Sáng mồng một vào trường như mọi khi, với nụ cười nửa miệng chia với chị bạn cùng cảnh ngộ. Đó là cái Tết buồn nhất trong đời du học.

„Bữa ni lo sửa soạn bên ni mà ăn Tết!“

„Ô ăn tết! Ăn tết ra răng ngoại hè? Ăn cái chi rứa ngoại!“

Lo bên tê rồi nghĩ đến bên ni, đó là Mạ! Hình như trong suốt đời người mẹ, hiện tại là một không gian xoay tròn để chòng chành nước đầy mọi nơi, không vơi bên nào.

„Mami ơi, Mình ăn tết với ngoại đi!“

Dĩ nhiên chúng tôi đã ăn Tết mỗi năm, như tôi đã viết một lần đâu đó:

…“ mỗi khi xuân về Tết đến, người xa quê nào cũng ráng “ăn một cái tết” ra hồn ngay trên mảnh đất tha phương mà mình đang sống, dù ở nơi hẻo lánh hay nơi chốn phồn hoa tấp nập, ….một mình hay với bạn bè đồng hương, lắm khi đầy đủ lễ nghi rình rang còn hơn ở quê nhà, cũng chợ hoa, cũng thiệp chúc Tết tưng bừng, cũng hội chợ ngày xuân, có khi cả bài chòi bài tới, bầu cua cá cọp…. Và họ có thể ăn lu bu, ăn kỹ lưỡng, ăn đến nơi, đến chốn, cái gọi là “cliché” ngày Tết, đại khái như “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh”, và lắm khi cũng “ăn” luôn những “câu đối đỏ” , “nêu cao” ngất nghểu, “pháo nổ” giòn giã nơi những góc trời xa ngái Mỹ Âu…“, ấy vậy mà vẫn chưa phải Tết!

Có lẽ vì thiếu mẹ chăng?

„Mami năm ni ăn tết!“ con tôi nhắc. Và mẹ tôi cũng đồng tình.

„Năm ni nấu bánh chưng bánh tét! Con lo mua nếp, mua đậu, thịt heo, tìm lá chuối, lá dừa…“

Nghe mẹ nói như một bài toán khó. Nếp đậu thịt thì dễ, chơ lá chuối lá dừa thì e khan, chúng tôi thường gói bánh bằng giấy bạc, dĩ nhiên là phiên bản nửa vời vì lột cái bánh chưng ra thấy trắng bóc, không có màu xanh ngọc của lá, trông vô duyên. Dạo ấy, lá chuối tìm đâu ra ở Muenchen? Tôi phải tìm cách nhờ bạn bè đặt mua ở siêu thị châu Á bên Paris, một tuần sau mới có, cũng sát ngày đưa ông Táo bên Huế mình.và chúng tôi chuẩn bị ăn Tết thiệt là Tết!

Như thường lệ, mỗi lần có chuyện gì mới xảy ra, tôi đều chuẩn bị tâm lý cho con bằng kể chuyện. Liền mấy đêm, Mai Lan được nghe kể  sự tích „Bánh chưng bánh giầy“ của vua Hùng Vương đời thứ 18. Hoàng tử Lang Liêu nghèo mà hiếu thảo với mẹ, tài trí, biết thương dân, đã nấu được món bánh chưng bằng nếp và đậu từ ruộng nhà, lá chuối trong vườn, thịt của người nuôi trong làng. Hoàng Tử biết nuôi dân bằng món ăn thuần khiết và bổ dưỡng nên được vua cha truyền ngôi.

Để rồi cái ngày gói bánh đến và Mai Lan mừng rơn được ngoại cho ngồi phụ, đưa lá cho bà ngoại với sự trịnh trọng hành thâm một cuộc chuẩn bị „Ăn Tết“.

Chưa bao giờ Mai Lan được tham gia hàng giờ mà không biết mệt với sự chăm chút quan sát từng cử chỉ của bà ngoại.: đồ nếp, nhụy, thịt và gói từng cái một, rồi cột giây, bánh chưng thật vuông góc, bánh tét thì tròn. „Ngoại gói bánh tét tròn hơn mami, còn mami gói bánh chưng vuông như ngoại gói!“ Thích nhất là cuối cùng em được ngoại cho cái bánh „vét“, tom góp mọi thứ còn sót lại làm thành một bánh chưng „con“, được làm dấu cẩn thận bằng hai lần dây tước lá chuối, thắt nơ. Chuyện cổ tích về sau không còn nhớ, nhưng cái bánh „chưng con“ ấy (mà anh tôi thường đùa với bé là „cái chân con“ – người Huế gọi cái chân là „chưn“), em vẫn còn nhớ mãi.

Bánh gói rồi mà nấu có dễ đâu! Chúng tôi phải tìm củi và bắt bếp vì mẹ tôi không muốn nấu bếp điện. Thế là một cái bếp tạm thời được dựng lên ngoài hiên nhà với mấy viên gạch và củi khô, một thùng lớn chứa hai mươi cái bánh đặt lên trên. Khi chúng tôi nấu được một hồi, củi đã bắt đầu đều lửa, thì ông hàng xóm chạy qua bấm chuông hỏi nhà bị cháy hay sao mà ban đêm lửa khói hừng hực. Chúng tôi trấn an người hàng xóm và giải thích là chúng tôi nấu bánh ăn tết năm mới. Ông hàng xóm lắc đầu xí xoá. Khoảng 5 giờ sáng , khi nồi bánh vừa đưọc duống xuống, lại có tiếng bấm chuông, lần này dõng dạc hơn.

Hai người cảnh sát lù lù đến, và hỏi nhà chúng tôi bị cháy phải không, vì hàng xóm gọi điện báo cảnh sát. Lại phải giải thích chuyện nấu bánh. Hai người tròn mắt nhìn khay bánh còn bốc hơi, gật gù không biết tại sao loại bánh này lại cần lửa củi đến như thế. Trước khi ra về họ còn chúc năm mới với câu hỏi lớn trong đầu vì năm mới đối với họ đã qua lâu.

Cả đêm không ngủ với nồi bánh, mẹ tôi cười xoà vì mấy gương mặt hớt hơ hớt hãi của mấy ông Tây.

Năm ấy Mai Lan được ăn một „cái tết bà ngoại“ sung sướng nhất trong tuổi thơ. Sáng sớm em được mặc áo mới, vòng tay chúc tết bà ngoại và được bà ngoại cùng mọi người lì xì. Bàn thờ Phật và tổ tiên sáng ấm cúng với đèn nến và hương trầm. Mai Lan quì với bà ngoại trong lúc ngoại khấn vái đầu năm. Có lẽ vì thế mà bây giờ, mỗi lần thắp hương cho ngoại và cho tổ tiên, Mai Lan vẫn còn giữ thói quen đứng khấn thì thầm với bà ngoại rất lâu như khi ngoại còn sống đã cùng em trải qua những giây phút thiêng liêng ấy.

Năm ấy chỉ thiếu một cành mai ở cố viên, nhưng tuyết lạnh không còn làm tê cóng tâm hồn. Lần đầu tiên tôi được ăn một cái tết „ở nhà“, như thể được sà vào lòng mạ cùng với con và cháu, vào trong tấm lòng như nhiên bao trọn bến bờ vô tận ấy.

Đến nỗi về sau, bất chợt nhận ra – một lần ăn tết ở quê mình, thiệt sự ở nhà- mình lại nhớ chi lạ ngày Tết, không khí đầm ấm của bếp lửa giao thừa- cũng- „Ở NHÀ“ bên ấy!   

Nhân ngày giỗ mẹ, cuối năm 2011

T.K.L

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here