Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Lưu đày và quê nhà*

Lưu đày và quê nhà*

149
0

Sương mù còn lãng đãng trên ngọn cây và phủ một lớp nhẹ trên mặt sông. Những chiếc xe chở rau quả từ ngoại ô đi ngược chiều vào thành phố, sự tất bật vội vàng toát lên vẻ hưng phấn rộn ràng của cuộc sống bình dị.

Tôi phóng xe như điên. Gió quất hai bên mặt phần phật. Tôi thấy đầu óc mình tan loãng trong một cảm xúc mơ hồ không rõ nét. Điều tôi dự cảm nhiều lần đã đến. Nhưng lạ thay, cũng chính điều ấy làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Đường lên chùa hẹp, lở lói vì trận mưa hôm trước. Chiếc xe cà tàng của tôi xóc nẩy nhiều lần. Sườn đồi cũng như dưới thung lũng bạt ngàn thông. Những búp thông non, xanh mượt vút thẳng lên trời đón ánh nắng mới. Tôi dừng xe ở bãi đỗ rồi đi thẳng vào cổng chùa.

Khác với lần trước đến đây, Tiệp đưa tôi vào nhà Tăng chính để chào thầy, lần này chính thầy chờ tôi ở cửa. Sự bồn chồn trong tôi như hoá giải bởi vẻ thư thái vốn có của thầy. Không nói gì, thầy đưa tôi đến chỗ Tiệp ở, một phòng gỗ nhỏ nằm cạnh vườn lan. Thầy khép cửa lại và để tôi ở đấy một mình.

Tiệp nằm đó, mặc bộ đồ nâu không cũ cũng không mới (chắc là của một chú tiểu nào đó ở trong chùa). Hai tay chắp lại trên bụng, vẻ mặt thư thái bình yên. Mắt khép hờ, môi hé hơi mỉm cười. Khác với mái tóc bù xù thường ngày, mái tóc được vuốt thẳng và bạc nhiều. Mấy chục năm rồi bạn bè tôi chưa bao giờ nhìn Tiệp thật gần như thế. Chưa bao giờ…

Căn phòng yên lặng, mùi nhang thoang thoảng…

*

Hai chúng tôi gặp nhau vào năm 1973 khi tôi được đổi về dạy tại trường Cường Để – Quy Nhơn. Chúng tôi đều là giáo sư trẻ (hồi ấy người ta gọi giáo viên như thế), đều là người Huế. Tiệp dạy Anh văn còn tôi dạy Toán. Chúng tôi hợp thành một đôi hơi lạ kỳ: Tánh tôi xởi lởi, tếu và quảng giao, còn Tiệp thì lầm lì, cộc, khó hiểu nên khó gần, nhiều người nhận xét như vậy. Chúng tôi thuê nhà trọ cùng ở với nhau. Tiệp ít khi tâm sự về chuyện gia đình. Nhiều khi bốc lên, Tiệp ngồi nói hàng giờ về Sartre, Heidegger, về Simone Weil, về Tô Đông Pha, cả Tuệ Sĩ lẫn Bùi Giáng. Hoặc là những tư tưởng kỳ quặc, ngộ nghĩnh của chính cậu ta hay rút ra từ một cuốn sách nào đó không biết. Đại khái như là “Thiền học thực sự là một sự điều chỉnh, một giải pháp mà những tu sĩ Trung Hoa đã cố gắng chế tác bằng nguyên liệu Ấn Độ và nguyên liệu nội địa Lão Trang của họ”. Hoặc là “công thức E=mc2 của Einstein là kí hiệu phù chú của Mật tông, hoặc là một công thức siêu hình học mà nắm được nó thì gần như chúng ta nắm được 95% đời mình”.

Những lúc như thế Tiệp trở thành một người khác, mất đi cái vẻ lầm lì thường có mà tỏ ra linh hoạt sôi nổi. Thú thật là tôi chỉ nghe bằng một tai vì chẳng hiểu gì nhiều. Bản tính tôi vốn lười suy nghĩ. Sống trong một phòng, Tiệp nói, tôi phải nghe, thế thôi. Có lúc tôi ngủ lúc nào không biết.

Tôi có cô em họ con bà dì, dạy cùng trường, nhan sắc cũng bình thường nhưng có cá tính. Hơi cứng, không có cái vẻ yểu điệu thục nữ như phần lớn các cô gái thời bấy giờ. Một cách khách quan, đó là một típ người khác với Tiệp. Ấy vậy mà cậu ấy bị bắn trúng ngay cái nhìn đầu tiên. Có lần Tiệp làm một bài thơ, nhờ ngay một đứa học trò trong lớp trao tận tay Liên trong giờ học. Cô ấy cự lại. Việc đến tai thầy hiệu trưởng. Không biết ông ấy đã nói gì. Chỉ thấy Tiệp ra khỏi phòng hiệu trưởng với vẻ mặt kích động, và đóng sầm cửa lại. Từ ấy tôi không thấy cậu ấy nhắc đến Liên nữa.

Có một hôm Tiệp rủ tôi đi uống rượu. Đó là một điều lạ. Chúng tôi chỉ la cà ở những quán cà phê có nhạc vì cả hai chẳng phải là phường nhậu nhẹt. Hai đứa ngồi uống trong một quán bar nằm trên bãi biển. Đêm ấy trời không trăng nhưng đầy sao. Thuyền cầu gần bán đảo Phương Mai làm thành một vòng cung lấp lánh sáng. Tiệp uống liền mấy chai không nói một lời nào, dáng đã có vẻ ngất ngưởng. Tôi thấy có cái gì đó lạ lạ nhưng không muốn hỏi. Mà tánh Tiệp là vậy khi cậu ấy không muốn, có cạy miệng cũng không trả lời. Thình lình cậu ấy bỏ bàn chạy ra sát mé biển. Tưởng cậu ấy bị ói, tôi chạy theo. Nhưng không phải vậy, Tiệp thụp xuống bờ cát, hai tay đưa lên, mắt nhìn vào khoảng xa và gào – tiếng gào thê thiết lẫn trong tiếng gió và tiếng ầm ào của sóng biển – Ánh đèn của các quán bar gần đấy soi rõ khuôn mặt Tiệp, một khuôn mặt biến dạng vì nỗi đau vò xé. Đêm hôm ấy tôi chở Tiệp về trên chiếc Honda 68. Giọng Tiệp ngắt ngứ một bản dân ca bằng tiếng Anh. Vào nhà trọ phải chật vật lắm tôi mới dìu được cậu ấy lên giường. Tiệp nằm đó đầu nghẹo sang một bên, một cánh tay buông thỏng gần chạm đất. Mắt còn ngấn nước…

Cuối năm học 1974 tôi đổi ra Huế. Và 1975…, trong cơn chuyển mình của lịch sử, mỗi cá nhân chỉ còn một cách là làm thế nào để tồn tại. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Mãi cho đến cách đây gần hai năm, qua một người bạn, tôi tình cờ biết được tin tức của Tiệp. Và chúng tôi gặp lại nhau sau một quãng thời gian dài đã ngốn hết của chúng tôi tuổi trẻ.

Tôi gặp lại cậu ấy vào một buổi sáng mùa đông, trong một căn phòng xép sau lưng nhà thờ họ ở Bầu Đôn. Căn phòng chứa những đồ cũ linh tinh người ta không dùng được nữa nhưng lại không dám bỏ đi vì tiếc. Tiệp choán được một góc phòng. Trên mặt bàn, ấm chén cáu bẩn lẩn trong sách vở, bản thảo, mì sợi và thuốc men. Một cái giường cũ, ọp ẹp, bề bộn cả chăn màn, áo quần cũ lâu ngày không giặt toả ra một màu ẩm mốc khó chịu. Dưới gầm giường giày dép lẫn với dụng cụ nhà bếp. Căn phòng trống hoắc. Gió lùa từ những ô cửa bị hư nghe vù vù.

Tiệp ngồi trên gường còm cõi, xanh xao trong chiếc ao măng tô cũ đã sờn rách.

Tôi cảm thấy như tim mình có một bàn tay ai đó siết nhẹ. Cho đến bây giờ tôi cũng không còn nhớ chúng tôi bắt đầu câu chuyện như thế nào. Hình như giữa hai chúng tôi Tiệp là người chủ động, cậu ta nói trước và nói nhiều hơn. Tôi trả lời nhát gừng vì phải vụng về che đậy cảm xúc của mình. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi hôm đó có cái gì gượng gạo, không bình thường, không phải là của hai người bạn thân lâu ngày mới gặp. Tiệp nói: “Mình về đây sáu tháng rồi. Ban đầu còn chạy xe thồ được. Sau bệnh quá không đủ sức đạp nữa. Mình sống nhờ sự giúp đỡ của bạn bè là chính. Thỉnh thoảng viết lách cái gì đó, quay rô-nê-ô đưa cho các bạn đọc, để giải toả mặc cảm mình là một thằng ăn bám vậy mà…”.

Trở lại thành phố trên con đường lầy lội. Nhà cửa, đồng ruộng hai bên đường lờ mờ sau màn mưa, tôi cảm thấy một nỗi buồn vô hạn về thân phận con người.

Qua Liên, tôi vận động được một số thân hữu của trường Cường Để cũ gửi cho cậu ấy được 400 USD. Tôi có nhiệm vụ quản lý, đổi sang tiền Việt và đưa cho Tiệp mỗi tháng 400 ngàn, nhờ vậy mà hằng tháng tôi thường hay gặp Tiệp. Lâu dần tôi cũng quen và không bị chấn động như lúc ban đầu: cái đầu tóc bù xù, rối như tổ quạ, cặp mắt đỏ ngầu, dài dại, hàm răng xám khói thuốc. Những bộ quần áo cũ tôi đưa cho cậu ấy dễ có hàng tháng trời không được giặt, có màu không thể gọi tên. Bàn chân đầy ghét bẩn thò ra khỏi đôi dép nhựa màu trắng dính đầy đất đỏ.

Bao giờ cũng vậy, câu đầu tiên cậu ấy nói với tôi: “Mình căng lắm. Hắn theo dõi mình, hắn đánh mình tơi tả, hắn bỏ thuốc độc vào nước của mình…”. Tiệp tưởng tượng có một kẻ thù nào đó đang truy đuổi cậu vì thế đi đâu cậu ấy cũng mang theo cả “gia sản” của mình theo trong một túi nylon: nước uống đựng trong vỏ coca-cola, mấy cái áo quần cũ, vài gói mì sợi, một mớ bản thảo, và cả một cuốn từ điển Việt-Anh Anh-Việt.

Sự việc diễn ra cả năm trời như thế riết rồi tôi chẳng hề lưu tâm đến cậu ta nói gì. Chỉ mong đưa tiền cho Tiệp, nghe cậu ta nói một vài câu cho phải phép, đưa cậu ta ra cửa, nhìn vào cái dáng còm cõi, xiêu vẹo của cậu trên chiếc xe đạp cà tàng long cả pê-đan. Nhiều khi thấy mấy người hàng xóm nhìn nhìn tìm hiểu, tôi thoáng có chút ngượng ngùng và tìm lời giải thích.

Nhiều khi không phải đầu tháng, Tiệp không đến lấy tiền mà đem đến cho tôi một số bản thảo quay rô-nê-ô: có khi là những bài thơ, có khi là những biên khảo về một vấn đề hay một tác giả nào đó; có khi chỉ là những lá thư gửi cho người quen hay bạn cũ trong và ngoài nước. Có điều lạ lùng, những điều Tiệp nói là một mớ lộn xộn, rối bong lên không ai hiểu, tố cáo bệnh tâm thần không che giấu được thì văn chương chữ nghĩa lại tỏ ra mạch lạc, khúc chiết, kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn học và triết học làm cho tôi quá đỗi ngạc nhiên. Vợ tôi nhiều khi khôi hài: “Hay là anh ấy đạo văn của ai”. Tôi không nghĩ thế vì tôi đã biết cậu ấy. Có điều bây giờ kiến thức của Tiệp sâu hơn, chín hơn.

Dù cố gắng dè sẻn, món tiền lâu ngày cũng hết. Chưa tìm được nguồn tài trợ mới. Tiệp cũng biết thế và cho tôi biết là sẽ vào Rạch Sỏi để thăm người bà con xa một thời gian. Tôi thấy nhẹ cả người nhưng cũng tự nhủ thầm sẽ vận động thêm để gửi cho cậu ấy trong thời gian tới. Có đến ba, bốn tháng không thấy Tiệp liên lạc gì. Mãi đến mấy tháng trước đây tôi nhận được điện thoại của Tiệp. Hoá ra cậu ấy không vào miền Nam, vẫn sống tại Huế mà lại ở chùa. Tiệp cho địa chỉ và nhắn tôi lên chơi. Chần chừ mãi đến nửa tháng sau, vào một buổi chiều thứ bảy tôi mới lên được.

Tiệp đón tôi ở cổng chùa. Thật ngạc nhiên làm sao! Tiệp hoàn toàn lột xác và trở thành một người khác. Cũng là bộ quần áo cũ của tôi nhưng sạch sẽ phẳng phiu, đầu tóc gọn gàng và đặc biệt là cái vẻ quang tĩnh trong nét mặt, dáng đi khác với vẻ bồn chồn như bị truy đuổi trước đó của Tiệp. Tiệp đưa tôi đến chào thầy.

–    Anh Tiệp nhắc đến anh luôn. Anh ở lại chơi với anh ấy để nhà chùa đãi một bữa cơm chay.

–    Rồi quay sang Tiệp, thầy nói với giọng cười hoan hỷ:

–    Còn phải có người thưởng thức mấy bài thơ vừa sáng tác nữa chứ.

Tiệp cười, cái cười hồn nhiên, trẻ thơ. Giữa hai người có cái vẻ thân thiện, gần gũi lạ kỳ mà tôi chưa hề thấy dù chúng tôi làm bạn với nhau có đến mấy chục năm.

Buổi thọ trai đơn giản nhưng thật ngon miệng. Đêm ấy chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau trên bậc đá dẫn xuống lòng hồ. Ánh trăng loé trên mặt nước. Sương núi toả ra mờ mờ.

Tiệp nói. Tôi ngồi nghe. Cậu ấy nói về người cha không biết mặt, không biết tên. Về người mẹ xinh đẹp, có một tâm hồn trẻ thơ trong một thân xác phụ nữ, chỉ biết yêu con bằng bản năng sinh vật. Tiệp kể về ngôi nhà nhỏ, nằm tít cuối vườn bên cạnh con sông Đào và nói thèm muốn được nhập bọn chơi đùa với lũ anh em họ ở ngôi nhà chính. Và cả niềm cô đơn của những năm tháng đi học trôi nổi từ nhà này sang nhà khác, ở đấy người ta chỉ nuôi vì trách nhiệm chứ không có tình thương. Chưa bao giờ Tiệp nói nhiều về quá khứ của mình như thế. Mỗi lời, mỗi chữ bình thản, rành rọt như được lôi ra từ tận cùng ký ức sâu thẳm. Bỗng nhiên Tiệp quay sang hỏi tôi:

–    Cậu có nhớ cái đêm mình với cậu uống bia ở bãi biển Quy Nhơn không?

–    Ừ, có.

–    Cậu biết không, mình lén mở hộc tủ trong phòng giáo viên của Liên và đọc trộm thư người ta gửi cho cô ấy. Mình tệ quá! Không hiểu sao hồi ấy mình yêu Liên đến thế. Mà nghĩ cho cùng cô ấy cũng bình thường thôi phải không?

Tiệp khẽ cười. Giọng cười trong trẻo pha chút khôi hài như thể chế giễu cái trẻ con ngớ ngẩn của ai đó chứ không phải của mình. Dưới ánh trăng, khuôn mặt cậu ấy bình tĩnh, thư thái khác xa với khuôn mặt bị vò xé trên bãi biển Quy Nhơn năm nào.

Chúng tôi nói chuyện này chuyện kia gần nửa đêm mới trở về. Đêm mùa đông tuyệt đẹp, đầy sao. Ở đây người ta có cảm giác gần với bầu trời hơn. Tiếng sỏi lạo xạo dưới chân, tiếng dế rin rít trong đám cỏ. Không gian lắng đọng thanh sạch – hương của một loài hoa nào đó trong vườn chùa quyện với sương núi ngọt dịu.

Chúng tôi nằm ngủ trên một tấm phản nhỏ. Tiệp với mấy cuốn sách bọc ngoài bằng một chiếc áo len rồi gối đầu lên, nhường chiếc gối độc nhất cho tôi. Tiệp nói: nằm quay mặt về phía cửa sổ để có thể nhìn thấy trăng.

Tôi nằm xuống bên cạnh – một lát sau nghe tiếng thở của Tiệp nhẹ và đều đều. Chuyện của Tiệp cứ ám ảnh khiến tôi không sao ngủ được. Tôi len lén chổi dậy, định hút một điếu thuốc nhưng sau đó lại thôi. Tôi ra ngồi trên chiếc ghế gần bàn viết cạnh cửa sổ. Trăng lọt vào song chiếu đến chỗ Tiệp nằm, soi tỏ khuôn mặt bình thản, yên lặng…

*

Tiệp cũng nằm như thế, bình thản, yên lặng như đêm nào trên tấm phản này. Có điều cậu ấy không nói nữa. Và tôi cũng không bao giờ được nghe cậu ấy nói nữa. Mà thật ra trong quá khứ, nhất là trong những năm gần đây có bao giờ tôi lắng nghe cậu ấy nói như là một người bình thường, hơn thế nữa, như là một người bạn. Có bao giờ tôi lắng nghe với tất cả lòng bi mẫn để sẻ chia với cậu ấy gánh nặng của thân phận con người. Tôi tự thoả mãn về việc mình vận động được vài trăm đô la để cậu ấy có được một món tiền nho nhỏ hàng tháng nuôi thân mà có bao giờ tôi hiểu rằng sự chia sẻ về tinh thần cũng là điều tối cần thiết. Tôi đã làm gì được cho cậu ấy trong suốt bao nhiêu năm trong khi chỉ cần một thời gian ngắn thầy đã làm được điều kỳ diệu đó. Tôi thật là một thằng bạn nhẫn tâm!

Do sự chi phối bởi một nghiệp lực nào đó Tiệp đã lạc bước đến cõi đời này mà không được ai chào đón. Tiệp đã sống trong nỗi cô đơn tột cùng và oằn lưng bởi gánh nặng của số phận. May thay vào cuối đời, Tiệp đã có một chỗ dừng chân để từ bỏ nơi chốn lưu đày và trở về với quê nhà yêu dấu. Xin vĩnh biệt bạn, người bạn khốn khổ của tôi./.

L.T.C.T

*Mượn chữ của A. Camus

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here