Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Lòng từ vô lượng

Lòng từ vô lượng

137
0
Loại tình thương mà được bao hàm trong lòng từ vô lượng là  một thiện cảm chân thành đầy ái kính đối với người khác. Chúng ta cầu mong cho họ hạnh phúc và có  bất cứ điều gì họ cần cho một cuộc sống lành mạnh, an vui. Nó cũng có thể được gọi là lòng từ.
 
Một và yếu tố khác nhau làm phát khởi tình thương như thế. Một yếu tố đó là nhận thức rõ vai trò  quan trọng mà mọi người góp phần vào đời sống của chúng ta. Ví dụ, chúng ta thương cha mẹ mình vì họ đưa ta vào đời, cho chúng ta thức ăn đồ mặc, tình thương và sự che chở cần thiết. Họ an ủi khi chúng ta buồn phiền hay lo sợ và chăm sóc khi chúng ta đau ốm. Chúng ta thương yêu những thành viên khác trong gia đình và bạn bè vì chúng ta cùng chia sẻ với họ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc đời. Chúng ta thương yêu thầy cô giáo vì chúng ta học hỏi từ họ kiến thức và những kỷ năng cần thiết để kiếm sống và đối phó với những thách thức của cuộc sống. Nhưng chúng ta có thương yêu ngườ lái xe buýt đưa chúng ta đến công sở hay trường học mỗi ngày hay không? Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi đang đùa. “Thậm chí tôi không biết anh ấy – anh ấy là một người xa lạ!”. Nhưng bạn nên nhớ rằng, lòng từ là một cảm xúc của sự quan tâm chu đáo và lòng tử tế. Thương yêu một người nào không có nghĩa là chúng ta phải có mối quan hệ thân thiết với họ, mà có nghĩa là chúng ta quan tâm về người đó, cảm kích những gì người đó làm vì chúng ta và cầu mong cho người đó hạnh phúc.
 
Có nhiều người góp phần vào hạnh phúc của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. Nhờ nghĩ đến những gì  họ làm vì mình, chúng ta có thể cảm thấy thương yêu, trìu mến họ. Ví dụ, đồ ăn thức uống mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày đến với chúng ta là do sự làm việc vất vả của những nông phu, những tài xế xe tải, những công nhân nhà máy và những người bán hàng. Những nhà cửa, trường học, cơ quan, trung tâm buôn bán và đường sá được những người công nhân xây dựng nên. Nhiều người làm việc để cung cấp cho chúng ta nước máy, khí đốt, điện năng và những dịch vụ công cộng; nhiều người khác sản xuất áo quần và đồ đạc cho chúng ta dùng; sách báo, âm nhạc và phim ảnh cho ta thưởng thức; và những thiết bị làm cho cuộc sống của chúng ta thoải mái, dễ chịu hơn. Nói tóm lại, mọi thứ mà chúng ta sở hữu, sử dụng và thưởng thức đều nhờ từ nơi những người khác.
 
Tha nhân cũng thật quan trọng cho quan điểm phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu không có những chúng sanh mà chúng ta có  thể giết hại hay lấy cắp của họ thì làm sao chúng ta có thể giữ giới (thực hành những nguyên tắc đạo đức như từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp…? Làm sao chúng ta có  thể tu tập lòng rộng lượng nếu không có ai gặp khó khăn hoạn nạn? Thậm chí kẻ thù cũng quan trọng vì họ kích động lòng sân hận của chúng ta và như vậy họ cho ta cơ hội để tu hạnh nhẫn nhục, một trong những đức tính quý giá nhất trên bước đường tu tập. Những ý tưởng này đến từ một loại thiền gọi là “Nhớ lại lòng nhân từ của người khác”, là một trong những phương pháp tốt nhất để phát triển lòng từ vô lượng.
 
Một yếu tố  khác làm phát khởi lòng từ vô lượng là nhận thức rõ rằng tất cả chúng sanh đều giống nhau trong việc mong cầu hạnh phúc và không muốn khổ  đau. Do vậy mà có một loại thiền gọi là  “Sự bình đẳng giữa mình và người”. Chúng ta nghĩ rằng: “Cũng như tôi muốn sống lâu và hạnh phúc, mọi người khác cũng muốn sống lâu và hạnh phúc. Cũng như tôi không muốn chịu đau khổ và rắc rối, bất cứ ai cũng vậy”. Ý nghĩ này có thể được dùng để vượt qua sự sợ hãi hay ác cảm đối với những người trông xa lạ hay cư xử thô lỗ, không đúng đắn. Nó giúp chúng ta hiểu rằng từ trong tâm khảm, họ cũng giống hệt như chính chúng ta.
 
Hơn nữa, mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đó là tiềm năng giải thoát và giác ngộ. Ngay cả những người sống phi đạo đức và làm nhiều điều tai hại cũng có tính thanh tịnh và thiện lành, một ngày nào  đó (có lẽ là sau nhiều kiếp) họ sẽ  đạt được giác ngộ. Nếu chúng ta có thể chấp nhận những ý tưởng này và giữ nó trong tâm bất cứ khi nào chúng ta gặp chúng sanh khác thì thay vì cảm thấy rằng “bạn khác biệt với tôi”, chúng ta sẽ cảm thấy rằng “bạn thực đúng là tôi” và lòng từ sẽ phát sanh một cách tự nhiên.
 
Lòng từ cũng bao gồm việc cầu mong cho mọi người có những nhân hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là chúng ta cầu mong cho họ tu tập những thái độ và cách cư xử tích cực, lành mạnh. Việc bố thí  tiền bạc, thức ăn và sự ân cần đáp ứng những nhu cầu hiện tại nhưng không bảo đảm hạnh phúc tương lai của họ. Một người có thể có mọi thứ mà người ấy cần để được hạnh phúc trong hiện tại, nhưng nếu người ấy sống không có đạo đức và thay vì có những hành động hại mình hại người, thì chính đau khổ hơn là hạnh phúc sẽ chờ đợi họ trong tương lai. Vì vậy, chúng ta cũng cần giúp đỡ mọi người tạo những nhân hạnh phúc và tránh những nhân đau khổ.
 
Tình thương mà  chúng ta biểu hiện phải trong sáng và không ích kỷ, không hề mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào. Tình thương trong sáng tương tự như tình mẹ  thương con. Khi đứa bé còn nhỏ, người mẹ thấy hạnh phúc phải chăm sóc cho nó mọi thứ cho dù  đứa bé không thể đền đáp gì nhiều. Mặt khác, nếu thương mọi người với điều kiện là  họ tử tế với chúng ta, hoặc chúng ta ngừng thương họ khi chúng ta không còn nhận được những gì mình muốn nữa, tình thương ấy sẽ không thuần tịnh, trong sáng mà pha lẫn tham ái và ích kỷ. Tình thương này được gọi là “tình thương có  điều kiện”, bởi vì nó dính dáng đến những sự đòi hỏi và mong cầu. Càng có thể ít tự coi trọng mình chừng nào, tình thương của chúng ta sẽ càng trong sáng và vô điều kiện chừng ấy.
 
Tình thương trong sáng cũng vượt qua mọi biên giới. Thật sai lầm khi nghĩ:  “Tôi thương con cái của tôi nhưng tôi không thương những trẻ con khác”, hay “Tôi thương người dân trong nước tôi nhưng tôi không thương những người trong các quốc gia khác” hoặc “Tôi là một Phật tử vì vậy tôi không chỉ thương những người Phật tử nhưng tôi không thương những người theo đạo Cơ Đốc, đạo Hồi…”, hay “Tôi chỉ tử tế với loài người mà không tốt với cầm thú và côn trùng”. Chỉ thương yêu và giúp đỡ những ai thuộc chủng tộc, tôn giáo, quốc gia hay giới tính của riêng mình là chúng ta tự giới hạn lòng từ của chính mình. Thậm chí nếu chúng ta chỉ hờ hững với một chúng sanh, tình thương trong sáng của chúng ta sẽ không phát triển một cách hoàn toàn, không thể vô hạn được.
 
Chúng ta có thê  rlo lắng rằng, chúng ta chỉ có đủ tình thương cho gia đình và bạn bè của mình nhưng không đủ cho mọi chúng sanh riêng biệt! “Nếu tôi cố gắng thương hết mọi người tôi sẽ bị kiệt sức!”. Nhưng chúng ta không cần lo lắng về điều đó. Tình thương là một năng lượng vô tận. Thực tập thương yêu càng nhiều cũng như việc khám phá  ra một nguồn suối tự nhiên bên trong chúng ta. Chúng ta có ban tặng tình thương nhiều đến mấy, nó  cũng sẽ luôn tuôn trào ra bấy nhiêu. Chính những cách suy nghĩ tự hạn cuộc và ích kỷ quen thuộc của chúng ta làm thắt ngặt nguồn suối tình thương này. Khi chúng ta dần dần giảm bớt những điều này, khả  năng yêu thương của chúng ta sẽ tăng lên.
 
Chúng ta cũng cẩn thận để tránh vấn đề đối nghịch: trải rộng lòng từ đến “tất cả chúng sanh”  trong khi đó chẳng để ý hay đoái hoài gì  đến những người chung quanh chúng ta. Đôi khi xảy ra sự  kiện, chúng ta có một thời thiền an lạc về đề mục thương yêu mọi chúng sanh, nhưng khi kết thúc thời thiền, chúng ta hành động không tử tế với những thành viên trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp của mình. Để phát triển một cách đúng đắn, việc tu tập lòng từ chúng ta nên bắt đầu với những người mà chúng ta chung sống và gặp gỡ hằng ngày. Dần dần chúng ta có thể trải rộng tình thương đến những chúng sanh trên khắp thế giới, ở các cõi khác và trong những thiên hà xa xăm.
 
 
Minh Chuẩn dịch từ  “Awakening a Kind Heart”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here