Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Lòng từ bi chốn cửa thiền

Lòng từ bi chốn cửa thiền

192
0

Tôi đến thăm Viện dưỡng lão chùa Tịnh Đức vào lúc xế chiều một ngày đầu tuần tháng năm. Lối vào chính điện chùa trong Viện rực rỡ cờ hoa đón chào Phật đản PL 2558 – Vesak 2014. Dạo quanh một vòng nơi ở của các cụ thấy vắng hoe. Thì ra đã đến bữa cơm tối, các cụ ở cả nhà ăn. Trên chùa sư bà Thích Nữ Diệu Thành đang niệm Phật, tiếng cầu kinh đều đặn cùng nhịp mõ. Không khí tĩnh lặng đến lạ thường.

Biết có khách, dẫu đang lo bữa cho mấy cụ bà ở viện, sư cô Liên Tu nghỉ tay, dành mấy phút tiếp khách. Tôi thưa với sư cô về việc muốn tìm hiểu hoạt động của Viện dưỡng lão, không biết có làm phiền sư cô?

Cuộc đời bất hạnh giờ đã bớt quạnh hiu

“Không có chi… mời anh vào thăm các cụ bà đang dùng bữa ở dưới…”. Sư cô nói.

Viện dưỡng lão chùa Tịnh Đức chung đường với Học viện Phật giáo Huế trên con đường thảm bê tông ở ngã ba đường Minh Mạng lên lăng Khải Định, được thành lập năm 1996, do sư bà Diệu Thành khởi xướng. Ba năm sau khi Viện dưỡng lão được hình thành đi vào hoạt động, chùa mới được xây trong khuôn viên để các cụ bà được nuôi dưỡng ở đây dễ có điều kiện tu tập, an dưỡng tuổi già, giảm bớt nỗi cô đơn, lạnh lẽo.

Nhớ ngày đầu thành lập viện, sư bà Diệu Thành đã đi khắp nơi tập hợp được 16 cụ bà không nơi nương tựa, sống cù bơ, cù bất đưa về viện nuôi dưỡng. Con số đó dần tăng theo năm tháng lên đến 40 cụ bà. Kể từ dạo đó đến nay đã có 28 cụ qua đời. Không chỉ là ngày giỗ chạp mà cả ngày thường các cụ vẫn ấm lòng bởi được ngày đêm nhang khói. Tuổi già, bệnh tật, nhiều người trong số đó không biết ngay cả tên mình, nói chi đến quê quán.

Cụ bà Nguyễn Thị Tịnh, quê Quảng Trị, năm 1975 dắt đứa con nhỏ chạy loạn, không may cả hai mẹ con trúng đạn, thất lạc nhau từ đó. Bà đi lang thang, sống kiếp tha hương bất định. Được viện đưa về cưu mang nuôi dưỡng. Người con mất mẹ lớn lên đau đáu đi tìm trong vô vọng. Rồi một ngày bất chợt, hai mẹ con nhận ra nhau ở viện dưỡng lão này. Ngày trở về với con, bà Tịnh khóc hết nước mắt: Về được với con là quý hóa rồi, nhưng bỏ viện mà đi thì lòng dạ chẳng đành. Cúi đầu xin bái tạ ơn đức Phật, ơn tấm lòng đức độ, cứu nhân độ thế của chùa Tịnh Đức”.

Cụ bà Nguyễn Thị Thương, bị bệnh thận nặng, lại ngã gãy tay, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, tốn hàng chục triệu đồng, viện vẫn lo chu tất. “Mệ Lan, mệ Chanh, mệ Chắt…từ khi vào đây tinh thần, sức khỏe được cải thiện lên rất nhiều”, sư cô Liên Tu nói. Tôi thấy trên gương mặt các mệ lộ rõ niềm vui. Cảm giác có gia đình chính là ngọn lửa sưởi ấm các mệ. Nhìn các mệ trên tay lần tràng hạt, dọn dẹp lại chiếc giường nằm ngăn nắp sạch sẽ, lòng tôi trào dâng niềm cảm phục tấm lòng từ bi của sư bà, sư cô và các chị phục vụ từ tâm như chị Vân, chị Thúy… cho các mệ như người thân của chính mình.

Tạm biệt Viện dưỡng lão chùa Tịnh Đức để lại đằng sau tiếng kinh cầu và cả những mảnh đời khổ đau đang được cưu mang, tôi trở lại đường về đang rợp cờ hoa đón mừng Phật đản. Lòng bỗng nhớ về triết lý nhà Phật:

“Dù xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người”.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here