Lòng hiếu là lòng từ bi gần gũi nhất đối với con người. Vì cha mẹ là sự gần gũi nhất, về gien, về tính khí, về trình độ văn hóa, về sống chung trong một hoàn cảnh, về sự chia sẻ những ước vọng và cả thất vọng của một gia đình. Nếu không từ bi được với cha mẹ thì có lẽ không thể từ bi được với ai cả. Thế nên, hai trong năm tội lớn lao nhất theo Phật giáo (ngũ nghịch, ngũ vô gián nghiệp) là giết cha, giết mẹ. Bởi vì phạm vào hai tội đó thì không còn là con người nữa rồi, không còn một chút xíu từ bi, là cái làm nên đời sống con người nữa rồi, phải sa đọa vào chốn thấp nhất của sự sống mà thôi.
Lòng hiếu là lòng từ bi đối với cha mẹ. Đó là đạo làm người (nhân đạo). Nhưng muốn tiến xa hơn, hoàn chỉnh hơn, thì phải đi vào Phật đạo, bởi vì làm người cũng có nhiều bất trắc, không thật. Nếu tôi thương yêu cha mẹ tôi, nhưng cha mẹ tôi bị người khác giận ghét, làm hại, tôi sẽ trả thù, ít nhất là ghét lại. Tôi thương cha mẹ tôi, tôi có hiếu với cha mẹ tôi, nhưng tôi ghét, tôi bất hiếu với cha mẹ người khác. Lòng hiếu của con người cũng rất hữu hạn, bấp bênh, mong manh.
Biết đâu tôi thương cha mẹ tôi chỉ là tôi thương tôi. Cha mẹ tôi làm tôi hãnh diện thì tôi ân cần, đi đâu cũng khoe; còn cha mẹ tôi làm tôi mất mặt thì tôi tránh đi cùng, ai hỏi thì cũng trả lời qua loa. Lòng hiếu của con người bình thường bị giới hạn bởi cái tôi và cái của tôi. Một tình thương thật sự thì không bị giới hạn trong cái tôi và cái của tôi. Nếu một tình thương khởi từ tôi rồi quanh quẩn trong cái tôi và chấm dứt nơi cái tôi thì đó là tình thương của tôi, một cái tôi nhỏ hẹp, bất toàn. Với cái của tôi ấy, việc tôi thương biến thành tôi ghét rất dễ dàng.
Khi đạo Phật làm cho mỗi người trở thành con người chân chánh (theo Bát Chánh đạo) thì lòng hiếu hay lòng từ bi đối với cha mẹ cũng trở thành chân thật.
Từ lòng hiếu hay lòng từ bi đối với cha mẹ, từ số vốn khởi nghiệp nhỏ nhoi của một kiếp người, đạo Phật dạy chúng ta mở rộng tình thương ấy ra. Đối tượng của lòng hiếu hay lòng từ bi không còn chỉ giới hạn trong cha mẹ mà mở ra với tất cả chúng sanh. Nói cách khác, từ bi với chúng sanh như là cha mẹ mình.
Kinh Đại Bát-nhã nói:
“Đức Phật bảo: Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát muốn mau chứng được Giác ngộ vô thượng phải đối với tất cả chúng sanh trụ tâm bình đẳng, khởi tâm bình đẳng, chẳng nên trụ tâm bất bình đẳng, khởi tâm bất bình đẳng. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm bình đẳng mà nói với, chẳng nên đem tâm bất bình đẳng mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại từ, chẳng nên khởi tâm giận dữ. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại từ mà nói với, chẳng nên đem tâm giận dữ mà nói với.
Phải đối vối tất cả chúng sanh khởi tâm đại bi, chẳng nên khởi tâm não hại. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại bi mà nói với, chẳng nên đem tâm não hại mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại hỷ, chẳng nên khởi tâm ganh ghét. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại hỷ mà nói với, chẳng nên đem tâm ganh ghét mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại xả, chẳng nên khởi tâm thiên vị. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại xả mà nói với, chẳng nên đem tâm thiên vị mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm cung kính, tâm ngay thẳng, tâm dịu dàng, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm không trở ngại; chẳng nên khởi tâm khinh thường, tâm xu nịnh, tâm cứng cỏi, tâm chẳng lợi ích, tâm chẳng an vui, tâm có trở ngại. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm cung kính, tâm ngay thẳng, tâm dịu dàng, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm không trở ngại mà nói với; chẳng nên đem tâm khinh thường, tâm xu nịnh, tâm cứng cỏi, tâm chẳng lợi ích, tâm chẳng an vui, tâm có trở ngại mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm như cha mẹ, như anh chị em, như con trai con gái, như họ hàng; cũng đem tâm đây mà nói với. Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm bè bạn, khởi tâm như thầy dạy, như con em, như đồng học; cũng đem tâm đây mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm như bậc Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai; cũng đem tâm đây mà nói với.
Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm nên cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi; cũng đem tâm đây mà nói với. Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm nên cứu giúp, thương xót, che chở; cũng đem tâm đây mà nói với”.
(Phẩm Chân Như, hội thứ Ba)
Tâm bình đẳng, không giận dữ, không não hại, không thiên vị, tâm cung kính, tâm ngay thẳng, tâm dịu dàng, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm không trở ngại, tâm tôn trọng ngợi ca, tâm cứu giúp thương xót che chở… đó là tâm từ bi. Tâm từ bi được thể hiện không chỉ nơi tâm, mà còn nơi ngữ, nơi thân, nghĩa là thấm nhuần toàn bộ thân tâm.
Đối tượng của tâm từ bi này là tất cả chúng sanh. Đối tượng của tâm ấy rộng lớn bao la như vậy nên tâm ấy cũng trở thành rộng lớn bao la. Một đặc điểm khác của tâm từ bi là xuyên suốt qua, từ đối tượng thấp nhất đến cao nhất. Thế nên thực hành từ bi thì tâm chúng ta sẽ rộng hơn, sâu hơn.
Chính từ bi làm cho tâm chúng ta mở rộng và phá bỏ những chướng ngại phân biệt ngăn cách giữa chúng ta và người khác, chúng sanh khác. Từ bi làm công việc của trí huệ Bát-nhã là phá bỏ phiền não chướng và sở tri chướng ngăn che chúng ta với chúng sanh và thế giới. Lòng từ bi sâu rộng là sự hợp nhất với chúng sanh và thế giới. Cùng cực của lòng từ bi là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”.
Trên con đường đi đến lòng từ bi vô duyên và đồng thể, chắc chắn sự hợp nhất với tất cả này vẫn chưa hoàn toàn, vì vẫn còn tướng chúng sanh làm ngăn ngại, tướng ta-người làm ngăn ngại. Ở đây, trí huệ tánh Không sẽ hỗ trợ cho lòng từ bi ấy, bằng cách phá bỏ bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng.
Như thế, càng sâu rộng thì tâm từ bi càng kết hợp với tánh Không, càng vô ngại và vô lượng thì tâm từ bi càng hợp nhất với tánh Không, bởi vì tánh Không thì vô ngại, không phân biệt và không biên bờ.
Tâm từ bi khởi đầu bằng những hình tướng (cha mẹ, anh chị em, chúng sanh…) dần dần sâu rộng đi lần tới vô tướng tức tánh Không. Cuối cùng, tâm từ bi và tánh Không hợp nhất hoàn hảo ở một bậc Giác ngộ.
Để hợp nhất trọn vẹn với tánh Không vốn giải thoát bằng cách lìa tất cả hình tướng, kinh nói tiếp đoạn trên:
“Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm rốt ráo Không, vô sở hữu, bất khả đắc; cũng đem tâm đây mà nói với. Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm Không, Vô tướng, Vô nguyện; cũng đem tâm đây mà nói với.
Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát muốn mau chứng được giác ngộ vô thượng, đem vô sở đắc làm phương tiện, thì nên trụ như vậy”.
Thế nên, trong công thức lý tưởng của Đại thừa là Chân Không-Diệu Hữu thì Chân Không là tánh Không và Diệu Hữu ở đây là Từ Bi.
Từ bi luôn luôn đi liền trong những phẩm tính thành tựu của một bậc Giác ngộ, nên kinh Đại Bát- nhã khi nói về một bậc Giác ngộ thì có đủ “Như Lai mười lực, mười tám pháp bất cọng, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ đại bi”.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 183 Vu lan