Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Lối về hạnh phúc

Lối về hạnh phúc

180
0

Có người chỉ muốn có một tổ ấm nhỏ và từ đó họ có thể ngắm nhìn quang cảnh giống nhau mỗi ngày. Có người muốn tìm một người tình lý tưởng, hoặc càng gần lý tưởng càng tốt.

Ngay cả khi chúng ta đang sống trong chùa, chúng ta cũng có nhiều tham vọng: như muốn trở thành một Thiền giả, muốn trở thành một vị Tăng hay Ni gì gì đó, muốn có an định toàn hảo, muốn cách sống này sẽ tạo ra kết quả tốt .v.v… Lúc nào cũng có một điều gì đó để ta hy vọng. Tại sao thế? Bởi vì đó là điều sẽ xảy ra trong tương lai, không bao giờ có trong hiện tại.

Thay vì chú tâm vào hiện tại, ta lại cầu mong điều tốt đẹp hơn sẽ đến, có lẽ trong ngày mai. Thế nhưng khi ngày mai đến, ta lại mong đến ngày kế tiếp, vì nó cũng chưa đủ toàn hảo. Nếu ta thay đổi thói quen trong tư duy của mình và chú tâm vào cái đang hiện hữu, chừng đó, chắc chắn ta sẽ tìm được một điều gì đó làm ta hài lòng. Nhưng khi ta chỉ tìm kiếm những gì chưa hiện hữu, mong rằng có thể toàn hảo hơn, kỳ diệu hơn, thỏa mãn hơn, thì ta sẽ không tìm được gì cả; bởi vì ta chỉ tìm kiếm cái mà nó không hiện hữu ở đó.

Đạo Phật cho rằng, phần lớn những nỗi khổ của con người là do họ không sống thực với thực tại. Họ thường nuối tiếc quá khứ và mơ tưởng đến tương lai. Do đó, ý nghĩa cuộc đời bị đánh mất:

“Do mong việc sắp tới
Do than việc đã qua
Nên kẻ nghi héo mòn
Như lau xanh lìa cành”.
(Tương Ưng I)

Chúng ta thường có khuynh hướng muốn đi tìm hạnh phúc và phủ nhận, chối từ, ghét bỏ cái đang có trong hiện tại vì nghĩ rằng hiện tại chỉ là khổ đau, bất hạnh… Ta nghĩ hạnh phúc, an vui chỉ có mặt trong tương lai. Cái khuynh hướng trốn chạy và từ chối đó đã trở thành một tập khí nơi mỗi chúng ta.

Thực sự, tất cả những gì chúng ta muốn tìm đều có sẵn trong tâm mỗi người, nhưng thay vì quay vào bên trong thì chúng ta lại cứ xoay ra bên ngoài tìm kiếm rồi than là không thấy. Giống như anh chàng trong kinh Pháp Hoa có viên ngọc quý cất trong tay áo nhưng không biết dùng mà cứ sống một cuộc đời nghèo đói lam lũ, ăn xin cho đến khi tỉnh ngộ mới biết rằng mình vốn là người giàu sang chứ không phải nghèo hèn.

Một cuộc đối thoại rất thú vị giữa đôi bạn thân Tất Đạt và Thiện Hữu trong tác phẩm “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch, minh họa rất rõ cho điều này:

Tất Đạt và Thiện Hữu sau khi chia tay nhau mỗi người mỗi ngã, một ngày kia Tất Đạt chèo đò đưa một đoàn Sa môn qua sông, trong đó có Thiện Hữu. Tất Đạt không lấy tiền đò, nhưng lại rất vui vẻ. Thiện Hữu không nhận ra bạn mình, nên khen:

– “Ông tốt quá! Chắc ông cũng là người đi tìm chính đạo phải không ?”

Tất Đạt:
– “Ông tự cho mình là người tìm kiếm hay sao?”

Thiện Hữu:
– “Phải. Suốt đời tôi luôn đi tìm chính đạo.”

Tất Đạt:
“Vì anh luôn tìm kiếm nên anh không bao giờ gặp được!”

Thiện Hữu kinh ngạc hỏi:
“Sao anh nói lạ vậy?”

Tất Đạt:
“Người đi tìm kiếm vì đã có mục đích, nên chỉ chăm bẳm vào đó, không thấy được bao nhiêu chuyện khác. Người không đi tìm thì luôn sống thong dong, tự tại, vui với những gì mình gặp.Vì không tìm kiến nên tôi luôn luôn gặp gỡ những điều mới lạ. Cũng vì hăm hở tìm kiếm, mà lần gặp lại người bạn cũ của mình, anh vẫn không nhận ra”. (Nguồn Mạch Tâm Linh – Ni Sư T. N Trí Hải. 2003, tr177).

Bởi vậy, trong thực tế cuộc sống, nếu ai đó trong chúng ta khi gặp phải những điều trái ý nghịch lòng, làm cho tâm hồn chúng ta bấn loạn, xáo trộn tâm can thì hãy bình tâm mà suy xét lại sẽ thấy: tất cả không phải vì hoàn cảnh (chúng ta hay quen gọi là nghịch cảnh) hay tại người khác thù mình, ghét mình… mà nó xuất phát từ tâm chống đối của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên thay đổi lối nhìn của mình. Thay vì nhìn đối tượng làm mình khổ đau, phiền não không thể chịu nỗi thì hãy coi đó như một thử thách, dùng đó làm tấm gương soi vào nội tâm của chính mình. Thứ đến hãy quán xét trong cái gương đó, cái nguyên nhân ẩn giấu sự chống đối của ta và tìm cách giải quyết nó. Nếu không có cơ hội như thế này, ta sẽ không nhìn được nơi ta vốn vẫn có sự chống đối và rất có thể là ta sẽ phải trải qua một sự đau khổ giống như vậy trong tương lai. Nỗi khổ này sẽ lập đi lập lại nhiều lần nếu ta còn có tâm chống đối và không chịu thay đổi cách nhìn.

Muốn vượt qua bất cứ một thử thách nào, chúng ta cũng cần giáp mặt với nó và kinh nghiệm về nó. Đức Phật dạy rằng: “Tất cả mọi sự khổ đau đều do sự chống đối”. Vậy, thay vì nói rằng “Đây là nỗi khổ vô cùng tận của tôi” thì hãy lặp đi lặp lại rằng “Đây là một cơ hội bằng vàng giúp tôi nhìn sâu vào nội tâm đang là, để hiểu biết thêm về chính tôi và xóa bỏ những rắc rối phiền muộn nằm sâu trong tâm khảm, giúp tôi có cơ hội dẹp bỏ bản ngã của mình”.

Đức Phật cũng có nói về hai hạng người; người tầm thường (Phàm nhân, Puthujana) và người cao sang (Thánh nhân, ariya). Dĩ nhiên, ai cũng mong ước trở thành Thánh nhân. Nhưng nếu chúng ta chỉ mong cầu điều đó trong một tương lai nào đó, ta sẽ không đạt được, bởi vì chúng ta thiếu tập trung vào từng giây phút trong hiện tại. Chỉ khi nào tâm chú niệm vào từng giây khắc thì tâm nhập Đạo (sát na tâm Đạo) giải thoát mới có thể xảy ra.

Yếu tố phân biệt một Thánh nhân và Phàm nhân là sự đoạn trừ ba Kiết sử đầu tiên đã trói buộc ta vào luân hồi miên viễn. Ba Kiết sử này là: Thân kiến (Sakkayditthi), Hoài nghi (Vicikiccha) và Giới cấm thủ (Silabbatta paramasa). Người nào chưa phải là bậc Dự Lưu thì người ấy vẫn còn bị trói buộc vào ba loại tà kiến và hành động sai lầm vốn đem ta xa rời sự tự do và đưa ta vào trói buộc.

Hãy thử nhìn vào sợi dây “hoài nghi” trước. Đó là những ý tưởng vụn vặt lúc nào cũng ám ảnh trong đầu óc: “Chắc là có một pháp tu khác, một hoàn cảnh khác, một môi truờng khác… tốt hơn, dễ dàng hơn”, hoặc “Tôi biết chắc là tôi có thể tìm được an lạc ở một nơi nào đó trong thế gian rộng lớn này”. Khi nào ta vẫn còn sự nghi ngờ về con đường giải thoát khỏi thế gian và vẫn còn sự tin tưởng rằng những điều toại ý có thể tìm ra trong thế gian. Khi đó ta sẽ không có cơ hội đắc quả Thánh hay có được hạnh phúc trong cuộc sống, bởi vì ta đang nhìn và đang đi lầm hướng. Trong thế gian này, với con người và vật chất, thú vật và sự chiếm hữu, tham lam và thù hận… , quang cảnh và các tiếp xúc va chạm qua giác quan, không còn một cái gì khác có thể tìm thấy ngoài những gì chúng ta đã từng quen biết. Vì vậy, “hoài nghi” chính là một kiết sử trong tâm khi chưa có được một minh bạch rõ ràng vốn bắt nguồn từ sát na tâm nhập đạo. Tâm thức khởi sinh ngay trong giây khắc đó sẽ huỷ diệt mọi hoài nghi, bởi vì lúc đó, ta tự thực chứng được “Con đường”. Cũng như khi ta cắn quả xoài, ta biết được ngay cái vị của nó.

Nhận thức sai lầm về “tự ngã” là một kiết sử gây nhiều tổn hại nhất và vây hãm lấy cuộc đời chúng ta. Nó chứa đựng ý tưởng chôn sâu trong tâm về cái “đây là tôi”. Có thể cái ngã đó không phải là cái thân “của tôi”, nhưng có “một nười nào đó” đang hành thiền; có “một người nào đó” sẽ được mọi người trọng vọng nể vì… trong tương lai. Cái “một người nào đó” này đang muốn giác ngộ, muốn được hạnh phúc, muốn được kính trọng. Tà kiến về “tự ngã” này là nguyên nhân và là đầu mối của mọi vấn đề rắc rối trên đời cho tự thân và tha nhân.

Lễ nghi và cúng tế, tự chúng không phải gây nhiều điều hại, chỉ khi nào ta tin tưởng đó là một phần của con đường đến Niết Bàn thì mới có hại. Chúng không cần phải có tính tôn giáo, dù rằng ta vẫn thường nghĩ như thế. Những hành động như dâng hương hoa trên bàn thờ, quỳ lạy hoặc tham gia vào các cuộc lễ có thể tích tụ phước báo để tái sinh vào các các cõi trời hay cao hơn. Nhưng sự thành tín, kính trọng và biết ơn đối với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) mới là điều quan trọng. Nhưng ngay cả lòng tin này cũng không chỉ giới hạn vào các hoạt động tôn giáo. Thực ra, mọi người trên thế gian đều sống với lễ nghi và cúng tế, cho dù có khi ta không ý thức về chúng.

Trong sự tương giao của con người, có những cách thức quy định để giao tiếp với cha mẹ, con cái, vợ chồng; cách xử sự thế nào trong công việc, với bạn bè, với người lạ… Tất cả những điều này đều liên kết với những định kiến về sự đúng đắn và thích hợp trong một văn hóa và truyền thống nào đó. Thế nhưng, hễ ta càng có ý kiến, ta càng rời xa thực tế. Ta càng tin tưởng, bám víu, cố chấp chúng, ta càng khó tháo gỡ bỏ chúng.

Ba kiết sử trên sẽ bị diệt trừ khi chúng ta thực sự sống với cái đang là, bởi vì chỉ có sự tỉnh giác từng thời khắc mới có thể làm được điều đó. Sự chú niệm này sẽ dần dần giúp ta tạo một tâm định thật sự. Trong đó, ta có thể xả bỏ mọi tư tưởng và hoàn toàn hòa nhập vào đề mục (có thể đó là một người đang làm ta đau khổ chẳn hạn). Ta không cần phải xô đẩy hình ảnh người đó ra khỏi tư tưởng của mình mà nó sẽ rớt đi theo cách riêng của nó, và sự an định trong giác niệm sẽ kéo đến.
Cũng như ta không cần phải tự ép buộc xả bỏ “hoài nghi”. Còn gì phải hoài nghi khi ta đã chứng nghiệm chân lý? Như khi ta tự đánh mình bằng một cây búa. Ta cảm thấy đau đớn mà không nghi ngờ chi cả, vì ta đã biết rõ như thế qua kinh nghiệm tự thân.

Chấp thủ vào tự ngã, lễ nghi cũng như giới cấm sẽ kết liễu thú vị hơn. Bởi vì khi ta đã chứng nghiệm được Tâm Đạo thì mọi vai trò chỉ còn là những ảo ảnh, là những cấu từ hư ngụy. Ta cũng có thể tiếp tục các lễ nghi, cúng tế, vì chúng vẫn còn hàm chứa những phần kính trọng, biết ơn và thành kính. Nhưng khi đó không còn cái kiểu lễ nghi để ứng xử với người khác, với tình huống và cũng không còn tạo dựng các “câu chuyện về tự ngã”, bởi vì các phản ứng của ta lúc đó là hoát nhiên với tâm Từ Bi rộng mở.

Nói chung, định hướng của sự tu tập chắc chắn là hướng về quả Dự Lưu (dự vào dòng Thánh – quả vị đầu tiên trong Tứ Thánh quả). Tuy nhiên, không có gì để chứng đắc, mà tất cả cần phải được xả bỏ. Nếu không làm như thế, ta vẫn tiếp tục khổ đau dài dài. Các vấn đề thông thường được tạo ra bởi cái “ngã” sẽ lại sinh ra, rồi cứ thế mà sinh ra mãi. Sự thay đổi thật sự chỉ đến khi nào có được một thay đổi rốt ráo về phương thức ta nhìn về ta.

Tóm lại, điều cần thiết nhất là phải luôn luôn tự nhắc nhở mình trong mỗi thời khắc và thức tỉnh rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là Vô thường và Vô ngã, không có một cái gì trường tồn cố định. Cho dù ta có một trực kiến về Vô ngã hay chỉ có kiến thức về điều đó, trong trường hợp nào ta cũng phải đem điều đó vào trong tâm và sống với nó càng nhiều càng tốt. Khi ta tiếp tục làm như thế, các vấn đề rắc rối thông thường sẽ bớt nảy sinh đi. Nếu ta giác niệm về tính Vô thường của mọi hiện hữu, thì các khổ đau, bất hạnh của ta cũng dường như không còn quan trọng nữa và quan kiến về “tự ngã” cũng sẽ từ từ thay đổi luôn.

Thứ đến là ta cần phải chánh niệm ngay cả trong và ngoài lúc hành thiền. Có nghĩa là giờ nào làm việc nấy, chú ý qua thân và tâm. Khi nghe Pháp, chỉ chuyên tâm nghe. Khi ngồi thiền, chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền. Khi trồng cây, chỉ biết trồng cây. Không kiểu cách. Không phán đoán. Việc làm này sẽ giúp cho tâm ý chúng ta quen dần với sự sống từng giây khắc, Làm như thế thì trạng thái an lạc, hạnh phúc sẽ đến tức khắc, không phải chờ ở một tương lai xa xôi, mà có thể xảy ra ngay lúc này và tại nơi đây. Điều quan trọng là ta phải tự cảnh giác thường xuyên, nếu không sẽ bị cám dỗ lôi cuốn (như thức ăn ngon, phong cảnh đẹp, đối tác dễ thương, tiền, tài, danh, lợi… ).

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi ta đã cố gắng mãi, tu tập mãi, ngồi thiền mãi… mà vẫn không tìm thấy hạnh phúc, an lạc; Sự đa đoan, đa dạng hay quá mơ tưởng về một ảo ảnh trong tương lai… không thể tạo được hạnh phúc, chỉ tạo ra vọng tưởng. Chỉ có người biết chấp nhận, biết dừng lại, biết nhìn ngắm lại chính mình và sống với đương niệm hay thực chứng được vạn sự là Vô thường, Vô ngã thì mới thật sự có hạnh phúc, vì chúng không hàm chứa hiện tượng. Tánh Không không thay đổi, không trở nên khó chịu, mà cũng không thiếu vắng sự bình an, vì không có gì để chao động nó. Cũng như không mong muốn gì sẽ giúp chúng ta có thể thực chứng được rằng thật ra trên đời này không có gì cả – chỉ có một sự bình yên, an lạc, hạnh phúc lâu dài và trọn vẹn.

 Minh Hương 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here