Khu phố thức sớm hơn mọi bữa, người đổ ra đường, chưng hửng rồi bàn luận lao xao. Những tiếng chửi giữa trời; những lời ta thán và hăm dọa mông lung; chuyện mất cắp đâu đó được kết nối lại, kéo dài đến sát giờ đi làm. Người khuyên cứ tới các đại lý sắt vụn sẽ thấy cổng của mình; kẻ bảo phải báo để công an vào cuộc. Người lo xa còn phân vân, không biết chúng chở bằng cách nào, chẳng lẽ hiên ngang kéo xe bò đi chở của trộm?! Tôi đau hết cả người khi bị chọc: “Đêm qua, vợ chồng ông làm gì mà kẻ trộm khiêng cổng, không biết?” Khổ chủ chống chế bằng nụ cười méo xẹo.
Mọi người đã vào nhà, riêng Hiến đứng ngẩn ngơ bên cái cổng trống. Thằng bé mím môi, nhăn mặt, chốc chốc lại lẩm bẩm: “Đến cổng cũng lấy. Hết hiểu nỗi!” Tội nghiệp, hôm qua nó thức cả buổi trưa, sơn lại cổng ngõ, tường rào chuẩn bị đón Tết. Nhìn mặt buồn như đưa đám của con, tôi động viên: “Cổng nhà mình cũng rỉ rồi, ba sẽ làm cái mới thật hoành tráng”. Tuồng như không nghe, nó vẫn lầm lì, mắt ánh lên vẻ bực tức.
Tuần trước, Hiến đã một phen buồn chán ăn, chảy nước mắt khi mất con chó nó quý như người bạn. Bữa đó, con chó đang lơ ngơ đứng trên vỉa hè trước cửa thì hai thằng mất dạy đè trên chiếc Dream trờ tới. Đoạn sắt dã man trong tay thằng ngồi sau lạnh lùng vung lên; con chó ẳng ẳng mấy tiếng rồi ngã vật ra. Hắn vọt xuống bỏ chó vô bao lác; chiếc xe rú ga, phóng đi như điên. Hiến lao theo nhưng chơi vơi trong khói bụi. Nhìn con với vẻ mặt ngơ ngác và tức giận lẫn bất lực, tôi xót xa.
“Con phải canh me, chộp cho được bọn này”. – Hiến rỉ tai tôi. Những ngày sau đó, nó cố tình phơi hớ hênh mấy cái quần Jin sát tường rào. Cả chiếc xe đạp mới tậu triệu rưỡi – phần thưởng cho Hiến thi đậu vào lớp Mười trường chuyên thành phố, nó cũng vờ sơ hở dựng ngay trong hiên. Tôi biết, sau cánh cửa khép hờ là đôi mắt trẻ không rời “mục tiêu bảo vệ” cùng đoạn gỗ để ngay dưới bàn học sẵn sàng tung chưởng. Tôi dặn con, nếu đụng kẻ trộm cũng không được đánh vào chỗ hiểm, chớ lạm dụng mấy miếng võ học được ở câu lạc bộ võ thuật mà xuất chiêu quá đà là rước họa vào thân đấy. Nghe thằng bé dọa: “Tên trộm nào lọt vào tay con, không hết đời cũng thành tật!”, tôi thấp phỏng nỗi lo xa. Nhưng ba ngày đã qua, chẳng tên trộm mạt vận nào mó vào mấy cái bẫy giăng sẵn của Hiến. Tính cầu an của tôi được vỗ về nhưng thằng con có vẻ cay cú, bứt rứt không yên. Suốt ngày thấp thỏm, nhong nhóng canh chừng thế kia thì còn học hành gì. Nghĩ thế, tôi bảo cu cậu dẹp trò rình rập khuất tất đi. Tôi phải nói lần thứ hai, nó mới chịu thôi trong miễn cưỡng.
Cũng từ đó, tư tưởng phòng gian của Hiến được nâng lên thấy rõ. Từ xe máy, xe đạp đến áo quần, cả mớ sắt nhựa phế liệu gom lại chờ đổi đồ đều được Hiến để gọn vào đâu đấy. Mấy chậu mai, chậu vạn tuế để xát tường cũng được Hiến di lý vào hiên cho xa tầm tay kẻ trộm, nếu chúng đứng ngoài đường. Qua nhà bạn kế bên mượn cuốn sách, nó cũng khóa cửa cẩn thận; rồi còn mua dây mắc thêm bóng đèn chiếu sáng nơi cổng. Chẳng bù khi trước, ngay bộ chìa khóa nhà mà Hiến cứ đánh mất hoài; hoặc lắm lúc để đâu không nhớ, tìm tháo mồ hôi. Đã qua rồi những lúc tôi bị quấy nhiễm khi đang làm việc ở cơ quan bởi giọng nheo nhéo của ông con trong điện thoại: “Con đi học về rồi. Nhưng sáng nay con quên cầm chìa khóa nên không vào nhà được”. … Tôi đoán, nếu kẻ trộm thập thò đâu đó, chờ chôm của nhà tôi, dù thèm rỏ dãi cũng bó tay, nản nòng.
Nếu chỉ dừng lại thế, tôi có thể vui trước sự “nên khôn” của con sau mấy lần mất cắp. Nhưng tôi ngờ ngợ không yên lòng thấy ánh mắt của nó thường xét nét xung quanh. Nghe tiếng rao của mấy ông mua sắt vụn, mấy bà ve chai, nó lập tức rời bàn học, để mắt tới ngay. Cả tiếng mời chào của ông mài dao kéo, “bấm lỗ tai không đau” cũng khiến nó dỏng tai, nghé mắt qua khe cửa. Nghe tiếng rì rầm của mấy cụ đi tập thể dục buổi sáng, nó liền nhón chân, ép mình vào góc tường, tia ra. Cảnh giác là tốt nhưng thái quá dẫn tới loạn thị, mù màu, nhìn đâu cũng thấy kẻ trộm thì hỏng. Không chừng, phía sau ánh mắt ấy là cõi lòng u ám khi nhìn đời, nhìn người thì nguy. Nghĩ thế, tôi định lựa lời chỉnh đốn lại suy nghĩ hình như bắt đầu có sự lệch lạc của con.
Hôm hai thợ sắt kéo cổng mới tới lắp đúng vào buổi trưa. Để chống mất, họ hàn cố định cánh cổng vào bản lề. Nhìn hai người thợ mồ hôi đẫm áo dưới nắng gắt lẫn trong luồng sáng xanh lét phát ra từ mỏ hàn, Hiến ái ngại: “Sao các chú không đội mũ?”. Nói rồi nó chạy vào nhà lấy mũ cho hai người. Đứng xớ rớ một lúc, nó lại lật đật đi lấy nước, bỏ cục đá lạnh vào ca, bưng ra. Tôi bảo Hiến ăn cơm rồi đi học. Thằng bé dạ dạ như hát bội trên sân khấu nhưng chẳng ngồi vào bàn. Tôi sẳng giọng: “Đã muộn giờ đi học rồi, có chịu ăn không, hả?” Hiến miễn cưỡng ngồi vào mâm, bưng bát cơm lên rồi đặt xuống. Nó nhăn mặt nhìn tôi, ngập ngừng: “Các chú đang làm mà mình ngồi ăn… con thấy sao sao ấy, ba ạ”. Tôi sực tỉnh, cúi xuống nhìn con.
Sau khi nghe ba có lời mời dùng cơm và những tiếng cảm ơn từ chối của hai người thợ, Hiến mới chịu cầm đũa. Nó uể oải và cơm, chốc chốc lại nhìn về phía hai người thợ đang tất bật dưới nắng. Tôi mừng khi cảm nhận được lời trong mắt con lúc này, khác hẳn khi mắt nó căng ra rình kẻ trộm.
N.T.H (Theo VHPG)