Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lời nguyện đầu năm

Lời nguyện đầu năm

149
0

Hướng về một thế giới xanh hơn

Đi trong dòng người tấp nập đến chùa trước Tết Nguyên đán, người ta cảm thấy tâm hồn ăm ắp những cảm xúc mơ hồ, nửa như hy vọng nửa như hoài mong về một điều ước có thể chưa thành trong quá khứ nhưng còn nguyên sự cấp thiết phải có, dù là hiện tại hay tương lai. Chúng ta ước mơ gì hôm nay trong thế giới “nóng, phẳng và chật” theo như Friedman trong tác phẩm mới của ông (Hot, Flat, and Crowded).

Chúng ta đi tìm lại hay tìm đến một thế giới xanh khi mà cả thế giới đang khủng hoảng vì “hiệu ứng nhà kính”, và về “khí thải” đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng ấm dần lên của quả đất và biến đổi khí hậu. Bản dự thảo Copenhagen tháng 12, 2009 chưa công bố chính thức đã gây bất bình nơi các nước nhỏ khi người ta đề ra mức cắt giảm khí thải bằng nhau giữa các nước giàu và nghèo, vốn tạo điều kiện cho các nước phát triển nâng gấp đôi lượng khí ô nhiễm. Quả đất nóng lên, đưa đến sự tuyệt chủng của một số loài sinh thực vật, tình trạng thiếu nhiên liệu, khiến người ta phải dựa nhiều vào dầu mỏ và không sao thoát khỏi vòng lẩn quẩn của công nghiệp hóa và tàn phá môi trường. Người ta kêu gào các quốc gia giàu có phải làm gì cụ thể để cứu trái đất, riêng Friedman kêu gọi nước Mỹ đi đầu trong cuộc “cách mạng xanh này” bằng cách tìm ra những công cụ, hệ thống nguồn năng lượng “sạch” và cả hệ giá trị đạo đức mới mà ở các doanh nghiệp gọi là CSR (Corporate Social Responsibility ) – trách nhiệm xã hội,… Tất cả, theo như những nhà xã hội học hay kinh tế học trong thời đại hiện nay thường gọi là phát triển bền vững (sustainability). Ở Việt Nam, tình hình còn nhiều điều bất ổn khi giới hữu trách chưa thật sự hữu hiệu và “sạch” trong việc siết chặt kỷ cương các nhà máy mà vụ Vedan chỉ là một trong hàng nghìn vụ đã phát hiện nhưng tiếc là xử lý quá “bao dung” (!).

Mơ ước một nền kinh tế “sạch”

Chưa bao giờ mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại gây nên nhiều quan ngại và bất bình trong dư luận như hiện nay: hầu như mặt hàng nào bày bán ngoài đường, trên sạp chợ, thậm chí trong siêu thị cũng đều có vấn đề, từ “thịt bẩn”, chả lụa có hàn the, sữa nhiễm melamine hay nước tương chứa 3-MCPD… Chúng ta mong sao cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay hơn và tích cực hơn để người dân nhờ chứ như hiện nay thì… quả thực là ra đường nhìn đâu cũng thấy… vi trùng (!).

Nền kinh tế sạch ấy còn bao hàm cả ý nghĩa rõ ràng, minh bạch về chủ trương, biện pháp, cơ chế sao cho mọi người tham dự đều tuân thủ luật chơi chung chứ không phải chỉ có lợi về một phía nào đó hay để tệ nạn tham nhũng xói mòn sự phát triển chung của toàn nền kinh tế và niềm tin của nhân dân mà ở khía cạnh này chúng ta còn rất nhiều việc phải làm khi chỉ đứng thứ 120 về chỉ số minh bạch theo Bản xếp hạng 2009 của Tổ Chức Minh bạch Thế giới (International Transparency).

Nền kinh tế “sạch” phải bao gồm cả cuộc cách mạng xã hội mà chúng ta thường mô tả trong sách giáo khoa là “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” hay xa hơn nữa là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Nói theo Phật giáo thì chúng ta phải san phẳng những bất công đến mức có thể để lợi tức được phân phối công bình hơn. Chúng ta biết rằng, một nền kinh tế tư bản tuyệt đối hay chỉ huy triệt để đều không mang lại kết quả thích hợp. Mô hình kinh tế nhiều thành phần, phát triển có định hướng là một mô hình nghe ra có thể áp dụng được với điều kiện phải hiện thực hóa những chỉ tiêu kế hoạch đề ra một cách công bình giữa các nhóm lợi ích, không phân biệt đối xử theo thành phần…

Tìm chân lý cho thời đại

Có người sẽ vội kêu lên: tôi đã có ý thức hệ, chủ nghĩa, tôn giáo của tôi rồi. Cần gì phải đi tìm cho mất thì giờ, hao tâm tổn sức. Xin thưa ngay rằng cái ý thức hệ, chủ nghĩa ấy có nằm trong tư duy, ăn sâu vào máu thịt quý vị chăng? Hay chỉ hùng hồn khi giảng thuyết, trước quần chúng, trong đoàn thể để rồi quí vị làm những điều, những việc mà không hề dựa theo hệ thống niềm tin nào – nếu hiểu ý thức hệ (ideology) là hệ thống những niềm tin đặc trưng cho tư duy của một cá nhân, một nhóm, hay một xã hội… Chúng ta đã phải khốn đốn vì cuộc xung đột giữa những người nhân danh triết thuyết này nọ “chụp mũ” những người khác theo lăng kính chủ quan của mình rồi vùi dập thậm chí loại bỏ ra khỏi đoàn thể, xã hội. Thầy Nhất Hạnh dùng từ prajnapti hay là những phương tiện chỉ bày chân lý, những hướng dẫn thực nghiệm, để thực hiện chân lý, mà không phải là chân lý bởi lẽ không thể có một prajnapti cho muôn thời, muôn xứ và muôn người. “Lịch sử Phật giáo là lịch sử của những sinh thành, tồn tại và biến diệt kế tiếp nhau của rất nhiều prajnapti, tất cả đều bắt nguồn từ thực nghiệm tâm linh của đức Phật trong lịch sử.” (TNH – Đạo Phât đi vào cuộc đời)

Chúng ta phải biết sử dụng hay ngồi (thừa = cưỡi) trên xe prajnapti để đi đến chân lý. Đồng thời phải có khả năng buông xả (upeksa) như Phật dạy “pháp chỉ là bè đưa ta qua sông”. Đến như Phật mỗi khi nói điều gì quan trọng, cũng chỉ nói “na punar yathociate” (Nói vậy mà không phải vậy). Có rất nhiều đoạn trong Kinh lặp lại câu ấy, cụ thể như trong Kinh Kim cang, ta thường nghe: “Phật nói không có pháp nào để thuyết, đó chính là thuyết pháp vậy…”

Tinh thần đó là tinh thần khoa học, thực chứng, rất cần cho thời đại chúng ta, một thời đại mà con người gây tai họa cho nhau chỉ vì khác chính kiến, niềm tin, ý thức hệ… Đó còn là thái độ tự do, cởi mở, dân chủ trong xã hội để vượt qua “sở tri chướng” trong lòng mỗi cá nhân. Đối diện với thực tại, đức Phật rất thực tế khi nói: “Này các vị, đừng nên thắc mắc về vấn đề vũ trụ này hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù nó hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng thì chúng ta cũng vẫn phải chấp nhận sự thực này trước tiên: đó là sự hiện hữu của đau khổ trên cuộc đời.” Chấp nhận bản chất cuộc đời như thế, chúng ta không bi quan trước việc quả đất ngày càng “nóng hơn, phẳng hơn, chật hơn” mà phải tích cực tìm phương sách cứu rỗi, không từ thần linh hay đấng anh hùng nào mà chính từ trong ý chí và tâm thức của mỗi công dân, sử dụng prajnapti của thời đại trên căn bản thực nghiệm, xuất phát từ việc nhận diện khổ đau và những thôi thúc thời đại, vận dụng prajnapti trên tinh thần khế lý và khế cơ. Làm được những điều ấy không chỉ là ước mơ của Mùa Xuân này mà của nhiều mùa Xuân sắp đến!

Đó chính là lời nguyện đầu năm!

N.C
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here